The Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2022/12/29/the-gioi-hom-nay-29-12-2022/
Giới chức Ukraine kêu gọi cư dân Kherson sơ tán khi
quân Nga tái tấn công thành phố này, vốn được giải phóng hồi tháng 11 sau khi bị
quân Nga chiếm đóng từ đầu cuộc chiến. Nga đẩy mạnh pháo kích trong những ngày
gần đây, khiến hàng trăm người phải sơ tán. Nhiều cuộc pháo kích dường như nhằm
vào các mục tiêu dân sự, bao gồm một bệnh viện phụ sản vào đêm thứ Ba.
Chính phủ Ý cho biết người nhập cảnh từ Trung Quốc sẽ
phải xét nghiệm covid-19 bắt buộc, quốc gia châu Âu đầu tiên làm như vậy. Hồi đầu
tuần chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố chấm dứt kiểm dịch bắt buộc đối với người
nhập cảnh từ tháng 1, khiến số người Trung Quốc chuẩn bị ra nước ngoài tăng kỷ
lục. Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc đều đã công bố các biện pháp tương tự
như Ý.
ExxonMobil đang kiện EU về thuế lợi nhuận
đột biến mới của khối đối với các công ty dầu mỏ. Được đệ trình hôm thứ Tư bởi
các chi nhánh Hà Lan và Đức của tập đoàn, vụ kiện lập luận rằng Hội đồng EU
không có thẩm quyền pháp lý để áp loại thuế này, vì nó thuộc phạm vi thẩm quyền
của các quốc gia.
Giáo hoàng Francis đề nghị giáo dân cầu nguyện cho người tiền nhiệm, Đức Benedict XVI,
người mà ngài nói là đang “rất yếu.” Các dấu hiệu cho thấy vị cựu Giáo hoàng 95
tuổi sắp qua đời. Năm 2013, Benedict trở thành giáo hoàng đầu tiên từ chức
trong 600 năm qua. Với danh xưng mới là “giáo hoàng danh dự,” ông vẫn sống ở
Vatican kể từ đó, trở thành một chốt chặn bảo thủ đối lập với một Giáo hoàng
Francis vốn có khuynh hướng tự do hơn.
Tân thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã hoàn tất
các thỏa thuận để thành lập liên minh cầm quyền, theo các bên liên quan. Ông
Netanyahu dự kiến sẽ tuyên thệ nhậm chức cho chính phủ mới của mình —
một trong những chính phủ hữu khuynh nhất lịch sử Israel — vào thứ Năm. Hôm thứ
Ba, quốc hội nước này đã thông qua đạo luật gây tranh cãi cho phép các đồng
minh của ông Netanyahu đảm nhận các vị trí quan trọng trong chính phủ.
Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã
phán quyết giữ lại một biện pháp y tế công cho phép nhanh chóng trục xuất những
người di cư bất hợp pháp từ Mexico. Trước đó mười chín tiểu bang Cộng hòa đã nộp
đơn kiện để gia hạn chính sách này, được gọi là Tiêu đề 42, với lý do gia tăng
các vụ vượt biên trái phép. Chính sách này sẽ duy trì cho đến ít nhất là tháng
2, khi Tòa bắt đầu nghe tranh luận của các bên.
Điện Kremlin ra lệnh cấm bán dầu mỏ
và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cho các nước phương Tây đã áp giá trần lên dầu
Nga. Biện pháp trả đũa này sẽ kéo dài 5 tháng, bắt đầu từ ngày 1/2. Nó nhắm vào
các nước G7 cũng như toàn bộ EU và Úc, vốn đã đồng loạt áp giá trần 60 đô la một
thùng lên dầu Nga.
TIÊU ĐIỂM
Liệu thế giới có vượt qua được lạm phát mà không
suy thoái?
Nhiều nền kinh tế toàn cầu đã phải sống cùng lạm phát trong những năm gần
đây. Xuất phát từ chính sách tài khóa nới lỏng trong đại dịch và cuộc xâm lược
của Nga ở Ukraine, nó đã khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Tốc độ
tăng giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro đạt mức kỷ lục 10,7% trong năm 2022, và
đạt đỉnh 9% ở Mỹ.
Các ngân hàng trung ương bị một số người chỉ trích vì không sớm tăng
lãi suất để dập lạm phát. Nhưng dù sao họ cũng đã quyết liệt hành động trong
năm 2022. Do đó, hầu hết các nước sẽ kiểm soát được lạm phát từ năm 2023, nhưng
với các thiệt hại nghiêm trọng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự đoán thất nghiệp
tăng vào năm 2023; trong khi Ngân hàng Anh dự báo GDP của Anh suy giảm. Còn nhớ
lần cuối cùng thế giới phải tiến hành các chính sách hạn chế tăng trưởng để chống
lạm phát vào năm 1982, nó đã gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu. Không có gì đảm
bảo 2023 sẽ khác.
Thị trường năng lượng tiếp tục nóng trong năm 2023
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc Nga cắt giảm
nguồn cung, châu Âu vẫn có đủ khí đốt cho mùa đông này. Và đến mùa đông năm sau
họ sẽ có nhiều cảng nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn, từ đó ít phụ thuộc vào
khí cung cấp qua đường ống của Nga hơn. Dù vậy, thị trường năng lượng vẫn sẽ
nóng trong năm 2023 vì hai lý do chính.
Thứ nhất, đứt gãy nguồn cung vẫn chưa được giải quyết. Từ tháng 2, Nga
sẽ cấm bán dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang các nước phương Tây đã áp giá trần đối
với dầu Nga. Và khi châu Âu chuyển trọng tâm nhập khẩu sang châu Á, những nút
thắt cổ chai mới chắc chắn sẽ xuất hiện. Ngoài ra OPEC cũng có thể thông báo cắt
giảm sản lượng để giữ giá.
Thứ hai, các sản phẩm tinh chế, chẳng hạn như xăng và dầu diesel, đang
trở nên khan hiếm hơn. Từ tháng 2, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu loại nhiên liệu này
từ Nga. Nhưng bản thân lục địa này lại không thể sản xuất đủ dầu diesel để
dùng. Một cuộc khủng hoảng dầu diesel toàn cầu có thể xảy ra sớm nhất là vào
tháng 3.
Triển vọng của thị trường tài chính trong năm 2023
Kể từ những năm 1950, đã có 11 lần thị trường chứng khoán Mỹ đi vào đà
giảm (thị trường gấu – bear market). Đợt ngắn nhất chỉ kéo dài một tháng vào
năm 2020; trong khi đợt dài nhất kéo dài hơn hai năm rưỡi từ năm 2000. Do đó, lịch
sử không thể khẳng định liệu thị trường có kéo dài đà trượt dốc của năm nay
sang năm 2023 hay không. Nhưng có một số manh mối.
Các giai đoạn giảm dài nhất thường xảy ra khi giá tài sản giảm làm bộc
lộ các sai phạm tài chính trong các giai đoạn thị trường đang thăng hoa — chẳng
hạn như thế chấp dưới chuẩn của những năm 2000. Thị trường gấu hiện nay đã phơi
bày các doanh nghiệp tiền điện tử lớn và bộc lộ những điểm yếu trong các quỹ
hưu trí của Anh, vốn gần như hấp hối hồi tháng 9 năm nay do lệnh gọi ký quỹ đối
với các công cụ phái sinh trái phiếu mà họ nắm giữ. Biến động trên thị trường
trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng đột biến. Tuy nhiên, sau 15 năm cải cách quy
định trong hệ thống tài chính, thật khó để tưởng tượng bất cứ điều gì xảy ra ở
quy mô như giai đoạn 2007-09. Đó là tin tốt. Nhưng chính sách tiền tệ thắt chặt
và hoạt động kinh tế chậm đi đồng nghĩa thị trường giá lên sẽ không sớm quay lại.
Năng suất toàn cầu trì trệ sau đại dịch
Quá trình phát triển và triển khai vắc-xin covid-19 dường như cho thấy
rằng khi cùng nhau hành động, thế giới có thể làm nên những điều đáng kinh ngạc.
Đáp lại, giới quan sát đã mạnh miệng dự đoán một thập niên 2020 sáng sủa với đủ
loại phát minh mới. Một loại vắc-xin ung thư! Xe không người lái! Kính thực tế ảo
cho tất cả mọi người! Các công ty dường như tin vào sự cường điệu, với liên tiếp
những lời hứa hẹn tăng đầu tư khổng lồ.
Nhưng cho đến nay, thế giới đang tỏ ra còn kém sáng tạo hơn so với trước
đây. Tăng trưởng năng suất toàn cầu là cực kỳ yếu, thậm chí âm — tức một người
lao động trung bình đang sản xuất ít hơn trước đây. Có rất ít dấu hiệu cho thấy
năm 2023 sẽ khác. Góc nhìn lạc quan là có độ trễ giữa chi tiêu đầu tư của doanh
nghiệp và năng suất, và do đó năng suất cuối cùng sẽ tăng. Nhưng góc nhìn thực
tế là các phát minh thay đổi thế giới, và tăng trưởng kinh tế, đang ngày càng
khó xảy ra hơn. Thập niên 2020 có lẽ sẽ nhàm chán hơn những dự đoán ban đầu.
No comments:
Post a Comment