Gói
bánh chưng ở Hungary, ôn kỷ niệm Tết Việt
Nguyễn Hoàng Linh
- Saigon Nhỏ
3
tháng 2, 2024
https://saigonnhonews.com/bep-viet-que-nguoi/goi-banh-chung-o-hungary-on-ky-niem-tet-viet/
(ảnh:
Nguyễn Hoàng Linh)
Những
năm gần đây, gói và tự luộc bánh chưng trong dịp Tết cổ truyền dân tộc đã trở
nên một tập quán rất quen thuộc của nhiều gia đình, các nhóm bạn trong cộng
đồng Việt Nam tại Hungary.
Không
chỉ là một món ẩm thực truyền thống, mà bánh chưng trong lòng người Việt xa xứ
đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng của thời khắc cuối năm, đồng thời nhắc
nhớ nhiều kỷ niệm chỉ còn trong ký ức.
Ngày
ông Công ông Táo, chúng tôi có mặt tại tư gia của anh Ngô Sơn Hà, một cựu du
học sinh Việt Nam tại Hungary từ giữa thập niên 80 thế kỷ trước. Gần 40 năm
sinh sống và làm việc tại Budapest, gia đình anh đã có một cơ ngơi khang trang
tại một khu vực “đắc địa”, nơi có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh quan rất
đẹp của thủ đô Budapest.
Năm
nay, một số gia đình cùng năm với anh Hà đã có mặt sớm để tham gia “dự án” gói
bánh chưng mà mọi người đã hồi hộp chờ đợi từ lâu.
Như
thường lệ, mọi việc đã bắt đầu từ trước đó, khi các anh chị đã phân công nhau
chuẩn bị, mua các nguyên liệu cần thiết như đỗ đậu, lá dong, thịt heo… Ngâm
gạo, rửa lá dong, thái và ướp thịt… cũng là những khâu đòi hỏi sự chuyên tâm và
thời gian, còn nồi nấu thì đã được trang bị bằng cách đi mượn các nơi.
(ảnh:
Nguyễn Hoàng Linh)
Chủ
nhà, anh Hà cũng cấp tốc mua một nồi để góp phần, với giá chừng 45 Euro, đủ để
luộc 7 chiếc bánh. Năm nay, các anh chị quyết định nấu bằng điện trong nhà cho
tiện.
Nhiều
nước ở Âu châu đang trong cơn khủng hoảng và bão giá tài chính, giá cả tại
Hungary cũng tăng nhiều, nên trong quá trình gói ghém, câu chuyện về mua sắm
cũng rất rôm rả. Tuy nhiên, chị Phương Thảo, người từ nhiều năm nay chịu trách
nhiệm khâu mua bán, cho chúng tôi hay rằng tại các khu chợ Việt, thực phẩm ngày
Tết cũng tăng không quá nhiều (5-10%) so với năm ngoái, trong khi mức giá thực
phẩm của nước sở tại Hungary thì tăng không phanh từ nhiều tháng nay.
Như
một thú vui giải trí, chúng tôi đã thống kê giá các mặt hàng căn bản cần thiết
cho việc gói bánh chưng: lá dong 12 Euro/ 40 lá, gạo nếp cái hoa vàng 2 Euro/
kg, đỗ xanh (đã cà vỏ) 2 Euro/0,5kg, lạt 13 Euro/ kg, thịt ba chỉ 5 Euro /kg.
“Thành phẩm” sẽ là những chiếc bánh chưng cỡ 13x13cm với thành phần 540g gạp
nếp, 200g đỗ, 200g thịt, và tính ra thì tự gói cũng không rẻ được như mua sẵn
(10-11 Euro/ chiếc), nhưng niềm vui khi cùng nhau nấu nướng mới là điều quan
trọng.
(ảnh:
Nguyễn Hoàng Linh)
Hơn
thế nữa, gói bánh chưng cũng là “thử thách” cho các cháu thuộc thế hệ thứ hai –
chào đời tại Hungary, nhiều cháu hiện đã trưởng thành và du học, làm việc tại
các nước Âu châu – để các cháu làm quen, tìm hiểu và yêu mến một giá trị đẹp và
tinh tế của nền văn hóa và ẩm thực Việt. Gia đình anh Đào Thế Quang, mặc dù đến
muộn do công việc, nhưng vẫn “xí phần” trước ba chiếc để cháu Niki, hiện là
dược sĩ hành nghề ở Vương quốc Anh đang về thăm bố mẹ, cũng có thể “dự phần”.
Do
đã có một bộ khuôn với nhiều kích cỡ, nên việc gói ghém không còn quá khó, có
chăng là khâu thắt lạt sao cho chặt đòi hỏi chút kinh nghiệm. Trả lời câu hỏi
gói lần đầu đã khá đẹp như thế này thì có khó không, Niki cho hay không có gì
khó.
Đến
lượt anh Đào Thế Quang, một gương mặt rất quen biết trong giới du học sinh và
cộng đồng Việt tại Hungary với nhiều tài đàn hát, bóng đá… có dịp thi tài với
con gái trong lần gói thứ hai (lần một thời dịch bệnh giờ anh đã quên hết cách
thức).
(ảnh:
Nguyễn Hoàng Linh)
Bầu
không khí Việt ngày Tết, như thế, đã được tái hiện ở khoảng cách rất xa, hơn 10
ngàn cây số xa quê hương, trong tiết trời đã gần chớm vào xuân khá ấm áp, với
nhiệt độ 10-12 độ C.
Trời
đẹp nên bếp gas do anh Tạ Mạnh Dũng mang tới đã được triển khai tại ban công,
và sau chừng 3 giờ, khoảng 40 chiếc bánh chưng vuông vức đã xếp trong ba nồi:
dự tính sẽ cần 10-12 tiếng để đảm bảo ngon, rền, chất lượng tốt và an toàn, cho
dù ai cũng háo hức muốn “nếm” ngay sản phẩm của mình.
(ảnh:
Nguyễn Hoàng Linh)
Khoảng
thời gian chờ đợi bánh chưng là lúc các gia đình hàn huyên rôm rả về đủ thứ
chuyện trên trời dưới biển bên bữa tối liên hoan với một số món ăn Việt. Được
một hồi, thì nỗi nhớ quê hương đã được thể hiện qua những ca khúc quen biết với
phần đệm guitar bập bùng với phương châm “nhạc gì cũng nhảy”.
(ảnh:
Nguyễn Hoàng Linh)
Mẻ
bánh đầu tiên được “ra lò” sau gần 10h luộc sình sịch, vào lúc 1h30 sáng, rất
rền, ngon và ngậy, và chúng tôi sẽ còn phải chờ vài thêm tiếng, thâu đêm, cho
những mẻ sau.
Đang
ở Budapest thăm người thân, bác sĩ Diễm Thủy đến từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
khi nếm mẻ bánh đầu, đã khen là không thua kém bất cứ loại bánh chưng “chuẩn”
nào ở thủ đô. Tất nhiên, cảm giác ngon khả năng một phần cũng do chúng ta có
dịp thưởng thức hương vị quê hương ở khoảng cách mười mấy ngàn cây số, do chính
bàn tay mỗi người chuẩn bị, và do đó có thể có chút thiên vị. Dầu sao đi nữa,
một nét đáng kể của văn hóa dân tộc đã đến như thế với người dân xa quê…
Từ
khoảng hai thập niên gần đây, thực phẩm và ẩm thực Việt không còn là “của
hiếm”, mà ngược lại, đã rất phổ biến tại vùng Đông – Trung Âu, mức độ phong phú
không kém quá nhiều so với ở Việt Nam.
Bánh
chưng đã có thể mua được khá thường xuyên từ nhiều nguồn, nhưng trong dịp Tết,
tận tay gói và luộc bánh vẫn là hoạt động mang chút hồn Việt nơi xa xứ, là cái
tình, là sự kết nối của những người con xa xứ nhưng luôn mang trong lòng một
mảnh quê hương, tinh khôi và đầy ký ức…
No comments:
Post a Comment