Trần
Phương - Luật Khoa
08/12/2019
Đầu thế kỷ 17, những cơn gió mùa đã đưa người châu
Âu đến với vùng Viễn Đông xa xôi. Người Bồ Đào Nha gần như nắm trọn khu vực
giàu có về sản vật này. Ngoài việc mua bán hàng hóa, những thương thuyền của họ
còn chở theo những nhà truyền giáo đang khao khát được rao giảng tin mừng.
Linh mục Alexandre de Rhodes cũng đã theo những
thương thuyền này đến vùng Viễn Đông xa lạ. Hành trình 27 năm đó đã ghi tên tuổi
ông vào sử sách nhưng cũng để lại nhiều tranh cãi về công lao và những phát
ngôn tạo nên sự thù hằn truyền kiếp.
Chân dung Linh mục Alexandre de Rhodes và trang đầu
cuốn sách Phép giảng tám ngày của ông. Cuôn sách này đã gây nhiều tranh cãi
truyền kiếp về việc ông chỉ trích đạo Phật, Khổng và Lão. Nguồn ảnh: BnF
Gallica
Năm 1593, Alexandre de Rhodes được sinh ra trong một
gia đình thương nhân có cha là người gốc Do Thái và mẹ là người gốc Ý, sinh sống
tại Avignon, khi đó là vùng đất của Giáo hoàng, nay thuộc miền Nam nước Pháp.
Sự giao tế thân thiết giữa gia đình de Rhodes với những
giáo sĩ Dòng Tên đã ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp tương lai của cậu thanh
niên ham quan sát. Cả cậu em trai của de Rhodes sau này cũng gia nhập Dòng Tên.
Lớn lên, de Rhodes học trung học ở một trường của
các giáo sĩ tại quê nhà. Năm 1612, anh theo đuổi con đường tôn giáo tại học viện
San Andreas (Roma), nơi anh có thể dễ dàng xin vua Bồ Đào Nha đi truyền giáo ở
phương Đông.
Chuyển đến Roma, trong lòng de Rhodes lúc nào cũng
nung nấu hoài bão giong buồm đến vùng Viễn Đông. Tháng 4 năm 1614, trong ngày đầu
tiên phát nguyện, anh đã viết thư cho người đứng đầu Dòng Tên đề cập về khát
khao truyền giáo nơi viễn xứ.
Sau nhiều lần đề nghị, tháng Tư năm 1618, không lâu
sau khi de Rhodes trở thành linh mục, anh được phái đến Trung Quốc và Nhật Bản.
Muốn đến được Nhật Bản, de Rhodes phải đến được
Macao, nơi Bồ Đào Nha đã lấy làm thuộc địa và biến nơi đây thành một thương cảng
quan trọng. Tại Macao, các giáo sĩ Dòng Tên đã mở trường thần học và từ nơi này
họ sẽ gửi các giáo sĩ đi khắp Viễn Đông.
Các giáo sĩ nghĩ rằng nếu Trung Quốc hưởng ứng đạo
Cơ Đốc thì công cuộc truyền giáo của họ ở các nước phụ thuộc như Tonkin (Đàng
Ngoài), Siam (Xiêm, tức Thái Lan ngày nay) sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Nhưng công cuộc truyền đạo ở đất nước rộng lớn này cũng lắm gian truân khi Tam
giáo (Phật giáo, Đạo giáo và Khổng giáo) đã ăn vào máu thịt của dân chúng.
Phong tục của người Trung Hoa lúc đó khó hòa nhập với các quy tắc cứng nhắc của
Cơ Đốc giáo.
Ở Nhật Bản, chế độ Mạc Phủ Tokoguwa bắt đầu cấm đạo
vào năm 1614. Đây là khoảng thời gian mà Hội An đón những người Nhật Bản theo
Cơ Đốc giáo đến trú ẩn và hình thành nên cộng đồng người Nhật ở đây. Thương
nhân Trung Hoa cũng chiếm một con số đáng kể lúc bấy giờ. Những thương nhân Bồ
Đào Nha cũng đã đến Hội An và đề nghị các giáo sĩ Dòng Tên ở Ma Cao mở hoạt động
truyền giáo ở đó.
Lúc bấy giờ, An Nam đã chia thành xứ Đàng Trong và xứ
Đàng Ngoài. Thực quyền cai trị lúc đó thuộc về hai dòng họ đang thù ghét lẫn
nhau, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Hoạt động thương mại với người Âu (chủ yếu là Bồ Đào
Nha và Hà Lan) ở An Nam lúc đó vẫn còn rất sôi nổi. Người châu Âu chỉ đến nước ta
để mua bán chứ chưa chiếm đóng như họ đã làm với Java (thuộc Indonesia),
Malacca (thuộc Malaysia), Philippines, hay Ma Cao.
Tại châu Âu, các giáo sĩ muốn đến châu Á, ngoại trừ
Philippines, đều phải khởi hành từ Lisbon (Bồ Đào Nha) rồi đến Goa, một thuộc địa
của đế chế này ở Ấn Độ. Từ Goa, họ mới theo thương thuyền đến vùng Viễn Đông.
Đây là một thỏa thuận giữa Giáo hoàng và Bồ Đào Nha rằng nước này sẽ trung chuyển,
bảo vệ, chu cấp tài chính cho những giáo sĩ, đổi lại, Giáo hội Công giáo sẽ thừa
nhận quyền sở hữu của họ từ châu Phi kéo dài sang tận vùng Viễn Đông, đồng thời,
việc Giáo hội bổ nhiệm các giáo sĩ và giám mục ở các vùng lãnh thổ này cũng phải
được họ chấp thuận. Sự vụ này được biết đến với tên gọi là hệ thống padroado,
khi đó Giáo hoàng làm trung gian để phân chia chủ quyền thuộc địa giữa Bồ Đào
Nha và Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 15.
Từ Goa đến Macao
Tháng Bảy năm 1619, de Rhodes lên thuyền từ Lisbon
và đến được Goa sau sáu tháng ròng rã trên biển. Vì tình hình cấm đạo gay gắt ở
Nhật Bản, anh được lệnh kiên nhẫn chờ đợi.
Ba năm rưỡi ở Goa đã mở rộng tầm hiểu biết của người
thanh niên lần đầu tiên rời khỏi châu Âu. De Rhodes ngạc nhiên khi chứng kiến
các giáo sĩ đã bỏ rơi tín đồ và các thầy giảng bản địa ngay sau lễ rửa tội. Anh
nhận thấy những hoạt động từ thiện của họ không thành tâm, cốt chỉ để thu hút
người bản địa cải đạo. Anh cũng phản đối việc yêu cầu người bản địa từ bỏ phong
tục cổ xưa, như chuyển sang mặc trang phục Bồ Đào Nha. Những thứ giống như vậy
đã tạo ra sự phân biệt giữa người theo đạo và ngoại đạo.
Tại Goa, de Rhodes được truyền cảm hứng về sức mạnh
của ngôn ngữ bản địa đối với việc truyền giáo. Chuyện là sau ba tháng ở Goa, de
Rhodes lâm bệnh nặng và được chuyển ra khỏi thành phố khoảng ba dặm đường. Tại
đó, ông gặp được một giáo sĩ đồng hương Etienne Crucius, người thông thạo hai
thứ tiếng địa phương còn hơn là tiếng mẹ đẻ của mình. Ông Crucius được dân
chúng đón nhận khi xuất bản một số cuốn sách và thơ văn viết bằng ngôn ngữ bản
địa. Ông biết rằng ngôn ngữ bản địa là một chìa khóa để người châu Âu thâm nhập
vào những xứ sở xa lạ.
Ở Goa, ông đã mô tả về một cuộc truy lùng những đứa
trẻ không có cha nhằm rửa tội cho chúng là “một cuộc truy bắt” (de Rhodes dùng
từ chasse trong tiếng Pháp có nghĩa là truy đuổi, truy bắt)[1], với
niềm tin rằng những đứa trẻ này có thể bị nguyền rủa nếu không được rửa tội.
Ông nói rằng đó là “một cuộc săn bắn khá thành công” khi sáu trăm đứa trẻ không
cha được rửa tội trong ngày Thánh lễ Phaolô.
Lúc này, những giáo sĩ của Dòng Tên đã có mặt ở xứ
Đàng Trong. Họ được chúa Nguyễn chào đón. Năm 1620, đã có bảy giáo sĩ Dòng Tên
đến Đàng Trong, bốn người ở Hội An và ba người ở Nước Mặn, cách Quy Nhơn khoảng
20 cây số.
Tháng Tư năm 1622, de Rhodes vui mừng rời Goa đi
Macao. Đây lại là một hành trình kéo dài nữa. Tàu đi dọc theo đường bờ biển của
Ấn Độ. Khi đến đến Kochi, miền Tây Nam Ấn Độ, thì thuyền trưởng qua đời. De
Rhodes lên một con thuyền khác đến Cape Comorin, qua đảo Ceylon (Sri Lanka ngày
nay) để đến thành phố Malacca của bán đảo Malacca. Vì thời tiết không thuận lợi,
de Rhodes ở lại thành phố này tám tháng. Tại Malacca, ông đã cùng một giáo sĩ
người Bồ Đào Nha rửa tội cho khoảng 2.000 người.
Vào cuối tháng Năm năm 1623, sau bốn năm rưỡi rời
châu Âu, de Rhodes cuối cùng đã đến được đại bản doanh của Dòng Tên ở Macao.
Lúc này, ông đã 30 tuổi.
Ở Ma Cao, de Rhodes rất thích thú quan sát người
Tàu, nam thắt bím tóc và nữ đi trên đôi bàn chân rất nhỏ. Gạo và đặc biệt là
trà là những sản vật gây ấn tượng mạnh với ông.
Tuy nhiên, ông không mấy thiện cảm khi quan sát người
Tàu thực hành Tam giáo (Phật giáo, Đạo Giáo và Khổng Giáo). De Rhodes thẳng thừng
gọi đó là những tôn giáo của mê tín, tà thuật và súng bài cá nhân.
“Cho đến ngày hôm nay, họ [người Tàu] vẫn còn sống
trong tăm tối. Họ rất kém hiểu biết về thứ quan trọng nhất trong đời sống là
Thiên Chúa và cách để phụng sự Người”,[2] ông mô tả trong cuốn
sách xuất bản năm 1653 ở Paris.
Mong ước truyền giáo ở Nhật Bản của de Rhodes bất
thành vì đạo Cơ Đốc bị truy bức tàn bạo vào lúc ấy. Ông được giao một sứ mệnh mới
là đến Cochinchina, tức xứ Đàng Trong, để truyền giáo.
De Rhodes học tiếng Việt ở Đàng Trong
Vùng đất giàu sản vật Đàng Trong khi ấy do chúa Nguyễn
Phúc Nguyên cai trị, lãnh thổ kéo dài từ sông Gianh vào Nam, bao gồm phần đất
phía Nam của Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và các tỉnh
cũ của vương quốc Champa (bao gồm Quy Nhơn và Phú Yên), với thủ phủ đặt ở Huế.
Tên Cochinchina có lẽ xuất phát từ các thương nhân
Nhật Bản gọi người bản địa ở Hội An là “Coci”, từ tên Giao Chỉ ngày xưa. Sau
đó, người Bồ Đào Nha đọc thành “Cochi” nhưng để phân biệt với địa danh Cochin của
Ấn Độc thì họ thêm vào “Cina” nữa nhằm chỉ vùng đất này ở gần Trung Quốc.
Tuân lệnh bề trên, tháng 12 năm 1624, de Rhodes cùng
năm người Bồ Đào Nha và một người Nhật, rời Macao và cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng)
sau 19 ngày lênh đênh trên biển.
De Rhodes được phái về một cơ sở của Dòng Tên thành
lập vào năm 1623 tại Thanh Chiem (hay Dinh Chàm), cách Hội An khoảng năm cây số
về hướng Đà Nẵng.
Tại đây, ông đã làm việc cùng ba giáo sĩ khác là
António de Fontes, António Dias nhưng quan trọng hơn cả là người mà thành phố
Đà Nẵng gần đây muốn đặt tên đường cùng với Alexandre de Rhodes là ông
Francisco de Pina.
“Chúng tôi đã gặp Fr. de Pina ở đó, ông ấy rất thành
thạo tiếng bản địa… Về phía tôi, tôi xin thú thật rằng lần đầu khi tôi đến xứ
Đàng Trong và nghe người ta nói chuyện, đặc biệt là những phụ nữ, tôi thấy như
đang nghe chim hót vậy, và tôi đã mất hết hy vọng để học nói thứ tiếng này. Tất
cả các từ đều độc âm, ý nghĩa của chúng thay đổi tuỳ theo âm điệu khi người ta
nói. Chỉ một âm tiết duy nhất, như “dai” chẳng hạn, lại có đến 23 nghĩa khác
nhau tùy theo cách mà nó được phát âm, có nghĩa là nói cũng như hát vậy”,[3] de
Rhodes kể về kí ức những ngày đầu tiên đến nơi ngày nay là Việt Nam.
Việc phát âm sai âm điệu (dấu câu mà chúng ta biết
như ngày nay) trong tiếng Việt dễ dẫn đến những tai hại khó lường. De Rhodes
thuật lại rằng một linh mục của ông nhờ đầu bếp đi mua “cá”, nhưng do phát âm
sai dấu khiến người đầu bếp mang về nhà một giỏ “cà” (cà tím). Một lần khác tai
hại hơn, một vị linh mục nhờ người giúp việc nhà đi “chặt tre” nhưng phát âm
sai thành “chặt trẻ”.
Ông de Pina là người đã dạy de Rhodes học tiếng Việt.
De Pina là một giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha, hơn de Rhodes tám tuổi. Ông đến
Đàng Trong vào năm 1617 và đã rửa tội cho Minh Đức Vương Thái Phi, vợ lẽ của
chúa Nguyễn Hoàng. Rất có khả năng là De Pina đã cùng với một giáo sĩ người Ý
là Cristoforo Borri đã cố gắng Latin hóa tiếng Việt lần đầu tiên vào năm 1620.
Để phân biệt các âm điệu tạo nên những ý nghĩa khác
nhau, de Rhodes có lẽ đã tận dụng khả năng ngôn ngữ của mình trong tiếng Pháp,
Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hy Lạp, đều có các dấu câu mà chúng ta sử dụng trong
tiếng Việt ngày nay và phần lớn đặt ở 5 nguyên âm (a,e,o,u và i).
Ngoài de Pina, de Rhodes còn học tiếng Việt từ một cậu
bé người An Nam. Mặc dù không biết tiếng Latin những cậu bé đã được de Rhodes dạy
cách đọc các âm tiết latin, không những biết đọc mà còn biết viết những lá thư
của các nhà truyền giáo chỉ trong ba tuần lễ. Vì ngưỡng mộ de Rhodes, cậu bé về
sau được rửa tội và lấy tên là Raphael de Rhodes. Raphael đã thực hiện sứ mệnh
truyền giáo ở Lào. Người này sau đó trở nên rất giàu có.
Ông de Pina chưa hoàn thành sứ mệnh của mình ở Đàng
Trong thì đã qua đời vì đuối nước vào năm 1625. Mất đi một nhà truyền giáo
thành thạo tiếng Việt như ông là một mất mát lớn đối với các giáo sĩ.
Cũng vào lúc này, các giáo sĩ còn chịu thêm một khó
khăn khác là chúa Nguyễn Phúc Nguyên, kế vị chúa Nguyễn Hoàng từ năm 1613, đã
giảm hứng thú đối với đạo Cơ Đốc. Chúa thất vọng vì trước đó đã tin rằng người
Bồ Đào Nha sẽ mang sản vật và vũ khí đến Đàng Trong nhằm giúp ông chống Đàng
Ngoài. Nhân dịp này, những người chống đạo Cơ Đốc lại vu cáo cho đạo này là
vong ơn bội nghĩa khi xúi dục tín đồ từ bỏ tục thờ cúng tổ tiên. May mắn, các
giáo sĩ đã thuyết phục được chúa Nguyễn cho phép họ ở lại và tiếp tục truyền đạo.
Một vấn đề nữa mà chúa không hài lòng là những tín đồ
An Nam khi muốn chứng minh niềm tin vào chúa họ đã đeo ảnh, thánh giá, tràng hạt
trên cổ của mình. Việc này làm nhiều người sợ hãi. Tuy nhiên, các giáo sĩ đã
khéo léo thuyết phục họ thôi không mang những thứ đó nữa để tránh bị phân biệt
đối xử và tách biệt với cộng đồng.
Bản đồ Đàng Trong và Đàng Ngoài do de Rhodes vẽ
trong sách Hành trình và Truyền giáo của mình. Ảnh: Chụp màn hình.
De Rhodes truyền đạo ở Đàng Ngoài
De Rhodes nhận lệnh từ Ma Cao đến Đàng Ngoài nhưng
ông không thể khởi hành từ Đàng Trong do dễ bị tình nghi là nội gián của chúa
Nguyễn. De Rhodes cùng người đồng môn của mình trở về Ma Cao để chuẩn bị chuyến
đi đến Tonkin.
Sau khi chờ đợi ở Ma Cao được chín tháng, de Rhodes
cùng Pêro Marques, một giáo sĩ nửa gốc Bồ Đào Nha nửa gốc Nhật Bản, cập bến Cửa
Bang hoặc Cửa Bàng (Ba Làng, Quảng Ninh hiện nay) vào ngày 19 tháng Ba năm
1627.
Marques không nói tiếng Việt, nhiệm vụ chính của anh
là phục vụ những tín đồ người Nhật ở Đàng Ngoài. Còn de Rhodes vì thông thạo tiếng
Việt nên nhận nhiệm vụ truyền đạo cho dân chúng.
Chúa Trịnh cai trị ở Đàng Ngoài, lãnh thổ từ sông
Gianh trở ra, bao gồm một phần đất Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá,
Tonkin với thủ đô là Thăng Long (sau đổi tên thành Hà Nội).
Khi hai người đến Ba Làng, de Rhodes đã khéo léo sử
dụng tiếng Việt của mình để thu hút dân chúng. Ông nói mình có một viên ngọc
quý mà người nghèo nhất cũng có thể mua. Khi dân chúng muốn được xem thì ông bảo
chỉ có thể nhìn thấy viên ngọc đó bằng con mắt tâm linh mà thôi, nó là một thứ
đạo chân thật nhất và người ta được hạnh phúc suốt đời.
Trong hai tuần ở đó, ông đã rửa tội cho 32 người,
trong đó có một ông đồ và một pháp sư nổi tiếng. De Rhodes để lại một bản sao
các lời cầu nguyện bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm và giao quyền quản lý cho những
tín đồ đầu tiên ở đây để họ tự phát triển giáo sứ.
Không lâu sau đó, de Rhodes và Marques vào gặp chúa
Trịnh Tráng. Hai người được chúa Trịnh đón tiếp chu đáo và cho phép truyền đạo ở
Đàng Ngoài cũng với mong muốn người Bồ Đào Nha sẽ tiếp tế cho lãnh thổ của ông.
Không bao lâu sau khi đến, de Rhodes đã cải đạo cho
một vị sư 85 tuổi, đứng đầu các vị tăng ở Thanh Hoá. Chính người này đã hiến đất
để xây nhà thờ đầu tiên và giúp de Rhodes dịch cũng như viết lại giáo lý bằng
chữ viết lúc bấy giờ. Nhưng quan trọng hơn hết, de Rhodes đã rửa tội cho một
người chị hoặc em gái của chúa Trịnh Tráng và con gái của cô ta. Người này và
con của mình đã giúp de Rhodes rất nhiều trong công cuộc truyền giáo ở Bắc Kỳ.
Người con gái đã rất rành chữ Nho nên đã sáng tác các bài thơ liên quan đến
Thiên Chúa và được dân chúng hát ca khắp nơi.
Cải đạo cho các thành viên hoàng tộc, nhà sư, nhà
nho, pháp sư, các vị quan là một trong những mục tiêu truyền đạo của de Rhodes.
Vì đó là những người được công chúng kính nể vì học thức và sự danh giá của họ.
Công chúng sẽ dễ dàng tin hơn vào Thiên Chúa nếu thấy những người này cải đạo.
Hơn nữa, họ có thể sẽ trở thành tông đồ giúp de Rhodes phát triển đạo khi ông rời
Tonkin.
Khi mọi việc đang thuận lợi thì de Rhodes bị chỉ
trích nặng nề. Việc nhiều người cải đạo sang Cơ Đốc giáo đã làm xáo trộn đời sống
xã hội vốn có. Các nhà sư giận dữ khi một số ngôi chùa của họ bị bỏ trống, các
bà vợ lẽ bị bỏ rơi khi chồng của họ cải đạo, các thái giám sợ họ sẽ mất việc một
khi nhà vua được rửa tội. Việc rửa tội cho những người sắp lìa đời của de
Rhodes khiến ông bị cáo buộc là một pháp sư giết người bằng hơi thở. Tệ hơn nữa,
de Rhodes và Marques còn bị chúa cấm truyền đạo sau khi một vị sư vì mất việc
mà chạy lên Cao Bằng hiệp lực với tàn dư của nhà Mạc. Vì muốn giữ mạng sống sau
khi bị chúa Trịnh Tráng bắt, người này đã bịa ra kế hoạch của de Rhodes là liên
minh với Cao Bằng và Đàng Trong để chống chúa.
Tháng Ba năm 1629, chúa Trịnh Tráng đã ban cho hai
người 20 đồng tiền vàng, vải vóc và trục xuất họ vào Đàng Trong rồi từ đó để đi
về Ma Cao. Chúa Trịnh cho bố trí một con thuyền nhỏ với 32 thuyền viên và thuyền
trưởng. Hai Cơ Đốc nhân được phép đi theo de Rhodes và hai thầy giảng ở lại
Tonkin tiếp tục công việc rửa tội cho những người khác.
Trên đường vào Đàng Trong, de Rhodes đã tận dụng thời
gian này để rửa tội cho những người khác. Sau sáu tháng họ rời Tonkin, đoàn của
ông đã rửa tội cho khoảng 600 người.
Vào lúc này, một con tàu Bồ Đào Nha cập bến Nghệ An
cùng với hai nhà truyền giáo khác. Chúa Trịnh Tráng cho phép tàu này ra Thăng
Long. Nhân cơ hội đó, de Rhodes và Marques lên con tàu này ra Tonkin vào tháng
11 năm 1629.
Trong sáu tháng đoàn giáo sĩ ở Tonkin, chúa đã làm
lơ để họ giảng đạo và rửa tội cho dân chúng. Vào tháng 5 năm 1630, chúa Trịnh
yêu cầu bốn nhà truyền giáo phải theo tàu rời khởi Tonkin.
Trước khi rời đi, de Rhodes đã nghĩ cách để các tín
đồ tự phát triển đạo Cơ Đốc ở Tonkin. Ông đã lập ra ba lời thề dành cho những
người thân nhất với ông, các thầy giảng thề rằng họ sẽ không kết hôn cho đến
khi các nhà truyền giáo trở lại; đóng góp toàn bộ tài sản của mình thành một quỹ
chung; và sẽ tuân lệnh người sẽ được cử ra trong số họ để điều hành cộng đồng
bán Cơ Đốc giáo này.
Sau hơn ba năm de Rhodes ở Đàng Ngoài, ông đã cải đạo
sang Cơ Đốc cho 5.602 người. Sau 10 tháng ông rời khỏi Tonkin, các thầy giảng
đã rửa tội cho khoảng 3.340 người và dựng lên 20 nhà thờ.
Bốn lần trở lại Đàng Trong
Năm 1639, chúa Nguyễn Phúc Lan ở Đàng Trong buộc tất
cả giáo sĩ và Kitô hữu Nhật Bản rời khỏi Cochinchina, vì chúa nghi ngờ sự trung
thành của họ khi có một số người Nhật đã hiệp lực với em trai ông là Nguyễn
Phúc Anh chống lại ông.
Lúc này, sau 25 năm Cơ Đốc giáo được phổ biến, đất
Đàng Trong đã có khoảng 15.000 tín đồ cùng với khoảng 20 nhà thờ.
Tháng Hai năm 1640, mười năm sau khi de Rhodes học
tiếng Việt ở Đàng Trong, ông đến Đà Nẵng để thay thế cho những giáo sĩ bị trục
xuất. Ông khéo léo thông qua một thuyền trưởng người Nhật để gặp chúa Nguyễn
Phúc Lan (chúa Nguyễn đời thứ ba, trị vì từ năm 1635). Bằng những món quà đắt
tiền dâng chúa, de Rhodes được ở lại ít nhất là cho đến ngày chiếc tàu đưa ông
đến đây trở lại Ma Cao.
Sau 35 ngày ở lại kinh đô, de Rhodes gặp lại Minh Đức
Vương Thái Phi, người mà ông de Pina đã rửa tội. De Rhodes rửa tội cho một số
người của hoàng tộc ở đây cùng với một vị sư có tiếng rồi vào Hội An.
Ở Hội An, de Rhodes cố tình chờ cho chiếc tàu của
ông trở về Ma Cao thì ông bắt đầu giảng đạo. Biết chuyện, quan Tổng trấn Quảng
Nam Ông Nghè Bộ giận lắm vì dám xem thường lệnh vua. De Rhodes phải mua một con
thuyền nhỏ trở về Ma Cao vào ngày 20 tháng Chín năm 1640.
Ba tháng sau, de Rhodes theo tàu Bồ Đào Nha trở lại
Đàng Trong lần thứ hai cùng với giáo sĩ Benedetto de Mattos. Lần này, để tránh
kinh động đến Ông Nghè Bộ, de Rhodes đi thẳng vào Quảng Nam để thăm các tín đồ.
Trên đường trở lại Đà Nẵng, nghĩ rằng Ông Nghè Bộ đã
để yên cho ông vì thế ông và vị giáo sĩ kia tách ra theo hai hướng khác nhau.
De Rhodes đi Quảng Nam và Trấn Biên (Phú Yên). De Mattos đi Quảng Bình và Bố
Chính. Trong hai tháng, de Rhodes đã rửa tội cho 1.355 người và de Mattos đã rửa
tội cho 572 người.
Khi ông trở về Thành Chiêm thì người đồng môn của
ông đã trở về Ma Cao. Ông Nghè Bộ trục xuất de Rhodes ngay lập tức. De Rhodes
lên tàu về Manila ngày 2 tháng Bảy năm 1641.
Tháng Một năm 1642, ông lại quay lại Đàng Trong lần
thứ ba. Lần này, ông làm hòa với Ông Nghè Bộ và tặng nhiều đồng hồ cho chúa
Nguyễn Phúc Lan. Ban đầu, chúa cho phép ông ở lại sau khi tàu rời đi nhưng sau
đó lại đổi ý, buộc ông phải rời đi cùng lúc với con tàu. Nhưng lần này, ông lại
không tuân lệnh mà lén ở lại suốt 19 tháng.
Trong thời gian này, ông rửa tội cho khoảng 1.000
người ở nhiều nơi. Đi cùng ông lúc này có khoảng 10 thầy giảng, trong đó có
Andrew Tre ở Phú Yên, Ignatius Nhuan ở Quảng Trị và Vincent ở Quảng Nghĩa. Tất
cả là đều người An Nam nhưng dùng tên thánh.
Trước lúc rời đi, de Rhodes đã tổ chức hội bán Cơ Đốc
ở đây như ông đã làm ở Tonkin. Ông cho 10 thầy giảng cùng thề ba lời thề và cử
Ignatius đứng đầu. De Rhodes chia họ ra làm hai nhóm, một nhóm năm người do thầy
giảng Damasus lãnh đạo hai tỉnh phía Nam, và Ignatius cùng bốn người khác hoạt
động ở hai tỉnh phía Bắc.
De Rhodes trở về Ma Cao và ở đó trong bảy tháng trước
khi ông trở lại Đàng Trong lần cuối cùng vào tháng Ba năm 1644. Lần này, ông cẩn
thận hơn khi chỉ liên lạc bí mật nhất có thể với các tín đồ. Những tín đồ ở
Đàng Ngoài muốn mời ông gặp họ khi hay tin ông đến gần sông Gianh. De Rhodes đã
gửi Ignatius Nhuan đi gặp họ để tránh rắc rối. Ignatius Nhuan là một cựu nhà
nho, ông bị Tống Thị, một người được chúa Nguyễn Phúc Lan rất mực sủng ái, ghét
cay ghét đắng vì dám chống lại bà.
Mọi chuyện xấu đi vào tháng Bảy năm 1644, Ignatius bị
lệnh cho xử tử vì dám giúp de Rhodes chống lại các nhà sư trong một cuộc tranh
luận về tôn giáo. Rhodes gặp khó khăn trong tranh luận khi các nhà nho, nhà sư
đề cập đến các trích dẫn trong sử sách của họ, nên trong một lần tranh luận
Ignatius đã giúp de Rhodes thắng các nhà sư.
Không tìm thấy Ignatius, lính của Ông Nghè Bộ đành bắt
Andrew Tre khi ấy mới 19 tuổi về chém đầu. Andrew Tre trở thành thánh tử đạo đầu
tiên ở Đàng Trong. Suốt nhiều tháng sau đó, de Rhodes trốn cùng các thầy giảng
của mình trên một chiếc tàu đợi đêm đến mới hoạt động. Ông hai lần bị bắt nhưng
đều được thả ra.
Trên đường đi tàu ra Quảng Bình vào tháng Sáu năm
1645, de Rhodes và các thầy giảng bị lính Đàng Trong bắt đem về giam ở Hội An
vì tình nghi là tay sai của chúa Trịnh. Ông bị tuyên án tử hình nhưng được đổi
thành trục xuất vĩnh viễn, vì một nhà nho từng là thầy của chúa Nguyễn thuyết
phục rằng de Rhodes chỉ giảng kinh thánh thì không phạm tội gì cả.
Nhưng hai thầy giảng là Ignatius và Vincent bị chém
đầu vì không chịu từ bỏ đạo. Trước khi chém đầu hai người, chúa Nguyễn nói: “Tại
làm sao mà các ngươi không chịu từ bỏ thứ đạo mà dạy người ta khinh khi và ghét
bỏ cha mẹ? Các ngươi không biết có hàng nghìn người đã bỏ mạng ở Nhật Bản chỉ
vì họ không chịu từ bỏ con đường của người Bồ Đào Nha?”[4]
Thoát chết, de Rhodes lên tàu trở về Ma Cao vào ngày
3 tháng Bảy năm 1645 và vĩnh viễn không trở lại An Nam nữa.
Cuộc hành hình giáo sĩ Augustin Schoeffler tại Sơn
Tây vào năm 1851 vì tội cải đạo cho dân chúng. Ảnh: akg-images/Amelot.
De Rhodes nói gì về Phật Lão Khổng
Lần đầu tiên tới Tonkin, de Rhodes đã ngạc nhiên về
uy tín của Phật giáo ở đây còn vượt xa so với ở Trung Quốc. Ông dành sự ngưỡng
mộ đối với lòng tin vào đạo Phật của dân chúng. Ông ngưỡng mộ khi thấy ai cũng
đều đặn hai lần mỗi tháng đến chùa thành tâm cúng bái cùng với nhiều lễ vật, kể
cả những người nghèo khổ nhất.
Tuy nhiên, đối với Phật giáo cũng như đạo Lão và đạo
Khổng, de Rhodes hết sức lên án. Ông nói rằng mình không ngờ rằng Việt Nam lại
nhập khẩu những thứ tôn giáo mê tín và lầm lạc của nước Tàu.
“Ngày hôm nay, ở kinh đô của Tonkin có vô số ngôi chùa với những bức tượng.
Không có làng quê nhỏ bé nào mà không có lấy một ngôi chùa, nơi mà người dân đến
để thực hành sự súng bài mê tín của họ. Những ngôi chùa này lại được giữ gìn rất
bẩn thỉu và xấu xí; những người giữ chùa ở đó rất tham lam, họ lấy hết các lễ vật
cho nhu cầu cá nhân và cho những người vợ, con của họ, và không chịu săn sóc
ngôi chùa và những bức tượng”,[5] de Rhodes nói về ấn tượng của mình đối với những
ngôi chùa mà ông có dịp nhìn thấy ở Đàng Ngoài.
Ông cho rằng đạo Phật đã lừa dối con người theo hai
cách. Thứ nhất là khuyến khích người ta thờ cúng những hình tượng, và thứ nhì,
còn tệ hơn, là làm người ta tin vào sự vô thần. Điều thứ nhì này có lẽ liên
quan đến thuyết nhân quả và luân hồi (đầu thai hay chuyển kiếp) của đạo Phật.
Điều này khiến khi de Rhodes truyền đạo ở An Nam gặp trở ngại vì người dân rất
khó tin vào sự tồn tại của Chúa.
Để làm người dân không theo đạo Phật mà đến với Cơ Đốc
giáo, ông chọn ba cách đả phá đạo này: thứ nhất là công kích Phật Thích Ca; thứ
nhì là chứng minh rằng người Tàu đã nhầm lẫn đạo Phật là một tôn giáo như thế
nào; và thứ ba là thuyết phục người dân tin vào chủ nghĩa hữu thần và thuyết độc
thần.
De Rhodes hết sức phản đối điều phi lý của thuyết
luân hồi. Ông lập luận nếu một người được chuyển kiếp thì sao họ không nhớ gì về
chuyện ở kiếp trước?Thứ hai, nó trái với lời dạy của Bụt là tất cả các linh hồn
đều không tránh khỏi cái chết. Một linh hồn chết đi thì làm sao nó có thể chuyển
kiếp được? Và thứ ba, làm sao mà một linh hồn đã chuyển kiếp rồi lại có thể trở
về nhà như niềm tin phổ biến của người Việt và người Tàu, ví dụ như việc thờ
cúng người quá cố?
Cuốn sách Cathechismus, tựa tiếng Việt là Phép giảng
tám ngày, của Alaxandre de Rhodes đã gây ra nhiều tranh cãi cho hậu thế về việc
ông chỉ trích đạo Phật, Khổng và Lão. Ảnh: Công giáo 24h.
Đối với đạo Lão, de Rhodes cho rằng đó là thứ đạo
ngu dốt và nguy hiểm nhất, bởi vì nó thờ phụng quỷ sứ. Ở Tonkin, ông cho rằng
người dân hết sức mê tín như khi dựa vào những đạo sĩ để chữa bệnh. Ông kể các
đạo sĩ nhúng chân gà vào nước sôi rồi dựa vào đó xem người bệnh mắc phải bệnh
gì và cách chữa như thế nào, người bệnh còn không được nghỉ ngơi vì các pháp sư
rung chuông để xua đuổi tà ma suốt đêm.
Ông nói rằng những đạo sĩ hầu như bị mù và vì nghèo
nên làm nghề này để kiếm sống. Và khi họ thất bại khi cứu người bệnh thì họ lại
tổ chức những buổi lễ cầu hồn tốn kém, linh hồn hiện về nhập vào một người khác
rồi đòi hỏi nhiều đồ cúng tế.
Trong khi đó, de Rhodes lại hết lòng ca ngợi về sự mầu
nhiệm của các đồ vật của Cơ Đốc giáo. “Với ý nghĩa của thánh giá và nước thánh,
những vị thánh sẽ xua đuổi ma quỷ như một điều hiển nhiên và trị lành tất cả
các thứ bệnh. Chỉ cần cho người ta bốn đến năm giọt nước thánh thì người mù sẽ
sáng mắt và kể cả cứu được hai người đang hấp hối”, ông nói về sức mạnh của đạo
Cơ Đốc.
Khi de Rhodes mang Cơ Đốc giáo vào Việt Nam thì đạo
của ông rất khó hòa nhập với Tam giáo. Vốn dĩ ba tôn giáo này đã nhập vào một
cái kiềng ba chân vô cùng vững chắc. De Rhodes muốn thuyết phục được người dân
cải sang đạo Cơ Đốc thì chỉ còn cách bác bỏ hoàn toàn Tam giáo.
Đối với đạo Khổng, ông thừa nhận những mặt lợi từ
quan điểm về đạo đức, xã hội cũng như trong việc trị nước, rằng nó không hoàn
toàn trái với Cơ Đốc giáo. Tuy nhiên, ông cho rằng nên tôn trọng Khổng Tử như một
người thầy là đủ, đừng xem ông ta như một thánh nhân vì ông ấy không biết hoặc
không dạy (nếu ông biết) cho mọi người về sự tồn tại của Chúa Trời.
“Những người trẻ cũng như già ở Tonkin tôn thờ Khổng
Tử như thánh thần, và họ khắc sâu lòng tôn kính này vào trong những đứa con của
mình. Trong ngày đầu tiên học chữ Nho, người thầy trước khi nhận học trò sẽ bắt
con trẻ quỳ gối để chỉ chúng cách khấn vái và cầu cạnh sự giúp đỡ của Khổng Tử.
[…] Trước các kì thi, những thí sinh sẽ cầu khẩn và nguyện đền ơn Khổng Tử nếu
đỗ đạt. Khi có kết quả tốt, họ lập một bàn thờ để tạ ơn. Thứ mê tín ngu xuẩn
này rất thịnh hành ở những người ngoại đạo”,[6] de Rhodes lên
án về cách thực hành Khổng giáo ở Tonkin.
Chủ yếu những nhận định của de Rhodes về đạo Lão là
dựa trên những quan sát thực tế của ông. Chúng ta biết rằng khi đạo Lão vào Việt
Nam đã được chia ra thành nhiều phái khác nhau với những cách hành đạo đa dạng,
phức tạp.
De Rhodes
cũng không phải là người thông thạo các học thuyết thần học phương Đông. Ta biết điều này có lẽ vì trong các cuộc tranh luận với các nhà nho,
nhà sư thì de Rhodes luôn cần sự trợ giúp của cộng sự, Ignatius, là một nhà nho
An Nam. Những nhận định của ông chủ yếu là công kích đến các thực hành trong đời
sống mà ông cho là những thứ mê tín.
De Rhodes và chữ Quốc ngữ
Theo cố linh mục Đỗ Quang Chính, cuốn Từ điển Việt –
Bồ – La của de Rhodes có thể được viết từ năm 1636 đến năm 1645. Bởi vì, trước
1636 thì kỹ năng sử dụng dấu câu của de Rhodes chưa thật sự nhuần nhuyễn còn từ
sau năm 1645 thì ông lại đang trên đường trở về Rome.
Khoảng thời gian 1636 và 1645 là lúc de Rhodes giảng
dạy tại Ma Cao sau khi bị trục xuất ở Đàng Ngoài cho đến lúc ông trở lại Đàng
Trong bốn lần và bị trục xuất vĩnh viễn.
Theo cố linh mục Chính, de Rhodes đã tận dụng công
trình Latin hóa tiếng Việt của hai giáo sĩ lúc đó là Gaspar do Amaral và
António Barbosa để thực hiện cuốn từ điển này.
Gaspar do Amaral, là một giáo sĩ Dòng Tên người Bồ
Đào Nha, lớn hơn de Rhodes một tuổi. Ông đến Tonkin cùng với các giáo sĩ khác
vào năm 1631, sau khi de Rhodes bị chúa Trịnh trục xuất. Do Amaral truyền đạo ở
Tonkin khoảng bảy năm thì quay về Macao. Ông qua đời ngày 23 tháng 12 năm 1645
vì đuối nước do thuyền bị đắm trên đường trở lại Tonkin lần thứ hai.
Vào năm 1632, do Amaral được biết đến là người khả
năng ký âm tiếng Việt bằng bảng chữ cái tốt hơn so với de Rhodes lúc đó. De
Rhodes đã dựa vào cuốn Từ điển Việt – Bồ – La (Dicciondrio
anamita-portugues-latim) của do Amaral và cuốn Từ điển Bồ – Việt (Diccionario
portugues-anamita) của giáo sĩ Dòng Tên António Barbosa, người đã đến
Tonkin từ năm 1636 cho đến năm 1642. Cả hai cuốn từ điển này đều đã bị thất lạc.
Năm 1651, với sự hỗ trợ của Bộ Truyền giáo, de
Rhodes đã xuất bản quyển Từ điển Việt – Bồ – La với quyển Phép giảng tám ngày tại
Rome. Quyển từ điển gồm ba phần tách biệt: phần thứ nhất có 31 trang viết về ngữ
pháp tiếng Việt, phần thứ nhì là từ điển, và phần thứ ba là mục lục các từ
Latin đã xuất hiện trong phần thứ hai – nó giống như là một từ điển Latin – Tiếng
Việt những không có phần mở rộng nghĩa.
Về sau hệ thống bảng chữ cái tiếng Việt được hoàn
thiện hơn trong quyển từ điển không xuất bản Việt – Latin của Giám mục Pigneau
de Behaine (Bá Đa Lộc), và hai quyển từ điển (Việt – La, Ý – Việt) của Giám mục
Jean Louis Taberd. Hai quyển từ điển sau của Taberd được xuất bản lần đầu ở Ấn
Độ vào năm 1838 và tái bản ở Việt Nam vào năm 1877 sau khi Pháp chiếm các tỉnh
Nam Kỳ.
Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc lệnh
áp dụng chữ Quốc ngữ vào các kỳ thì quốc gia kể từ năm 1909. Năm 1918, triều
đình nhà Nguyễn dưới áp lực của người Pháp đã bãi bỏ nền Nho học thay bằng chữ
Quốc ngữ và tiếng Việt.
Alexandre de Rhodes là một trong những giáo sĩ đã
đóng góp lớn trong việc phiên âm tiếng Việt thành chữ Quốc ngữ hôm nay. Ông đã
cống hiến gần như một nửa cuộc đời của mình ở An Nam và An Nam luôn nằm trong
trái tim của de Rhodes: “Thân xác này tuy rời khỏi Đàng Trong nhưng trái tim
này đã ở lại mãi mãi với đất An Nam. Trái tim này ở cả hai đàng của đất nước và
tôi không nghĩ rằng nó có thể rời bỏ nơi đó”.
Ngày 20 tháng 12 năm 1645, de Rhodes lên tàu từ Ma
Cao về Rome, kết thúc hành trình dài đến 27 năm ở Ấn Độ và vùng Viễn Đông xa
xôi. Mất ba năm rưỡi, ông mới về đến Rome vào ngày 27 tháng Sáu năm 1649. Mười
một năm sau, ông qua đời tại thành phố Isfahan, Ba Tư, nay thuộc Iran.
___
Tài liệu tham khảo:
·
Mission and Catechesis, Alexandre de Rhodes &
Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam, Peter C. Phan, 1998.
·
Ông Alexandre de Rhodes (1591 – 1660), Hoa Bằng –
Tiên Đàm, Tri-Tân Tạp-Chí.
·
Alexandre de Rhodes có phát minh ra chữ Quốc ngữ,
Alain Guillemin, Ngô Tự Lập dịch, đăng trên Văn Việt ngày 15 tháng Bảy năm
2018.
·
Khảo về chữ Quốc ngữ, Phạm Quỳnh, Nam Phong Tạp-Chí,
tháng 10 năm 1927.
·
Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, 1919.
·
Người Nhật ở Hội An thế kỷ XVI-XVII, Võ Văn Hoàng, Tạp
chí Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 2009.
Các trích dẫn:
[1] Xem trích dẫn gốc tại Divers voyages et mission
du Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaunmes de l’Orient, trang
22.
[2] Xem trích dẫn gốc tại Divers voyages …, trang
53.
[3] Xem trích dẫn gốc tại… Divers voyages, trang 72.
[4] Xem trích dẫn gốc tại Relation des progrez de la
Foy au Royaume de la Cochinchine és années 1646 & 1647… (1653), Metello
Saccano, trang 8.
[5] Xem trích dẫn này tại Histoire du Royaume de
Tunquin, et des grands progez que la predication… (1651), trang 69.
[6] Xem trích dẫn này tại Histoire du Royaume, trang
63 – 64.
No comments:
Post a Comment