Thanh
Hà -
RFI
Đăng ngày 13-12-2019
Với
thắng lợi áp đảo của đảng Bảo Thủ trong cuộc bầu cử ngày 12/12/2019, đại đa số
cử tri Anh khẳng định nguyện vọng Brexit, chấm dứt thế "dùng dằng nửa ở
nửa về" kéo dài từ hơn ba năm qua.
Kết quả bầu cử được công bố trên màn hình lớn ở Luân
Đôn, Anh Quốc, ngày 13/12/2019.Jeff Overs/BBC/Handout via REUTERS
Boris Johnson
bảo đảm giữ được chiếc ghế thủ tướng trong vòng 5 năm sắp tới để thực hiện kế
hoạch đưa nước Anh ra khỏi Liên Âu. Nhưng ẩn số vẫn nguyên vẹn về mối quan hệ
trong giai đoạn hậu Brexit giữa Luân Đôn với 27 thành viên còn lại của
Bruxelles.
Khẩu hiệu "Cùng nhau thực hiện Brexit"
của ông Johnson đã đem lại thành công ngoài mong đợi, cho phép cánh bảo thủ
giành được tới 368 trên 650 ghế tại Nghị Viện.
Với đa số áp đảo này, thủ tướng Boris Johnson không
còn phải lo bị các đảng phái đối lập chống đối khi ông đệ trình kế hoạch chia
tay với Liên Âu. Bên Công Đảng, phe đối lập chính, có khuynh hướng chống
Brexit, thua đậm. Đảng Dân Chủ Tự Do chủ trương ở lại trong Liên Âu không đủ sức
thuyết phục cử tri. Về phần đảng Ukip có lập trường Brexit triệt để, cũng không
giành được một ghế nào trong nghị viện sắp tới.
Giới quan sát cho rằng, dù đã bày tỏ lập trường hết
sức cứng rắn về thủ tục ly dị với châu Âu, nhưng thủ tướng Boris Johnson không
bắt buộc sẽ thực hiện những cam kết đó một cách triệt để. Có nghĩa là chưa chắc
nước Anh sẽ đi theo mô hình một "hard Brexit", ra khỏi liên
minh thuế quan châu Âu, để rồi mất hết nhiều khoản ưu đãi về thuế quan, về tài
chính với các nước bạn cũ trong đại gia đình châu Âu.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu Center for European
Reform, Charles Grant được hãng tin AFP trích dẫn cho rằng, với đa số rộng rãi
vừa có được tại Westminster, thủ tướng Johnson không cần phải chiều lòng cánh cứng
rắn nhất và có lập trường bài châu Âu mạnh mẽ nhất trong hàng ngũ đảng Bảo Thủ.
Ông hoàn toàn có thể chọn giải pháp chia tay với Liên Âu một cách "êm
thắm".
Thêm một dấu hiệu khác củng cố cho giả thuyết này đó
là cánh bảo thủ vừa bất ngờ giành thắng lợi ở miền bắc nước Anh và ở vùng Midlands,
miền trung. Đây là những khu công nghiệp và các khu vực này sẽ bị thiệt thòi
nhiều trong kịch bản Luân Đôn chia tay với Bruxelles mà không đạt được thỏa thuận
nào. Giáo sư Tony Travers trường London School of Economics gần như chắc chắn
là thủ tướng Boris Johnson sẽ chọn giải pháp "mềm - soft Brexit"
để các doanh nghiệp Anh có thời gian thích nghi với tình huống mới.
Trong suốt cuộc vận động tranh cử, thủ tướng Johnson
hô hào khẩu hiệu "Cùng nhau thực hiện Brexit" nhưng tuyệt
nhiên không đi sâu vào chi tiết của thủ tục ly dị và tránh đả động tới mối quan
hệ giữa Luân Đôn và Bruxelles sau này. Chỉ riêng về thương mại chẳng hạn, Boris
Johnson không nói rõ sau giai đoạn chuyển tiếp, dự trù mở ra cho tới ngày
31/12/2020, Anh Quốc sẽ giữ mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác châu Âu tới mức
độ nào.
Trong khi đó, nhìn từ phía Bruxelles, tân chủ tịch Hội
Đồng Châu Âu Charles Michel và ủy viên đặc trách về hồ sơ Brexit ông Michel
Barnier đồng tuyên bố "sẵn sàng đàm phán" với chính quyền
Johnson. Đồng thời báo trước là Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt "quan tâm đến
sự toàn vẹn của thị trường nội địa châu Âu, và quan hệ trong tương lai với Luân
Đôn phải bảo đảm được một sân chơi công bằng" cho tất cả các bên. Nói
cách khác, Bruxelles gián tiếp cảnh cáo chính phủ Johnson tránh biến vương quốc
Anh thành cửa ngõ để hàng hóa của thế giới đổ vào Liên Liên Hiệp Châu Âu, thành
một thiên đường thuế khóa trong ngành tài chính, tránh biến nước Anh thành một
"Singapore trên sông Thames".
Trước mắt, thủ tướng Boris Johnson dường như đang để
ngỏ mọi cánh cửa. Có điều kinh nghiệm cho thấy, các kịch bản chính trị thường
có những bất ngờ vào phút chót và không loại trừ khả năng các nhà chính trị có
thói quen "nói một đàng, làm một nẻo".
-------------------------------------
LIÊN
QUAN :
Thanh Hà - RFI -
Đăng ngày 13-12-2019
No comments:
Post a Comment