Chủ Nhật, 8 tháng
12, 2019
Lấy danh nhân lịch
sử đặt tên đường trong thời hiện đại, đã đến lúc cần đặt yếu tố văn hóa lên
trên những định kiến khác. Qua rồi thời kỳ các tên đường, tên xóm, tên ngõ, tên
phố cũng phải gánh lấy trọng trách tuyên truyền, thậm chí áp đặt tinh thần
chính trị đối với cộng đồng.
Đơn kiến nghị của
12 nhà nghiên cứu văn hóa gửi lên chính quyền Đà Nẵng phản đối việc thành phố
này dự định lấy tên hai giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre De Rhodes làm
tên đường chung quy vì hai ông có “đi lại” với chính quyền thực dân. “Nâng quan
điểm” nhất, có lẽ là nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ở Huế. Ông cho rằng: “Chữ
quốc ngữ tạo ra không nhắm phát triển dân tộc ta mà là công cụ xâm lăng” (Tất
nhiên, ông Xuân vẫn đang dùng chữ quốc ngữ cho các “nghiên cứu” của mình!)
Cũng như ông Xuân,
những người tham gia vào bản kiến nghị đã tin rằng hai vị giáo sĩ mắc cái tội lớn
với dân tộc Việt Nam, từ đó, khỏa lấp luôn những giá trị mà họ cống hiến cho lịch
sử văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam hiện đại.
Kiểu lập luận trên
thực ra không mới; nó cho thấy một kiểu tiếp cận lịch sử ấu trĩ vẫn phổ biến
trong giới cán bộ văn hóa hay những nhà nghiên cứu phải đạo. Nhưng nó gây phản ứng
trong dư luận, học giới tiến bộ là bởi vì ít ai nghĩ rằng, thứ luận điệu hẹp
hòi và chất đầy định kiến ngoại vi văn hóa đó vẫn có cơ hội tồn tại và ra sức
chi phối đến văn hóa cộng đồng trong một bối cảnh văn hóa cởi mở, trong một khoảng
lùi thời gian đủ để nhìn nhận và soi xét những nhân vật, hiện tượng văn hóa một
cách khách quan, bao dung và phổ quát.
Lịch sử hiện đại Việt
Nam trải qua nhiều khúc quanh. Lịch sử văn hóa, theo đó, cũng nhiều thăng trầm
biến đổi. Những “khúc mắc” tiểu sử của các nhân vật, hiện tượng văn hóa qua một
góc nhìn độc đoán cần được bỏ qua để hướng đến một chiều kích khoa học, thấu hiểu
bối cảnh lịch sử để có thể tiếp nhận những đóng góp, cống hiến, tinh hoa, làm
giàu cho gia tài văn hóa nói chung. Không nên neo buộc mọi thứ vào một thước đo
quan điểm chính trị hay ý thức hệ cũ kỹ.
Nhìn lại, trong thời
chiến và thời đầu hòa bình, vì nhiều lý do, những định kiến chính trị đã được lấy
ra áp đặt trong cuộc sống, thậm chí, định giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật. Một
chế độ mới hình thành thì lập tức tái lập các tên đường theo tên anh hùng mà họ
coi “có công với chế độ mình”. Thậm chí điều này cũng dẫn đến chuyện họ không
chỉ xóa những tên đường cũ của thời kỳ trước đó mà còn xóa luôn cả tên tuổi tiền
nhân trên những địa danh đã đi vào ký ức tập thể của cư dân, để thay bằng tên
các anh hùng gọi là “có công với đất nước, với dân tộc” (theo cách nói mới đây
của ông Nguyễn Đắc Xuân) nhưng xa lạ với cộng đồng.
Vì thế, trên các đô
thị miền Nam sau 1975, nhiều con đường mang tên một số vị vua triều Nguyễn đã bị
thay tên chỉ đơn giản là cả một triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt
Nam đã bị những nhà “ngự sử mới” “kết án” là có tội với lịch sử dân tộc. Và qua
thời gian, bằng những nỗ lực của các thế hệ nghiên cứu về sau, chúng ta đang thấy
phát lộ một không gian văn hóa nhà Nguyễn rộng lớn, bao trùm hơn, bản chất hơn
và khách quan hơn. Những diễn dịch văn hóa nhân danh ý thức hệ trước đây dẫn đến
những báng bổ tiền nhân, vội vã xóa dấu ký ức là ấu trĩ, không đáng có.
Mặc dù Nghị định
91/2005/NĐ-CP về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công
trình công cộng có nêu: “Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác
nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố
và công trình công cộng”. Nhưng nhìn rộng ra bối cảnh văn hóa đa phương hôm
nay, có thể thấy cái quy định này đang là lá bùa cho những “ngự sử độc đoán”
vin vào để nuôi dưỡng, triển khai thứ định kiến lạc hậu, làm nghèo văn hóa. Những
con đường được đặt tên theo “quan điểm lập trường” và cũng vì quan điểm lập trường
mà người ta sẵn sàng loại đi yếu tố quan trọng và lớn lao hơn: âm vang của lịch
sử và gắn bó với tâm thức cộng đồng. Điều này cũng là dẫn chứng cho thấy một chủ
trương, tư duy lệch lạc sẽ góp phần cắt khúc lịch sử. Một lịch sử không liền lạc
là một lịch sử nông cạn và thiếu sức sống, tẻ nhạt và không đáng lưu tâm.
Không chỉ vấn đề đặt
tên đường mà cái nhìn về vốn liếng văn hóa đất nước nói chung, đang đứng trước
nguy cơ bị khiếm khuyết nếu tiếp tục được quản lý hay cố vấn bởi thứ tư duy thiển
cận, không có trước có sau. Chuyện ông nhạc sĩ công chức văn hóa thời nay của
TP.HCM lên tiếng chỉ trích dòng nhạc được sinh ra và có sức sống trong văn hóa
đô thị Sài Gòn là một dẫn chứng mới nhất.
Hơn bao giờ hết,
không chỉ việc đặt tên đường mà các hiện tượng văn hóa nói chung cần được trả về
cho không gian văn hóa, đừng nên diễn dịch, đo lường bằng những yếu tố ngoại
vi.
Nguyễn Vĩnh Nguyên/ Người Đô Thị
-------------------------
LIÊN
QUAN
27/11/2019 22:36
29/11/2019 08:35
No comments:
Post a Comment