Saturday, April 1, 2023

PARIS, TỪ "KINH ĐÔ ÁNH SÁNG" ĐẾN "BÃI RÁC LỘ THIÊN" TRONG MÙA ĐÌNH CÔNG CHỐNG CẢI TỔ HƯU TRÍ (Thùy Dương / RFI)

 



Paris, từ « kinh đô Ánh sáng » đến « bãi rác lộ thiên » trong mùa đình công chống cải tổ hưu trí

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 31/03/2023 - 13:22

 https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/202303.....BB%95-h%C6%B0u-tr%C3%AD

 

Paris hoa lệ, « kinh đô ánh sáng », là nơi đầu tiên trên thế giới, năm 1883, dưới thời tỉnh trưởng Eugène Poubelle, thu gom rác qua hệ thống thùng rác và là hình mẫu cho các nước công nghiệp. Sau 140 năm, đợt đình công dài ngày của người thu gom rác thải và ở các nhà máy đốt rác để phản đối dự án cải tổ hưu trí lại khiến Paris bị gọi là « thành phố của các thùng rác »« bãi rác lộ thiên »« thành phố bốc mùi ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/818fa964-cf18-11ed-9122-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23083433784642.webp

Các túi rác chất đống ở khu phố gần Nhà thờ Đức Bà, Notre Dame de Paris, ngày 24/03/2023. AP - Thomas Padilla

 

Đợt đình công của các nhân viên thu gom rác bắt đầu từ ngày 06/03. Họ phản đối việc chính phủ nâng tuổi về hưu từ 57 như hiện nay lên thành 59 đối với nhân viên trong lĩnh vực thu gom rác thải, một công việc được xem là rất vất vả, tổn hại nhiều đến sức khỏe và ảnh hưởng đến tuổi thọ. Báo Les Echos ngày 12/03 trích dẫn nghiệp đoàn CGT, theo đó đa phần người lao động trong lĩnh vực dọn dẹp vệ sinh có tuổi thọ thấp hơn 12-17 năm so với người làm công ăn lương nói chung.

 

AFP ngày 20/03 trích dẫn Karim Kerkoudi, một nhân viên thu gom rác ở vùng Paris : « Hàng ngày, tôi dậy từ 4h45 để thu gom, theo nhóm 2 người, từ 6 đến 16 tấn rác. Tôi bị viêm gân ở cả hai bên khuỷu tay. Đó là chưa kể đến đau lưng. Công việc để lại dấu ấn trên cơ thể chúng tôi ».

 

« Ác mộng » rác

 

Thực ra, đình công trong lĩnh vực thu gom rác thải không chỉ diễn ra ở thủ đô Paris mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác, chẳng hạn Havre, Nantes, Montpellier, Marseille, Metz, Antibes … Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng nhất vẫn là ở Paris. Hôm 17/03, sau 12 ngày lượng rác tồn ứ ở nhiều nơi trong Paris đã vượt ngưỡng 10.000 tấn. Các đống rác chất cao, vứt ngổn ngang bên lề đường, trước các hiệu thuốc, nhà hàng, quán xá … Mùi hôi của rác lưu cữu bốc lên ở nhiều nơi, vừa gây mất vệ sinh vừa mất thẩm mỹ, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân cũng như các hoạt động kinh doanh và du lịch tại thủ đô.

 

Ngày 28/03, chị Hoa, chủ của hai nhà hàng Việt ở quận 3 và quận 9, cho RFI Tiếng Việt biết :

 

« Tháng vừa rồi, hai nhà hàng của tôi bị giảm doanh số rất nghiêm trọng, do biểu tình và các vấn đề về rác thải ở Paris, một Paris mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra lại kinh khủng đến như vậy, nhất là bên quận 9. Suốt gần 2 tuần, rác không được thu gom, bốc mùi lên rất tệ hại.

 

Ví dụ trước cửa nhà hàng của tôi là một đống rác to, chắn luôn cả mặt tiền nhà hàng. Nhìn vào chỉ thấy đống rác. Làm ăn mệt mỏi lắm. Khách nhiều khi đi qua cửa hàng, nhưng thấy mùi rác ghê quá nên họ đi luôn, không vào nữa. Hàng sáng, tôi và nhân viên vẫn phải dọn dẹp, vứt gọn những túi rác vương vãi trước cửa nhà hàng lên thành đống. Các đống rác thì không vứt theo chỗ như trong quy định. Các đống rác rất to, thậm chí trước cửa hàng nhà tôi rác còn đổ xuống cả đường đi, ô tô phải lách, đi chèn cả lên những túi rác.

 

Tôi thấy gần như các trục đường ở quận 9 đều bị như vậy. Các nhà hàng ở đấy đều rất ngao ngán. Nói chung là rất mệt mỏi. Hôm thứ Hai vừa rồi (27/03) khi tôi đến thì thấy đống rác đó đã được dọn đi rồi. Hôm nay thì mọi việc đã ổn hơn, thành phố đã cho người đi thu gom những đống rác đó, thế nhưng vẫn còn mùi hôi vì dính mấy hôm mưa nên rác thối rữa rất nhanh.

 

Bên quận 3 thì tình trạng rác thải như thế thì không có, nhưng tình trạng biểu tình thì lại nặng hơn, nhiều thùng rác bị đốt rồi. Đấy là trục đường chính đoàn biểu tình đi qua nên bị thế chứ rác thì vẫn được dọn hàng ngày. Tôi nghĩ chắc việc thu gom rác ở quận 3 là do một công ty tư nhân nào đó làm nên gần như rác vẫn được dọn hàng ngày ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/8c88a8a4-cb60-11ed-8cef-005056a90321/000_33BV2J9.webp

Các túi rác chất đống gần điện Panthéon, nơi vinh danh cách vĩ nhân Pháp (quận 5, Paris) ngày 22/03/2023. AFP - ALAIN JOCARD

 

Công và tư : Một thành phố, hai chế độ

 

Đúng như chị Hoa đã nói ở trên, không phải khu vực nào ở Paris cũng bị ảnh hưởng. Trên thực tế, thủ đô Paris có một hệ thống thu gom rác đặc biệt, công - tư đan xen, từ thời thị trưởng Jacques Chirac giai đoạn 1977-1995 (người sau này là tổng thống Pháp trong 2 nhiệm kỳ). Paris có tổng cộng 20 quận đánh thứ tự theo hình xoắn trôn ốc, từ phía trong ra ngoài. Đội ngũ nhân viên thu gom rác của thành phố chuyên trách việc dọn dẹp rác ở một nửa số quận (quận 2, 5, 6, 8, 9, 12, 14, 16, 17 và 20). 10 quận còn lại là do giới tư nhân cung cấp dịch vụ, chẳng hạn công ty Suez, Veolia, Urbaser, Pizzorno …

 

Những quận rác tồn ứ vốn dĩ do đội ngũ thu gom rác là nhân viên của thuộc quyền quản lý của thành phố. Chính vì điều này, trong thời gian qua dấy lên nhiều tranh cãi về giải pháp thuê các công ty tư nhân dọn rác tại những quận hiện đang có đình công trong giới thu gom rác thải thuộc các đơn vị công.

 

Trên đài RFI Pháp ngữ, ngày 14/03, ông Pierre-Yves Bournazel, dân biểu cấp thành phố, ở quận 18 Paris (thuộc đảng Horizons do cựu thủ tướng Edouard Philippe sáng lập) giải thích về tình hình rác thải ở Paris và chỉ trích thái độ của chính quyền của thị trưởng Anne Hidalgo trong việc xử lý khủng hoảng rác. Thị trưởng Anne Hidalgo vốn dĩ là người ủng hộ phong trào đình công của giới thu gom rác và phản đối biện pháp trưng thu lao động mà bộ Nội Vụ Pháp đề xuất. Dân biểu quận 18 phát biểu :

 

« Quận của tôi có điều may mắn là rác thải do một công ty tư nhân thu gom, nên rõ ràng là ít bị ảnh hưởng hơn những quận khác của thành phố Paris mà chính quyền tổ chức tự đảm nhiệm việc thu gom rác thải.

 

Tôi rất tôn trọng quyền đình công bởi vì đó là một nguyên tắc có giá trị hiến định, tôi cũng rất tôn trọng những người đình công bởi làm nghề thu gom rác thải là vô cùng khó khăn đối với họ. Tôi vẫn thường nói chuyện với họ. Nhưng theo tôi, chính quyền thành phố Paris có trách nhiệm về chuyện này. Nếu yêu mến thành phố thì phải chăm lo cho thành phố. Chúng ta phải chăm chút cho Paris. Chúng ta thực sự đang có vấn đề. Những vấn đề này có thể nhanh chóng biến thành vấn đề an ninh, an toàn nếu mọi chuyện không mau chóng được giải quyết. Chính quyền thành phố có nghĩa vụ bảo đảm tính liên tục của các dịch vụ công.

 

Ai cũng hiểu là nếu rác tiếp tục lan tràn trên đường phố thì sẽ có những nguy cơ về vệ sinh. Chuột sẽ chui rúc vào trong các thùng rác và chúng ta đều biết là rác sẽ bốc mùi. Có nhiều nơi có những đống rác cao đến hơn 2m, như vậy sẽ có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Tôi nghĩ rằng chính quyền thành phố Paris cần đảm đương trách nhiệm về dịch vụ tối thiểu, về tính liên tục của dịch vụ công. Cần phải chăm lo cho thành phố mà chúng ta yêu quý. Tất cả chúng ta, ai cũng yêu mến thành phố Paris, một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Chúng ta gắn bó với vẻ đẹp của Paris, với sự sạch sẽ, sức khỏe cộng đồng và sự an toàn của chúng ta ».

 

Giải quyết cuộc khủng hoảng rác, vừa tôn trọng quyền hiến định về đình công, vừa bảo đảm dịch vụ công tối thiểu là không đơn giản, bởi có những bất đồng giữa chính phủ với giới nghiệp đoàn, giữa chính quyền Paris với các nghiệp đoàn, hay giữa chính quyền với sở cảnh sát về việc trưng dụng lao động …

 

Tuy nhiên Le Figaro ngày 23/03 trích dẫn chuyên gia về luật lao động, Eric Rocheblave, « mục đích của việc trưng dụng lao động không phải là tái lập một hoạt động bình thường, mà là giải quyết một vấn đề về trật tự công ». Dù đã trưng dụng 700 nhân viên à 170 xe chở rác, nhưng chính sở cảnh sát Paris cũng thừa nhận là không thể trưng dụng người lao động để khôi phục lại hoàn toàn dịch vụ bởi điều đó sẽ cản trở khả năng bãi công của người lao động, vốn là một quyền được bảo vệ theo hiến định. Dẫu sao thì theo Les Echos, tình hình đã dần được cải thiện sau khi cảnh sát trưởng Paris quyết định trưng dụng nhân viên thu gom rác thải.

 

Về lâu dài, dân biểu quận 18 muốn tư nhân hóa hoàn toàn hoạt động thu gom rác thải. Ông Bournazel giải thích :

 

« Một nửa số quận do các công ty tư nhân thu gom rác, nửa còn lại là chính thành phố Paris tổ chức cho nhân viên thu gom rác thải sinh hoạt. Từ 10 năm nay, tôi đã đề xuất tư nhân hóa tất cả hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt, điều này là rất thực tế. Chẳng hạn, về các chủ đề khác, tôi ủng hộ đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền thành phố, chẳng hạn dịch vụ công về nước, bãi đậu xe, nhưng đối với rác thải sinh hoạt, tôi ủng hộ tư nhân hóa. Tại sao ?

 

Đó là bởi vì điều đó sẽ giúp tạo sự hài hòa cho toàn bộ hoạt động thu gom rác ở Paris. Nhưng trên hết là 2 báo cáo từ cơ quan chuyên trách việc chi tiêu của vùng Paris đã chỉ ra rằng hoạt động thu góm rác thải do giới tư nhân tổ chức có hiệu quả hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn, nên người dân thành phố sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn ».

 

Các nhà máy đốt rác bị phong tỏa

 

Nếu tình hình thu gom rác không được cải thiện ? Theo La Croix ngày 15/03, quân đội sẽ có thể được điều động để thu gom rác thải, bởi vấn đề không đơn thuần là rác thải mà là vấn đề về sức khỏe và an ninh công cộng, theo một đạo luật hồi năm 1884. Chuyện này dù hiếm nhưng đã từng xảy ra trong các đợt đình công của nhân viên thu gom rác thải hồi năm 1968, 1970 và 1999 tại Paris hoặc năm 2010 ở Marseille, miền nam Pháp.

 

Cần nói rõ là khác với mọi người vẫn nghĩ, rác thải ứ đọng trong Paris những ngày qua không đơn thuần là do nhân viên thu gom rác thải đình công. Theo chính quyền Paris, tỉ lệ nhân viên thu gom rác đình công là rất thấp trong những ngày đình công biểu tình lớn do giới nghiệp đoàn tổ chức. Một lý do cần nói đến là việc phong tỏa các nhà máy đốt rác nằm ở các ngoại ô Paris, và các bãi đậu xe tải chở rác, khiến việc vận chuyển rác thu gom từ Paris bị đình trệ. Ngày 18/03, nhà báo Arthur Ponchelet gửi về bài phóng sự từ nhà máy thiêu hủy rác thải tại Issy-les-Moulineaux, ngoại ô tây nam Paris. Đây là một trong 4 nhà máy chuyên thiêu hủy rác thu gom từ Paris :

 

« Phải chờ đợi thôi ». Đối với 2 nhân viên thu gom rác ngồi trong xe tải chở rác này, họ sẽ phải kiên nhẫn chịu đựng, và họ đang chờ đợi, phía trước là hàng người đình công đang đứng chắn ở lối ra vào. Một nhân viên nói : « Họ cho xe vào từng chiếc một. Cứ 15 phút mới có một xe được vào. Họ kiểm tra xe, kiểm tra giấy tờ, trang thiết bị và tình trạng xe. Sau đó, các xe mới được dỡ rác. Nhưng cứ 10-15 phút mới được một chuyến như vậy ».

 

Sáng nay, cũng giống như các buổi sáng từ một tuần trước đó, những người lao động đình công lại tụ tập quanh đống lửa mà họ đốt lên trước nhà máy để phong tỏa nhà máy, phản đối cải tổ hưu trí. Ông Benoît, thư ký của liên đoàn CGT nói : « Đây là một công việc khá vất vả, nặng nhọc. Cho dù tôi nghĩ họ không đáp ứng tiêu chí về nặng nhọc, nhưng công việc của họ rất vất vả. Thường thì sức khỏe của họ đã bị suy yếu ngay từ trước tuổi hưu khá lâu. Họ phải dự đám tang nhiều đồng nghiệp trước khi đến tuổi nghỉ hưu. Phải làm việc thêm 2 năm nữa trong những điều kiện này thì chẳng có ai muốn ».

 

Và ngay cả khi dự án cải tổ được thông qua, việc phong tỏa nhà máy sẽ vẫn tiếp diễn. Ông Benoît, thư ký CGT cho biết tiếp : « Ngay cả khi dự án cải tổ hiện tại được thông qua, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục, cả các nghiệp đoàn và những người đình công sẽ đều không lui bước. Chúng tôi không cần đợi đến ngày 23/03 (ngày đình công biểu tình quy mô toàn quốc lần thứ 9) mới tiếp tục hành động. Dẫu sao đi chăng nữa, chúng tôi không phải là người có đáp án trả lời ».

 

Họ muốn đuy trì đình công càng lâu càng tốt. Trong khi đó, phía trước nhà máy, hàng xe tải chở rác nối đuôi nhau ngày càng dài ».

 

Cho đến thứ Tư 29/03/2023, mặc dù nghiệp đoàn CGT thông báo ngưng đợt đình công trong giới nhân viên thu dọn rác, nhưng theo ghi nhận của phóng viên AFP một số hành động phong tỏa hai nhà máy xử lý rác ở Issy-les-Moulineaux và Ivry-sur-Seine vẫn tiếp diễn. Tại Paris, đến thứ Ba 28/03 vẫn còn hơn 6.500 tấn rác cần được thu gom.  

 

Một xe tải chở được trung bình 6 tấn rác, nên Paris cần hàng ngàn chuyến xe tải mới di chuyển được hết số rác hiện còn tồn đọng như hiện nay. Việc này không thể diễn ra ngay trong « ngày một ngày hai ». Đó là chưa kể đến thời gian để lau rửa, tẩy uế các khu vực rác tồn ứ lâu ngày. Người dân Paris và du khách sẽ cần kiên trì thêm để thoát khỏi một Paris « bốc mùi » do nhiều nơi đã vài tuần ngập trong rác thải. 

 

Thùy Dương





No comments: