29/12/2019
Sau vụ việc ca sĩ Văn Mai Hương bị phát tán các clip
riêng tư được đặt trộm và quay lén ngay trong tư thất của mình, nhiều người dân
và cộng đồng mạng phải lên tiếng bảo vệ cô. Tuy nhiên, cũng có một số nhóm có
màu sắc “đấu tranh cách mạng” nhanh chóng lên tiếng chê bai rằng Văn Mai Hương
cuối cùng cũng phải lụy tới “Luật An ninh mạng” khi ngày xưa cô này dám lên tiếng…
phản đối dự thảo. Nhiều bài viết còn khẳng định vụ việc này chính là để chứng
minh cho sự cần thiết của Luật An ninh mạng.
Họ không thể lầm hơn.
Ca sĩ Văn Mai Hương. Ảnh: VnReview
Có cần Luật An ninh mạng để bảo vệ quyền
riêng tư?
Không, không, và không.
Nếu bỏ qua Hiến pháp vốn tương đối chung chung và
không có những quy định chi tiết, thì trước khi Luật An ninh mạng ra đời, chúng
ta đã có không ít quy định.
Quyền riêng tư thuộc về lĩnh vực luật dân sự, và đạo
luật gốc của lĩnh vực này là Bộ
luật Dân sự 2015, trong đó nói rõ tại Điều 38:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia
đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử
dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải
được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên
quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp
luật có quy định khác.”
Trong trường hợp có các hình ảnh, thông tin bị phát
tán có thể gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, Điều
34 của Bộ luật Dân sự cho phép Văn Mai Hương yêu cầu tòa án can thiệp để gỡ bỏ
và đòi bồi thường.
Nếu bạn cho rằng Bộ luật Dân sự vẫn còn chung chung
và chế tài chỉ mang bản chất dân sự, còn có hằng hà sa số các văn bản về quản
lý môi trường mạng và thông tin số để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Văn
Mai Hương mà không cần phải viện đến Luật An ninh mạng.
Trước nhất, có thể kể đến Luật
Công nghệ Thông tin 2006, đã sửa đổi bổ sung, một đạo luật liên quan đến vấn
đề kiểm soát thông tin số, quản lý an toàn và an ninh thông tin. Trong đó, ở Điều
12, Luật này nghiêm cấm việc “cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ,
sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ
chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”.
Luật
Viễn thông 2009 cũng có thể được lấy ra làm cơ sở bảo vệ quyền lợi cho
Văn Mai Hương, với Điều 12 khẳng định việc cấm sử dụng hạ tầng và dịch vụ viễn
thông (internet, mạng viễn thông di động và các phương tiện viễn thông khác) để
phát tán thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự,
nhân phẩm, uy tín của công dân.
Thậm chí, nếu muốn tìm cơ sở trong các văn bản dưới
luật rõ ràng và chi tiết hơn, chúng ta cũng không thiếu bất kỳ một công cụ nào.
Ví dụ, Nghị
định 72/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về kiểm soát hoạt động của các
trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội và thẩm quyền của Bộ Thông tin –
Truyền thông và các cơ quan dưới quyền trong việc bảo đảm xử lý hành vi đưa
thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm
của cá nhân.
Vậy nên, cần khẳng định rằng Luật An ninh mạng gần
như không đóng góp chút vai trò gì trong việc khẳng định nghĩa vụ bảo vệ thông
tin riêng tư cá nhân của nhà nước Việt Nam từ trước đến nay.
Có cần Luật An ninh mạng để xử lý hành vi vi phạm quyền
riêng tư?
Lại càng không. Nói thẳng ra, có hay không có Luật
An ninh mạng thì người dân vẫn có quyền, và cơ quan nhà nước vẫn có nghĩa vụ bảo
vệ quyền lợi về thông tin cá nhân và xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm, bất
kể là không gian thật hay không gian mạng.
Điều 66 Nghị
định 174/2013/NĐ-CP, có căn cứ bao gồm cả Luật Viễn thông và Luật Công nghệ
Thông tin, quy định rõ sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với
một trong các hành vi như: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá
nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật
/ Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa,
quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm,
uy tín của người khác.
Nếu nghiêm trọng hơn, Bộ
luật Hình sự Việt Nam cũng đã được chuẩn bị sẵn để đối phó với các
hành vi có tính chất nguy hiểm và có tổ chức hơn, như trường hợp của Văn Mai
Hương.
Theo đó, khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015
quy định: Người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa
chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức,
cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu
thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc
gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu
làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng
đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6
tháng đến 3 năm”.
Nếu quả thực vụ việc này có yếu tố đột nhập vào hệ
thống camera của nhà riêng Văn Mai Hương để trộm dữ liệu thì cũng đã có Điều
289 quy định về “tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc
phương tiện điện tử của người khác”, với án tù lên tới 12 năm.
Ta tạm bỏ qua tính hợp lý của các quy định trên. Nếu
chỉ nói về công cụ pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư của các cá nhân trong xã hội
thì pháp luật Việt Nam không thiếu đến mức phải cần đến Luật An ninh mạng.
Nhưng còn một vấn đề lớn hơn nhiều.
Luật An ninh mạng có bao giờ nhắm vào việc bảo vệ quyền
riêng tư?
Chuyện này đã được các chuyên gia phân tích kỹ càng
vào năm 2018, khi Luật An ninh mạng được thảo luận ở Quốc hội. Và câu trả lời
là rất rõ ràng: Luật An
ninh mạng không những không nhắm đến việc bảo vệ quyền riêng tư, mà còn trực tiếp
trao quyền cho nhà nước xâm phạm quyền riêng tư của người dân.
Trọng tâm của những tranh cãi liên quan đến Luật An
ninh mạng thật ra chỉ nằm trong Điều 26, theo đó trao quá nhiều thẩm quyền cho cơ
quan bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an và các cơ quan chức năng khác mà không
cần tòa án cho phép.
Ví dụ, Luật An ninh mạng bắt buộc các nhà cung cấp dịch
vụ phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh
mạng thuộc Bộ Công an bất kỳ khi nào họ đưa ra yêu cầu bằng văn bản.
Thậm chí, nếu cần thiết, Bộ Công an và cơ quan của Bộ
Thông tin – Truyền thông còn có thẩm quyền cắt đứt hoàn toàn việc sử dụng mạng
viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng đối với bất kỳ cá nhân nào mà
không cần thông qua xét xử.
Ngược lại với lập luận của các nhóm đang muốn đấu tố
Văn Mai Hương, việc phản đối Luật An ninh mạng thật ra là nhằm bảo vệ các thông
tin cá nhân, thông tin riêng tư khỏi khả năng tiếp cận, sử dụng và cấm đoán tùy
tiện từ phía cơ quan có thẩm quyền. Văn Mai Hương, vì thế, đã rất đúng khi phản
đối Luật An ninh mạng.
***
Với những lý do trên, người viết tin rằng quyền được
bảo vệ thông tin, hình ảnh cá nhân, dù trên mạng xã hội hay không, dù có phát
tán bằng các kênh viễn thông và mạng internet hay không, luôn được ghi nhận rõ
ràng trong pháp luật Việt Nam, trước khi Luật An ninh mạng ra đời. Những hành
vi tấn công Văn Mai Hương chỉ vì cô này phản đối sự tùy tiện văn bản luật nói
trên, chỉ thể hiện một là sự vô duyên, hai là sự thiếu hiểu biết của người tấn
công.
No comments:
Post a Comment