RFA
27/12/2019
Mua và thuê nhiều đất để làm gì?
Tại Hội nghị Quân chính Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí
Minh (TP.HCM), diễn ra vào ngày 26/12, Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tham mưu
trưởng Quân khu 7 được Báo Thanh Niên Online trong cùng ngày dẫn lời cho biết
có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mua và thuê diện tích lớn đất trên tuyến biên
giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia; tuy nhiên lý do vì sao doanh nghiệp
Trung Quốc chọn mua hoặc thuê đất trên tuyến biên giới Tây Nam lại không được
báo giới đề cập tới.
Đài RFA ghi nhận trước thông tin vừa nêu, không ít
người dân trong nước bày tỏ sự lo ngại rằng chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung
Quốc ngày càng lấn sâu vào Việt Nam không chỉ ở khu vực Biển Đông mà còn trong
cả đất liền từ Bắc đến Nam.
Cựu
Đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân đã giải ngũ, lên tiếng với
RFA về quan điểm của ông:
“Nói về so sánh trên biển, về mặt quân sự, thì Việt
Nam vẫn có những điều kiện thuận lợi hơn. Tôi nói về Trường Sa, quần đảo nằm ở
phía dưới. Ví dụ tôi so sánh một cách đơn giản cho dễ hiểu là từ đất liền của
Trung Quốc ra đến đảo Trường Sa của Việt Nam rất xa hoặc từ Đà Nẵng hay từ Bà Rịa-Vũng
Tàu hoặc một số tỉnh dọc biển đi ra Trường Sa lại rất gần. Thế còn trên đất liền
thì thật sự họ nắm giữ được các dải đất mà giáp ranh với Việt Nam thì họ quá
thuận lợi và trong điều kiện mà Chính phủ hay những người cầm quyền ở Campuchia
ủng hộ họ hay đồng ý cho họ làm như thế thì đúng là Việt Nam mình bất lợi rất
nhiều thứ.”
Để tìm câu trả lời liên quan thắc mắc của dư luận
trong nước rằng các doanh nghiệp Trung Quốc mua và thuê đất với diện tích lớn
trên tuyến biên giới Tây Nam để làm gì, Đài RFA, vào tối ngày 27/12 nêu vấn đề
với Tiến sĩ Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập làm việc tại
Singapore, và được ông cho biết thông tin Thiếu tướng Đặng Văn Hùng cho biết tại
Hội nghị Quân chính Bộ Tư lệnh TP.HCM không có gì mới mẻ và việc doanh nghiệp
hay người Trung Quốc thuê đất dài hạn lên đến 50 năm dọc theo biên giới Tây Nam
của Việt Nam đã diễn ra cách nay xấp xỉ dưới 1 thập niên và vẫn đang tiếp diễn.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp tiếp lời về ghi nhận của ông:
“Một là thuê đất rộng nhất để làm những trại điện mặt
trời, bình thường rộng đến khỏang 100 hay 150 héc-ta. Phổ biến là những người
quốc tịch Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc vào mua các trại điện của người
Việt Nam đã làm rồi dọc theo biên giới, đặc biệt ở vùng Tây Ninh và An Giang.
Thế còn mua nhỏ hơn, một vài héc-ta thì để làm nhà xưởng, nhà máy chế biến thực
phẩm hoặc là chế biến thức ăn gia súc và sản xuất…chứ không làm kinh doanh ở đấy.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp còn lưu ý, tình trạng tương tự
diễn ra ở phía bên biên giới Campuchia mà ông gọi là “nhộn nhịp và sầm uất” nhiều
lần hơn do giá đất ở Việt Nam đắt hơn so với ở Campuchia. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
nói rằng nhìn từ bên này biên giới của Việt Nam là có thể nhìn thấy các doanh
nghiệp Trung Quốc mua và thuê hết tất cả đất của Campuchia dọc theo
biên giới với Việt Nam để làm các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện mặt trời, trồng
cây, trồng chuối…
Nhà nghiên cứu độc lập-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp
nhấn mạnh:
“Người Trung Quốc rõ ràng là họ nhìn rất xa, có thể
bây giờ họ đã làm các căn cứ quân sự của họ ở Campuchia, nhưng phía Campuchia
chối là không có. Vừa rồi họ có làm một đường băng rất rộng và dài gần 4000 mét
ở trong rừng. Phía Campuchia nói là làm sân bay quốc tế cho Campuchia nhưng
không rõ dùng vào việc gì bởi do tại sao lại làm ở giữa rừng mà không ở gần
PhnomPenh hay gần các cảng biển. Tiếp theo nữa là hai cảng lớn gồm Shihanouk
Ville và Koh Kong của Campuchia thì bây giờ giao cho người Trung Quốc, mà cảng ấy
cách Việt Nam khoảng gần 300 cây số đường bộ, còn đường chim bay thì gần hơn rất
nhiều, có nghĩa là chạy xe khoảng 3 tiếng đồng hồ là tới Tây Ninh và tầm 4 tiếng
là vào tới Sài Gòn. Đương nhiên là Quân khu 7, Quân khu 9 đã để ý lâu rồi và
người ta nói ra như thế để gây sự chú ý cho chính quyền, chứ người dân cũng đã
biết về việc này.”
Quan ngại về an ninh quốc phòng
Vào ngày 22/12, tờ The New York Times đăng tải một
bài xã luận của tác giả Hannah Beech có nhan đề tạm dịch là “Một phi đạo giữa rừng
gây nghi ngờ về các kế hoạch của Trung Quốc ở Campuchia”.
Sân bay quốc tế Dara Sakor dài nhất ở Campuchia do Trung Quốc xây dựng ở giữa
rừng. Courtesy: Ảnh chụp màn hình nytimes.com
Sân bay quốc tế Dara Sakor dài nhất ở Campuchia do
Trung Quốc xây dựng ở giữa rừng, mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp vừa nói đến, được tác
giả Hannah Beech dẫn lời của chuyên gia Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị
thuộc Đại học Occidental ở Los Angeles nhận định rằng “Phi đạo này sẽ là bàn đạp
cho Không quân Trung Quốc triển khai sức mạnh ra toàn khu vực và thay đổi toàn
bộ cuộc chơi”.
Trong một cuộc hội luận với RFA vào hạ tuần tháng
12, nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải cũng nêu lên ghi nhận của ông rằng:
“Việc triển khai những căn cứ quân sự và những dự án
lớn thuê của Campuchia ở ngã ba biên giới Thái Lan-Campuchia hay sử dụng một phần
quân cảng Ream cho thấy việc quân sự hóa ở khu vực Vịnh Thái Lan cũng như phía
bên kia Ấn Độ Dương, hai bên của bờ kênh đào Kra chứng tỏ là Trung Quốc sẽ có
xu hướng mở một đường đi qua kênh Kra. Và nếu như Trung Quốc mở ra con đường đi
qua kênh Kra thì sẽ gây ra những xung đột ngay trong khối ASEAN.”
Qua trao đổi với một số người dân trong nước, Đài
RFA được nghe họ nhắc lại vấn đề rất đang lo ngại bên trong lãnh thổ của Việt
Nam, là các doanh nghiệp Trung Quốc luôn nhắm vào những dự án kinh tế, hay đặt
nhà máy ở hầu hết các địa phương của Việt Nam, nhất là tập trung tại các khu
kinh tế trọng điểm, các tỉnh ven biển, biên giới…Bên cạnh đó, sự kiện xung đột
căng thẳng ở Bãi Tư Chính tại Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm
2019 được giới chuyên gia đánh giá có thể tiếp tục kéo dài trong thời gian tới
và trong bối cảnh như thế tình hình an ninh, quốc phòng của Việt Nam rất bị rủi
ro.
Cựu
Đại úy quân đội Võ Minh Đức đưa ra tình huống giả định:
“Trong trường hợp mà gọi là chiến tranh quân sự, ở
góc độ hiểu biết của tôi, thì rõ ràng đây là bất lợi rất lớn về mặt quân sự, chống
đỡ rất khó khăn. Dọc biên giới mà gọi là bắt đầu từ ngã 3 Đông Dương (giáp ranh
giữa Việt Nam-Lào-Campuchia) ở tỉnh Kon Tum và chạy dài về biên giới phía Tây của
Việt Nam xuống tới Kiên Giang, Hà Tiên gần cả ngàn cây số. Ví dụ như người
Trung Quốc làm doanh nghiệp, kinh tế ở đó mà cho công nhân của họ đến ở mỗi tỉnh,
mỗi vùng từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn thì tôi cho rằng nguy cơ về mặt quân sự
là những công nhân đó sẽ trở thành lính và rất bất lợi cho Việt Nam.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp có cái
nhìn lạc quan hơn qua lập luận:
“Chiến lược quốc phòng của Việt Nam, theo cách nhìn
từ bên ngoài vào và nhìn từ bên trong ra, là ‘chống thâm nhập’, nghĩa là phòng
thủ. Họ bằng mọi cách bao gồm bằng vũ khí, bằng chính trị, bằng truyền thông, bằng
chiến tranh tâm lý…trước hết là không thể để xảy ra chiến tranh; thứ hai nếu xảy
ra chiến tranh hay đụng độ nhỏ do các bên không kiềm chế được thì không để lan
tỏa ra và thứ ba trong trường hợp lan tỏa ra thì phía đối thủ là kẻ thù của Việt
Nam không thể thâm nhập vào được tất cả các vùng của Việt Nam, không vào được
biển, không lên được bờ, mà có vào được bờ thì cũng không vào được các điểm
quan trọng như là thành phố hay khu vực nhà máy hoặc khu vực quân sự. Việt Nam
phòng thủ chắc chắn lắm.”
Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore, Tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Chính phủ Việt Nam phải hết sức cẩn trọng trước “sức mạnh
mềm” của Trung Quốc để thực hiện giấc mộng bá quyền Trung Hoa qua văn hóa, tiền
bạc, kinh doanh…
Trở lại thông tin Thiếu tướng Đặng Văn Hùng cho biết
doanh nghiệp Trung Quốc mua và thuê đất số lượng lớn trên tuyến biên giới Tây
Nam của Việt Nam, được đăng tải trên Báo Thanh Niên Online hôm 26/12, Đài Á
Châu Tự Do, vào ngày 27/12 ghi nhận thông tin này không còn xuất hiện trên
Báo Thanh Niên Online nữa.
--------------------------------
CÁC TIN KHÁC
No comments:
Post a Comment