Tác giả: Erling Bjøl
Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ
02/07/2020
Ảnh bìa sách USA’s historie của Erling Bjøl
Thời gian bão tố 1964 – 1973
Thời gian này bắt đầu từ Eisenhower và Kennedy. Lyndon B. Johnson rồi sẽ hứng bão. Dưới thời của ông và của Richard Nixon, Hoa Kỳ đã lâm vào những cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề nhất kể từ sau cuộc nội chiến.
Không phải phong cách hay tính khí đã tạo ra sự bi thảm ở con người Johnson. Ông vốn giản dị và thô lỗ. Tuy vậy, giai đoạn ông làm tổng thống quả thật bi thảm. Khởi đầu, Johnson là một trong những nhà cải cách lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, một bậc thầy không ai có thể so sánh, cả trước đó hay sau này. Ông đã thông qua được ở Quốc hội rất nhiều dự luật, có lẽ chỉ ngoại trừ Franklin Roosevelt mới làm được việc này trong 100 ngày đầu chấp chánh nổi tiếng.
Năm 1964, ông đã thắng cuộc bầu cử tổng thống với kết quả chưa từng thấy trước đó, với 43 triệu lá phiếu so với 27 triệu lá phiếu của đối thủ. Không một tổng thống nào, kể từ Lincoln, đã làm quá nhiều cho thiểu số người da đen như ông. Không ai đạt được kết quả nhiều hơn ông trong việc tranh đấu cho quyền lợi xã hội kể từ thời Roosevelt.
Kennedy cũng đã từng nói đến chuyện vận động nước Mỹ. Chính Johnson đã thực hiện việc này. Nhưng chỉ ba năm sau khi đạt được những chiến thắng to lớn, ông đã đầu hàng năm 1968, quỵ ngã, mất ngủ, gần như khủng hoảng tinh thần. Ông bị đánh gục vì một cuộc xung đột vũ trang ở một quốc gia xa xôi mà ông chỉ có những kiến thức mơ hồ về nó vào năm 1960, lúc ông chấp thuận làm ứng cử viên phó tổng thống cùng liên danh với Kennedy.
Khác với Kennedy, Johnson xuất thân là một người dân bình thường, từ miền Tây Nam, không phải là sản phẩm của môi trường giai cấp thượng lưu ở các tiểu bang miền Đông. Ông mang tính cách miền Tây nhiều hơn miền Nam, mặc dù quê nhà là tiểu bang Texas, Stonewall, Blanco Country, nơi ông lớn lên, vùng đất cũ của dân cao bồi. Ông nội ông, niềm hãnh diện của cậu bé Johnson, là một cao bồi chính tông.
Johnson kiểm soát được ê-kíp nhân sự cốt cán của mình. Nhưng chính sách đối ngoại và tình trạng tâm lý đã đánh gục ông. Không ai có thể đối phó với quốc hội giỏi như ông. Nó khỏa lấp chân trời viễn tưởng của Johnson nên ông đã thất bại khi đối mặt với thế giới bên ngoài.
Với Richard Nixon thì ngược lại. Những sai lầm trong chính sách đối nội cuối cùng đã biến ông trở thành vị tổng thống bị căm ghét nhất từ thời Andrew Johnson. Bù lại, dần dần ông được sự kính nể trong lịch sử Hoa Kỳ về chính sách đối ngoại, mặc dù ông là tổng thống đầu tiên phải từ chức để tránh bị bãi nhiệm – và dù ông đã có một chiến thắng kỷ lục trong cuộc bầu cử Mỹ năm 1972, nhiều hơn cả Johnson, với 47 so với 29 triệu lá phiếu.
Trong cả 2 trường hợp, người ta có thể tạm cho rằng không phải các vị tổng thống đã thắng nhưng các ứng cử viên đối thủ đã thua đậm. Cả Johnson và Nixon đã thắng các ứng cử viên đối thủ cực đoan dễ dàng. Barry Goldwater thuộc đảng Cộng Hòa phe cực hữu. George McGovern thuộc đảng Dân Chủ phe cực tả. Đại đa số, “cái đa số thầm lặng” theo cách gọi của Nixon, là nằm ở giữa.
Quyền lợi của người da đen
Sau biến cố Birmingham (1), Kennedy được khuyên phải thật sự nỗ lực chống lại sự phân biệt đối xử với thiểu số người da đen. Ông yêu cầu Quốc hội chấp thuận dự luật mới để hình sự hóa việc phân biệt chủng tộc. Trước khi guồng máy pháp luật khởi động tích cực, ông bị ám sát. Lyndon B. Johnson là người kế vị thích hợp nhất để thông qua các đạo luật cải thiện đời sống của người da đen.
Ngoại trừ khoảng thời gian ngắn trong những năm 1935-1936, khi cầm đầu chương trình New Deal (2) dành cho giới trẻ ở Texas, ông cư trú ở Washington. Năm 1931, lúc 23 tuổi, sau lần hành nghề dạy học ngắn ngủi, ông được tuyển dụng vào làm việc trong ban tùy viên quốc hội. Nhân cuộc bầu cử bổ sung năm 1937, ông được bầu vào Hạ Nghị Viện trong tình trạng khẩn cấp, lúc Roosevelt đang đụng độ với Tối Cao Pháp Viện. Bằng sự trung thành vô điều kiện, nhà chính trị trẻ tuổi là một thành viên yêu thích của FDR (3) trong Quốc hội.
Năm 1948 ông được bầu vào Thượng Nghị Viện và trở thành người xách cặp táp cho thượng nghị sĩ đầy quyền lực Richard Russell của tiểu bang miền Nam Georgia, một người chỉ biết lao đầu vào công việc, giống như chính ông. Chỉ có cuộc sống ớ Thượng Viện, một câu lạc bộ chọn lọc kỹ nhất thế giới, là hiện hữu đối với cả hai. Johnson ít khi ngủ quá 4 tiếng đồng hồ và thu thập không biết mệt mỏi các thông tin – sự hiểu biết về dự luật, mọi chi tiết đáng quan tâm trong đời sống riêng tư của từng thượng nghị sĩ, những yếu điểm và hậu thuẫn chính trị. Ông trở thành nguồn cung cấp không bao giờ cạn cả về kiến thức hữu ích lẫn những câu chuyện mua vui tầm phào.
Đây là một phần để giải thích tại sao ông có được quyền lực nhanh như vậy. Ngoài ra, ông có một chân ở phía Nam và một chân từ quá khứ New Deal. Điều này đã giúp ông có được thuận lợi chiến lược trong việc đoàn kết khối liên minh hỗn hợp nhiều màu sắc tạo thành đảng Dân Chủ. Năm 1953, ông là trưởng nhóm và năm 1955 khi đảng chiếm đa số, ông là thành viên có nhiều quyền lực nhất trong Thượng Nghị Viện – cùng với khả năng thuyết phục không thể cưỡng lại trong các cuộc thảo luận tay đôi. Luật Dân Quyền từ năm 1957 của Eisenhower phần chính là tác phẩm của Johnson.
Sau khi Kennedy chết, ông đã có thể quay trở về sân nhà. Vụ ám sát chấn động đạo đức quốc gia đã tạo ra hoàn cảnh tương đối đặc biệt thuận lợi cho dự luật dân quyền mới vốn là một trong những mong ước cuối cùng của vị cố tổng thống. “Không một tượng đài, không một bài diễn văn ca ngợi nào vinh danh tổng thống Kennedy tốt hơn là việc thông qua càng sớm càng tốt bộ Luật Dân Quyền mới mà cố tổng thống đã tranh đấu cho nó”, Johnson đã tuyên bố như vậy.
Tháng 7 năm 1964 ông ký bộ Luật Dân Quyền mang linh hồn của Kennedy nhưng là tác phẩm của chính ông. Bộ luật này cấm sự kỳ thị chủng tộc trong mọi chương trình xã hội nhận được sự hỗ trợ của Washington, đồng thời ở tất cả các địa điểm công cộng – khách sạn, tụ điểm ăn uống vui chơi và tất cả các dạng sinh hoạt public facilities. Các văn phòng xã hội địa phương được thành lập để giải quyết vấn đề kỳ thị chủng tộc và một ủy ban tư vấn bất bình đẳng ngăn chận chuyện kỳ thị chủng tộc trong thị trường lao động. Biện lý liên bang có quyền đẩy mạnh việc hòa nhập sắc tộc trong học đường.
Bộ luật trên đã bảo đảm số phiếu của người da đen ở các tiểu bang miền Bắc dành cho Johnson trong kỳ bầu cử tổng thống. Tuy vậy, ở miền Nam, người ta vẫn tránh né luật bầu cử đã có từ năm 1957. Tu chính hiến pháp thứ 24, có hiệu lực năm 1964, cấm việc dùng thuế – poll tax – như điều kiện để được quyền bỏ phiếu bầu cử. Nhưng người ta vẫn có thể loại những người Mỹ gốc Phi ra khỏi đợt bầu cử vòng sơ bộ và tổng tuyển cử bằng cách gạt bỏ họ ra khỏi danh sách cử tri. Johnson đã không biết đến chuyện này vào năm 1957, nhưng sau khi thắng kỳ bầu cử tổng thống, ông đã đưa sự kiện này ra trở lại năm 1965.
Luật liên bang kiểm soát danh sách bầu cử được Martin Luther King nêu ra trong cuộc xuống đường phản đối diễn ra từ Selma đến thủ đô Montgomery, Alabama. 15.000 người da đen sống ở Selma nhưng hầu như không người nào được ghi vào danh sách cử tri. Cảnh sát địa phương lại đàn áp tàn bạo những người đi biểu tình cho dân quyền. Đài truyền hình khắp nước chiếu lại các cảnh đàn áp. Johnson mặc kệ những kẻ lên cơn động kinh, ông huy động quân đội liên bang đến tái lập an ninh trật tự. Đồng thời, ông đến Quốc hội đọc một bài diễn văn sắc bén chống nạn kỳ thị chủng tộc mà chưa một tổng thống nào làm được. Ngày 06/08/1965 ông ký một luật bầu cử thật chặt chẽ bảo đảm quyền đầu phiếu cho người da đen.
Sự trả thù của xóm nghèo (ghetto)
Năm ngày sau mối thù hận chủng tộc đã bùng nổ dữ dội tại khu vực Watts ở Los Angeles, một quận chỉ có người da đen sinh sống. Đây là cơn chấn động đầu tiên trong hàng loạt các chấn động sẽ xảy ra tại các thành phố lớn ở Mỹ trong những năm sắp tới. Ngòi lửa là một chuyện tình cờ vô nghĩa. Cảnh sát giao thông bắt giữ một người Mỹ da đen lái xe trong tình trạng say xỉn. Anh ta chống cự lại. Lúc đó có rất nhiều người ngoài đường trong đêm hè nóng ẩm. Hàng trăm người đã nhanh chóng bao vây các nhân viên cảnh sát. Cảnh sát tăng viện. Họ bị chửi rủa. Môt phụ nữ da đen trẻ tuổi đã nhổ nước bọt vào cảnh sát. Cô ta bị bắt. Cảnh sát bị tố cáo đã hành hung một người mang bầu. Cô ta choàng lên người một cái áo tơi rộng (poncho) khiến người ta tin là cô sắp có con. Những người da trắng lái xe xuyên qua Watts bị chận lại, lôi ra khỏi xe và đánh đập. Lực lượng cảnh sát được tăng cường thêm. Ngày hôm sau bạo động nổ ra kinh hoàng hơn. Cửa kính tiệm bị đập, cửa hàng bị cướp, hết căn nhà này đến căn nhà khác bị đốt cháy trong khi đó người ta hát vang một điệp khúc đang thịnh hành: burn, baby, burn!
Phải mất 5 ngày Watts mới yên tĩnh trở lại. 34 người bị giết và 1032 người bị thương. Matin Luther King đã đến thành phố này. Khi ông đang đi giữa đống tro tàn, giữa những căn nhà bị đốt, một vài thanh niên người Mỹ da đen đi tới và nói với ông: “Chúng ta đã thắng!” Ông trả lời: “Làm sao các cậu có thể nói như vậy khi 34 người da đen đã mất mạng, môi trường sống địa phương bị phá nát và người da trắng dùng nó như một lời xin lỗi để không làm gì cả?”. Đám thanh niên lặp lại: “Chúng ta đã thắng! vì chúng ta đã khiến họ phải chú ý đến chúng ta!”
Đây là một thế hệ mới đang tìm những người lãnh đạo mới và những phương pháp mới. Đây là cuộc chạm trán giữa dân da đen ở các tiểu bang miền Bắc và miền Nam. Tất cả những gì King đạt được trong dự luật mà Johnson đã thông qua ở quốc hội đều liên quan đến các tiểu bang miền Nam. Những quyền lợi thiểu số người da đen ở miền Nam giờ đây nhận được thì những người Mỹ gốc Phi châu ở các tiểu bang miền Bắc đã có trên giấy tờ từ sau cuộc nội chiến. Nhưng, trong thực tế, không hề có sự bình đẳng nào cả. Đa số người da đen vẫn phải chen chúc tập trung sống trong các xóm nghèo bẩn thỉu (ghetto) ở thành phố lớn, càng lúc càng đông người. Họ bị chặn nhốt bởi một bức tường vô hình, âm mưu không thể công kích của dân môi giới bất động sản, bọn đầu cơ nhà đất, ngân hàng và chủ nhân khu phố lo sợ bất động sản bị xuống giá tại những khu vực dân da đen dọn vào. Chuyện này dẫn đến sự xuống cấp nhà ở, giáo dục tệ hại hơn, thất nghiệp gia tăng, gia đình đổ vỡ và các bà mẹ phải sống một mình nuôi con nhiều hơn. Mức độ thất nghiệp năm phần trăm trên toàn quốc có nghĩa là ba mươi phần trăm giới trẻ bị thất nghiệp ở các xóm nghèo.
Watts là khu xóm nghèo hạng sang, với những đại lộ, những cây dừa phơ phất lá, những bãi cỏ xanh, những ngôi nhà một tầng sơn trắng và số lượng lớn xe hơi. Nó rất khác biệt với những khu hôi hám, xuống cấp nặng, ảm đạm của dân da đen ở Harlem và Chicago. Los Angeles là một trong những thành phố của Hoa Kỳ có mức độ hòa nhập sắc tộc cao nhất. 650 000 người da đen trong thành phố tương đương với 17 phần trăm dân số, nhưng đã chiếm 20 phần trăm ghế ngồi trong ban quản trị thành phố. Lực lượng cảnh sát đa sắc tộc nhiều đến mức không thể tìm riêng một toán cảnh sát da đen để gửi đến Watts. Trong 68 thành phố lớn ở Mỹ, không nơi nào những người da đen có lợi tức trung bình cao hơn, môi trường học vấn tốt hơn, việc làm nhiều hơn và ít phạm pháp nhất như L.A.
Khi Watts tiên phong bùng nổ, có lẽ là do lòng tự tin của người da đen ở đây biểu hiện lớn hơn các nơi khác. Nhưng cuộc nổi loạn cũng vạch ra tính cách bi đát mà nhiều thế hệ bị đàn áp cay đắng, nhục nhã và khinh thường vốn đã hằn sâu trong tâm hồn dân da màu ở Hoa Kỳ. Alistair Cooke, một trong những nhà quan sát sâu sắc nhất Âu Châu, chuyên về Hoa Kỳ, đã giải thích như sau:
“Cần phải cẩn thận khi chỉ ra nguyên nhân dẫn đến biến động xã hội. Nhưng có một nguyên nhân chính rất hiển nhiên mà không một nhà xã hội học nào dám nêu ra. Tôi cho rằng gốc rễ của tình trạng hỗn loạn vô chính phủ này là do những người Mỹ gốc Phi châu nghèo khổ đã ganh tỵ người da trắng. Không phải vì quyền đầu phiếu hay học vấn của người này, nhưng chính là những phúc lợi người này đang có và tất cả những gì anh ta được cung cấp. Dù Watts có thiếu cái gì đi chăng nữa thì cũng không thiếu những cái ăng ten TV. Tôi cho rằng nếu người ta phải ngồi cả ngày trong căn phòng khách nghèo nàn, bao quanh bởi một lũ trẻ nghịch ngợm liều lĩnh và một bà mẹ mệt mỏi – 2 trong số 4 gia đình có người cha nằm nhà – và lúc nào người ta cũng thấy những đứa con gái khôn ranh trong những chiếc xe hơi – và các mục quảng cáo thuốc lá, những thanh niên da trắng bay bướm, những gia đình có những cái máy giặt mới và những ngôi nhà đẹp giữa hàng cây tùng vừa mua bằng tiền vay được từ một ông thánh có mái tóc bạch kim ở một ngân hàng hảo tâm, người ta sẽ nghĩ đó là cuộc sống suốt ngày đêm của người da trắng. Họ có tất cả: quyền đầu phiếu, những công việc tốt nhất, học vấn (nếu họ quan tâm), mọi điều tốt đẹp, tiền bạc và những cô gái xinh đẹp. Một loại suy diễn đã thanh trùng, ngu xuẩn theo cách tưởng tượng của một Âu Châu cũ là tất cả người Mỹ đều giàu có” (BBC, Mùa Xuân 1965).
Watts đã vạch ra một con đường mới: con đường bạo lực. Con đường này đã đi vào từ thành phố này đến thành phố khác. Năm 1966, bạo động nổ ra trước tiên ở Washington, kế tiếp là Cleveland, rồi đến Des Moines và Chicago. Đến cuối năm, 43 thành phố đã trở thành nạn nhân của các cuộc nổi loạn chủng tộc. Năm 1967 bạo động bắt đầu ở Omaha và đài tưởng niệm ở Newark và Detroit. 43 người bị giết. Tổng cộng các cuộc nổi loạn đã xảy ra ở 164 nơi với 83 người chết. Toàn nước Mỹ như chìm trong biển lửa.
Giới trẻ ở các ghetto tụ họp quanh các nhà tiên tri mới. Ủy ban hỗn hợp đen-trắng, Students Nonviolent Coordinating Committee, hoạt động tại các tiểu bang miền Nam nhằm bảo đảm quyền đầu phiếu cho người da đen, đã bầu lên năm 1966 một chủ tịch mới: Stokely Carmichael, người tung ra khẩu hiệu Black Power. Người ta không cần dân da trắng nữa. Một chủ nghĩa da đen khai triển với cảm hứng đến từ giáo sĩ đạo hồi Malcolm X và từ một Châu Phi mới. Hầu hết các người đấu tranh dùng từ honky để miệt thị người da trắng, một từ phản nghĩa với nigger. Ai đã giành được các huy chương Thế Vận Hội? Anh hùng thể thao vĩ đại người da đen, nhà quyền anh hạng nặng Cassius Clay, đã trở lại đạo Hồi và tự gọi mình là Muhammad Ali. Black is beautiful. Người ta để tóc mọc dài theo kiểu lóng mía Phi Châu.
Watts đã làm Johnson chấn động. Ông cảm thấy mình đã làm nhiều cho dân da đen hơn các tổng thống khác kể từ thời Lincoln. Đây là lời cảm ơn sao? Sau khi tự vấn, ông thú nhận là phải giải quyết nhiều vấn đề trong ghetto. Chúng có vị trí hàng đầu trong các chương trình cải cách xã hội to lớn mà ông tung ra với khẩu hiệu The Great Society. Tuy nhiên, nỗ lực của ông dần bị tê liệt vì Việt Nam. Sự cấp tiến của giới trẻ trong các ghetto cũng phải được xem xét trong bối cảnh cuộc chiến tranh càng lúc càng ám ảnh một nước Mỹ da trắng. Bọn trẻ luôn lấy một phần cảm hứng và khẩu hiệu từ cuộc nổi loạn của giới trẻ da trắng bắt đầu từ California, một năm trước Watts. Mối căm thù the honkies hầu như không giảm bớt khi họ đem Selma ra so sánh với lối hành xử của cảnh sát đối với giới trẻ da trắng nổi loạn. Một bên thì dùng chó dữ, vòi rồng chữa lửa và dùi cui còn một bên thì dùng găng tay bằng lụa.
Sinh viên nổi loạn
Cuộc nổi loạn toàn cầu của giới trẻ trong những năm 1960 có khúc nhạc dạo đầu (overture) ở Nhật Bản. Nhưng, thực ra, nó bắt đầu từ trường đại học Berkeley, nằm ngoài San Francisco, và âm điệu bị dập tắt ở đó. Khởi đầu là một cuộc biểu tình nhỏ chống tờ báo Oakland Tribune ngày 04/09/1964. Cuộc biểu tình phản đối chủ trương kỳ thị chủng tộc của tờ báo. Trong kỳ nghỉ hè, số sinh viên từ Berkeley đông hơn từ các trường đại học khác đã có mặt ở Mississippi để làm việc về các vấn đề liên quan đến người da đen. Oakland Tribune phàn nàn là cuộc biểu tình đã được tổ chức ở cổng chính Sather Gate của trường đại học, một kiểu Hyde Park Corner, nơi người ta có thể tự do diễn thuyết.
Sau khi nhận được khiếu nại, viện trưởng trường đại học đã cấm việc tụ họp, chiêu dụ, khích động tại Sather Gate. 5 sinh viên bị gọi vào gặp viện trưởng vì đã không tôn trọng lệnh cấm. Thay vào đó, 500 sinh viên cùng đi đến, với sự cầm đầu của Mario Savio, một sinh viên ban triết 24 tuổi, con trai của một người Ý di dân. Anh là một trong những người cầm cờ. Cả 500 sinh viên đòi bị trừng phạt chung. Ban lãnh đạo đại học quyết định trục xuất 8 sinh viên. Nhưng ngày hôm sau một phần tử sách động dân quyền mới lại xuất hiện tại Sather Gate. Cảnh sát gác trường đại học được lệnh bắt giữ anh. Nhưng các bạn sinh viên khác đã bao quanh anh. Sinh viên ngồi vây xe cảnh sát. Họ đã học cách bất bạo động ở SNCC (4). Chiếc xe bị giữ suốt 32 tiếng và mui xe được dùng như diễn đàn. Cuối cùng gần 1000 cảnh sát được huy động đến để giải tỏa Sather Gate. Tất cả là tin tức sốt dẻo ăn khách dành cho đài truyền hình.
Cuộc thương lượng giữa viện trưởng Clark Kerr và Free Speech Movement (FSM) của các sinh viên nổi loạn kéo dài trong vài tháng. Kerr đe dọa sẽ trục xuất Savio. Ngày 2 Tháng Mười Hai, 6000 sinh viên đã đáp trả bằng cách bao vây và chiếm tòa nhà hành chánh Sproul House của trường. Họ tuyên bố thành lập một đại học khẩn cấp và tự do trong lúc ca sĩ phản kháng Joan Baez hát bản nhạc We Shall Overcome. Sáu ngày sau, ban lãnh đạo đại học chấp thuận yêu sách của FSM.
FSM đã thắng nhưng sau Tết dương lịch lại tìm ra một vấn đề mới khi Johnson bắt đầu gia tăng sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam.Trong vòng mùa xuân 1965, khẩu hiệu Make Love Not War xuất hiện ở khuôn viên đại học. Một cuộc vận động phản đối chính trị nhập cùng với làn sóng cách mạng văn hóa có nguồn gốc từ dân beatbohemian (5). Tờ báo San Francisco Chronicle gọi họ là dân hippies. Dân hippies đã tạo ra sự chú ý qua cách phản kháng khi chữ FUCK, một từ ngữ cấm kỵ nhất trong anh ngữ, xuất hiện trong khuôn viên đại học. Bạo động dữ dội và rất nhiều người bị bắt, mặc dù những kẻ nổi loạn quả quyết rằng FUCK là chữ đầu viết tắt của Freedom Under Clark Kerr.
Berkeley không xa lạ với Mecca (6) của văn hóa beat. Các người cầm đầu cuộc nổi loạn đại học chịu ảnh hưởng một phần văn hóa này. Trường đại học này được đánh giá là một trong ba trường đại học nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ, có số lượng sinh viên vượt xa hai trường đại học Harvard và Yale, với tổng số 25 000 sinh viên. Cao trào theo đuổi trình độ học vấn cao hơn của đàn trẻ lớn lên trong một xã hội có sự thịnh vượng liên tục phát triển trong những năm chiến tranh và thời kỳ hậu chiến đặc biệt nhận thấy ở Berkeley. Khuôn mẫu bị nổ tung và đại học bị quá tải. Sinh viên không tiếp cận được với các giáo sư nổi tiếng vốn đã thu hút họ đến với Berkeley. Các giáo sư quan tâm đến việc nghiên cứu hơn là giảng dạy. Công việc này được giao cho các giảng viên và các phụ tá. Sinh viên phần đông đã lớn lên trong sự an toàn che chở của các thủ phủ mới, giờ đây cảm thấy như bị biến thành kẻ xa lạ. Đây là ý tưởng của Karl Marx lúc trẻ, được dẫn nhập bởi các giáo sư tỵ nạn từ Viện nghiên cứu xã hội ở Frankfurt.
Berkeley đặc biệt nổi tiếng về khoa xã hội học và khoa vật lý nguyên tử. Trường lôi cuốn các sinh viên ưa thích việc chỉ trích xã hội và các sinh viên đam mê khoa học. Bọn trẻ vô cùng phấn khích khi biết các nhà nghiên cứu trong khu Berkeley đã làm được những gì với bom khinh khí và bao nhiêu giáo sư đang bận rộn với công tác nghiên cứu cho quốc phòng và sinh hoạt kinh tế thương mại. Kerr là nhà xã hội học về thị trường lao động. Ông gọi trường đại học là nhà máy kiến thức chuẩn bị cho sinh viên có một chức nghiệp trong đời sống kinh tế. Dưới mắt của những sinh viên nổi loạn, trường đại học đã trở thành một phần của bộ máy đàn áp đầy quyền lực, đặc biệt đối với các người da đen là nạn nhân.
Những đứa con của Dr. Spoke
Nhưng Berkeley không phải là trường hợp cá biệt. Diễn biến xảy ra rất nhanh. Cuộc nổi loạn của sinh viên như một cánh đồng cháy lan sang những trường đại học khác rồi tuần tự đến các trường cao đẳng và trung học. Phong trào chống chiến tranh Việt Nam đóng vai trò càng lúc càng lớn. Các cuộc biểu tình tổ chức teach-ins (7), một kiểu diễn đàn giáo dục, do đại học Michigan ở Ann Arbor bày ra vào tháng 5/1965. Đến mùa thu, lần đầu tiên một cuộc tổng biểu tình phản chiến diễn ra trên toàn quốc. Làn sóng chống đối tiếp tục lan rộng và trở thành The American Way of Life, đặc biệt phát triển mạnh tại các thủ phủ ở Mỹ. Cái xã hội phải chịu đựng sự kỳ thị và tiến hành cuộc chiến với bom xăng (napalm) ở VN, trong mắt nhiều người trẻ, là thối rửa. Biểu tượng phổ thông nhất là chiếc xe hơi bị luật sư trẻ tuổi Ralph Nader chỉ trích không thương tiếc. Năm 1965 anh cho ra mắt quyển sách Unsafe at any Speed tố cáo mức độ nguy hiểm của chiếc xe Chevrolet Corvair. Năm trước đó, Stanley Kubrick cũng đã thọc vào hông những nhà chiến lược nguyên tử với cuốn phim Dr. Strangelove.
Cái thế hệ đang học hành bây giờ đã có một thời niên thiếu được bảo bọc tốt hơn lúc nào hết. Họ được hưởng một nền giáo dục tự do. Người cha đi làm và người mẹ theo dõi quyển sách chống lại sự cưỡng bách trong việc dạy dỗ con cái của Bejamin Spock (Common-sense Book of Baby and Child Care), viết trong thời gian chiến tranh và ấn hành năm 1946 và đã bán được hơn 22 triệu quyển. Nghiêm khắc là không tốt. Đổi lại là trong túi có rất nhiều tiền. Chính sách giáo dục mới ở nhà trường đặt nặng tính năng thích ứng với đời sống hơn là việc nhồi nhét kiến thức.
Trong khi vào năm 1910, hơn 83 phần trăm học sinh trung học (U.S junior college student) được giảng dạy bằng một thứ tiếng nước ngoài thì, trong những năm 1950, một nửa trong số đó chỉ học tiếng Anh. Chưa bao giờ xã hội chăm lo cho con cái mình chu đáo như thế. Tuy vậy, sau vụ ám sát ở Dallas, nhiều người trẻ đã quay lưng lại với xã hội. Năm 1963, ca sĩ phản kháng rất được ái mộ Bob Dyland của họ đã cảnh báo một thời đại mới bằng một sáng tác mà sau này đã trở thành bản nhạc đấu tranh của giới trẻ nổi loạn: Come mothers and fathers Throughout the land And don’t criticize What you can’t understand Your sons and your daughters Are beyond your command.
Người ta vứt bỏ những nếp lề quê thói cũ và học đòi thử nghiệm lối sống mới bằng cách để tóc dài, mặc quần áo lôi thôi bẩn thỉu, hát nhạc rock ầm ĩ và hút say đê mê những thứ quốc cấm. Năm 1964 Bob Dylan hát: Take me on a trip on your magic swirling ship. Tháng Giêng năm 1966, Ken Kesey, đệ tử của Kerouac (8), tổ chức đại nhạc hội ở Berkeley quảng cáo công khai LSD. Việc xử dụng cần sa của Mễ Tây Cơ phổ biến rất rộng rãi trong giới sinh viên học sinh. Cũng trong năm đó, các cử tri ở California đã trả đũa bọn trẻ nổi loạn bằng cách bỏ phiếu bầu một người cộng hòa cực hữu, Ronald Reagan, lên làm thống đốc.
Phụ nữ vùng lên
Dần dần bọn trẻ lớn lên rời bỏ tổ ấm và càng lúc càng nhiều bà mẹ ở ngoại ô bị xáo trộn tâm lý. Việc sử dụng thuốc an thần nhiều hơn gấp đôi sau năm 1958 và các vụ ly dị gia tăng. Những ai không thể ngồi yên chơi bài canasta (9) hay uống cà phê thì vùi đầu vào đọc quyển sách The Feminine Mystique của Betty Friedan, một nhà xã hội học, tốt nghiệp ở Berkeley, viết năm 1963. Giống như nhiều người khác, bà đã bỏ dở sự nghiệp để hy sinh cho gia đình và con cái. Nhưng giờ đây những đứa trẻ đã rời khỏi nhà, bà nghĩ là đã đến lúc mình cần phải “tự thể hiện bản thân”. Với cảm nhận bị thua thiệt bỏ rơi, điều vẫn thường thấy trong các cuộc nổi loạn những năm 1960, bà tuyên bố là các bà mẹ ở ngoại ô đã sống trong một trại tập trung đủ tiện nghi. Người đàn bà bị nhốt trong một cái bẫy đã cản trở việc phát huy cá tính của mình. Họ bị khóa chặt vào hoàn cảnh lệ thuộc, bị xem thường, đã ngăn cản họ vận dụng khả năng tiềm phục.
Quốc hội bất ngờ chìa cánh tay nối dài ra cho giới phụ nữ. Với mục đích thọc gậy bánh xe, đánh vào đạo luật bình đẳng của Johnson, các thượng nghị sĩ miền Nam đưa ra lệnh cho phép phân biệt đối xử, cả về chủng tộc lẫn giới tính. Họ đã tính lầm hoàn cảnh. Đạo luật được thông qua. Nó là khí cụ pháp lý, một món quà dành cho phong trào phụ nữ mới. Dựa vào đó, năm 1966, Betty Friedan thành lập một tổ chức nữ quyền vững mạnh, National Organization for Women (NOW), học được từ những nỗ lực của các tổ chức dân quyền người da đen.
Đây không phải là nguồn cảm hứng duy nhất mà những người tranh đấu cho quyền lợi phụ nữ rút ra được từ phong trào đấu tranh dân quyền. Phụ nữ da đen đã đóng vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh vì tự do cho người Mỹ da đen. Lòng can đảm của những phụ nữ này trong cuộc đấu tranh dân quyền là một khích lệ cho các chị em da trắng cùng chí hướng.
Từ phong trào tranh đấu cho dân quyền lan rộng thành cuộc nổi loạn của phụ nữ rồi đến những tổ chức new left khác như SDS (Student for a Democratic Sosiety) và các phong trào chống chiến tranh Việt Nam mà nhiều phụ nữ cho là có quá nhiều nam giới. Năm 1967, một “phong trào giải phóng phụ nữ” đã công khai cắt đứt với SDS và bắt đầu tổ chức những “buổi họp nâng cao ý thức” ở các cơ sở văn hóa cấp cao hơn.
Người ta phản đối việc giới thiệu những công việc dành riêng cho phụ nữ như thư ký, làm bếp, phục vụ trong tiệm cà phê và tiện thể dành cho tình dục. Phụ nữ bị xem như đối tượng để thỏa mãn tình dục vào cao điểm của những năm 1950, khi những ngôi sao như Marilyn Monroe và Doris Day thay thế các diễn viên trí thức như Katharine Hepburn và Grerr Garson dưới vòm trời Hollywood. Nhưng không phải chỉ có vai trò giới tính cần phải tránh. Vai trò của người phụ nữ trong việc làm cũng phải nói tới. Trong những năm 1950 đã có rất nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động. Phong trào phụ nữ chú tâm đào sâu các vấn đề để đạt được sự bình đẳng cả trong việc chọn nghề nghiệp, lương bổng và trong quyết định tại cơ quan. Lại thêm một thử thách mà Lyndon B. Johnson phải đối mặt khi ông đang cố gắng hiện thực hóa giấc mơ The Great Society của mình.
Chiến dịch xóa đói giảm nghèo
Kennedy bị giết ở Texas. Tổng thống Johnson xuất thân từ Texas. Chuyện này tạo cho nhiều người cảm giác mơ hồ, vô nghĩa là ông cũng có tội bằng cách này hay cách khác. Chính Johnson, trong mức độ nào đó, cũng cảm thấy mình như một kẻ tiếm quyền. Ông đã tận dụng mọi khả năng để chương trình của Kennedy được pháp luật công nhận. Nó sẽ gia tăng quyền hạn của ông trong nước. Kết quả là đạo luật dân quyền ra đời. Đây cũng là một trong những ước muốn cuối cùng của Kennedy trong việc thúc đẩy nhanh hơn nền kinh tế.
Thật đáng xấu hổ khi 40 triệu người phải sống dưới mức nghèo khó trong một xã hội mà Jon Kenneth Galbraith năm 1958 gọi là The Affluent Society (Một xã hội giàu có). Cố vấn kinh tế của Kennedy, Walter Heller, một chuyên gia thuế từ Minnesota, đã thuyết phục ông là USA có khả năng để giải quyết nạn nghèo đói. Bước đầu tiên để tăng trưởng kinh tế là giảm thuế. Kennedy đã nghe theo. Nhưng trước khi đạo luật được quốc hội chấp thuận, ông bị bắn chết. Đối với Johnson, để đạo luật được thông qua ở Quốc hội chỉ là chuyện nhỏ. Và rồi sau đó nền kinh tế Hoa Kỳ đã bước vào một giai đoạn phát triển tột bực: tổng sản lượng quốc gia tăng 7% năm 1964, 8% năm 1965, 9% năm 1966 mà không hề xảy ra lạm phát.
Trong thực tế Johnson am hiểu nền kinh tế quốc gia hơn Kennedy. Bản thân ông đến từ hoàn cảnh sinh sống khiêm nhường hơn. Lúc trẻ ông dạy học cho những đứa trẻ con di dân người Mễ và, trong những năm 1930, ông phụ trách chương trình New Deal dành cho các thanh niên thất nghiệp ở Texas. Ông dấn thân khai triển New Deal và vượt mặt người hùng Franklin Roosevelt. Ông ̣đã thành công. Ông hầu như chưa kịp dọn vào Tòa Bạch Ốc khi tung ra Luật Dân Quyền và đặt những bước đầu tiên trong chiến dịch xóa đói giảm nghèo. Tiếp đến là một loạt những dự luật sau chiến thắng kỳ bầu cử năm 1964 và ông có được đa số vững chắc trong Quốc hội. Không một Quốc hội nào trong lịch sử Hoa Kỳ đã thông qua quá nhiều dự luật cải cách như Quốc hội lần thứ 89. Sau chiến thắng ông không còn nhiều thời gian. “Tôi có 9 tháng, có lẽ thời hạn chỉ nửa năm”, ông nói và tận dụng nó.
Chính phủ bắt đầu trợ cấp tiền thuê nhà, phát phiếu thực phẩm cho người nghèo và thi hành một loạt chương trình giáo dục, một phần để bảo đảm cho trẻ em trong gia đình nghèo có môi trường học hành tốt hơn, một phần dành cho các học sinh kém, giúp các em đã phải nghỉ học sớm có thể theo học ngành nghề khác. Một Office of Economic Opportunity (OEO) giúp người nghèo tái lập cuộc sống mới. Một Community Action Program (CAP) có mục đích tạo việc làm cho các thành phần tệ hại nhất và kéo họ ra khỏi sự lãnh đạm thờ ơ bằng cách cho họ quyền quyết định chung. Nhiều chương trình cứu trợ dành cho những vùng đặc biệt khó khăn, ưu tiên cho vùng đồi núi Apache. Ngoài ra, người Mỹ gốc Phi Châu được ưu tiên hưởng lợi từ The War of Poverty (Trận chiến chống nghèo đói). Họ chiếm đa phần trong số người nghèo. Johnson đã thú nhận là dự luật bình đẳng tự nó không đủ để chiến thắng tật nguyền xã hội của người da đen. Cần phải trợ giúp thêm nếu người ta muốn cải thiện hoàn cảnh trong các ghetto.
Trận chiến chống nghèo đói chỉ là một trong những nỗ lực của Johnson để biến USA thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng, một Great Society. Ông ký đạo luật quỹ an sinh xã hội, Medicare, dành cho những người trên 65 tuổi, và với Medicaid, một hỗ trợ của liên bang cho các tiểu bang muốn giúp những người bệnh dưới 65 tuổi cần sự chăm sóc. Như một cử chỉ kính trọng Harry S. Truman, người đầu tiên đưa ra luật bảo hiểm công cộng, Johnson đã ký đạo luật ở Independence, Missouri, với sự hiện diện của vị cựu tổng thống bên cạnh. Đạo luật cũng hỗ trợ việc chống lại bệnh tim và ung thư, cải thiện tình trạng ở những bệnh viện tâm thần.
Ông đã thành công khi nhận được sự ủng hộ rộng lớn của liên bang dành cho hệ thống giáo dục. Các đề xuất giúp đỡ trường phổ thông trong nhiều năm bị mắc cạn vì những bất đồng trong chuyện trợ giúp các trường công giáo. Johnson đã vượt qua không gặp trở ngại bằng cách dựa vào việc nâng đỡ số học sinh trong các gia đình sống dưới mức nghèo đói, không phân biệt tín ngưỡng. 24 tỷ dollar được cấp cho các học sinh trường trung học.
Quốc hội đã chấp thuận không ít hơn 40 dự luật liên quan đến giáo dục – nhiều hơn tổng số dự luật trong toàn lịch sử Hoa Kỳ trước đó. Kết quả là do những nỗ lực làm việc của Johnson với Quốc hội kỳ 89. Hội thảo Quốc hội lần đầu có 89 dự luật, chỉ 2 dự luật không được thông qua. Trước khi rời Tòa Nhà Trắng sau kỳ bầu cử năm 1968, ông đã lưu danh trong hơn 500 đạo luật cải cách. Người ta chưa bao giờ thấy chuyện giống như vậy, và cũng không một tổng thống cải cách nào sau này, Jimmy Carter và Bill Clinton, có quyền năng như ông đối với Quốc hội. Dự luật về môi trường cũng được thông qua.
Trong quyển Silent Spring (Mùa Xuân câm nín, 1962), Rachel Carson đã thúc đẩy mối quan tâm về vấn đề môi trường. Giờ đây, người ta thắt chặt quản lý sự ô nhiễm nước và không khí, khói xe và khói xả ra từ nhà máy. 3, 6 triệu mẫu rừng được đạo luật Wilderness Act bảo vệ. Các tấm bảng quảng cáo đặt lung tung dọc theo xa lộ và các nghĩa địa xe hơi được quy định lại. Các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố được trợ giúp để giải tỏa nạn kẹt xe. Đường dành riêng cho xe buýt và xe hơi chở ít nhất 4 người là một trong những biện pháp được áp dụng. Bộ quy hoạch thành phố và nhà cửa do một người da đen làm sếp, ông Denis Wever, cấp giấy phép xây dựng nhà ở xã hội. Một hội đồng quản trị nghệ thuật và nhân văn dành cho sinh hoạt của người lớn tuổi. Luật di dân cũng thay đổi. Hạn ngạch quốc gia được thay bằng một hệ thống gọn gàng hơn. Giới hạn là 120.000 người đến từ phia tây bán cầu và 170.000 người còn lại từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên mỗi quốc gia không quá 20.000 người.
Quyền năng lôi cuốn của Johnson trước Quốc hội dựa trước nhất vào kinh nghiệm trong thời gian ông làm việc ở đó. Ông đã học được những sai lầm của những người tiền nhiệm. Không bao giờ ông đưa ra dự luật mà không có sự ủng hộ trước của Quốc hội. Khả năng phán đoán của ông rất độc đáo. Ông thành công bằng một chút pha trộn. Không bao giờ ông yêu cầu Quốc hội những biện pháp thực sự cần thiết để xóa bỏ sự nghèo đói. Ông hy vọng sẽ làm được mà không cần thay đổi triệt để cấu trúc lợi tức. Ông không muốn lấy của của người giàu chia cho kẻ nghèo nhưng chỉ tìm cách làm cái bánh to lên đủ chia cho tất cả.
Ông đã thành công một phần, nhưng chỉ một phần thôi. Chiến tranh VN đòi hỏi tăng chi công quỹ và càng lúc càng chiếm thời gian và công sức của ông hơn. Dù có những sáng kiến và ý định tốt, càng lúc ông càng không được ưa chuộng. Mùa Xuân 1968, cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ còn 36 phần trăm là hài lòng với ông. Cách hành xử kiểu cao bồi đã làm nhiều người phải phản ứng khi tiếp xúc với ông. Ông yêu cầu đồng nghiệp tắm trong hồ tắm của ông, không cần mặc quần tắm và tiếp tục thảo luận trong khi ông ngồi trong cầu tiêu không đóng cửa. Nhưng đối với đông đảo quần chúng, chiến tranh VN đã chấm dứt sự tín nhiệm của đồng bào đối với ông.
(Còn tiếp̣)
Nguồn: USA’s Historie, by Erling Bjøl, Københaven 2011, printed in Sweden
_____
Chú thích của người dịch:
(1) Birmingham là nơi cảnh sát đã đàn áp tàn bạo cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi châu trong những năm 1960.
(2) Chính sách kinh tế mới (New Deal) nhằm đưa Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế 1929-1933.Chính sách này gắn liền với tên tuổi của Franklin D. Roosevelt, tổng thống thứ 32 của Hoa Kỳ.
(3) FDR – Franklin Delano Roosevelt
(4) SNCC – Student Nonviolent Coordinating Committee
(5) Phong trào du mục mới chịu ảnh hưởng tư tưởng bohemia ở Paris thế kỷ 19.
(6) Mecca là tên một thành phố ở Saudi Arabia và là thánh địa của Hồi giáo. Đây là nơi nhà tiên tri Muhammed sinh ra và sau nay trở thành sứ giả của Allah.Tín đồ Hồi giáo quay mặt về Mecca khi cầu nguyện và đến hành hương ở nơi này.
(7) Teach-in: Diễn đàn giáo dục đặc biệt ở trường cao đẳng hay đại học thảo luận về các đề tài nhạy cảm, thường liên quan đến chính trị.
(8) Jack Kerouac là nhà văn người Mỹ và là nhà cấp tiến hàng đầu trong phong trào beat.
(9) Canasta: Một loại bài Tây
No comments:
Post a Comment