Wednesday, October 12, 2011

CÁCH MẠNG TÂN HỢI ; GÓP Ý VỚI BÁO CHÍ VIỆT NAM, RFI & BBC (Trương Nhân Tuấn)



Trương Nhân Tuấn
Đăng ngày: 22:04 11-10-2011


Trích : « Đúng một trăm năm trước, cuộc Cách mạng Tân Hợi ngày 10/10/1911 do Quốc dân đảng lãnh đạo nổ ra tại Vũ Xương, đã làm sụp đổ hoàn toàn chế độ phong kiến nhà Thanh, khai sinh ra nước cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc. Đến năm 1949 do bị thua trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng, phe Quốc dân đảng và khoảng hai triệu người quốc gia phải chạy ra đảo Đài Loan, còn Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.» Hết trích.
Nguồn :

Quốc Dân Đảng không hề « cầm đầu » cuộc cách mạng Vũ Xương. Thực ra cuộc « cách mạng vũ Xương » là một cuộc nổi dậy của một đội « tân binh » mới tuyển mộ đóng ở trại Vũ Xương, theo chương trình hiện đại hóa quân đội trong thời kỳ nhà Thanh đang suy. Sự nổi dậy ngày 10 tháng 10 năm 1911 không gặp sự đàn áp của triều đình do đó lan rộng khắp cácđịa phương thuộc tỉnh Hồ Bắc. Trong một ngày quân « cách mạng » kiểm soát toàn tỉnh. Lý Nguyên Hồng nhân cơ hội nắm lấy lãnh đạo và tuyên bố ly khai, thành lập nền cộng hòa đồng thời kêu gọi các tỉnh khác nổi dậy.
Trong khi đó Tôn Dật Tiên vẫn còn đang bôn ba ở hải ngoại (Denver, Hoa Kỳ). Nghe được tin Vũ Xương nổi dậy, ông tức tốc đi sang Anh, Pháp thuyết phục nước này ủng hộ chính phủ cách mạng. Ông về Thượng Hải vào tháng 12 năm 1911 ; ngày 29 thì được lãnh tụ 16 tỉnh ly khai bầu làm Tổng Thống lâm thời Cộng Hòa Trung Hoa, đặt bản doanh tại Quảng Châu (Quảng Đông). Nước « Cộng Hòa Trung Hoa » đầu tiên được chính thức thành lập ngày 1 tháng giêng năm 1912. Nhưng ngày 12 tháng giêng 1912 hoàng đế Thanh triều thoái vị với điều kiện phải để Viên Thế Khải lên làm Tổng Thống. Tôn Dật Tiên vì không có thế lực phải thoái lui. Từ lúc đó, ông ý thức được sự cần thiết của một đảng chính trị.Tháng 8 năm 1912 ông thành lập Quốc Dân Đảng, sau đó du hành trong các tỉnh để phổ biến Tam Dân chủ nghĩa.
Cuộc cách mạng Vũ Xương 10-10-1911 thành công, không sử gia nào phản đối là không do công trình của Tôn Dật Tiên, nhờ những cuộc diễn thuyết, các bài báo, tiểu luận... loan truyền Dân Tộc chủ nghĩa, là một trong ba nguyên tắc cơ bản của Tam Dân chủ nghĩa. Nhưng nói đó là do « Quốc DânĐảng » lãnh đạo thì không đúng.
Cũng như khi nói cuộc cách mạng Vũ Xương khai sinh ra « Cộng Hòa Dân Quốc. Đến năm 1949 do bị thua trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng... » thì cũng không đúng. Vì nền cộng hòa dân quốc do Tôn Dật Tiên lãnh đạo chỉ tồn tại có vài ngày.
Sau khi nhà Thanh thoái vị, Viên Thế Khải lên làm Tổng Thống và có ý định tái lập đế chế nhưng không thành. Tôn Dật Tiên không cộng tác phải đi lưu vong. Đến ngày 6-6-1916 thì họ Viên đột tử. Tôn Dật Tiên trở về lập« chính phủ quân phiệt » ở Quảng Đông mà ông là Đại Nguyên Soái. Lúc này Trung quốc chia rẻ trầm trọng do nạn « sứ quân », mỗi sứ quân cát cứ một vùng (mà Tôn Dật Tiên là một, tại Quảng Đông). Năm 1921 Quảng Đông trở thành một nước cộng hòa độc lập do Tôn Dật Tiên làm tổng thống. Cho đến khi mất 12-3-1925 Tôn Dật Tiên chưa bao giờ được làm Tổng thống một nước Trung Hoa thống nhất.

2/ BBC : Trích « Cách mạng Tân Hợi 10/10/2011 và tư tưởng của Tôn Trung Sơn đã có những di sản lịch sử to lớn, tuy Trung Quốc đi theo chủnghĩa cộng sản, còn Đài Loan vốn trung thành với đường lối dân chủ tư sản (dân tộc, dân chủ, dân sinh) của Tôn Trung Sơn, trở thành một quốc gia theo thể chếdân chủ. » Hết trích.

Ý nghĩa của câu vừa trích, nếu không lầm, thì Đài Loan nhờ « trung thành với đường lối dân chủ tư sản (dân tộc, dân chủ, dân sinh) của Tôn Trung Sơn », nên mới « trở thành một quốc gia theo thể chế dân chủ. »
Nếu vậy thì không đúng.

Tam Dân chủ nghĩa không hề có chủ trương xây dựng một chế độ cộng hòa trên nền tảng tự do dân chủ như đã thấy hiện nay tại Đài Loan. Đài Loan chỉ mới được dân chủ hóa vào thập niên 90, qua nhân vật Lý Đăng Huy, tuy thuộc Quốc Dân Đảng, nhưng là người gốc Đài Loan. Trong hai nhiệm kỳ (1992-2000), ông này đã thỏa mãn một số đòi hỏi của trí thức Đài Loan về vấn đề chính trị. Đài Loan thực sự dân chủ sau khi ông Trần Thủy Biển đảng Dân Tiến thắng cử vào năm 2000.
Tam Dân chủ nghĩa của Tôn Dân Tiên chủ trương xây dựng nền cộng hòa qua ba thời kỳ, trong đó có thời kỳ quân phiệt và cuối cùng là thời kỳ hiến định. Có hai giai đoạn Trung Hoa được áp dụng gắt gao chủ nghĩa Tam Dân là nhà nước Nam Kinh và nhà nước (Đài Loan) đều do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo. Ta thấy cả hai nhà nước này đều là nhà nước độc tài, đảng trị và gia đình trị. Khi Tưởng Giới Thạch chết (5-4-1975), con là Tưởng Kinh Quốc lên nắm quyền, vẫn do gia đình họ Tưởng và Quốc Dân đảng lãnh đạo.
Hiện nay, đã có nhiều tiếng nói từ trí thức Đài Loan cảnh báo sự trở lại của nền độc tài, do việc Quốc Dân Đảng đang tìm cách thống trị trở lại sinh hoạt chính trị tại Đài Loan.

3/ BBC : Trích : « Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, từ nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cho tới Hồ Chí Minh, đều chịu tác động của tư tưởng Tôn Trung Sơn” . Hết trích.

Tôi cho rằng ở đây có thể có ngộ nhận vì cụ Phan Châu Trinh, theo tôi, chịu nhiều ảnh hưởng của Khang Hữu Vi hơn là ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn. Ta thấy Phan Châu Trinh theo khuynh hướng duy tân, tranh đấu ôn hòa, nương vào thực dân Pháp để nâng cao dân trí và phát triển (hạ tầng cơ sở) đất nước, tức ảnh hưởng lý thuyết của Khang Hữu Vi. Trong khi Phan Bội Châu thì chủ trương làm cách mạng, đấu tranh bạo động, tức theo khuynh hướng của Tôn Dật Tiên.
Khang Hữu Vi chủ trương canh tân đất nước và cải cách chế độ, từ quân chủ chuyên chế thành quân chủ lập hiến với mô hình của Anh Quốc. Ông là cha đẻ của cuộc « cách mạng 100 ngày ». Trong khi Tôn Dật Tiên chủ trương « cách mạng », lật đổ Thanh triều để xây dựng một nền cộng hòa. Chữ « cách mạng » ở đây (có nguồn gốc Nhật Bản) có ý nghĩa là lấy lại cái « thiên mạng ». Hai ông Tôn và Khang đã từng bút chiến với nhau về vấn đề « cách mạng ». Khang Hữu Vi nhắc kinh nghiệm của cuộc cách mạng Pháp 1789 để cảnh cáo về một sự đổ vỡ toàn diện của nước Trung Hoa. Thực tế thì cuộc cách mạng Tân Hợi đã gây ra đỗ vỡ ghê gớm, vì đã tạo nên nạn sứ quân trong suốt một thời kỳ dài khoảng 4 thập niên. Mức độ đổ vỡ này tuy vậy cũng đã dịu bớt do cuộc Thế giới đại chiến 1914-1917.
Dầu thế nào, khi nói rằng cụ Phan Châu Trinh chịu ảnh hưởng của Tôn Văn, theo tôi, là điều gượng ép.

4/ Tôi nhận thấy rằng hiện nay một số trí thức, học giả, báo chí Việt Nam... ca ngợi Tôn Dật Tiên và Tam Dân chủ nghĩa một cách quá mức, vượt mọi giới hạn của thực tế cũng như sự thật lịch sử. Theo tôi dây là điều không nên làm.
.
.
.

No comments: