Sunday, July 26, 2020

LÒNG KỲ THỊ DA ĐEN CỦA NHIỀU NGƯỜI VIỆT (Mai Loan, Texas)





Mai Loan, Texas
19. Juli 2020

Câu chuyện thời sự
LÒNG KỲ THỊ DA ĐEN CỦA NHIỀU NGƯỜI VIỆT 

Lòng kỳ thị là một tính xấu tự nhiên đã có trong mỗi con người mà đôi khi khó giải thích hay lý luận để có thể dẹp bỏ được một cách dễ dàng, cho dù người nhiễm tính kỳ thị đôi khi cũng biết là nó vô lý nhưng không tránh được. Nó được biểu hiện một cách đơn giản là người ta có những cách thức đối xử không đồng đều với một người nào đó mà không dựa trên những tiêu chuẩn công bằng và hợp lý. 

Ngay cả một bà mẹ sinh ra nhiều đứa con nhưng rồi cũng tự nhiên có lòng thương nhiều hay ít một đứa nào đó so với những người con khác dù không giải thích được (khoan nói đến việc phán xét đức tính của những người con). Những lý do biện bạch thường chỉ là những hình thức nguỵ biện của người đời được lập đi lập lại để hòng thuyết phục người nghe chấp nhận sự kỳ thị, chẳng hạn như việc người Á châu thường dễ rơi vào tình cảnh thương đặc biệt người con cả hay con út trong gia đình. Nói theo nhà Phật, nó là trạng thái vô minh (ngu si) nên không hiểu rõ vấn đề, cũng thường được gọi là tuỳ miên.

Trong một xã hội đa chủng phức tạp như Hoa Kỳ, với sự hình thành từ nhiều cộng đồng đa sắc tộc trải dài trong suốt quá trình lập quốc và tăng trưởng, sự kỳ thị đương nhiên là điều không thể tránh khỏi, nhất là ngay từ ở lúc khởi thuỷ nó đã bất công khủng khiếp khi có một sắc dân da trắng được thừa hưởng cái quyền làm chủ nhân của lớp người da đen.

Mãi đến khi Tổng thống Abraham Lincohn quyết định đẩy mạnh chính sách bãi bỏ nô lệ cho người da đen sau cuộc nội chiến tương tàn, và Tu Chính Án số 13 được thông qua bởi Quốc Hội Hoa Kỳ vào năm 1865, sự kỳ thị người da đen coi như chấm dứt về mặt lý thuyết nhưng trong thực tế nó vẫn còn kéo dài hơn cả trăm năm sau, đặc biệt là tại hầu hết các tiểu bang miền Nam vốn chủ trương duy trì chính sách nô lệ, tuy đã đầu hàng phía liên quan miền Bắc.


Vì thế cho nên Quốc Hội Mỹ, dưới thời của Tổng thống Lyndon Johnson, đã phải thông qua hai đạo luật quan trọng là Civil Rights Act (năm 1964) và Voting Rights Act (năm 1965) để đẩy mạnh một cách cụ thể và mạnh mẽ hơn cho chính sách loại trừ sự kỳ thị đối với dân da đen nói riêng và dân thiểu số nói chung. Đạo luật đầu ngăn cấm những hình thức kỳ thị ở những nơi chốn công cộng, các cơ quan công quyền, ngăn cấm kỳ thị nơi chỗ làm cũng như trường học. Đạo luật thứ nhì đẩy mạnh hơn nữa những chính sách bảo vệ dân quyền cho người da đen và thiểu số trong việc sử dụng quyền đi bầu, nhất là tại các tiểu bang miền Nam vốn luôn tìm đủ cách để giới hạn quyền này dưới nhiều hình thức và chiêu trò quỷ quyệt. Một trong những phúc lợi từ đạo luật Voting Rights Act mà nhiều người Việt chúng ta đang thừa hưởng ngày nay chính là thể thức đi bầu sớm, đi bầu khiếm diện, đi bầu với lá phiếu bằng tiếng Việt tại những nơi mà tỉ lệ người Việt sinh sống lên cao đến một mức nào đó.

Dĩ nhiên, trong quá trình dài cả trăm năm đó, những thế hệ người da đen và thiểu số khác đã phải chịu đựng, rồi đấu tranh vất vả, hy sinh biết bao công lao và xương máu để cho các thế hệ con cháu sau đó được thừa hưởng, trong đó có thế hệ người Việt với đa số đặt chân đến sau biến cố tị nạn 30/4/1975. Bởi vì nếu không có những cuộc đấu tranh kiên trì và gian nan đó, không dễ gì lớp người da trắng cầm quyền từ lâu lại chịu buông bỏ cái thế hưởng lợi quá lớn mà cha ông họ đã để lại, và tìm cách in sâu trong não trạng của họ rằng chỉ có lớp dân da trắng mới là lớp người thượng đẳng, đứng trên các sắc dân khác.

Vì thế nên những ai còn lập luận rằng tại Hoa Kỳ ngày nay không hề có kỳ thị (vì đã có một người Mỹ đen được bầu làm tổng thống v.v.) thì điều đó chỉ phản ảnh một suy nghĩ phiến diện, thiếu sót và thiển cận, nhằm biện hộ hoặc che đậy những chính sách sai lầm và áp bức mang tính kỳ thị với những khối dân thuộc nhóm thiểu số, đặc biệt là khối người da đen.

Nhiều ngòi bút đã phân tích khá chi tiết và đầy đủ về bản tính kỳ thị người da đen của người Việt mình. Thí dụ ngắn gọn và dễ hiểu nhất để nói lên sự kỳ thị này qua việc nhiều người có thói quen thích gọi dân da đen bằng từ ngữ “Mọi”, cho dù người đó có thông minh và tài ba xuất chúng để có thể lên làm tổng thống đệ nhất siêu cường trong 8 năm trời, chẳng hạn như “thằng mọi đen Obama”, “thằng lọ nồi Obama”.

Trong một bài viết mới đây trên diễn đàn BBC có tựa đề “Người Mỹ gốc Việt trước cơn lốc chống phân biệt chủng tộc”, tác giả Trùng Dương, đã nhận định rất chính xác khi viết:

“Người Việt đến Mỹ mang theo nhiều di sản quí giá có, mà không đáng gì cũng có… Di sản không đáng mang theo là tinh thần kỳ thị đối với những chủng tộc khác, trừ người da trắng. Ai thuộc thế hệ tôi, những người hiện ở lứa tuổi 70 – 80 gần đất xa trời, hẳn đều nhớ hồi ở Việt Nam, người Việt có thói quen gọi tất cả những người thuộc dân tộc thiểu số, phần lớn sinh sống trên cao nguyên là Mọi, không coi họ là ngang hàng với mình. Ai cũng biết con lai đã bị đối xử thế nào, dưới thời thực dân Pháp cũng như sau này trong thời kỳ quân đội Mỹ tham chiến ở Miền Nam”.

Trùng Dương là một nhà văn nữ khá nổi tiếng đầu thập niên 1970 thời VNCH, từng là chủ nhiệm kiêm chủ bút của nhật báo Sóng Thần, mà kẻ viết bài này rất ái mộ và là độc giả hàng ngày sau khi bắt đầu mê đọc tờ báo Sống của nhà văn, nhà báo Chu Tử trước đó. Sau khi di tản sang Hoa Kỳ, nhà văn này dường như cũng có theo học ngành báo chí tại Hoa Kỳ, thỉnh thoảng có viết một ít bài đăng trên một số báo, nhưng không tích cực cầm bút trở lại trong các diễn đàn truyền thông tiếng Việt. Nhưng khả năng nhận định của bà vẫn sắc bén và chính xác, với văn phong vẫn luôn hấp dẫn người đọc. Xin mời đọc tiếp phần nhận định của tác giả về tâm lý và cách suy nghĩ của người Việt:

“Dù đã nhiều thập niên sống tại Mỹ, chúng ta vẫn có thói quen nhìn xuống những người có mầu da đậm hơn da mình. Tôi có chị bạn kể là khi con gái chị có bạn trai là người da đen, chị buồn và lo lắm. May sau cháu lấy một một người da trắng, lại có cấp bậc cao trong quân đội, lại vừa lên chuẩn tướng, chị hân hoan kể. Đã hẳn là chị không chịu được khi Hoa Kỳ có vị tổng thống da đen đầu tiên. Chị thù ghét vợ của ông ta tàn tệ. Tới nỗi tôi phải hỏi chị tại sao, bà ta có làm gì chị không, thì chị đáp: ‘Tại bà ta xấu quá’!
Chị bạn này không phải là người bạn gốc Việt duy nhất của tôi ghét Tổng thống Obama vì ông đen, dù tổ tiên không phải là dân Phi châu bị người da trắng bắt cóc mang bán làm nô lệ bốn thế kỷ trước. Có chị bạn kết tội ông cựu tổng thống da đen là tham nhũng, tôi hỏi sao biết, thì chị nói khi lên làm tổng thống, hai ông bà nghèo rớt mồng tơi, mà giờ ngồi trên bạc triệu. Chị không biết, hay không muốn biết, là cái đống bạc triệu ấy phần lớn là từ giao kèo cho hai cuốn hồi ký của ông bà. Chị bạn còn bảo tôi ‘chờ vụ Obamagate đang ra ánh sáng’ rồi khắc biết.

Chỉ trong hai đoạn ngắn như trên, nhà báo Trùng Dương đã mô tả đầy đủ cái tính xấu tệ hại và khó thể biện minh được nhưng tiềm ẩn sâu trong lòng nhiều người Việt nên từ đó nó mới dẫn đến những phát biểu hay cảm tính của họ, mà trớ trêu thay nhiều người không lấy làm khó chịu vì phải chăng họ cũng chia sẻ phần nào những suy nghĩ tương tự. Đáng ngại hơn nữa, điều này dẫn đến việc họ sẵn sàng đón nhận, rồi sau đó phát tán tứ tung, những loại tin tức giả trá được dựng đứng để bôi lọ, miệt thị, nhục mạ vợ chồng Obama, rồi đến Hillary, Joe Biden, đảng Dân Chủ v.v. và sau cùng là những người nào không ủng hộ Tổng thống Trump! Tệ nạn này dẫn đến việc đa số những người Việt cao niên, vốn kém khả năng ngoại ngữ, hoặc lười đọc tin tức trên các diễn đàn truyền thông bằng nguyên ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, nên chỉ thích đọc các bài viết trên các trang mạng tiếng Việt (với rất nhiều các bài được tung ra từ những người ở trong nước) hoặc một số các tay bình luận cực đoan tha hồ diễn giải vung vít như Dương Đại Hải, Nguỵ Vũ, Trần Nhật Phong, Trần Maicô, Đặng Văn Âu, Vũ Linh, Hoàng Lan Chi v.v.


Biến cố anh George Floyd bị một cảnh sát viên da trắng đè cổ bằng đầu gối cho đến chết tại Minneapolis rồi dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối, lúc đầu đi kèm với những vụ bạo động kinh hồn nhưng sau đó đã ôn hoà hơn nhưng vẫn tiếp tục kéo dài với sự tham dự ủng hộ của nhiều sắc dân khác, kể cả dân da trắng tại địa phương, vô tình cũng khiến cho tinh thần kỳ thị da đen của nhiều người Việt bị lộ ra xuyên qua phản ứng của nhiều người không đồng tình với những cuộc biểu tình này, thậm chí còn đánh đồng cả một phong trào đấu tranh của người da đen từ cả trăm năm qua như là những hành động nổi loạn, đập phá và hôi của v.v. Để từ đó, nhiều người dễ dàng chấp nhận những luận điệu vu cáo bừa bãi rằng phong trào biểu tình đó, được đại diện với cái tên Black Lives Matter (Mạng Người Da Đen cũng Đáng Trân Trọng), là do những bọn quá khích thiên tả nhằm lật đổ nước Mỹ để đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, hoặc tệ hơn nữa là cộng sản v.v.

Nhiều người cố tình quên rằng đã có nhiều vị lãnh đạo chính quyền đã khôn khéo trong cách ứng xử và đối phó với tình hình căng thẳng vừa qua, điển hình nhất là trường hợp đáng khen của Thị trưởng Sylvester Turner của Houston đã đồng lòng tham dự cuộc xuống đường hồi đầu tháng 6 từ khu Discovery Green đi đến Toà Thị Chính, quy tụ khoảng 60,000 người, có cảnh sát bảo vệ, diễn ra một cách ôn hoà, và được báo giới và người dân trên cả nước Mỹ khen ngợi. Cảnh Sát Trưởng Art Acevedo cũng tình nguyện đứng chung với đoàn biểu tình để bày tỏ sự ủng hộ, tuy rằng sự góp sức tích cực và hữu hiệu của ông có thể làm cho những người ủng hộ Tổng thống Trump hơi khó chịu khi ông phát biểu là “Tổng thống Trump tốt hơn là hãy câm miệng lại (thay vì phát biểu linh tinh và đổ dầu vào lửa kiểu ‘When the looting starts, the shooting starts’) nếu không biết cách giải quyết tình hình một cách ổn thoả.

Nhưng rất nhiều người đã luân lưu, phát tán rộng rãi một bản điện thư bằng tiếng Việt kèm với hình chiếc quan tài mạ vàng chở xác người đàn ông da đen chết dưới đầu gối của viên cảnh sát da trắng, đặt trong chiếc xe tang sơn trắng do ngựa kéo, đưa người quá cố tới nơi yên nghỉ cuối cùng, với những lời bình phẩm và diễn giải như sau:

“Đang là 1 tội phạm ma túy phút chốc trở thành thiên thần, với quan tài mạ vàng, có xe ngựa kéo, không khác gì Tổng thống, với hàng trăm nhân vật quan trọng trong đảng Dân Chủ, cùng hàng ngàn người tham dự.
Hàng trăm viên chức Chính Phủ quỳ mọp dưới linh cửu của ngài để tỏ lòng thành kính và ngưỡng mộ.
Quỹ tương trợ đám tang cho ngài đã quyên góp được trên 13 triệu đô la. Thành viên Dân Chủ của Quốc hội Mỹ đã quỳ cầu nguyện cho ngài và phong tặng ngài là Anh Hùng liệt sỹ. Nếu đảng Dân Chủ nắm đa số trong Quốc Hội, ngài sẽ được đặt tên đường. Tiểu sử của ngài tội phạm sẽ được đem dạy cho lớp trẻ. Các em sẽ theo gương ngài, không cần phải học hành. Cứ phạm tội xong vô tình tìm cách để cho cảnh sát bóp cổ chết, sẽ trở thành anh hùng đời đời đi vào lịch sử. Nếu chưa được trở thành anh hùng cũng thành triệu phú trong vài ngày.
Hy vọng ngài sẽ hiển linh để giúp đảng Dân Chủ nắm quyền từ trên xuống dưới như ước mơ của đảng.

Nhà báo Trùng Dương đã không ngần ngại phê bình một cách ngắn gọn nhưng rất chính xác rằng những lời phát biểu kể trên đúng là “những lời lẽ miệt thị, vô ý thức”. Nhưng liền sau đó, bà đã chia sẻ một mẩu tin nhỏ khá lý thú và đáng chú ý để thấy rằng quả tình cũng có nhiều người thuộc loại có trình độ và biết suy nghĩ chín chắn nhưng giờ đây cũng sẵn lòng chấp nhận tin tưởng những mẩu tin “fake news” đó như là điều có thật:

Chắc hẳn lời “tang điếu” này đã khiến một chị bạn của tôi, một nhà truyền thông gốc Việt và là người triệt để hỗ trợ Tổng thống Trump vì tin ông chống Trung Quốc, bất nhẫn trước một viễn tượng kết quả bầu cử tổng thống sắp tới có thể ngoài ý muốn đó, đã tuyên bố là nếu ông Trump thất cử và người của đảng Dân Chủ lên, chị sẽ… dọn về Việt Nam. Ba mươi lăm năm trước, như bao người miền Nam dạo ấy, chị đã xoay sở để di cư sang Mỹ lánh nạn cộng sản độc tài đảng trị. Tôi nghĩ chị cũng chỉ nói vậy trong cơn giận dữ.

Điều đáng nói là những lập luận và bình phẩm như trên được rất nhiều người Việt, nhất là lớp cao niên không rành tiếng Anh, và chỉ thích đọc các mẩu tin hoặc bài viết tiếng Việt truyền nhau trên các trang mạng xã hội, thỉnh thoảng còn kèm theo nhiều lời thêm thắt vào, đại loại như “Cảnh sát Mỹ làm vậy là đúng rồi. Nó là cái thằng tội phạm (George Floyd), cặn bã xã hội, vào tù ra khám bao nhiêu lần rồi. Nếu biết suy nghĩ kỹ, ai cũng thấy rõ ràng đây là một vở kịch của đảng Dân Chủ bày ra cho cả nước náo loạn để hại ông Trump mà thôi. Dân Mỹ ngây thơ quá, đi biểu tình bênh vực cho một thằng xài tiền giả.

Hoặc là “Ôi chuyện Mỹ đen, hơi đâu mình dính vô cho mệt.” Hoặc có người còn nặng nề hơn, thẳng thừng buộc tội: “Bọn này làm biếng và du đãng lắm, ở nhà ăn ‘welfare’ rồi hút chích, trộm cướp rồi bắn giết nhau.

Trong một bài viết khá công phu với tựa đề “Thảm kịch thành kiến chủng tộc”, tác giả Trần Thị Ngự cũng giúp cho người đọc thấy rõ tiến trình nhiều sự kiện trong lịch sử nước Mỹ không lấy gì làm tốt đẹp về những chính sách kỳ thị đối với người da đen, từ đó dẫn đến những phản ứng chống đối và nổi loạn, vô tình kéo dài cái thảm kịch này đến ngày nay. Theo tác giả, “thành kiến (prejudice) là thái độ, suy nghĩ, hay niềm tin vô căn cứ về một nhóm người. Đặc điểm của thành kiến là cá nhân bị/được xét đoán theo cả nhóm mà họ là thành viên. Thành kiến có tính tiêu cực, và những đặc điểm gán cho một nhóm nào đó thường là thấp kém hay không được xã hội mong muốn. Thành kiến của cá nhân cũng có tính cứng nhắc, khó thay đổi một khi nó đã ăn sâu vào tâm tưởng của người mang thành kiến, ngay cả khi có những bằng chứng trái ngược lại. Thành kiến giúp tạo ra các khuôn mẫu (stereotypes) để xét đoán cá nhân, thường có tính phóng đại, căn cứ vào tổng thể nhóm, chứ không dựa vào sự hiểu biết trực tiếp đối tượng. Cũng như thành kiến, các khuôn mẫu dùng để xét đoán cá nhân thường khó thay đổi một khi đã ăn sâu vào trí não.
Hệ luỵ của chế độ nô lệ và sau đó là phân chia chủng tộc (racial segregation) đã tạo ra nhiều thành kiến (prejudice) và những khuôn mẫu (stereotypes) về người da đen ở Mỹ. Trong thời kỳ nô lệ, khuôn mẫu về người da đen là ngu độn, thấp kém (inferior) và lười nhác được dùng để biện minh cho chế độ nô lệ. Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ, một trong những khuôn mẫu về người da đen là dơ bẩn và dễ truyền bệnh được dùng để lý giải cho chính sách phân biệt chủng tộc (segregation). Các văn bản pháp lý về phân biệt chủng tộc ngăn cấm người da đen không được dùng chung nhà vệ sinh, vòi nước uống và hồ bơi với người da trắng với giả định rằng người da trắng sẽ bị ô nhiễm bởi sự chung đụng.

Tác giả còn viết thêm rằng “Thành kiến và khuôn mẫu của người da đen là nguy hiểm, hung bạo và hay phạm tội (Blacks as criminals)… Các nghiên cứu cho thấy khi người da đen và người da trắng cùng làm một hành vi như nhau, hình ảnh người da đen bị cho là có tính cách đe doạ hơn. Tương tự, người da trắng thường cảm thấy sợ bị làm hại bởi người lạ da đen hơn là bởi người lạ da trắng.

Hình :

Sau khi nêu ra nhiều thí dụ đáng chú ý trong những thập niên gần đây cho thấy ảnh hưởng của thành kiến chủng tộc đã tác động đến cách hành xử của cảnh sát có nhiều khiếm khuyết cần phải chỉnh sửa, tác giả Trần Thị Ngự viết trong phần kết luận của mình như sau:

Các khuôn mẫu stereotypes được dựng lên bởi thành kiến (prejudice/bias) vốn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Cái nguy hiểm của thành kiến là một khi chúng đã ăn sâu vào tiềm thức, chúng trở thành “sự thật” đối người mang thành kiến, kể cả một số người thuộc nhóm đối tượng của thành kiến (như người da đen). Khuôn mẫu người da đen phạm tội không những gây ra nhiều cái chết oan uổng mà còn vùi dập cuộc sống của phần lớn người da đen nghèo khổ. Những chính sách xã hội áp dụng cho những người từng vướng vào pháp luật đã không cho cộng đồng người da đen cơ hội để tiến lên như những nhóm chủng tộc và sắc tộc khác ở Hoa Kỳ.

Riêng nhà báo Trùng Dương cũng chia sẻ vấn nạn này đã lan vào trong gia đình của chính bà, và phải chăng cũng đã xảy ra với nhiều gia đình người Việt khác tại Hoa Kỳ hiện nay liên quan đến chuyện bênh hay chống phong trào biểu tình tranh đấu của BLM. Người con trai lớn của bà theo đảng Cộng Hoà, có phần nào không ủng hộ những cuộc biểu tình, trong khi hai người em gái “có quan niệm chính trị phóng khoáng… có thái độ bao dung hơn, nếu không nói là có cảm tình, đối với cuộc tranh đấu của người da đen nói riêng và da mầu nói chung, chống lại sự phân biệt chủng tộc.

Nhân dịp này, tác giả Trùng Dương cũng đưa ra một phân tích xác đáng mà nhiều người Việt nặng tính kỳ thị có lẽ ít có dịp nào lắng lòng xuống để nghiền ngẫm và thấy rằng phải chăng chúng ta cũng phải mang ơn những người da đen đã đấu tranh bằng xương máu của họ để mình được thừa hưởng như ngày nay. Hãy nghe bà giải thích: “Người Việt đặt chân tới Mỹ vào giữa thập niên 1970 khi cỗ bàn dân quyền dù chưa toàn hảo đã được bầy sẵn, chỉ việc ngồi vào bàn ăn. Ít ai hỏi cỗ bàn đó do đâu mà có. Đó là do những cuộc tranh đấu gian khổ đẫm máu của người da đen trong phong trào tranh đấu đòi quyền công dân vào giữa thập niên 1960. Đấy là chưa kể cuộc tranh đấu kéo dài trên bẩy thập niên của phụ nữ Mỹ đòi quyền đầu phiếu. Và cả những cuộc phấn đấu của người Mỹ gốc Á, cũng không ngoài mục đích đòi quyền con người không phân biệt chủng tộc hay cái giống.
Họ phấn đấu để hoàn tất nền dân chủ chưa hoàn hảo của Hoa Kỳ vì các vị lập quốc khi viết bản Hiến Pháp 254 năm về trước chỉ mới nghĩ được tới quyền bình đẳng riêng của người đàn ông da trắng. Chính các dân thiểu số da mầu đã và đang giúp cho nền dân chủ Hiệp Chủng Quốc trở nên hiện thực và toàn hảo hơn.

Hình :

Trong một bài viết vào tháng trước để đả kích thành kiến nặng nề của nhiều người Việt đối với người da đen, kẻ viết bài này đã giải thích vì sao người da đen đã phải chịu đựng sự kỳ thị trong một thời gian dài trước khi có những người can đảm dám đứng lên chống đối, như trường hợp của một phụ nữ Mỹ đen như Rosa Parks, vào năm 1955 đã dám phản kháng việc kỳ thị không cho người Mỹ đen được ngồi trên ghế xe buýt công cộng (vì chỉ ưu tiên cho Mỹ trắng) khiến bà bị bắt giữ và dẫn đến nhửng cuộc xuống đường rầm rộ khắp nơi để bầy tỏ sự ủng hộ bà và phản đối chính sách bất nhân này (như chính sách kỳ thị với dân da đen vẫn còn hiện hữu tại nhiều cơ quan cảnh sát ở Mỹ). Và nếu không có những sự đấu tranh đó thì có lẽ cộng đồng người Việt không dễ dàng ngóc đầu ở nước Mỹ để trở thành giầu có và tự do đi đứng trên bất cứ phương tiện di chuyển nào như ngày nay.

Black American urge addmission of the Indochinese Refugees

Kế đến là chuyện gần đây nhiều người đã chịu khó lục lọi trong đồng hồ sơ và tài liệu trước đây để cho thấy là vào ngày 19/3/1978rất nhiều người Mỹ đen, thành danh trong nhiều lãnh vực từ giáo dục đến kinh tế và chính trị, đã cùng nhau quyên góp tiền bạc để đăng một trang quảng cáo trên tờ New York Times (rất tốn tiền) để yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ hãy mở rộng vòng tay đón tiếp những dân tị nạn khốn khổ tại các nước VN, Lào và Cam Bốt, có thể được nhận vào nước Mỹ trong lúc họ đang tạm trú tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á hoặc lênh đênh chưa biết sống chết ra sao trên biển cả. Người Việt mình thường hay tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến, và hay lấy câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để dạy dỗ con em đừng quên ơn những người đã từng cưu mang mình. Giờ đây, việc chúng ta có những định kiến kiểu chụp mũ tai hại kể trên có phải là hành động của kẻ biết nhớ ơn người đã giúp đỡ mình hay không.

Cũng phải nói thêm rằng nhờ có sự tranh đấu bền bĩ và tốn kém xương máu to lớn của cộng đồng da đen tại Hoa Kỳ trong cả trăm năm qua mà cộng đồng người Việt chúng ta mới có cơ hội tốt lành để được định cư và hội nhập thành công một cách mau chóng. Đúng ra, sự có mặt dễ dàng để an cư lạc nghiệp mau chóng của người Việt mình là nhờ vào sự hy sinh của biết bao thế hệ những lớp người di dân gốc thiểu số khác đã phải trải qua như khối người Tầu làm lao công tại các đường rầy xe lửa từ cả thế kỷ trước, các đợt người Mỹ gốc Nhật đã phải bị giam vào trại tù trong thời Đệ Nhị Thế Chiến cho dù con em họ chiến đấu và trung thành với quân đội Mỹ, và dĩ nhiên là sự kiên trì tranh đấu của cộng đồng Mỹ đen để cải thiện đời sống và nâng cao quyền lợi của mọi cư dân trong nước Mỹ. Đừng vội lầm tin vào huyền thoại sai lầm về “mô hình người thiểu số mẫu mực” (model minority) để lập luận rằng người Việt mình không hề bị kỳ thị vì chịu khó, cố gắng v.v. trong khi người Mỹ đen lười biếng, ăn gian, v.v.

Hãy thử tưởng tượng nếu như biến cố 30/4/1975 xảy ra vào hai thập niên trước đó, chắc chắn là lịch sử của cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ, sẽ khác hẳn và không thể tốt đẹp, tươi sáng như ngày nay. (Và nhiều phần là khối người tị nạn cộng sản sẽ khó lòng được một vị Tổng thống như ông Trump và khối người Mỹ trắng ít học ủng hộ ông cuồng nhiệt với chiêu bài Make American Great Again giang tay đón nhận vào nước Mỹ, như đã xảy ra với các TT Ford, Carter v.v.)

Nhà báo Trùng Dương cũng nhắc lại sự kiện như trên: “May mắn thay giới trẻ gốc Việt không chia sẻ cái nhìn thiển cận của cha anh mình. Họ không quên nhắc nhở các bậc cha anh về việc vào cuối thập niên 1970 khi hàng trăm, chục, vạn người Việt lánh nạn cộng sản bị kẹt ở những trại tị nạn trong vùng Đông Nam Á, một nhóm trí thức da đen đã mua nguyên một trang báo của tờ New York Times để kêu gọi chính phủ Mỹ mở cửa giúp họ được định cư tại Mỹ.
Trang Web diacritics.org của nhóm trẻ Diaspora of Vietnamese Artist Network cũng đã dành số đặc biệt tháng này để xác định chỗ đứng bên cạnh người da đen chống lại bạo lực của cảnh sát. Trang Pivot cũng có bài viết về người Việt và người da đen.”

Và bà đã có kết luận ngắn gọn và chí lý: “Giới trẻ gốc Việt đã không im lặng. Tôi cảm thấy hãnh diện về họ. Cầu xin chúng ta sẽ sớm qua các cơn dịch bệnh hiện tại.” Kẻ viết bài này cũng cảm thấy ấm lòng và chân thành đội ơn một ngòi bút đàn chị rất đáng ngưỡng mộ.  Và vui mừng lạc quan với lớp người trẻ gốc Việt, ắt hẳn là không mang nặng thành kiến khó gột rửa được trong đầu của thế hệ cha anh họ, cho dù là đứng trước những bằng chứng trái ngược lại.  

MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 14 tháng 7/2020

---------------------------------------------

XEM THÊM









No comments: