Sunday, November 10, 2019

NGƯỜI CỘNG SẢN & GIẤC MƠ ĐỊA ĐÀNG? (Nguyễn Hiền - VNTB)





11/11/2019

Vào những ngày tháng 6 năm 2007, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã khánh thành Đài tưởng niệm nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản tại một khuôn viên thuộc thủ đô Washington, với mục đích "để lịch sử về sự tàn bạo của cộng sản sẽ được dạy cho các thế hệ tương lai", sự tàn bạo đó bao gồm 100 triệu nạn nhân đã chết vì chủ nghĩa đó. 

Chủ nghĩa cộng sản là giấc mơ của vài người nhưng là cơn ác mộng của nhân loại .  Victor Hugo

Vào chiều ngày 7/11, Blogger Mẹ Nấm cùng 3 "đại diện" nạn nhân khác của chế độ Cộng sản đã hội kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. 

Trung Quốc, Venezuela, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba... vẫn đang là những mẫu hình nhà nước thuộc về cộng sản, với bản chất "công hữu" và sự thống trị của một giai cấp đại diện của tầng lớp công nông.

100 triệu người chết vì lý do cộng sản không phải là con số cuối cùng, những đặc trưng của thể chế cộng sản tiếp tục buộc người dân tìm đường vượt biên dưới nhiều hình thức. Nếu Cuba, Triều Tiên là đánh đổi tính mạng để vượt biên, thì Trung Quốc và Việt Nam sẽ là những suất định cư tại đất nước tư bản, còn Venezuela là những đoàn người dài chạy trốn khỏi quốc gia mà lạm phát 50.000% - tính đến ngày 14/10. 

Tất cả những quốc gia từng và đang bị chủ nghĩa cộng sản ngự trị đều có điểm chung là người dân tìm cách "đào thoát".

Bức tường Berlin được dựng nên vào 1962, nơi mà người dân Đông Berlin đã tìm cách vượt qua các bức tường để tìm thấy sự tư do, và rất nhiều người trong đó đã bị bắn bởi đội ngũ biên phòng Đông Đức, bỏ mặc họ chảy máu hàng giờ đến chết. 

Theo bài viết "East Germans kill man trying to cross Berlin Wall" từ website History.com, "giới quan chức Đông Berlin luôn tuyên bố rằng bức tường được dựng lên để bảo vệ chế độ cộng sản khỏi những ảnh hưởng nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, trong gần 30 năm bức tường tồn tại, đã chẳng có ai bị bắn khi cố gắng vào Đông Berlin."

Những cảnh tượng bị bắn và bỏ mặc đến chết, dựng bức tường để chống lại chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây ngày nay còn hiện diện không?

Tại Triều Tiên, người dân tiếp tục bị bắn nếu tìm cách vượt biên sang Hàn Quốc; Cuba có những thuyền nhân bị chết và chủ nghĩa tư bản vẫn bị chỉ trích; Việt Nam và Trung Quốc dựng nên những "bức tường lửa kỹ thuật", chống lại các tác phẩm tư tưởng Tây phương, hạn chế sự nảy nở của các tổ chức xã hội dân sự để chống lại "chủ nghĩa tư bản và văn hóa phương Tây."

Năm 2018, GS. Chu Hảo, người đương vị Tổng biên tập, Giám đốc NXB Tri Thức đã bị Ủy Ban kiểm tra T.Ư kết luận "đã lựa chọn, biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng", trong đó "năm 2005 - 2009, ông đã cho xuất bản 5 cuốn sách có nội dung chính trị tư tưởng sai trái, bị cơ quan chức năng thẩm định, kết luận, xử lý cấm phát hành." Và một trong 5 cuốn có "Đường về nô lệ” của F.A.Hayek.

F.A.Hayek đã tập hợp gần như đầy đủ trong tác phẩm các từ khóa để đặc tả một quốc gia áp dụng chủ nghĩa cộng sản: giấc mơ địa đàng; kế hoạch hóa; kiểm soát kinh tế; toàn trị; phát xít.

Trung Quốc, vào năm 2015, Bộ trưởng giáo dục Trung Quốc Yuan Guiren tuyên bố: Không bao giờ để cho loại sách giáo khoa (SGK) cổ súy giá trị phương Tây vào các lớp học của chúng ta.

Điều đó cho thấy một thực tế, không có loại trừ nào về "bài trừ văn hóa Tây phương và chủ nghĩa tư bản" ở các quốc gia mà chủ nghĩa cộng sản ngự trị, chỉ có là sự khác nhau về mặt hình thức dựa trên điều kiện kinh tế ở mỗi quốc gia.

Nước Nga, nơi "đào tạo nguồn" của cán bộ trung và cao cấp cho các Đảng Cộng sản các nước vào thế kỷ XX đã chấm dứt chủ nghĩa cộng sản độc tài cai trị. Nhưng chủ nghĩa cộng sản vẫn là một bài học lớn lao cho các lãnh đạo quốc gia này. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917), Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev tuyên bố: Đối với nước Nga, tất nhiên sẽ tốt đẹp hơn nếu không xảy ra cuộc cách mạng nào. Không phải tôi không nhận thấy điều hay trong những tư tưởng đã nuôi dưỡng các nhà cách mạng của chúng ta. Nhưng khách quan mà nói, đây là bước lùi trong sự phát triển của đất nước, của xã hội, dẫn đến những mất mát vô cùng to lớn về con người. Hậu quả là nước Nga đã mất trọn thế kỷ 20 và gạch bỏ nó ra khỏi sự phát triển của mình".

Cách mà Thủ tướng Nga đánh giá vẫn đang vẫn là luận điểm lý luận chính trị vững chắc mà không ít nhà lãnh đạo đảng-nhà nước ở các nước cộng sản còn lại bám chặt vào, sử dụng nó để "tiến lên xã hội chủ nghĩa". Và thực thể phát triển ở mỗi quốc gia chỉ cho thấy, bào mòn nhân cách và đạo đức con người, lạm dụng quyền lực, tự do tư tưởng bị đóng khung, và nguồn phát triển quốc gia bị bỏ rơi một cách tàn độc.

Tại Việt Nam, cơ hội để hoàn tất công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã bị vuột mất vào năm 2020, trong tình hình "rừng vàng, biển bạc, dân số trẻ" đang co hẹp trở lại.

Chủ nghĩa cộng sản là tốt, ít nhất trong lĩnh vực giải phóng dân tộc và vệ quốc, nhưng nó trở nên tồi tàn và đầy xấu xa trong thời bình là điều không thể phủ nhận. Có vẻ chủ nghĩa cộng sản thích hợp trong chiến tranh và nền dân trí còn mù chữ, nơi mà người dân sẵn sàng hiến dâng máu để hòa vào màu đỏ của lá cờ, và sử dụng búa liềm để cắt phăng đầu những ai chống đối mà không cần biết tương lai hòa bình sẽ phải làm gì (?)

Giấc mơ địa đàng chưa từng hiện diện, nhưng thực tiễn toàn trị đã luồn lách vào mọi ngõ ngách xã hội, bằng chế độ hộ khẩu, bằng cả hệ thống camera giám sát bằng AI. 





No comments: