Monday, February 5, 2024

MỘT LẦN ĐI XE BUÝT HAI TẦNG (Lê Huyền Ái Mỹ)

 



Một lần đi xe buýt 2 tầng! 

Lê Huyền Ái Mỹ

05/02/2024

https://baotiengdan.com/2024/02/05/mot-lan-di-xe-buyt-2-tang/

 

Trong lịch trình tất niên tối qua, có mục đi tour xe buýt 2 tầng tham quan thành phố. Một tiếng đồng hồ để đi qua hầu hết các điểm di tích, con đường khu vực trung tâm ở quận 1, ghé qua quận 3 cũng đã phần nào cảm nhận được nhịp sống của một thành phố luôn tươi trẻ. Đẹp ngỡ ngàng là đoạn lên cầu Ba Son, ban chiều, những sợi dây văng như tơ kết lấy trời và nước. Còn về đêm, nghe đâu báo chí trách, đã xây được Ba Son, sao không kiếm tiền mà thắp sáng cây cầu, đòi hỏi là một “công trình nghệ thuật” cơ!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/02/1-11-1068x1200.jpg

Ảnh tác giả chụp đoạn cầu Ba Son

 

Hiện tôi là công dân thành phố bờ Đông, nếu còn tiền, thay vì “vị nghệ thuật” cây cầu, xin hãy “vị dân sinh” những con đường, nó cần ánh sáng nhiều hơn để cho an toàn.

 

Trên đường quay về, bất chợt ngoái nhìn, xa xa là Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm còn nguyên vẹn. Rồi xe đổ xuống đường Tôn Đức Thắng, ngang qua khu nhà thờ. Không còn những hàng cây. Từ tầng 2 xe buýt nên lần đầu tiên được thấy dãy tu viện, thấp thoáng mái nhà nguyện mà tròn 160 năm trước, Thầy Học Nguyễn Trường Tộ đã thiết kế và đứng ra đốc suất công việc. Xe rẽ vào đường Nguyễn Đình Chiểu, cây rợp hai bên đường, đến tòa nhà của Tổng giáo phận Sài Gòn… Trong ngổn ngang thay đổi, giữa những cái mất, Sài Gòn lại có những điều biết giữ.

 

Chỉ khi lạc vào những con đường chật, xe máy chen chân, người người hối hả, vật vạ với khói bụi, tiếng ồn thì cảm giác… tham quan như có vẻ lạc lõng. Khám phá, thăm thú gì đây khi dưới kia, những vỉa hè dậy mùi chiên nướng, những tay xách nách mang hành lý để ra bến xe, bến tàu về quê…

 

Trước khi về lại, xe quành qua chợ Bến Thành, một “tiểu đảo” được lập thành để mở lễ hội dân gian gì đó. Nếu so với một vài nơi vừa đi qua, cũng trên địa bàn quận 1, những quầy hàng Tết được dựng sát lòng đường, vẫn chừa lối đi bộ bên trong, hàng hóa bày biện gọn, khá thẩm mỹ, nhìn tổng quan lại dễ chịu bởi… tự nhiên hơn nhiều so với cái “xóm” lễ hội kia. Đêm xuống, nhìn cứ như cái chợ lẻ ở ngoại ô thay vì tìm một cách khác để tôn – tạo một di sản của Sài Gòn.

 

Phía đường Lê Lợi đang thi công lắp ráp, hình như lại là đường sách như năm ngoái. Tôi đã hăm hở xuống “không gian đọc” ấy nhưng không tài nào tìm được “chữ” bởi nó lẫn giữa đa phần sách cũ, sách (mới) thì được phân loại nhưng khá nghèo nàn; chưa kể sau khi đi bộ “oải chè đậu” bên đường hoa thì khá đông người đổ về đường sách nghỉ mệt.

 

                                                                ***

Trên chuyến xe tham quan, có người đã đi nhiều lần, có người mới đi – như tôi và tất cả đều cho biết là mua vé, xe chở qua các điểm như liệt kê trong tour và hết. Không có một lời thuyết minh, là trực tiếp từ hướng dẫn viên hay gián tiếp qua máy. Tôi search trên báo, mới đây, ngày 22/12/23 trên Tuổi Trẻ, đại diện đơn vị khai thác nói “trên xe cũng chuẩn bị thuyết minh đa ngôn ngữ, giúp du khách hiểu hơn về vùng đất và người Sài Gòn – TP.HCM”.

 

Tôi không biết sự chuẩn bị ấy đã đến đâu nhưng nếu chỉ lên xe, chạy một vòng rồi về mà không có bất kỳ một lời dẫn – giải nào thì giá xe buýt này khá mắc. Thành phố cất công giữ lấy di sản, dựng nên những “tài sản” công trình mới lại chỉ để cho một bộ phận khai thác du lịch làm-ăn thin thít như thế thì nhỡ có thiếu tiền lắp dàn đèn cũng là điều dễ hiểu!

 

.

13 BÌNH LUẬN   

 





No comments: