BTV Tiếng Dân
30/12/2019
Tổng – Chủ nhìn lại
một năm “đốt lò”
Sáng 30/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
tham dự Hội nghị của Chính phủ với các địa phương và có bài phát biểu chỉ đạo
dài gần 50 phút. Zing dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lần đầu tiên xử được tội nhận
hối lộ.
Hàng đầu, từ trái
qua: Trương Hòa Bình, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng được
cho là đến dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ông Trọng nhận định về quá trình xử vụ Mobifone mua
AVG: “Chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ mà trước kia toàn là thiếu
trách nhiệm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ AVG cũng lần đầu tiên
có người nhận hối lộ 3 triệu USD, VKS phải đề nghị tử hình. Nhưng khi người này
nộp lại tiền đã được giảm xuống hình phạt tù chung thân”.
Về kế hoạch “đốt lò” trong năm 2020, VietNamNet dẫn
lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Tiếp tục xử lý tham nhũng, các đồng
chí chờ xem. Về chuyện này thì ông Trọng không cần lo, không những mấy
người cùng phe ông đang chờ xem, mà những người quan tâm tới hiện tình VN cũng
chờ xem ông có mang được lửa tới “đốt lò” ở thành Hồ và Kiên Giang hay không?
Chiến dịch “đốt lò” diễn ra hơn 2 năm, mặc dù không
ít quan chức đã vào lò, trong đó có các cựu bộ trưởng như Đinh La Thăng, Nguyễn
Bắc Son, Trương Minh Tuấn, hay các đại gia “tư bản đỏ” như Trần Bắc Hà, Trầm
Bê… Nhưng thực chất những người này chỉ là “cáo mượn oai hùm”, lúc còn đứng được
trên vai “hùm” thì họ tác oai tác quái, nhưng khi bị bỏ rơi thì họ hiện nguyên
hình là những con cọp giấy. Khi không còn giá trị sử dụng, Trần Bắc Hà đã phải
chầu viêm dương trước khi nói ra bất cứ điều gì bất lợi cho “đồng chí
X”.
Hai “con hùm” thật sự mà đến giờ ông Trọng chưa làm
được gì là anh Ba X và Hai Nhựt. Chuyến về Kiên Giang không biết có dọa được ai
không mà cụ Tổng đột quỵ. Mặc dù các nguồn tin nội bộ CSVN khẳng
định, vụ này không liên quan đến “đồng chí X”, nhưng Kiên Giang không phải mảnh
đất lành để Tổng – Chủ muốn làm gì thì làm. Sau vụ đột quỵ đó, sức khỏe của Tổng – Chủ ngày càng sa sút, rất ít khi
xuất hiện trước công chúng, báo hiệu những điều không lành cho toàn bộ phe “đốt
lò”.
Riêng chuyện ở thành Hồ, khoảng trung tuần tháng
11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định rằng, Tất Thành Cang sai phạm rất nghiêm trọng, phải kỷ luật
thích đáng. Hiện chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm 2020, nhưng vẫn chưa thấy
Sáu Cang bị suy suyển gì.
Tuy bị mất một số chức vụ trong đảng, nhưng Cang vẫn
ngồi yên ở vị trí thành ủy viên thành Hồ. Dù về bản chất, Sáu Cang cũng chỉ là
“cáo mượn oai hùm”, nhưng chưa bị bỏ rơi như mấy cựu bộ trưởng Thăng, Son, Tuấn,
và chủ của Cang vẫn chưa trở thành “củi”, nên Cang vẫn bình yên vô sự.
Hai diễn biến trên có thể thấy, đến thời điểm hiện tại,
“lửa lò” chỉ “đốt” được mấy mục tiêu mềm. Còn các nhân vật như “đồng chí X”, vốn
đã xây dựng mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao ở cả quân đội lẫn công an để ngồi
vững ghế Thủ tướng suốt 10 năm, hoặc như Hai Nhựt, nhân vật mà một số nguồn tin
trong đảng cho rằng, sự an nguy của ông này gắn liền với Quân khu 7, thì “lửa
lò” của cụ Tổng vẫn chưa bén tới. Cho nên, trong năm 2020 này, nếu thật sự phe
cụ Tổng còn khả năng đốt được “khúc củi to” nào nữa thì nên làm nhanh, trước
khi bị hai “con hùm” này phản công.
Một chi tiết đáng lưu ý trong bài phát biểu của Tổng – Chủ là
lời hứa sẽ tiếp tục xử lý vụ sai phạm ở nhà máy gang thép Thái Nguyên, vụ Thủ
Thiêm và vụ Nhật Cường. Vụ gang thép Thái Nguyên không chỉ liên quan đến các
quan chức ở trung ương, cơ quan quyền lực của đảng CSVN, nhất là Bí thư Hà
thành Hoàng Trung Hải, mà còn đụng chạm đến cả Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc.
Còn vụ Nhật Cường thì quyết định sinh mạng chính trị
của Chủ tịch Hà thành Nguyễn Đức Chung. Riêng vụ Thủ Thiêm thì đã bế tắc suốt 2
năm nay bởi phe nhóm miền Nam không để cụ Tổng muốn làm gì thì làm. Thực tế,
chính những người muốn đất nước thay đổi cũng mong Tổng – Chủ xử lý thích đáng
cả ba vụ trên, để cụ Tổng buộc phải đụng đến những giềng mối ăn sâu vào tận
cùng xương sống của chế độ CSVN.
Phiên xử thứ ba vụ
cựu Phó Chủ tịch thành Hồ giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”
Theo lịch làm việc dự kiến do TAND TP HCM thông báo
từ trước, vụ án này lẽ ra đã kết thúc và HĐXX công bố các mức án vào ngày
30/12/2019. Nhưng phiên xử thứ ba này chỉ kết thúc với việc các bị cáo nói lời
sau cùng chứ chưa nghe tuyên án.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Bao giờ tuyên án cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu
Tín? Theo đó, do phần nghị án kéo dài nên HĐXX sẽ tuyên án vụ Nguyễn
Hữu Tín và 4 đồng phạm giao nhà đất 15 Thi Sách cho Vũ “nhôm” vào ngày
31/12/2019.
Trong buổi sáng 30/12, phần tranh luận đã kết thúc,
đại diện Viện KSND TP HCM đánh giá, các bị cáo đều ăn năn hối cải và xin giảm
nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu GĐ Sở TN&MT TP HCM, khai nhận,
đã “thực hiện đúng các hành vi như cáo trạng nhưng tất cả vì mục đích
an ninh quốc phòng”.
VnExpress dẫn lời tự bào chữa của ông Nguyễn Hữu Tín: ‘Không ngờ bị kẻ khác trục lợi’.
Ông Tín lặp lại quan điểm chấp nhận làm “Lê Lai cứu chúa”. Ông nói: “Bị
cáo không đổ lỗi cho cấp trên, không đổ lỗi cho những tham mưu từ các bộ, sở,
ban ngành. Bị cáo xin chịu mọi trách nhiệm với vai trò lãnh đạo của TP HCM vào
thời điểm vụ án xảy ra”.
Lưu ý, ông Tín không đả động gì đến “lãnh chúa thành
Hồ” Hai Nhựt, nhưng lại nhắc đến “đồng chí X”: “Mục đích chuyển đổi nhà
đất 15 Thi Sách nhằm phục vụ an ninh quốc phòng; chỉ thị của Thủ tướng nói các
địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, đất đai để Cục
tình báo hoạt động”.
VnExpress có clip ghi lại lời tự bào chữa của ông
Tín:
Đến chiều 30/12,
các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín xin lỗi toàn thể nhân dân TPHCM,
theo báo Dân Trí. Tín phát biểu: “Dù biết rằng không phải động cơ vụ lợi,
an ninh quốc gia hay bất chấp pháp luật mà vì nhận thức chưa đúng khiến hôm nay
phải đứng đây với tư cách là bị cáo. Tài sản lớn nhất của tôi là niềm tin của
nhân dân TPHCM nhưng chỉ vì một phút hiểu sai chủ trương mà tôi đã đánh mất đi
niềm tin của nhân nhân TPHCM”.
Nhìn chung, vụ này
quy mô nhỏ hơn vụ Mobifone mua AVG, không có án tử hình nào trong số các mức án
đề nghị, lại xảy ra trên đất của “lãnh chúa thành Hồ”, nên các bị cáo tỏ ra “biết
điều” hơn hẳn so với cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son. Tín chỉ phủ nhận vai trò “cầm đầu” trong ngày xử đầu tiên,
sau đó ông ta trở nên “ngoan ngoãn”, nhận hết trách nhiệm và không nói gì đến
các lãnh đạo cấp cao của mình nữa, dù vụ sai phạm này diễn ra khi Hai Nhựt vẫn
còn là Bí thư thành Hồ.
Chỉ có một đoạn ngắn
trong phần tự bào chữa sáng 30/12, ông Tín nhắc đến “đồng chí X” để giải thích
chuyện ưu ái cho “công ty bình phong” của nhóm quan chức tình báo công an.
Nhưng nếu lời khai của Nguyễn Bắc Son không thể gây hại cho cựu Thủ tướng VN
giai đoạn 2006 – 2016, thì lời khai của ông Tín càng ít tác động.
Một yếu tố làm rõ
tính chất “luật rừng” của phiên tòa này là sự vắng mặt của cả Vũ “nhôm” và cựu
Thứ trưởng công an Trần Việt Tân. Mặc dù Vũ là người nhận “đất vàng” trong vụ
này, còn Tân đã ký văn bản để thúc ép quan chức thành Hồ, nhưng đến giờ hai người
này vẫn không bị triệu tập. Qua đó có thể thấy, phiên tòa này chỉ muốn xử và
tuyên án nhanh các “con tốt thí”, không để lửa lan ra đến các thế lực có thực
quyền ở miền Nam đã thúc đẩy các sai phạm “đất vàng”, cho thấy “lửa lò” ở miền
Nam đã nguội lạnh như thế nào.
Đồng Tâm lại nóng?
Ngày 29/12/2019,
ông Trịnh Bá Phương, đại diện dân oan Dương Nội đưa tin: “Chú Lê Đình Công con trai cụ Kình
và các bác ở Đồng Tâm vừa điện cho tôi, nói rằng có thể ngày mai hoặc đêm nay sẽ
đổ máu. Hiện lực lượng cưỡng chế trang bị vũ trang tối tân đã kéo về khu vực Đồng
Tâm. Nhà cầm quyền cộng sản đã lăm le cướp đất Đồng Sênh từ tuần trước, công an
liên tục có các động thái tuyên bố bằng miệng sẽ san phẳng Đồng Tâm bằng vũ lực”.
Sau đó, ông
Phương cập nhật: “Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an tổ
chức Diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người khiếu kiện, gây rối
an ninh, trật tự ở mục tiêu bảo vệ. Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ
Công an dự và phát biểu chỉ đạo. Có thể lực lượng diễn tập này đã nhân tiện đưa
quân về Đồng Tâm hòng thực hiện chiêu ‘rung cây dọa khỉ’ và thăm dò phản ứng của
người dân”.
Về phía người dân Đồng
Tâm, họ đã “lên kế hoạch chiến đấu và phát đi tuyên bố sẵn sàng tử chiến,
chú Công con trai cụ Kình đã tuyên bố người dân Đồng Tâm sẽ tiêu diệt bất kỳ
nhóm người nào đến cướp đất Đồng Sênh”.
_______
Mời đọc thêm: Lò chống tham nhũng, tiêu cực đỏ lửa năm 2019 (Zing).
– Tổng bí thư, Chủ tịch nước: ‘Chưa bao giờ thu hồi tài sản
tham nhũng lớn như vụ AVG’ (TN). – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Vụ AVG vừa rồi
là điển hình nói lên rất nhiều điều” (TTT). – Chưa bao giờ xử được tội hối lộ, thu được tài sản tham nhũng
lớn như vụ AVG (LĐ). – “Năm 2020 lại phải đạt nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm
2019” (TTXVN).
– Tiếp tục xét xử nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Nguyễn
Hữu Tín và đồng phạm (BNews). – Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nói gì trong phần
bào chữa bổ sung? (TN). – Bị cáo Nguyễn Hữu Tín nhận trách nhiệm và xin giảm án cho
các đồng phạm (CL). – Bị cáo Nguyễn Hữu Tín nói gì trước khi tòa tuyên án? (LĐ).
– Ông Nguyễn Hữu Tín đau xót vì mất niềm tin của nhân dân (VNN).
– Cựu giám đốc Sở TN&MT: ‘Tôi sẽ nói tất cả sự thật’ (PLTP).
– Đồng Tâm và sới chọi chó Hà Nội (FB Bùi Văn Thuận).
No comments:
Post a Comment