Monday, October 31, 2011

CÂU CHUYỆN THÁI HÀ SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU ? (Người Buôn Gió)



Người Buôn Gió
Oct 30, '11 10:02 PM

Câu chuyện ở giáo xứ Thái Hà bắt đầu đi vào hồi căng thẳng. Khi mà một đoàn giáo dân gần 100 người đi tuần hành từ nhà thờ đến ủy ban nhân dân quận Đống Đa để gửi đơn đòi lại tu viện. Đó mới chỉ là tín hiệu ban đầu của việc gửi đơn cấp quận, còn rồi khi nhận được câu trả lời cấp quận, còn rồi cấp thành phố....

Thái Hà đòi tu viện, tu viện của họ thì họ đòi, trước kia người ta mượn của họ, giờ họ chật chội họ đi đòi. Tất nhiên đã đòi là đòi có lý của họ, họ đòi đất của họ chứ không đi đòi đất của người khác.

Người mượn của họ là chính quyền. Chính quyền thì căn cứ vào nghị địn rằng đất đã ở từ trước năm nào đó, người sử dụng vẫn đang sử dụng thì chấm hết, không đòi hỏi gì cả. Trương luôn thêm câu đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý. Cùn nữa thì khái quát tóm tắt rằng không có chính quyền này dành độc lập, dành đất nước thì lấy cái gì ra mà đòi. Lý sự lằng nhằng giữa hai bên. Một bên thì của tôi , tôi đòi lại. Một bên là trên thế gian này, từ ngọn cây đến mạng sống con người thuộc triều đình, không thuộc của đứa nào hết.

Câu chuyện đòi đất, đòi tu viện sẽ cứ lằng nhằng như vậy. Chung quy tại người mượn chẳng bao giờ trả lời thực chất vào vấn đề. Người đòi thì vẫn đòi. Đây là câu chuyện kéo dài nhiều năm. Một bên vẫn chưa nguôi hy vọng đòi lại được, một bên thì cũng không dám quả quyết là tao thu trắng của mày, tao không trả đấy, hoặc là thôi tao mượn thì giờ tao trả.

Một câu chuyện dài đã tồn tại từ nhiều năm trước thường lai rai, hiếm khi bùng nổ. Câu chuyện có thể vẫn có lời qua, tiếng lại những chẳng bao giờ bột phát căng thẳng nếu như hiện trạng chưa có gì thay đổi.

Bệnh viện Đống Đa nơi trước là tu viện của Dòng Chúa Cứu Thế có dự án xây sửa.

Việc xây sửa này được gọi tên là '' trạm xử lý nước thải bệnh viện Đống Đa''

Loa truyền thanh, truyền hình, báo chí nhảy vào cuộc ầm ầm, họp dân phố, họp ban ngành phổ biến, tuyên truyền đây là việc làm đúng chủ trương, vì vệ sinh, môi trường của toàn thể nhân dân chung quanh.

Giáo dân Thái Hà sững người trước thái độ hừng hực của truyền thông chính quyền. Phải chăng đây là mưu đồ để đặt dấu chấm hết cho hy vọng đòi đất, một cách thức xác lập chủ quyền. Thường trong một mảnh đất đang tranh chấp, việc xây dựng hay cải tạo bất kỳ dù nhỏ đến đâu cũng làm phức tạp và căng thẳng. Chính quyền hiểu điều đó nhưng vẫn làm to chuyện ngay từ đầu, thông tin rầm rộ không phải không có lý do.

Vì hiểu được giáo xứ Thái Hà sẽ không ngồi yên. Chính quyền đi bước phủ đầu lấy lý do là vì môi trường, vì vệ sinh cho địa bàn, nhân dân....ta giương ngọn cờ này mà át tất cả.

Giáo xứ Thái Hà cũng giương ngọn cờ phúc lợi xã hội. Giáo xứ nói trả lại đất cho giáo xứ, giáo xứ làm nhà từ thiện,làm cơ sở y tế, bảo đảm không để ô nhiễm tới xung quanh.

Cứ thế lý do đưa qua, đưa lại dẫn đến căng thẳng. Mấu chốt cuối cùng thì vẫn là chủ quyền thuộc của ai chưa trả lời được. Điều đó phải rõ ràng cần hơn hết, còn chuyện của ai rồi, thì vấn đề để làm gì, làm cho xã hội,làm cho cộng đồng,làm phúc lợi chung sẽ là chuyện đương nhiên khó mà làm khác được.

-------------------------


.
.
.

No comments: