Toàn
cầu hóa thúc đẩy cuộc đua tái trang bị hải quân giữa các đại cường
Minh
Anh - RFI
Đăng ngày:
01/02/2024 - 14:34
Từ hơn
một thập niên qua, cuộc đua tăng cường sức mạnh hải quân được tăng tốc với mục
tiêu là nhằm khẳng định vị thế và bảo vệ các lợi ích quốc gia. Hoa Kỳ và Trung
Quốc, hai nước dẫn đầu cuộc đua, đang đối đầu nhau ở vùng Đông Á và đang tranh
vị thế siêu cường hải quân hàng đầu thế giới. Theo nhiều chuyên gia, sau nhiều
thập kỷ có vẻ yên bình, nguy cơ xảy ra trận bão hải chiến một lần nữa là một giả
thuyết hợp lý !
Cụm
tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tuần tra trên Biển Đông ngày 7/10/2019. AFP
- ERWIN JACOB V. MICIANO
Nhờ vào khả
năng bảo đảm khối hàng hóa lớn, đáng tin cậy và chi phí thấp, vận tải đường biển
đang trở thành cột sống hậu cần cho chuỗi giá trị toàn cầu. Từ khi Đệ Nhị Thế
Chiến kết thúc và cho đến khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, tăng trưởng
trong ngành thương mại quốc tế tăng nhanh hơn là mức tăng trưởng của sản xuất.
Hơn 80% khối lượng giao thương quốc tế được thực hiện bằng đường biển. Số liệu
thống kê năm 2019 cho thấy tổng khối lượng hàng hóa giao thương là 11 tỷ tấn,
tăng gấp 20 lần so với năm 1950, chỉ đạt mức 550 triệu tấn.
Làm
chủ biển cả, thống lĩnh thương mại
Toàn cầu
hóa cũng làm thay đổi các lộ trình vận chuyển. Cho đến những năm 1970, đó là một
thế giới của « Đại Tây Dương ». Các tuyến đường vận tải biển quan trọng
nhất tập trung chủ yếu giữa những cảng biển Bắc Âu và vùng duyên hải phía đông
của Bắc Mỹ. Nhưng việc chấm dứt các chế độ thuộc địa, sự trỗi dậy của các nước
Đông Á trên trường kinh tế quốc tế đã dần dịch chuyển trọng lực kinh tế hàng hải
thế giới sang vùng Đông Á.
Sự thay đổi
này còn diễn ra toàn diện với việc Trung Quốc ngày càng khẳng định là một cường
quốc hàng đầu kể từ những năm 2000. Nếu như lúc ban đầu, con đường hàng hải lớn
nhất ở Đông Á chủ yếu là trục Tokyo – Singapore, sau này có thêm các cảng biển
Busan của Hàn Quốc, Cao Hùng ở Đài Loan và Hồng Kông trong những năm 1990, thì
những trục vận chuyển đường biển này đã bị di dời về phía tây, Trung Hoa Lục Địa.
Bên cạnh
đó, các cường quốc Đông Á này còn vướng phải một điểm yếu lớn : Sự phụ thuộc
đến hơn 80% vào nguồn dầu lửa Trung Đông. Do vậy, con đường vận tải biển lớn vẫn
là châu Á, đi từ Vịnh Ba Tư đến Trung Quốc, băng qua các eo biển Hormuz và
Malacca. Đảo quốc Singapore nằm trên tuyến đường hàng hải lý tưởng này, cùng với
Rotterdam (Hà Lan) và Houston (bang Texas của Mỹ) là một trong ba điểm tinh lọc
và trung chuyển dầu hỏa lớn nhất thế giới.
Nhưng người
xưa có câu : « Ai muốn kiểm soát thương mại phải làm chủ biển cả ».
Sự toàn cầu hóa « hạnh phúc » này làm lộ rõ một tình trạng « cực
kỳ » phụ thuộc vào biển cả. Và hiện tượng « hàng hải hóa » này,
theo như cách nói của ông Cyrille Coutansais, giám đốc nghiên cứu thuộc Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược Hải quân, giảng viên trường đại học Khoa học Chính trị
Sciences Po, trên đài RFI, đã buộc một số nước nhất định phải đầu tư cho lực lượng
Hải quân để bảo vệ các dòng hàng hóa vận chuyển, cũng như là bảo vệ chủ quyền
vùng không gian lãnh hải của mình.
Cũng theo
ông Cyrille Coutansais, điều này đã dẫn đến việc « xáo lại » các quân
bài quan trọng ở cấp độ cường quốc hải quân: « Quá trình toàn cầu hóa
này đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một số nước có đủ nguồn lực để đầu tư
cho hải quân. Điều đáng lưu ý là đầu tư cho Hải quân tốn rất nhiều tiền, hơi giống
một câu lạc bộ các nước giàu. Điều này giải thích vì sao cho đến gần đây, đó chỉ
là một câu lạc bộ gần như độc quyền cho các nước phương Tây. Bây giờ với toàn cầu
hóa, người ta nhìn thấy một số quốc gia phát triển như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…
những nước có khả năng đầu tư cho Hải quân. »
Biên
giới biển mới và thế « tiến thoái lưỡng nan về an ninh »
Một nguyên
nhân khác giải thích cho việc phát triển trở lại các năng lực hải quân là nhiều
quốc gia có xu hướng tìm kiếm các nguồn tài nguyên biển ở những nơi khác để bù
đắp cho những thiếu hụt ở trong nước. Đô đốc Bernard Rogel, cựu tham mưu trưởng
Hải quân, nguyên tham mưu trưởng đặc biệt của các tổng thống François Hollande
và Emmanuel Macron, trong chương trình Địa Chính Trị của RFI Tiếng Pháp, cho rằng
điều đó gây ra những căng thẳng về tranh chấp lãnh hải đang diễn ra trên toàn cầu
từ Đông sang Tây, từ Á đến Âu:
« Chúng
ta nên biết là tình trạng này đang tạo ra những biên giới mới trên biển, bởi vì
các quốc gia có nhu cầu tìm kiếm những gì họ thiếu chẳng hạn như các nguồn cá
biển, vốn dĩ rất quan trọng đối với nhiều nước, cũng như các nguồn khí đốt,
khoáng sản, dược thảo dồi dào ở biển. Rồi còn có vấn đề công nghệ nữa. Ở đây
tôi muốn nói đến quá trình dân chủ hóa công nghệ, tức là phương Tây không còn độc
quyền về công nghệ nữa. Người ta sẽ đi tìm ở biển những gì mà họ thiếu. Vì vậy,
tình trạng này đang tạo ra điều mà tôi gọi là Những Biên Giới Mới, tức những
vùng tranh chấp mới. »
Trung Quốc
với vị thế là « công xưởng lớn nhất thế giới », phụ thuộc nhiều vào
biển cả cho nhập khẩu nguyên nhiên liệu, lương thực – thực phẩm cũng như là xuất
khẩu hàng hóa thành phẩm. Điều hiển nhiên và hợp lý là Bắc Kinh phải trang bị
cho mình một lực lượng hải quân để tự bảo đảm nhu cầu an ninh. Nếu như Trung Quốc
không thể và cũng không muốn ủy thác trách nhiệm này cho Hải quân Mỹ, thì điều
nghịch lý là chính sách tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc cũng như
nhiều cường quốc mới trỗi dậy khác phải đối mặt với « thế lưỡng nan an
ninh ».
Trên
làn sóng RFI Pháp ngữ, Maxence Brischoux, giảng viên ngành Quan hệ Quốc tế, trường
đại học Paris II Panthéon Assas, giải thích :
« Nhìn
từ điểm này trong lý thuyết quan hệ quốc tế, chúng ta đang đi đến điều được gọi
là "tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh". Sự xuất hiện của nhiều
cường quốc mới cùng với việc họ tự trang bị các phương tiện để bảo đảm an ninh
cho mình đã có những tác động gây bất ổn. Đối với nhiều nước khác, lô-gic tái
vũ trang này, một lần nữa, cho dù có tính chính đáng nhất định, có thể mang
tính gây rối, nhất là khi điều đó đi kèm với những hành động được cho là hung
hăng. Đó chính là những gì chúng ta quan sát được ở Biển Đông. Ta đang phải đối
mặt với những hiện tượng lâu dài, đôi khi có thể bùng phát thành khủng hoảng,
thậm chí là đi đến chiến tranh. Đây cũng là những gì chúng ta quan sát thấy hiện
nay trong cuộc xung đột Nga - Ukraina, bởi vì khía cạnh hải quân có một tầm
quan trọng đáng kể. »
Bốn
tiêu chí cho cường quốc hải quân
Vậy đâu là
các tiêu chí để đánh giá một cường quốc hải quân ? Về điểm này, Cyrille
Coutansais cho biết:
« Xét
về sức mạnh hải quân, tôi nghĩ điều quan trọng đầu tiên là tải trọng. Trên thực
tế, chúng ta cộng toàn bộ khối lượng mỗi con tàu và như vậy chúng ta sẽ có được
một tầm nhìn về sức mạnh hải quân dựa theo trọng tải. Quả thật, nếu nhìn vào trọng
tải, Hoa Kỳ đang ở vị trí hàng đầu. Khía cạnh thứ hai là số lượng tàu. Trung Quốc
có nhiều tàu hơn Mỹ, nhưng nếu xét về trọng tải, tức là về sức mạnh, thì Mỹ vẫn
dẫn đầu.
Tiếp đến,
chúng ta phải xem xét các khả năng mà hải quân một nước có thể triển khai. Ví dụ,
nếu chúng ta nhìn vào hải quân Pháp, về mặt trọng tải Pháp thua xa Mỹ, kém hơn
Trung Quốc, nhưng vẫn nằm trong phạm vi có khả năng triển khai. Chúng ta có thể
triển khai tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN), tầu ngầm tấn công hạt nhân
(SSN), nhóm tác chiến tàu sân bay. Có thể nói, chúng ta có đầy đủ các lãnh vực
và điều này rất quan trọng để phát huy sức mạnh hải quân.
Một yếu
tố khác cũng nên đề cập đến đó là khả năng có các điểm neo, tức là các cơ sở để
chúng ta có thể cập cảng. Việc tiếp tế, các thuyền viên có điều kiện nghỉ ngơi
vì nhiều lý do là điều cần thiết. Về điểm này, Pháp có thể trông cậy vào một số
điểm neo đậu nhờ vào các vùng lãnh thổ hải ngoại.
Nhiều lực
lượng hải quân khác không có cho nên đang tìm cách có được năng lực này, trong
đó có Trung Quốc. Điều này có nghĩa là, khi quý vị muốn triển khai hải quân ở
khắp các đại dương trên toàn thế giới, quý vị cần phải có khả năng trông cậy
vào những điểm neo đậu ở hầu hết mọi nơi, và đó cũng là một phần của sức mạnh hải
quân. »
Chỉ có điều
sự trỗi dậy mạnh mẽ của hải quân Trung Quốc chỉ trong hơn hai thập niên khiến
Hoa Kỳ và nhiều nước khác trong khu vực lo lắng. Năm 1988, Trung Quốc không có
tên trong bảng sắp hạng năm cường quốc hải quân hàng đầu thế giới. Hơn ba thập
kỷ sau, Trung Quốc vươn lên chiếm vị trí thứ hai, và đang trên đà qua mặt Mỹ.
Lãnh đạo Hải quân Mỹ năm vừa qua báo động Trung Quốc hiện có tổng cộng hơn 350
tầu chiến và tầu ngầm, vượt qua Mỹ về mặt số lượng, vì Mỹ chỉ có hơn 290 chiếc.
Theo một
báo cáo được bộ Quốc Phòng Mỹ công bố năm 2020, chỉ trong giai đoạn 2015-2019,
Trung Quốc có lẽ đã tự mình xây dựng một lượng tầu tương đương với tải trọng do
Mỹ và châu Âu gộp lại. Mục tiêu của ông Tập Cận Bình đề ra là từ đây đến năm
2030, Trung Quốc phải chiếm vị thế hải quân hàng đầu thế giới khi có đến 13 chiếc
tầu ngầm trong khu vực.
Để đối phó
với Bắc Kinh, năm 2020, Washington đề ra chiến lược mới mang tên « Thế ưu
việt trên biển », khẳng định Hoa Kỳ phải làm chủ biển cả để đánh bại sức mạnh
kẻ thù, bảo vệ tổ quốc và bảo vệ các đồng minh. Hoa Kỳ phải tiến hành một
chương trình hiện đại hóa táo bạo và cần thiết cho lực lượng hải quân, để duy
trì khả năng răn đe và bảo đảm lợi thế trên biển. Và lợi thế này phải được bắt
đầu bằng sự vượt trội về số lượng cũng như chất lượng.
Trong cuộc
đua này, Hoa Kỳ chưa phải là quốc gia đơn độc. Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh
hải quân khiến nhiều nước châu Á trong khu vực cũng phải điều chỉnh chính sách
quốc phòng. Hàn Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ đầu tư ồ ạt phát triển các loại tàu
phóng tên lửa hay tầu ngầm. Nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam,
Philippines, Indonesia, Malaysia cũng tăng cường hạm đội tầu chiến và trang bị
nhiều vũ khí tân tiến hơn, để đối phó với các tham vọng biển cả và những đòi hỏi
chủ quyền lãnh hải quá đáng của Trung Quốc.
Việc tăng
cường số lượng trang thiết bị hải quân cũng đi kèm với việc phát triển và đổi mới
kho vũ khí bằng loạt công nghệ mới. Hiện tại, xu hướng phát triển các loại
drone biển được cho là mốt thời thượng do chi phí sản xuất thấp, phương thức hoạt
động kín đáo và hiệu quả cao hơn nhờ vào việc có thể kéo dài thời gian hoạt động
sâu dưới biển cho các nhiệm vụ trinh sát, thậm chí là tấn công.
Và trong
trường vũ khí mới này, hệ thống hướng dẫn bằng trí tuệ nhân tạo đang được phổ
biến nhất là trên phương diện ngăn chặn và khả năng phòng thủ tên lửa. Chiến
tranh Ukraina hẳn là một chiến trường thực nghiệm cung cấp nhiều điều bổ ích
cho các đại cường !
-----------------------
Các
nội dung liên quan
THÁI BÌNH
DƯƠNG - HÀNG HẢI
Hải
quân các nước Thái Bình Dương thảo luận về ứng xử trong tình huống bất ngờ
PHILIPPINES
- TRUNG QUỐC
Philippines
tố cáo « một hạm đội » 135 tầu Trung Quốc đổ về bãi Đá Ba Đầu
HOA KỲ -
ÚC - PHILIPPINES - NHẬT BẢN
Lần
đầu tiên Lục Quân Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines họp bàn hợp tác
No comments:
Post a Comment