Nguyễn Quang Dy
Viet Studies 08/12/2019
Cứ đến cuối năm, thời gian thường trôi nhanh “tựa
cánh chim bay”. Người ta nói “năm con heo” là năm cuối của 12 con
giáp nên thường có nhiều biến động. Những người bi quan cho rằng Việt Nam đang
“họa vô đơn chí”, còn những người lạc quan trông chờ vào quy luật “cùng tắc biến”.
Trong khi cánh cửa cơ hội cho Việt Nam đang khép lại thì thách thức ngày càng
nhiều và nguy cơ ngày càng lớn. Muốn dự báo năm mới phải nhìn lại năm cũ. Chưa
biết triển vọng năm 2020 sẽ thế nào, nhưng đến cuối 2019, Việt Nam vẫn chưa
thoát khỏi ngã ba đường. Có nhiều nguyên nhân, nhưng dường như “Hà Nội không vội
được đâu”!
Tứ trụ hay Tam trụ
Về đối nội, ông Trần Đại Quang ra đi khá vội vàng
(21/9/2018) đã để lại một lỗ hổng quyền lực và một cơ hội để ông Nguyễn Phú Trọng
tập trung quyền lực vào một mối (TBT & CTN). Hệ quả là cấu trúc quyền lực
“Tứ trụ” (truyền thống) nay trở thành “Tam trụ” (lâm thời). Dù Việt Nam chưa sẵn
sàng “nhất thể hóa” nhưng ông Trọng đã củng cố được quyền lực, vượt lên trên
thiên hạ để “thế thiên hành đạo” (như ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc).
Có người lập luận rằng mô hình “Tam trụ” vững như
“kiềng ba chân” vì dựa trên “thế ỷ dốc”, nhưng nhiều người khác lại cho rằng về
nguyên lý, mô hình “Tứ trụ” (Quad) thường ổn định hơn mô hình “Tam trụ” (Triad).
Thời “Tam quốc” bên Tầu thường loạn lạc và nội chiến liên miên. Lâu nay, Việt
Nam vẫn áp dụng “cơ chế ba mặt” (đảng, chính quyền, công đoàn) để quản trị, như
mô hình “Tổ Tam tam” (ba người) nhằm kiểm soát lẫn nhau.
Về lý thuyết, “cơ chế ba mặt” được áp dụng nhằm
“phát huy quyền làm chủ tập thể”, nhưng trên thực tế có thể làm triệt tiêu năng
lực sáng tạo của con người và trách nhiệm cá nhân trong quản trị. “Nhất thể
hóa” là một ý tưởng hay nếu áp dụng nghiêm túc, nhưng “Tam trụ” không phải là
“Tam quyền Phân lập” mà chỉ là “bình mới rượu cũ” (vì cùng mẫu số). Einstein từng
nói “người ta không thể giải quyết vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra vấn đề
đó”.
Nhưng khi đã tập trung và củng cố được quyền lực,
ông Nguyễn Phú Trọng tự tin hơn để tăng cường chiến dịch “đốt lò”, xử lý tiếp
các vụ án lớn (như bắt bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, và Phạm Nhật
Vũ, khởi tố cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến). Có dấu hiệu ông Trọng cân nhắc đến khả
năng cải cách thể chế khi công khai đặt ra 3 vấn đề cốt lõi: Một là có nên xóa
bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không? Hai là đổi mới thể chế chính trị có
phải là đổi mới chế độ hay không? Ba là có cần sửa đổi điều lệ Đảng hay không?
Như “đến hẹn lại lên”, Hội nghị Trung Ương 11
(7-12/10/2019) bắt đầu chuẩn bị văn kiện và nhân sự cho Đại hội Đảng 13, và lần
đầu tiên ông Trọng đã đề cập đến vấn đề Biển Đông. Trong diễn văn khai mạc, ông
kêu gọi “kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo theo luật
quốc tế”. Trong diễn văn bế mạc, ông nhấn mạnh “phải phân tích và dự báo trên
cơ sở tư duy khoa học tình hình thế giới và Việt Nam, đặc biệt là về Biển
Đông”. Dư luận cho rằng đó là một chuyển biến đáng kể, nhưng vẫn chưa theo kịp
với thực tế.
Bức tranh kinh tế
Theo Moody’s 2020 report (10/10/2019), Tuy GDP tăng
6,8% nhưng Việt Nam có thể bị hạ mức tín nhiệm vì chậm thanh toán nợ tới hạn,
làm mất khả năng thanh toán, có thể dẫn tới vỡ nợ quốc gia. Chính phủ nợ nước
ngoài hơn 100 tỷ USD, và các doanh nghiệp nợ nước ngoài 100 tỷ USD, cộng lại
thành hơn 200 tỷ USD, gần bằng toàn bộ GDP của Việt Nam. Ngoài nợ nước ngoài,
Việt nam còn nợ trong nước, tương đương 200 tỷ USD gồm nợ của chính phủ và
doanh nghiệp. Gần đây, Thống đốc Lê Minh Hưng đã báo cáo Quốc hội về khoản
53.000 tỷ VNĐ mà các ngân hàng đã cho vay để làm BOT, có nguy cơ trở thành nợ xấu.
Ngoài số nợ nước ngoài 200 tỷ USD được thống kê
chính thức, có thể phát sinh những khoản nợ nước ngoài khác từ các doanh nghiệp
chưa được thống kê. Tháng 9/2019, Tổng cục Thống kê đã bất ngờ công bố phát hiện
thêm 76.000 doanh nghiệp trước đó không có trong sổ sách. Động cơ của việc công
bố này là nhằm làm tăng thêm GDP để “lấy thành tích chào mừng Đại hội Đảng”. Nhưng
số phát sinh này chiếm hơn 10% tổng số doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam, trong
đó chắc có nhiều khoản vay nước ngoài mà Bộ Tài chính không biết.
World Bank cho biết trong 3 năm tới có khoảng 50% nợ
trong nước của Chính phủ đáo hạn, và Chính phủ vẫn chưa biết lấy đâu ra tiền để
trả nợ (trừ việc in tiền ồ ạt), và có khoảng 30% số doanh nghiệp nhà nước không
có khả năng trả nợ nên đối mặt với nguy cơ phá sản, nếu chính phủ từ chối trả nợ
thay cho các doanh nghiệp nhà nước. Moody sẽ xem xét hạ mức đánh giá 17 ngân
hàng, nên 50% các ngân hàng Việt Nam sẽ bị hạ mức tín nhiệm.
Theo VietNamNet (21/10/2019), trong báo cáo về nợ
công năm 2020, Chính phủ Việt Nam cần vay thêm 459 nghìn tỷ VNĐ để cân đối ngân
sách, trong đó bao gồm khoản bù đắp bội chi ngân sách là 217 nghìn tỷ VNĐ, khoản
trả nợ gốc của ngân sách trung ương là 217 nghìn tỷ VNĐ, và nhận nợ bảo hiểm xã
hội là 9,1 nghìn tỷ VNĐ. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2020
là 379 nghìn tỷ VNĐ. Dự báo đến cuối năm 2020 Việt Nam có mức nợ công khoảng
54,3% GDP, nợ chính phủ khoảng 48,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%
GDP. Việc phải đi vay để bù đắp bội chi ngân sách có nghĩa là tiền làm ra vẫn
chưa đủ đáp ứng chi tiêu thường xuyên, và chính phủ vẫn phải “vay nợ mới để trả
nợ cũ”.
Tuy dự luật “ba đặc khu” bị dư luận phản đối quyết
liệt buộc Quốc Hội phải hoãn (vô thời hạn), nhưng chắc các nhóm lợi ích không
chịu bỏ cuộc, vẫn tìm cách thao túng chính sách như miễn thị thực cho người nước
ngoài vào khu kinh tế ven biển (như Vân Đồn và Phú Quốc). Tuy dự án đường cao tốc
Bắc Nam (đường bộ và đường sắt) cũng bị dư luận phản ứng quyết liệt buộc Bộ
GT-VT hủy bỏ kết quả đấu thầu quốc tế để tạo điều kiện cho các nhà thầu trong
nước tham gia, nhưng họ vẫn thúc đẩy dự án đường sắt Hà Khẩu-Lào Cai-Hải phòng
(khổ 1,435m, với 39 nhà ga, 73 chiếc cầu dài 130km, và 25 đường hầm chui 25km)
do Trung Quốc thiết kế và xây dựng (kinh phí 100.000 tỷ VNĐ). Đây là một mắt
xích trong kế hoạch “Một vành đai, Một con đường”, chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích
chiến lược của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, “Việt Nam khuyến
khích đầu tư nước ngoài, không cần biết là các dự án đó chỉ dùng công nghệ lạc
hậu, ô nhiễm, và lao động không chuyên giá rẻ làm hàng xuất khẩu sang Mỹ và các
nước khác, và cũng không cần biết đến vốn đi từ đâu, mà thực chất một phần
không nhỏ là mượn từ ngân hàng Việt Nam…Đến nay, Việt Nam chỉ là bàn đạp, thậm
chí là bãi rác cho nước khác làm hàng xuất khẩu xâm nhập vào Mỹ và các nước
khác”. Theo ông Việt, Việt Nam cần xem xét kỹ có nên tham gia RCEP hay không,
sau khi Ấn Độ và Nhật đã quyết định rút. Đây là hiệp định mà Trung Quốc cổ vũ mạnh
mẽ nhằm đối địch với TPP không có Trung Quốc (mà Mỹ đã rút) để giúp Trung Quốc
mở rộng ảnh hưởng với kinh tế với các nước ASEAN trong chiến lược “Một vành
đai, Một con đường” của họ.
Trong bối cảnh đối đầu Việt-Trung tại bãi Tư Chính,
Việt Nam cần rà soát lại các dự án có rủi ro về an ninh quốc gia theo tinh thần
Nghị quyết 50-NQ/TW (20/8/2019). Trả lời chất vấn tại Quốc Hội (9/11/2019) Ngoại
trưởng Phạm Bình Minh thừa nhận có hàng trăm doanh nghiệp Việt đứng tên
thay cho người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) đầu tư kinh doanh bất động sản
và du lịch dưới nhiều hình thức “núp bóng”. Các dự án này thường chiếm vị
trí xung yếu về an ninh quốc phòng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hậu họa
khôn lường.
Đối đầu tại Bãi Tư Chính
Về đối ngoại, Hà Nội đã tự tin hơn khi đăng cai tổ chức
họp cấp cao Trump-Kim (3/2019) và ông Trọng đã nhận lời đi thăm Mỹ khi ông
Trump trực tiếp mời (như một cách cám ơn). Đây là một thắng lợi quan trọng về
ngoại giao trong năm 2019. Hội thảo về định hướng hợp tác chiến lược Mỹ-Việt cấp
thứ trưởng tại Washington (4/2019) là một dấu hiệu tích cực, tuy năm trước Việt
Nam đã lặng lẽ hủy bỏ 15 họat động giao lưu quốc phòng với Mỹ (cho năm 2019).
Theo các chuyên gia, đó là động thái đối phó tình huống vì sức ép Trung Quốc.
Nhưng điều bất ngờ (và khá bí ẩn) là ông Trọng đã “gặp
hạn” khi đến Kiên Giang (14/4/2019) phải cấp cứu vào bệnh viện điều trị. Dù dư
luận đồn đại về “bệnh thật hay giả”, nhưng kế hoạch thăm Mỹ năm 2019 của ông Trọng
không thực hiện được (vì lý do sức khỏe hay lý do chính trị). Lúc đầu dự kiến
đi vào tháng 7, sau dự kiến đi vào tháng 10, nay phải lùi sang năm, nhưng 2020
là năm tranh cử tổng thống Mỹ nên càng dễ rủi ro. Kết cục là cuối năm 2019 Việt
Nam vẫn chưa nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược như dư luận mong đợi.
Trong khi đó, Trung Quốc cho tàu khảo sát HD-8, có
nhiều tàu tuần duyên vũ trang hộ tống, xâm nhập vùng biển của Việt Nam (từ
3/7/2019) dẫn đến đối đầu tại Bãi Tư Chính và khủng hoảng Biển Đông “lần hai”
(“lần đầu” là năm 2014). Họ vừa thăm dò địa chấn vừa quấy rối các hoạt động dầu
khí của Việt Nam tại dự án Lan Tây-Lan Đỏ (lô 06-01) liên doanh với Rosneft
(Nga) và ONGC (Ấn Độ) tại Nam Côn Sơn, gần bãi Tư Chính. Sau đó HD-8 chuyển lên
thăm dò khu vực ven biển từ Phan Thiết đến Quảng Ngãi, cách bờ có 70 hải lý.
Mấy tháng qua, Trung Quốc đã dùng vũ lực quấy rối và
xâm lấn Việt Nam tại Bãi Tư Chính, bất chấp luật biển quốc tế và phán quyết
PCA. Họ ngang ngược coi Bãi Tư Chính là “vùng tranh chấp” và còn tuyên bố là
“lãnh thổ của Trung Quốc”. Hành động xâm lấn này đã buộc Việt Nam phải có thái
độ cứng rắn hơn, và làm dư luận quốc tế (đặc biệt là Mỹ) lên án Trung Quốc và ủng
hộ Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc đang xô đẩy Việt Nam về phía Mỹ, làm nhiều
trí thức và quan chức đòi kiện Trung Quốc và nâng cấp đối tác chiến lược với Mỹ.
Điều đó được phản ánh rõ trong mấy bài viết gần đây
của ông Vũ Ngọc Hoàng (nguyên ủy viên trung ương và phó ban tuyên giáo), và Tọa
đàm Khoa học “Vùng biển Bãi Tư chính và luật quốc tế” do viện PLD tổ chức tại
Hà Nội (6/10/2019). Trong diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung Ương 11
(7-12/10/2019) ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức lên tiếng về vấn đề Biển
Đông. Tuy dư luận quốc tế cho rẳng thái độ của Việt Nam cứng rắn hơn, nhưng dư
luận trong nước cho rằng như vậy vẫn còn “quá ít và quá muộn” (too little too
late).
Tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11
(6/11/2019), đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác nhận đang “cân nhắc kiện
Trung Quốc”. Thực ra Việt Nam đã cân nhắc kiện từ năm 2014. Theo Gregory Poling
(AMTI/CSIS), khi Việt Nam làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an
LHQ và Chủ tịch ASEAN vào năm tới, nếu chỉ đề cập đến căng thẳng Biển Đông một
cách chung chung mà không dám gọi tên Trung Quốc là kẻ gây ra căng thẳng (vì “đại
cục”) thì cũng như không, vì chẳng có gì mới để quốc tế ủng hộ mạnh hơn.
Khủng hoảng Biển Đông
Khủng hoảng Biển Đông “lần đầu” (5/2014) đã làm người
Việt bị sốc và quan hệ Việt-Trung lâm vào khủng hoảng, nhưng chưa đổ vỡ vì “đại
cục” như cái vòng kim cô trói buộc Việt Nam từ sau Thành Đô (9/1990). Nay khủng
hoảng “lần thứ hai” (2019) còn tiếp diễn (on and off). Theo Ryan Martinson (học
viện hải quân Mỹ), Trung Quốc “quyết tâm ngăn chặn Việt Nam khai thác tài
nguyên dưới đáy biển” sau khi Rosneft thuê giàn khoan Hakuryu 5 (của Nhật) để
khoan thăm dò gần Bãi Tư Chính. Trung Quốc không chỉ quấy rối và bắt nạt, mà
còn ngang ngược lên án Việt Nam “đơn phương vi phạm chủ quyền Trung Quốc”.
Đó là hành động “vừa ăn cướp vừa la làng”, vì Trung
Quốc đuối lý trước dư luận quốc tế, nên phải dùng sức mạnh để bắt nạt các nước
khu vực trong “vùng xám” (grey area), và tìm cách gạt Mỹ và các cường quốc khác
ra khỏi Biển Đông. Mục tiêu của họ là áp đặt “đường chín đoạn”, để từng bước lấn
chiếm Biển Đông như “chuyện đã rồi” (fait acommpi), tiến tới kiểm soát Biển
Đông như “cái ao của họ”. Trung Quốc đã quân sự hóa và biến các đảo đá mà họ
chiếm của Việt Nam tại Trường Sa (1988) thành các căn cứ quân sự và hậu cần
(như Chữ Thập, Ru Bi, Vành Khăn). Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng
lấn tới.
Tiếp theo các tuyên bố của ông John Bolton và Mike
Pompeo (trước đó), trợ lý Ngoại trưởng David Stilwell đã điều trần (gần đây) tại
Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh
rằng Trung Quốc tiếp tục đe dọa và bắt nạt các nước khác tại Biển Đông. Họ muốn
hợp pháp hóa bộ quy tắc ứng xử (COC) có hại cho khu vực và tất cả các nước coi
trọng tự do hàng hải. “Sự quấy rối liên tục của Trung Quốc đối với các hoạt động
của Việt Nam xung quanh Bãi Tư Chính là một trường hợp rõ rệt”.
Theo VOA (25/10/2019), trong bài phát biểu về quan hệ
Mỹ-Trung tại Trung tâm Woodrow Wilson (24/10/2019), Phó Tổng thống Mike Pence
đã tố cáo cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc, gây mất ổn định nhiều
hơn cho khu vực trong năm qua. Ông Mike Pence nói Bắc Kinh đã gia tăng sử dụng
cấc tàu “dân quân biển” để thường xuyên đe dọa các thủy thủ và ngư dân
Philippines và Malaysia. Ông chỉ trích Trung Quốc bắt nạt Việt Nam trong vụ
tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. “Cảnh sát biển Trung Quốc đã lấy thịt đè
người để ngăn cản Việt Nam khoan dầu khí ngoài khơi trong vùng biển của chính
mình”.
Ông Derek Grossman (RAND Corporation) bình luận “việc
Trung Quốc bắt nạt Việt Nam tại Biển Đông đã được Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence
nêu bật”, và “không có một nước nào đứng lên để bảo vệ Việt Nam như Mỹ”. Nhưng
trong khi Việt Nam đối đầu với Trung Quốc tại Bãi Tư Chính và khủng hoảng Biển
Đông “lần hai”, gần đây có tin đồn ExxonMobil định bỏ dự án Cá Voi Xanh. Tuy
chưa rõ nguyên nhân do sức ép của Trung Quốc hay do tính toán thương mại, nhưng
nếu ExxonMobil rút thật thì đây là tin mừng cho Bắc Kinh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các tuyên bố về điều
chỉnh chiến lược của Mỹ (như NSS 2017, NDS 2018, và Indo-Pacific Strategy 2019)
đã nhấn mạnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. “Đồng thuận Washington mới” về chiến
lược đối với Trung Quốc có thể tạo ra điều kiện thuận lợi để các nước có quan
điểm cứng rắn hơn tại Biển Đông.
Việt Nam vẫn cô đơn
Theo Marine Traffic (Reuters, 24/10/2019), tàu khảo
sát HD-8 và các tàu hộ vệ đã rời khỏi vùng biển Việt Nam trở về Trung Quốc. Họ
đã “hoàn thành nhiệm vụ” sau 3 tháng khảo sát địa chấn nhằm khẳng định chủ quyền
trong “đường chín đoạn” và quấy rối gây sức ép đòi Việt Nam đình chỉ các hoạt động
thăm dò và khai thác dầu khí tại đây. Tuy Trung Quốc rút tàu HD-8 về nhưng ý đồ
lâu dài của họ không thay đổi. Trong tháng 11/2019, họ lại cho tàu HD-620 và
HD-9 xâm phạm vùng biển EEZ của Việt Nam và Malaysia để khảo sát trái phép. Sẽ
không ngạc nhiên nếu Trung Quốc điều dàn khoan vào thăm dò tại những
nơi họ vừa khảo sát.
Theo ông Carl Thayer, thông điệp của ông Nguyễn Phú
Trọng gần đây khi đề cập đến vấn đề chủ quyền Biển Đông báo hiệu rằng Hà Nội
khó có thể lùi bước trước Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hai nước “quyết
không để mất một tấc đất nào do tổ tiên để lại” thì bàn cờ phân định thắng thua
vì lợi ích quốc gia phải đảm bảo khả năng quốc phòng và quốc tế vận cao nhất.
Trong cuộc chơi này, dù Hà Nội tuyên bố cứng rắn hơn “không bao giờ thỏa hiệp”,
nhưng cách thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trong 3 tháng qua tại Biển Đông cho
thấy sự chênh lệch về năng lực quân sự, và sự cô đơn của Việt Nam trong việc bảo
vệ chủ quyền.
Trong mấy tháng qua, Việt Nam đã phải đối phó chật vật
với Trung Quốc và khả năng đối đầu tại Biển Đông sẽ còn tái diễn trong thời
gian tới, nếu vấn đề đối tác chiến lược và liên minh quân sự vẫn bất khả thi vì
chính sách “ba không” của Việt Nam. Trong bài trả lời phỏng vấn RFI
(26/10/2019) ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh rằng chỉ có dân chủ hóa mới tập hợp được
sức mạnh dân tộc để bảo vệ tổ quốc và phát triển đất nước. Trong bối cảnh Việt
Nam bị Trung Quốc xâm lấn thì Việt Nam cần phải liên minh với Mỹ và các nước
khác.
Ngoài Mỹ và Nga, Việt Nam tăng cường hợp tác quốc
phòng với Nhật và EU. Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã thăm châu Âu (14-19/10/2019) để
tăng cường hợp tác quốc phòng. Điều đó có thể làm Hà Nội tự tin hơn và “bớt cô
đơn” trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Nhưng các hoạt động ngoại giao (hình
thức) không hỗ trợ được về quân sự (thực chất). Tuy các hoạt động ngoại giao đó
là cần thiết nhưng chưa tương xứng với tình hình Biển Đông. Nếu Việt Nam vẫn cô
đơn về đối tác chiến lược thì các hoạt động ngoại giao không đủ răn đe Trung Quốc
xâm lấn, dù Việt Nam có tiến tới kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế về luật biển.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố (17/5/2019) “không
đối tượng nào được tiến hành khai thác dầu khí hoặc các tài nguyên khác ở vùng
biển Trung Quốc”. Nhưng theo Rosneft (17/5/2019) hoạt động khoan thăm dò của họ
vẫn diễn ra trong vùng biển của Việt Nam. Bennet Murray viết (Foreign Policy,
Oct 30, 2018) “Dù Nga chưa bao giờ chính thức đứng về phía Việt Nam trong vấn đề
Biển Đông, nhưng hiện chỉ có Nga đang hoạt động dầu khí tại khu vực Việt Nam khẳng
định chủ quyền (trong “Đường Chín Đoạn”). Putin và Tập không công khai chống lại
lợi ích của nhau, nhưng không có nghĩa là họ không xung đột lợi
ích. Theo David Hutt (Asia Times, Aug 21, 2019) “một trong những lý
do khiến lần này Việt Nam cứng rắn hơn trước là do có các đồng minh mạnh hơn.
Ngoài Mỹ, Nhật, Pháp, EU, Việt Nam còn có Nga”.
Nhưng theo Anders Corr (Journal of Political Risks),
chỉ có Mỹ mới đủ điều kiện trở thành đồng minh cốt lõi đủ sức chống lại
Trung Quốc. Còn Nga, Úc, Ấn Độ có thể là đối tác chiến lược hữu ích
nhưng không đủ khả năng làm đồng minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để
chống lại Trung Quốc. ASEAN cũng không thể hỗ trợ nhiều cho Việt Nam trong bối
cảnh các nước thành viên ngày càng chịu ảnh hưởng lớn của Bắc Kinh, nên thường
phủ quyết mọi chỉ trích Trung Quốc. Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 (Bangkok,
2-4/11/2019) cũng không ngoại lệ. Hy vọng năm 2020 Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ với
ASEAN bằng họp summit tại Mỹ.
Để chống lại Trung Quốc, Anders Corr cho rằng
Việt Nam cần một chiến lược mới trong đó có 4 thành tố quan trọng.
Một là liên minh với các nước có thể răn đe Trung Quốc ở mức cao nhất (như
Mỹ, Pháp, Anh). Hai là liên minh với các nước có đủ năng lực triển khai
nhanh lực lượng quân sự thông thường để răn đe Trung Quốc (như Mỹ). Ba là vận
dụng thành quả kinh tế để nâng mức chi tiêu quân sự nhằm răn đe Trung Quốc
(như mua thêm tàu ngầm và tên lửa). Bốn là dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền
để tạo điều kiện thuận lợi cho liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn
với các nước chịu ảnh hưởng ít nhất của Trung Quốc.
Quá ít và quá chậm
Cần xem xét các vấn đề đối nội và đối ngoại của Việt
Nam trong bối cảnh thế giới và khu vực đang diễn biến khó lường. Muốn cải cách
và phát triển đất nước, phải dựa vào nội lực là chính, nhưng Việt Nam phải
tranh thủ tối đa sự đồng thuận và hộ trợ quốc tế. Trước mắt cần giảm lệ thuộc
vào Trung Quốc và tăng cường hợp tác với Mỹ và phương Tây. Tuy cải cách thể chế
là yêu cầu sống còn để tháo gỡ các nút thắt về nội lực nhằm phát triển đất nước
và bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng quá trình này đang bị các nhóm lợi ích thao
túng chính sách làm trệch hướng đường ray. Đó có thể là cơ hội tốt để Trung Quốc
thao túng và bắt nạt. Nhưng đến nay các nỗ lực cải cách thể chể vẫn “quá ít và
quá chậm” (too little, too late).
Thứ nhất, cần xem xét tranh chấp Biển Đông trong bối
cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung “vừa đánh vừa đàm” (on and off). Đến cuối
năm 2019, có dấu hiệu Trung Quốc đã thấm đòn, buộc phải nhượng bộ một bước để củng
cố nội bộ. Trong khi đó, chính quyền Trump cũng cần thỏa thuận một bước để đối
phó với sức ép trong nước, trước năm bầu cử 2020. Vì vậy, có khả năng hai bên sẽ
đạt được một thỏa thuận nào đó vào cuối năm 2019. Nhưng triển vọng hòa hoãn chỉ
là tạm thời (chiến thuật), trong khi triển vọng đối đầu vẫn là lâu dài (chiến
lược). Sau cuộc chiến về thương mại, có thể sẽ dẫn đến cuộc chiến về tài
chính.
Thứ hai, cần xem xét các vấn đề của Việt Nam trong bối
cảnh chính trị nội bộ Trung Quốc, đặc biệt là Hội nghị Trung ương 4
(28/10-3/11/2019). Kết quả hội nghị chứng tỏ Tập cận Bình đã củng cố được quyền
lực, trước những tin đồn về bất ổn trong nội bộ sau hội nghị Bắc Đới Hà. Gần
đây khi đề cập đến sự tồn vong của Đảng, Tập đã nhấn mạnh từ “đấu tranh” đến 20
lần trong một bài phát biểu, thậm chí còn dùng cụm từ “thịt nát xương tan” để
răn đe. Tin đồn về Trần Mẫn Nhĩ (bí thư Trung Khánh) và Hồ Xuân Hoa (phó thủ tướng)
có thể được bổ xung vào Thường vụ Bộ Chính trị và Trần Mẫn Nhĩ có thể kế cận Tập
Cận Bình và phụ trách Ban Kiểm tra Kỷ luật TW (thay Triệu Lạc Tế), đã không diễn
ra như đồn đoán.
Thứ ba, cần xem xét khủng hoảng Biển Đông bên cạnh
khủng hoảng Tiểu vùng MeKong, cũng nguy hiểm không kém (tuy thầm lặng hơn), đe
dọa cuộc sống của 20 triệu người Việt tại đồng bằng Nam Bộ. Trung Quốc xây nhiều
đập thủy điện trên thượng nguồn, kiểm soát dòng chảy và nguồn phù sa. Theo
David Hutt, Trung Quốc có khả năng thao túng dòng chảy sông
MeKong dẫn đến nguy cơ xung đột mới tại khu vực. Theo Brian Eyler
(Stimson Center director) khủng hoảng sông MeKong đang tới gần. Theo Climate
Central và Nature Communications (New York Times, Oct 29, 2019), đến năm 2050 gần như toàn bộ đồng bằng
Nam bộ sẽ bị chìm dưới mực nước biển. Tuy dự doán này còn tranh cãi, đó là một
nguy cơ lớn.
Thứ tư, cần xem xét quy luật phát triển của Việt Nam
trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường (thực phẩm, nguồn nước,
không khí), vì các nhóm lợi ích thao túng chính sách và dân trí thấp. Gần đây
trong dân có câu “Rạng Đông chưa qua, Sông Đà đã tới” để nói đến vụ cháy nhà
máy Rạng Đông đã phát tán vào môi trường 28kg thủy ngân, và vụ đổ dầu thải làm
ô nhiễm nguồn nước Sông Đà, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người Hà Nội. Trong
khi đó, các đại gia bất động sản câu kết với chính quyền thành các nhóm lợi
ích, đang thao túng chính sách để làm giàu bằng mọi giá, xâm chiếm cả rừng quốc
gia cần được bảo tồn, như Sun Group bị tố cáo chiếm rừng quốc gia Tam đảo để
làm dự án nghỉ dưỡng.
Theo các chuyên gia quốc tế, trận động đất 6.1 ở Bắc
Lào (21/11/2019 mà tâm chấn không xa đập thủy điện Xayaburi (1260 MW, 3.5 tỷ
USD) là hồi chuông cảnh báo cho tham vọng làm thủy điện không chỉ của Lào mà cả
Việt Nam, vì PetroVietnam đã đầu tư hàng tỷ USD vào dự án thủy điện Luang
Prabang (dự kiến khởi công vào 7/2020). Trong khi đập Xayaburi là một hiểm họa
vì xây gần đường đứt gãy đang hoạt động (active faults) đập Luang Prabang (1410
MW) không phải là ngoại lệ. Thượng lưu sông Mekong (Vân Nam, Bắc Lào) là vùng động
đất, nên lợi ích của thủy điện trên sông Mekong là quá nhỏ so với rủi ro quá lớn
đối với con người và môi trường. Lối thoát là cần đầu tư vào năng lượng tái tạo
từ mặt trời và gió, thay cho thủy điện đang trở thành cơn ác mộng vỡ đập dây
chuyền sẽ tạo ra cơn hồng thủy khủng khiếp của thiên niên kỷ, với sức tàn phá của
những trái bom nước khổng lồ có khả năng cuốn băng đi hàng triệu sinh mạng và
các thành phố tại châu thổ Tonle Sap và ĐBSCL.
Tại Việt Nam có một nghịch lý đáng buồn là các đại
gia càng giầu lên thì người dân càng ngèo đi và đất nước càng tụt hậu, do lòng
tham cao nhưng dân trí thấp. Việt Nam dù có “rừng vàng biển bạc” và có một cái
“mỏ người” gần 100 triệu dân, nhưng theo mô hình “tư bản hoang dã” (chứ không
phải “định hướng XHCN”). Theo các chuyên gia, đó là mô hình “không chịu phát
triển”. Hệ quả là nhiều người Việt phải bỏ đất nước ra đi (bằng thuyền hay bằng
xe container) bất chấp rủi ro về tính mạng và tài sản (dù chỉ để làm thân phận
nô lệ). Sau 74 năm dựng nước và 44 năm thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa
thoát khỏi ngã ba đường.
Ba không một nếu
Trung Quốc đã rút tàu khảo sát HD-8 về nước trong bối
cảnh có mấy biến chuyển mới. Một là ông Trọng không đi thăm Mỹ trong năm nay.
Hai là giàn khoan Hakuryu 5 (của Nhật) đã rời khỏi lô 06.01 và di chuyển về
Vũng Tầu (23/10/2019). Ba là Trung Quốc muốn làm giảm căng thẳng với Mỹ trước
thỏa thuận thương mại (vòng một). Ông Trọng không đi thăm Mỹ trong năm 2019
(như dự kiến) dù vì lý do sức khỏe hay vì sức ép của Trung Quốc, cũng là một thất
bại. Kết quả là khả năng nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược (như
dư luận mong đợi) và kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế (như dư luận đòi hỏi) vẫn
còn bị treo.
Trong bối cảnh đó, có nhiều diễn biến ngày càng bất
lợi cho Trung Quốc, tiếp theo khủng hoảng chính trị tại Hong Kong. Thứ nhất, một
loạt tài liệu nội bộ của Trung Quốc bị dò gỉ đã tố cáo các trại tập trung cải tạo
người Hồi tại Tân Cương không phải là các trung tâm đào dạy nghề như Bắc Kinh vẫn
tuyên truyền. Thứ hai, một điệp viên Trung Quốc xin tị nạn chính trị tại Úc đã
tố cáo Trung Quốc tìm cách tác động vào bầu cử tại Đài Loan, Hong Kong, và bắt
cóc những người bất đồng chính kiến. Thứ ba, kết quả bầu cử cấp quận tại Hong
Kong trong đó các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã thắng áp đảo là một cơn địa chấn
chính trị. Thứ Tư, Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật
“Hong Kong Human Rights and Democracy Act”, được Tổng thống Trump phê duyệt, là
một lá bài quan trọng (như Đài Loan).
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu cứng rắn
về Trung Quốc tại Trung tâm Woodrow Wilson (24/10/2019), trong đó lên án
Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam, gắn vấn đề HongKong và Đài Loan với đàm phán
thương mại Mỹ-Trung. Trong bài phát biểu, Mike Pence đã nhấn mạnh “tàu tuần
duyên Trung Quốc đã dùng sức mạnh ép Việt Nam không được khoan dầu khí ngoài
khơi trong vùng biển của mình”. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố (8/2019) Trung Quốc
cưỡng ép không cho Việt Nam liên doanh với các công ty dầu khí không phải Trung
Quốc, mà chỉ được hợp tác với các công ty nhà nước Trung Quốc.
Tuy ông Nguyễn Phú Trọng không thể đi thăm Mỹ trong
năm nay, nhưng Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Bộ trưởng Quốc phòng
Mark Esper đã đến thăm Việt Nam trong tháng 11/2019 để thúc đẩy hợp tác
thương mại và quốc phòng Mỹ-Việt, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường bắt
nạt Việt Nam tại Biển Đông. Trong một tuyên bố trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ
đã lên án Trung Quốc áp đặt những đòi hỏi bất hợp pháp về chủ quyền Biển Đông
và bắt nạt các nước khu vực. Đó là bối cảnh Việt Nam công bố “Sách Trắng Quốc
phòng” (25/11/2019). Sau 10 năm, Việt Nam mới công bố Sách Trắng Quốc
Phòng, nhằm “minh bạch hóa chính sách quốc phòng và xây dựng lòng tin đối với
các quốc gia trên thế giới”.
Sách trắng Quốc phòng 2019 được định hướng là “Hòa
Bình và Tự vệ”, nhấn mạnh “Hợp tác và Đấu tranh”, trong đó đề cập đến tình hình
căng thẳng tại Biển Đông và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn (Mỹ và
Trung Quốc). Theo các chuyên gia, Sách Trắng Quốc Phòng 2019 về cơ bản vẫn duy
trì chính sách “Ba Không” nhưng được điều chỉnh thành “Bốn Không” (hay “Ba
không Một nếu”), để ngỏ khả năng hợp tác chiến lược với các nước (như Mỹ) “nếu
có chiến tranh”. Sách trắng Quốc phòng đã vạch ra “làn ranh đỏ” (Red line)
và gửi đi thông điệp rõ ràng là Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh
tế nếu bị xâm lược.
***
Đến cuối năm 2019, Việt Nam dường như vẫn chưa thoát
khỏi Ngã Ba đường, bàn cờ quốc tế vẫn bất an và bất định với những diễn biến
khó lường. Việt Nam cần tập trung vào ba mục tiêu chính: một là giảm thiểu lệ
thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị; hai là tăng cường hợp tác toàn diện
với Mỹ (như dự án điện khí Sơn Mỹ 2, trị giá 5 tỷ USD) để giảm thiểu thâm hụt
thương mại; ba là đẩy mạnh cải tổ thể chế để tháo gỡ ách tắc nhằm phát huy nội
lực. Những tồn đọng của năm 2019 chắc sẽ để lại những gánh nặng cho năm 2020
khi Viêt Nam làm Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an
LHQ, trước thềm Đại Hội Đảng XIII tại Việt Nam, cũng như chiến dịch tranh cử Tổng
thống tại Mỹ.
---------------------
Tài liệu tham khảo
1. Remarks by Vice President Mike Pence on China, Wilson Center, October 24, 2019
2. The Changing Fundamentals of US-China Relations, Evan Medairos, Washington Quarterly, Fall 2019.
3. Can Vietnam Be America’s New Ally Against
China? Anders Corr, National Interest, November 7, 2019
4. 2019 Vietnam National Defense, National Political Publishing House, 2019
5. Vietnam Draws Lines in the Sea: Hanoi’s new
defense white paper reflects fears of Chinese encroachment, Huong Le Thu, Foreign Policy, December 6, 2019
6. Vietnam Is Winning the US-China Trade War, Bennet Murray, Foreign Policy, Oct 30, 2018
7. A Difficult Summer in the South China Sea, Carl Thayer, Diplomat Magazine, Nov 2019
8. Geopolitical Situation: United States, China and
Vietnam, Carl Thayer, Nov 15, 2019
9. US Perspectives on The South China Sea in An Era
of Strategic Competition, Rebecca Strating,
Australian Institute of International Affairs, November 25, 2019.
10. Xi must be dismayed: Chinese leader fighting
fires on all fronts, Anna Fifield, Washington Post,
November 26, 2019.
11. Last Days of the Mighty Mekong, Brian Eyler, Zed Books, 2019.
12. Water war
risk rising on the Mekong, David Hutt, Asia Times, October 16, 2019
13. New Research Shows Rising Seas Will Erase More
Cities by 2050, Denise Lu and Christopher
Flavelle, New York Times, October 29, 2019.
14. Troubles on the Mekong: How Climate Change,
Dams, and Geopolitics Threaten a River’s Future, Sam Geall, Foreign Affairs, November 7, 2019
15. Trao đổi
tiếp về chuyện Biển Đông, Vũ Ngọc Hoàng, Viet-studies, 21/10/2019
16. Dân chủ
hóa để bảo vệ chủ quyền, đất nước trường tồn, phỏng vấn Vũ ngọc Hoàng, RFI,
25/10/2019
17. Cần xem
xét kỹ điều kiện để VN tham gia RCEP - Hiệp định đối tác toàn diện vùng mà thực
chất là với Trung Quốc, Vũ Quang Việt, November 2019
18. Thủy điện
Luang Prabang trên vùng động đất Bắc Lào và thảm họa vỡ đập dây chuyền, Ngô
Thế Vinh, 27/11/2019.
NQD.
08/12/2019
No comments:
Post a Comment