Friday, November 1, 2019

BẢN TIN NGÀY 1/11/2019 (Báo Tiếng Dân)




01/11/2019

BÀI MỚI
01/11/2019
01/11/2019
01/11/2019
01/11/2019
1/10/2019

*
*
BẢN TIN NGÀY 1/11/2019

Tin Biển Đông

Báo Pháp Luật TP HCM dẫn lời ĐBQH Lê Thanh Vân: Biển Đông cần ‘tam công chiến pháp’. Chiều 31/10, phát biểu tại hội trường QH, ông nghị Lê Thanh Vân nói, Trung Quốc “không bao giờ từ bỏ dã tâm biến biển Đông thành ao nhà” và chỉ ra, Trung Quốc đang có “tam chủng chiến pháp” gồm: Tâm lý, truyền thông và pháp lý, nghĩa là rao giảng cho các thế hệ người dân nước họ rằng biển Đông là của Trung Quốc, tuyên truyền trên bình diện quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau và diễn đạt lại luật biển. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: PLTP

Ông Vân đưa ra ý kiến, rằng “ta cần có tam công chiến pháp để đối sách với Trung Quốc, đó là công luận, công khai và công pháp. Về công luận, chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, củng cố hồ sơ chứng minh cho dư luận thế giới biết biển Đông là của Việt Nam. Về công khai phải công khai hóa các hoạt đông phi pháp của Trung Quốc cho thế giới biết, trong nước biết. Công pháp là sử dụng tối đa công cụ pháp lý từ công ước quốc tế cho tới cơ sở pháp lý mà luật biển Việt Nam đã quy định”.

Trước khi có “tam công chiến pháp” như lời đề nghị của nghị Vân, trước hết, lãnh đạo CSVN nhất là các tướng lĩnh trong quân đội NDVN phải bớt sợ Trung Quốc, phải dám gọi tên, chỉ mặt chúng. Gọi tên kẻ xâm lược còn không dám, nói chi tới chuyện xa xôi.

Thêm lời nói dối không biết ngượng trên báo Công an TP HCM: Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe những ý kiến tâm huyết về Biển Đông. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND VN phát biểu: “Đảng, Nhà nước cũng kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông. Chúng ta kiên quyết kiên trì giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyết không nhân nhượng”.

Các nhân sĩ trí thức tâm huyết về Biển Đông nhưng đã kêu gọi lãnh đạo CSVN phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thành lập quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ đã gửi nhiều kiến nghị tới lãnh đạo đảng và nhà nước nhưng có lẽ các kiến nghị của họ đã bị vứt vào sọt rác. Chẳng những không quan tâm tới các ý kiến tâm huyết của họ, mà những người lên tiếng còn bị xem là “thế lực thù địch”.



Nhân sự Đại hội đảng 13

VietNamNet có bài: Đại hội Đảng, xin đừng để người vô cảm giữ bất kỳ chức trách nào. ĐBQH Nguyễn Anh Trí phân tích: “Vào thời điểm chuyển giao của bộ máy quyền lực giữa hai nhiệm kỳ, nhất là vào thời điểm tiền đại hội Đảng, bộ máy công quyền dễ rơi vào thời đóng băng, thu mình, bất động bởi sự trì trệ bắt nguồn từ mục tiêu an toàn, để giữ vững hay cải thiện vị thế cho bộ máy quyền lực”.

Muốn lãnh đạo không vô cảm thì hãy xây dựng thể chế như các nước văn minh phương Tây, nơi người dân thật sự có quyền giám sát lãnh đạo và một Bộ trưởng cũng phải từ chức vì mở tiệc tôm sang trọng. Còn trong bộ máy mà Bộ trưởng Bộ Y tế giúp nhập thuốc ung thư giả, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bị nghi ngờ thanh trừng cấp dưới… mà không bị sờ, thì đừng hy vọng quan chức, lãnh đạo không vô cảm.


Chiến dịch “đốt lò”

Từ ngày 28 đến 30/10/2019 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 40, dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban. Cơ quan này đã quyết định kỷ luật trung tướng Trình Văn Thống, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, báo Một Thế Giới đưa tin.

Tướng Thống bị kỷ luật cảnh cáo do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, ông này đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an ban hành văn bản về đơn vị nghiệp vụ không đúng quy định, vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Trang Bảo Vệ Pháp Luật có bài: Hành vi làm lộ bí mật nhà nước của Trung tướng Trình Văn Thống liên quan đến Vũ “nhôm”. Bài báo cho biết, “sai phạm của Trung tướng Trình Văn Thống có liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘nhôm’) lợi dụng các sơ hở trong tổ chức, quản lý đơn vị nghiệp vụ của ngành công an để tham nhũng, vụ lợi”. Khác với Trung tướng Bùi Văn Thành và Thượng tướng Trần Việt Tân đều bị kỷ luật cách chức, khởi tố và lãnh án tù, tướng Thống chỉ bị cảnh cáo. 

Bên cạnh đó, UBKT Trung ương kỷ luật nhiều cựu lãnh đạo Petrolimex, theo báo Pháp Luật TP HCM. UBKT Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức, cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu Chủ tịch kiêm GĐ Công ty Petrolimex Singapore.

Còn ông Trần Văn Thịnh, cựu TGĐ thì bị cảnh cáo, ông Trần Minh Hải, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy và ông Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy bị khiển trách. Trường hợp ông Bùi Ngọc Bảo, cựu Chủ tịch HĐQT và TGĐ Petrolimex, UBKTTƯ thấy cần xử lý kỷ luật với hình thức nặng hơn nên đề nghị Ban bí thư xem xét quyết định.


Cập nhật vụ 39 người chết khi tìm đường vào Anh

Diễn biến mới vụ 39 người chết ở Anh: Số người mất liên lạc ở Nghệ An tăng lên 21 người, báo Người Lao Động đưa tin. Sáng 31/10/2019, Đại tá Lê Khắc Thuyết, PGĐ Công an tỉnh Nghệ An cho biết, “tính đến thời điểm hiện tại, qua rà soát đã có 21 trường hợp trên địa bàn tỉnh mất liên lạc với người thân. Hiện chưa có cơ sở để khẳng định những trường hợp này có liên quan đến vụ 39 thi thể tại Anh hay không vì đang chờ thông tin từ phía Anh”.

Ở Hà Tĩnh, người dân trình báo, trên địa bàn tỉnh này có 10 trường hợp mất liên lạc với gia đình khi trên đường sang Anh. Trong đó, huyện Can Lộc có 8 trường hợp, huyện Nghi Xuân và thị xã Hồng Lĩnh mỗi địa phương có 1 trường hợp.

Nhiều người dân ở Nghệ An hiện rất lo lắng do mất liên lạc với người thân ở Anh. Ảnh: NLĐ

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án liên quan đến việc công dân mất liên lạc tại Anh, theo Infonet. Trên cơ sở điều tra, xác minh thông tin từ các gia đình đã trình báo có con em mất tích khi sang Anh, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”, diễn ra từ 2016 đến nay.



Đồng Tâm và các vụ cướp đất khác

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra đổ máu ở Đồng Tâm? Ông Tuấn kể, “dân làng Đồng Tâm vừa gọi điện thông báo rằng có những dấu hiệu chính quyền Hà Nội đang chuẩn bị cho một cuộc cưỡng chế quy mô lớn trong thời gian tới đây. Bà con cho biết tuy cho chút lo lắng nhưng cũng đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, sẽ đoàn kết một lòng bảo vệ ruộng đất ông bà tiên tổ để lại cho làng. Mà tình huống xấu nhất ở đây là gì? Là đụng độ, là đổ máu”.

Ông Tuấn đưa ra giải pháp dứt điểm vấn đề Đồng Tâm. Giải pháp đó là: “Lẽ ra, nếu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và Thanh tra Chính phủ thực sự tin tưởng rằng lẽ phải thuộc về chính quyền, và rằng dân làng Đồng Tâm đang bị cụ Kình xúi giục, kích động thì sao không về làng Đồng Tâm mở cuộc tranh luận tay đôi với cụ, trước mắt hàng ngàn dân làng và chiếu trực tiếp cho cả nước theo dõi?”

Bản chất của cộng sản là độc tài. Đã độc tài thì sẽ không bao giờ có chuyện đối thoại với dân. CS trỗi dậy nhờ “bạo lực cách mạng”, dựa vào thứ bạo lực được tô vẽ bởi “cách mạng” mà chiếm quyền lực, đe dọa dân, không có lý lẽ, nên chỉ có thể dùng bạo lực liên tục cho tới khi kết thúc bởi chính thứ bạo quyền mà họ đã lạm dụng. 


Sun Group: Bất khả xâm phạm

Sun Group là tập đoàn “bất khả xâm phạm” đối với báo chí trong nước bởi từ lâu, hầu như chẳng tờ báo nào dám đụng đến. Sau khi báo Phụ Nữ TPHCM có loạt bài điều tra về Sun Group, thì hầu hết các báo khác im lặng, hoặc phóng viên các tờ báo khác tấn công tác giả Thu Trang trong loạt bài nói trên.

Không riêng gì báo “lề phải”, mà Tiếng Dân cũng đã gặp khó khăn khi đăng bài về Sun Group. Hôm 23/10, chúng tôi có đăng bài của tác giả Nguyễn Minh Hùng: SunGroup, nhà đầu tư “chiến lược” của các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và đăng trên Facebook Tiếng Dân. Sau đó có ba người liên lạc, đòi trả tiền để chúng tôi gỡ bài xuống.

Hôm qua, báo Giáo dục VN cũng có đánh báo PNTP: Ai mới thực sự là ông Trời!? Bên cạnh đó, các tờ báo khác có những bài viết ủng hộ và bênh vực Sun Group như báo Xây Dựng: ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng): “Dự án Bà Nà Hills của Sun Group tại Đà Nẵng không có gì trái luật”; báo Đại Đoàn Kết: Ba Na Hills Golf Club được vinh danh ‘Sân golf tốt nhất châu Á’ ba năm liên tiếp và trang Đầu tư Chứng khoán: Bà Nà Hills và hành trình lột xác cùng du lịch Đà Nẵng.

Cơn bão số 5

Báo Dân Trí đưa tin về cơn bão số 5 ở Bình Định: “Không ngờ chỉ sau một đêm nhà cửa đã tan tành!”. Có khoảng 14 nhà dân ven biển ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bị sập. Bão đã tan, nhưng người dân nơi đây vẫn nơm nớp lo sợ vì sóng biển, triều cường vẫn còn đe dọa.

Một cư dân nơi bị ảnh hưởng là chị Miên, cho biết: “Tôi nghĩ chắc bão cũng nhẹ như các năm trước chỉ đóng cửa lại đến nhà người quen tá túc, qua bão rồi về lại. Sau đó, 3 mẹ con tôi dắt nhau đi sơ tán trước, còn chồng tôi ở nhà người dân trong xóm canh chừng. Nào ngờ, trong tích tắc nhà cửa bị sóng đánh tan tành, nhiều tài sản trong nhà bị sóng cuốn mất”.

Bờ kè đoạn thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải bị sóng đánh sập khiến nhiều nhà dân ven biển bị hư hỏng và sập. Ảnh: DT

Nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt An dự báo: “Sẽ có thêm 01 cơn bão nhiệt đới (ngày 5/11), 01 áp thấp nhiệt đới (ngày 7/11) và thêm 1 cơn bão lớn (khoảng ngày 13/11). Tính thêm cả cơn bão số 5 MATMO mới đổ bộ hôm qua (30/10/2019), sẽ có tổng cộng 4 cơn bão đánh vào khu vực Nam Trung Bộ chỉ trong 15 ngày (nửa tháng)”.

RFA thống kê: Các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng bởi bão số 5. Thiệt hại nặng nhất là tỉnh Phú Yên và Bình Định. Tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, bão số 5 đã làm 100m kè chắn sóng, 500m đường bê tông ven biển bị hư hỏng nặng, một số bè nuôi tôm của dân bị hỏng, một số trường tiểu học, trạm y tế bị tốc mái. Tại Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết bão số 5 đã làm 20 thuyền, 14 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 18 ngôi nhà bị hư hại 30-50%, 2000m3 bị sạt lở, 72 xã bị mất điện.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, lốc xoáy sau bão đã làm 400 ngôi nhà bị hư hại, 3 người bị thương, nhiều gia súc và gia cầm chết. Tình trạng sạt lở đất tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi khiến 29 hộ dân bị di dời khẩn khấp. Đã có khoảng 900 ngàn hộ dân ở Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi bị mất điện vì bão số 5.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Bão số 5 mới vừa đi qua, Biển Đông có nguy cơ đón bão mới. Sau khi bão Matmo đổ bộ và gây mưa lớn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, một vùng thấp nằm trên dải hội tụ nhiệt đới ngoài khơi Philippines sẽ di chuyển vào Biển Đông và có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới rồi thành bão và tiếp tục trút mưa lớn xuống VN.


Tin môi trường

Báo Công Lý đặt câu hỏi: Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao? ĐBQH Nguyễn Thị Phúc cho rằng “ô nhiễm vẫn tiếp diễn và hỏi Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm hay chưa. Bà Phúc cũng nêu ví vụ về sự ô nhiễm tại hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang nghiêm trọng cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, bệnh viện, làng nghề, cơ sở sản xuất, làng nghề”.

Môi trường sống ở Việt Nam quá tệ, đến nỗi chính phủ các nước phương Tây đã phải lên tiếng cảnh báo tình hình ô nhiễm ở TP HCM, Hà Nội và các tỉnh thành, qua các chỉ số chất lượng không khí mà ứng dụng Air Visual đo được. Đó là hậu quả của việc để các thế lực “tư bản đỏ” lũng đoạn nền kinh tế, cho họ vào khai thác, xả thải vô tội vạ. Bây giờ tình hình đã nghiêm trọng, dù dừng lại cũng đã muộn, nhưng còn hơn không.



Tin giáo dục

Báo Giáo Dục VN có bài: Có trường hợp học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí cấp bằng xuất sắc. ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu thừa nhận: “Học giả, thi giả vẫn được thừa nhận, thậm chí được cấp bằng xuất sắc và tìm được chỗ làm tốt bởi cơ chế mua-bán, xin-cho. Điều đó tác động rất lớn đến tâm lý học sinh, sinh viên, gia đình các em. Làm mất động lực phấn đấu của các em học sinh giỏi, học sinh nghèo. Cơ hội tìm kiếm nhân tài của quốc gia vì thế mà mất dần, chảy máu chất xám không có dấu hiệu giảm”.

Không riêng ở VN, lúc khối CS quốc tế còn tồn tại đã lưu truyền câu chuyện “con bò qua Liên Xô cũng thành tiến sĩ”. Chỉ cần viết các “tác phẩm” tôn vinh Liên Xô, đề cao CS là có thể được phong viện sĩ. Thế lực đằng sau “bức màn sắt” ở thập niên cuối cùng bị suy thoái nặng nề, trí thức Nga thi nhau bỏ sang Mỹ. Căn bệnh háo danh, giả dối này hiện vẫn còn tiếp diễn ở VN.

Chuyện ở Trường tiểu học La Văn Cầu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: Hiệu trưởng tự ý chia đều học bổng của HS nghèo cho cả trường, theo báo Pháp Luật TP HCM. Ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Ea Kao cho biết, xã đã nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh ở trường này về việc Hiệu trưởng Lê Công Thung tự ý chia học bổng của học sinh nghèo hiếu học cho học sinh toàn trường: “Sau khi được xã mời đến làm việc, ông Thung thừa nhận việc làm của mình là sai và cam kết sẽ thu hồi, phát lại học bổng cho những em có tên trong danh sách được nhận”.



***
Tin Hồng Kông – Đài Loan – Mỹ: 

***
Chính trường Mỹ: 


Tình hình Trung Đông

***





No comments: