Saturday, February 3, 2024

VẪN CỨ NHAN NHẢN KHẨU HIỆU "MỪNG ĐẢNG, MỪNG XUÂN" KHẮP MỌI NẺO ĐƯỜNG! (Diễm Thi / RFA)

 



Vẫn cứ nhan nhản khẩu hiệu “Mừng Đảng, Mừng Xuân” khắp mọi nẻo đường!

Diễm Thi
2024.01.31

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/should-celebrate-the-party-celebrate-spring-be-hung-on-the-streets-01312024115621.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/should-celebrate-the-party-celebrate-spring-be-hung-on-the-streets-01312024115621.html/@@images/b3fdbd06-b21d-45dc-9015-8026ec611465.jpeg

Cờ ngũ sắc sau cành hoa đào ngày Tết .  AFP

 

Từ mấy mươi năm qua, cứ dịp Xuân về thì những tấm băng rôn, khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” lại được treo khắp nơi, từ đường phố, cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học cho đến hội hoa xuân, chợ Tết… Nhiều khi hàng trên cùng của những tấm áp phích còn có câu “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!”

 

Nhiều người cho rằng, Xuân là của Đất Trời nên theo lẽ thường tình, phải mừng Xuân, mừng đất nước trước rồi muốn mừng Đảng thì mừng mới hợp lý. Một số trí thức cũng từng lên tiếng về việc để đảng trước Xuân, trước đất nước.

 

Năm 2011, trong cuộc trò chuyện đầu năm mới với Tạp chí THS, nhà báo Hữu Thọ thừa nhận, khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước” được sắp xếp theo thói quen nhưng không đúng, bởi khi Tết đến Xuân về, theo lẽ tự nhiên, mỗi người sống trong nhân gian phải mừng năm mới trước đã. Sau đó, với tư cách là một công dân của một tổ quốc, mỗi người phải mừng Đất nước. Cuối cùng mới là mừng Đảng. Ông Hữu Thọ cho rằng, thứ tự nên được sắp xếp lại thành “Mừng Xuân, mừng Đất nước, mừng Đảng” mới hợp lý.

 

Không biết có phải được lắng nghe hay không, mà tháng 2 năm 2016, trên trang báo điện tử của Đảng Cộng sản có bài viết ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’. Tháng 1 năm 2021, tạp chí Môi trường và Xã hội cũng có bài viết ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’.

 

Nhưng chỉ được một năm, mọi việc trở lại như cũ, tức vẫn đặt Đảng trước Xuân trong tất cả các bài báo, các tấm áp phích, băng rôn … treo trên đường phố. Điều này có gây khó chịu cho người dân hay không? 

 

Anh Lê Thiệu, một nhạc sĩ sinh sống ở Sài Gòn nói với RFA sáng 31 tháng 1 năm 2024:

 

“Ngày Tết nhiều khi tôi không muốn ra đường vì ra đường thấy treo băng-rôn ‘Mừng Đảng, Mừng Xuân’ là thấy phát ghét rồi; thấy ngứa con mắt rồi. Theo tôi, đó là thói kiêu ngạo của người cộng sản. Nhiều nhà trí thức tiếng tăm họ đã chỉ trích, đã phê phán, đã phân tích Xuân là của vũ trụ, của đất trời, đảng mới có mấy chục năm nay mà cứ mừng Đảng trước rồi mới tới mừng Xuân.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/should-celebrate-the-party-celebrate-spring-be-hung-on-the-streets-01312024115621.html/2014-02-01t120000z_466166213_gm1ea2202hi01_rtrmadp_3_vietnam.jpg/@@images/75e876a8-c33b-48fe-9d14-457ef93c88f7.jpeg

Cờ búa liềm của Đảng Cộng sản và khẩu hiệu Mừng Đảng Mừng Xuân trên đường phố Hà Nội hôm 1/2/2014 (minh hoạ). Reuters

 

Cựu trung tá Quân đội Vũ Minh Trí nhận định:

 

“Tôi nghĩ cấp cao nhất trong Đảng, như Ban Tuyên giáo trung ương chắc họ cũng thấy chối tỉ cho nên họ không chỉ đạo phải treo những tấm bảng ấy đâu. Nhưng khổ nỗi, dân mình, kể cả những cán bộ cấp thấp đã thành một lối mòn, thành não trạng rồi. Cho nên nhiều khi cấp trên họ không chỉ đạo mà cấp dưới tự nghĩ ra treo.

 

Ví dụ những người dân nghèo chả liên quan gì đến đảng được các nhà từ thiện tư nhân trao quà cứu trợ do lũ lụt hay hỏa hoạn, nguồn quà được huy động từ các nguồn tư nhân, hoàn toàn không quan gì đến đảng, nhưng người nhận do ít học nên câu đầu tiên là “ơn đảng, ơn chính phủ”. Do não trạng họ đã quen như thế.

 

Điều thứ hai tôi muốn nói, do ngày thành lập Đảng là ngày 3 tháng 2 nên nó hay trùng với dịp Tết, cho nên khi các đảng viên lão thành gặp nhau thì họ mừng Đảng rồi mới mừng Xuân là quyền của họ, là chuyện trong nội bộ tổ chức đảng không ai can thiệp. Nhưng họ giăng những tấm bảng như thế ở ngoài đường thì thực sự là vớ vẩn, là vô duyên.”

 

Nhận định của ông Vũ Minh Trí nhắc nhớ một câu chuyện liên quan đến ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, vào năm 2013.

 

Trong một cuộc họp với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, được phát trên kênh thời sự VTV1 vào tối ngày 25 tháng 2 năm 2013, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ trích một số quan điểm được lưu truyền trong xã hội Việt Nam, mà ông đánh giá là “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, trong đó có quan điểm “muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp”, “phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, ủng hộ đa nguyên đa đảng…”. Ngay sau đó, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên (Báo Gia đình & Xã hội) có bài viết trên mạng nhan đề: “Vài lời với Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng”.

 

Theo nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, ông Trọng “không có tư cách để nói về những điều này với nhân dân cả nước”, “những ý muốn trên đây chỉ nên xem là của riêng ông Trọng và chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay”. Tác giả bài viết, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên bị sa thải ngay sau đó với lý do “vi phạm Quy chế hoạt động của báo và Hợp đồng lao động”.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3 tháng 2 năm 1930. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đây cũng là đảng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam.

 

Phó giáo sư Hoàng Dũng nhận xét về những tấm băng rôn, áp phích đặt Đảng trước Xuân, trước đất nước được treo khắp nơi mỗi dịp xuân về:

 

“Đảng họ công khai ghi trong Hiến pháp rồi cho nên họ có treo ở ngoài họ đâu có ngại gì. Thực ra trong một xã hội độc đảng thì tiếng nói của người dân không có giá trị với nhà cầm quyền. Trong một xã hội dân chủ, nghĩa là một xã hội mà lá phiếu của người dân có thể quyết định địa vị lãnh đạo của họ, thì tiếng nói của người dân, dù muốn hay không, họ phải chú ý. Còn ở đây, điều họ chú ý hơn là ơn mưa móc, họ tốt thì họ chú ý, không thì thôi, chẳng ai làm gì được họ.”

 

Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung thì cho rằng, mục đích của Đảng Cộng sản là tuyên truyền, nhắc nhở người dân vai trò của Đảng. Anh nói thêm:

 

“Mới đây Bộ Công an Việt Nam gặp Bộ Công an Trung Quốc. Họ bàn với nhau làm cách nào để giữ vững sự cai trị của Đảng. Họ không quan tâm đến quyền dân chủ của người dân. Thế nên, việc họ coi Đảng trên hết là chuyện đương nhiên. Đây là một cách thức tuyên truyền tinh vi của Đảng cộng sản Việt Nam.”

 

 



No comments: