Thursday, December 29, 2022

NHÌN LẠI XUNG ĐỘT NĂM 2022 và NGẪM VỀ HÒA BÌNH TRONG NĂM MỚI (Stephen M. Walt  -  Foreign Policy)

 



Nhìn lại xung đột năm 2022 và ngẫm về hòa bình trong năm mới    -

Stephen M. Walt  -  Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

28/12/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/12/28/nhin-lai-xung-dot-nam-2022-va-ngam-ve-hoa-binh-trong-nam-moi/#more-49169

 

Bạn không cần phải là một người theo chủ nghĩa lý tưởng thì mới muốn chấm dứt chiến tranh.

 

Mỗi năm, mùa nghỉ lễ là khoảng thời gian ngắn ngủi mà chúng ta được khuyến khích để nghĩ về hòa bình. Các bên tham chiến đôi khi sẽ tuyên bố ngừng bắn vào thời điểm này, và các cộng đồng tôn giáo khác nhau trên khắp thế giới được dạy bảo rằng theo đuổi và gìn giữ hòa bình là một nghĩa vụ thiêng liêng. Nếu may mắn, hầu hết chúng ta sẽ dành một phần thời gian trong kỳ nghỉ lễ để tận hưởng niềm vui bên bạn bè và gia đình, cố gắng gạt bản năng độc ác của loài người sang một bên, dù là trong khoảnh khắc.

 

Thành thật mà nói: Năm 2022 không phải là năm của hòa bình. Ngoài cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa ở Ukraine – một cuộc chiến không có dấu hiệu kết thúc và nhiều khả năng sẽ còn tồi tệ hơn – xung đột bạo lực vẫn đang diễn ra ở Yemen, Myanmar, Nigeria, Ethiopia, Syria, và nhiều nơi khác. Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một cuộc gặp khá thân thiện tại hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Bali vào tháng 11, hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới vẫn chia rẽ về một loạt các vấn đề quan trọng. Xét đến hiện trạng của thế giới và mong muốn duy trì vị thế cường quốc hàng đầu của Mỹ, không có gì ngạc nhiên khi Thượng viện nước mày vừa biểu quyết tăng 8% ngân sách quốc phòng. Ngay cả các quốc gia trước đây từng theo chủ nghĩa hòa bình như Đức và Nhật cũng đã thực hiện các bước để tái vũ trang trong năm 2022.

 

Đối với một người theo chủ nghĩa hiện thực như tôi, những diễn biến này không có gì đáng ngạc nhiên. Bài học trung tâm của chủ nghĩa hiện thực là, trong thế giới của các quốc gia độc lập, một thế giới không có chính quyền chung, khả năng chiến tranh sẽ luôn hiện hữu, phủ bóng đen lên phần lớn những gì các quốc gia đang làm. Và bởi vì chiến tranh vốn có tính hủy diệt và bất định, nên những người theo chủ nghĩa hiện thực có xu hướng cảnh giác với các cuộc thập tự chinh của chủ nghĩa lý tưởng, và thường lưu tâm đến nguy cơ đe dọa điều người khác coi là lợi ích sống còn, dù có chính đáng hay không. Thành viên của mọi trường phái hiện thực đều nhấn mạnh những bi kịch của một thế giới trong đó các nhà lãnh đạo dễ mắc sai lầm bởi sự thiếu thông tin hoặc bởi ảo tưởng của chính họ, nơi mà ngay cả những mục tiêu cao cả cũng có thể dẫn đến những kết quả đáng tiếc.

 

Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa hiện thực và cả những người chỉ trích họ đều không thể đơn giản giơ tay đầu hàng, tuyên bố rằng không thể làm gì trước khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng. Chiến tranh giữa các quốc gia và trong nội bộ các quốc gia đúng là mối nguy hiểm thường trực, nhưng thách thức thực sự nằm ở việc đề ra và thực hiện các chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro của các cuộc chiến mới và giúp chấm dứt các cuộc chiến hiện tại. Vì lợi ích của hòa bình, cũng như chi phí và rủi ro của chiến tranh chưa bao giờ lớn hơn lúc này, chúng ta đang có một nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người.

 

Đầu tiên, về lợi ích. Nhiều người tin rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ thúc đẩy hòa bình giữa các quốc gia và trong các quốc gia, một ý kiến khiến người ta phải nghi ngờ sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Có lẽ, đúng hơn phải là điều ngược lại: Hòa bình làm cho sự phụ thuộc lẫn nhau trở nên khả thi hơn, và cho phép chúng ta tận hưởng những lợi ích của trao đổi kinh tế với rủi ro thấp hơn. Khi nguy cơ chiến tranh giảm xuống, các nhà đầu tư có thể chuyển vốn sang các nước khác một cách an toàn; các chính phủ có thể bớt lo lắng về việc liệu các đối tác thương mại có kiếm được nhiều tiền hơn họ trong việc trao đổi thương mại hay không; các quốc gia có thể chào đón du khách và sinh viên nước ngoài mà không còn ngần ngại rằng các đối thủ sẽ thu thập thông tin có thể được sử dụng để làm hại họ; các chuỗi cung ứng phức tạp sẽ chứa ít rủi ro hơn; và mọi người có thể theo đuổi lợi ích chung thay vì không ngừng cố gắng đạt lợi thế tương đối. Việc không có đối đầu giữa các cường quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho kỷ nguyên toàn cầu hóa gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Và khi người ta không còn phải bàn cãi về chiến tranh, các xã hội có thể cởi mở hơn trong việc trao đổi ý tưởng và bài học từ các nền văn hóa khác với nền văn hóa của chính họ.

 

Tiếp theo là chi phí và rủi ro. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là cái giá phải trả về con người và kinh tế. Gần 200.000 người Ukraine và người Nga có lẽ đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi chiến tranh bắt đầu, và hàng triệu người tị nạn đã phải chạy trốn. Thiệt hại kinh tế đối với Ukraine là vô cùng khủng khiếp, còn nền kinh tế Nga thì rơi vào suy thoái. Chiến tranh Ukraine cũng làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế và tình trạng thiếu lương thực ở nhiều quốc gia khác. Tương tự, cuộc nội chiến (và sự can thiệp của Ả Rập Saudi) ở Yemen đã giết chết gần 400.000 người và tàn phá một quốc gia vốn đã rất nghèo, trong khi các cuộc xung đột dân sự ở châu Phi và Mỹ Latinh tiếp tục hủy hoại các khu vực này và thúc đẩy làn sóng di cư ra bên ngoài.

 

Nhưng chi phí trực tiếp của xung đột chỉ là một phần của cái giá mà thôi. Khi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt và nguy cơ chiến tranh gia tăng, khả năng hợp tác ngay cả trong các vấn đề đôi bên cùng có lợi cũng sẽ giảm đi. Ngày nay, nhân loại đang phải đối mặt với một loạt vấn đề nan giải, bao gồm biến đổi khí hậu, đại dịch, và dòng người tị nạn gia tăng. Không vấn đề nào trong số đó dễ giải quyết, và tất cả chúng đều có tầm quan trọng lớn hơn việc ai sẽ cai trị Crimea, Đài Loan, hay Nagorno-Karabakh. Càng nhiều quốc gia tham chiến, hoặc càng dành nhiều thời gian, công sức, và tiền bạc để chuẩn bị cho chiến tranh, thì càng khó giải quyết những vấn đề quan trọng này.

 

Ngoài ra, còn có rủi ro không thể tránh khỏi là chiến tranh sẽ leo thang hoặc mở rộng. Các quốc gia luôn bị cám dỗ phải làm mọi cách để đạt được chiến thắng (hoặc tránh thất bại), và các bên thứ ba thường tham gia sâu hơn mức cần thiết do chủ ý hoặc vô tình. Rõ ràng, những mối nguy này đặc biệt đáng lo ngại nếu chúng liên quan đến một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Leo thang hạt nhân dù cực kỳ khó xảy ra, nhưng sẽ thật liều lĩnh nếu chúng ta loại bỏ hoàn toàn khả năng đó. Đây không phải một lập luận để kêu gọi hòa bình, nhưng là lý do mạnh mẽ để chúng ta muốn có hòa bình hơn chiến tranh.

 

Rất dễ để đổ lỗi rằng sự kiêu ngạo và điên rồ của những kẻ chuyên chế đã khiến loài người không thể đạt được hòa bình, và rõ ràng không hề thiếu những kẻ như thế trong năm nay. Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể có lý do chính đáng để lo lắng về việc NATO mở rộng và tác động của nó đối với an ninh của Nga, nhưng “giải pháp” của ông cho những lo ngại đó đã gây ra hàng ngàn cái chết vô tội, để lại nỗi đau rất lớn, nhưng lại chẳng khiến nước Nga mạnh hơn hay an toàn hơn. Có thể nói điều tương tự với sự can thiệp của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman vào Yemen, hay các cuộc đàn áp tàn bạo do chế độ ở Iran và chính quyền quân sự ở Myanmar thực hiện. Nhưng trước khi bạn kết luận rằng vấn đề nằm ở chế độ chuyên chế, hãy nhớ rằng các nền dân chủ hùng mạnh đôi khi cũng sụp đổ dưới sự kết hợp nguy hiểm của thói hoang tưởng và sự ngạo mạn, như cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, Phó Tổng thống Dick Cheney, và những phụ tá của họ đã thể hiện vào năm 2003.

 

Tôi không có công thức nào để đạt hòa bình vĩnh viễn, nhưng tôi có một quan sát. Một đặc điểm nổi bật của hầu hết các cuộc chiến gần đây là mức độ thường xuyên phản tác dụng đối với các quốc gia khơi mào chúng. Đã qua rồi cái thời các cường quốc có thể phát động một cuộc chiến lớn và đạt được những thắng lợi chiến lược lớn – như Nhật Bản đã làm với Nga năm 1905, hay nước Phổ của Bismarck đã làm trong các cuộc chiến thống nhất nước Đức. Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã tấn công Iran và xâm chiếm Kuwait, nhưng đều thua đậm cả hai lần. Mỹ đã xâm lược Iraq và Afghanistan, rồi kết thúc trong vũng lầy tốn kém, trong khi sự can thiệp của nước này vào Libya vào năm 2011 đã tạo ra một nhà nước thất bại. Sự can thiệp của Israel vào Lebanon đã dẫn đến một cuộc chiếm đóng kéo dài 18 năm, với hồi kết chẳng khá hơn nỗ lực lâu dài của Mỹ ở Afghanistan là bao. Cuộc tấn công của Serbia vào Kosovo cuối cùng đã dẫn đến việc nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic bị buộc tội là tội phạm chiến tranh và bị phế truất. Thật vậy, gần đây, dường như không có nhiều ví dụ cho thấy quyết định bắt đầu chiến tranh sẽ mang lại kết quả xứng đáng cho bên phát động cuộc chiến. Chẳng hạn, chiến dịch của Ethiopia chống lại Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray có thể đã kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình có lợi cho chính phủ, nhưng cuộc chiến đã làm hoen ố đáng kể danh tiếng của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed.

 

Việc khơi mào chiến tranh hiếm khi đem lại lợi ích tương xứng đã cho chúng ta biết một điều quan trọng về thế giới hiện đại: chủ nghĩa dân tộc, liên lạc ngoại giao nhanh chóng, một thị trường vũ khí quốc tế phát triển vốn có thể thúc đẩy các phong trào kháng chiến, các chuẩn tắc chống xâm lược dù không hoàn hảo nhưng được chấp nhận rộng rãi, ảnh hưởng nghiêm trọng của vũ khí hạt nhân, và xu hướng mạnh mẽ của các quốc gia nhằm cân bằng chống lại các mối đe dọa – tất cả đã kết hợp với nhau để làm cho hầu hết các cuộc chiến trở thành một đề xuất đáng ngờ đối với bên khởi xướng. Điều này vẫn chưa chấm dứt cạnh tranh quốc tế – điều còn lâu mới kết thúc – nhưng dường như có những giới hạn thực sự đối với những gì mà các quốc gia, thậm chí là các cường quốc hùng mạnh, có thể đạt được bằng cách phát động chiến tranh.

 

Vì vậy, thông điệp nhân dịp lễ mà tôi muốn gửi đến các nhà lãnh đạo thế giới là: Bằng mọi cách, hãy duy trì lực lượng phòng vệ có đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ của bạn nếu bạn chẳng may bị tấn công, hoặc đủ khả năng giúp đỡ một đồng minh chủ chốt nếu điều gì đó tương tự xảy ra với họ. Đồng thời, hãy tự hỏi liệu chính sách đối ngoại và an ninh của quốc gia bạn có thể vô tình xâm phạm lợi ích sống còn của quốc gia khác hay không. Nếu đúng như vậy, hãy cân nhắc liệu bạn có thể làm gì để giảm thiểu vấn đề mà không khiến đất nước của mình bị tổn thương. Hãy khám phá khả năng đó cùng với đối thủ của mình một cách chân thành và cởi mở – việc làm đó có thể mang lại hiệu quả.

 

Quan trọng nhất: Nếu một trong những cố vấn của bạn bắt đầu cố gắng thuyết phục rằng bạn có thể giải quyết một số vấn đề chính trị bằng cách phát động một cuộc chiến, và nếu họ nói với bạn rằng các điều kiện đang là tối ưu, tình hình đã chín muồi, thời điểm là rất thích hợp, cái giá phải trả sẽ thấp, rủi ro không đáng kể và đã đến lúc hành động, hãy lịch sự cảm ơn vì lời khuyên của họ và ngay lập tức tìm kiếm một ý kiến khác. Nhân tiện, hãy dành thời gian suy nghĩ về tất cả các nhà lãnh đạo trước đây đã tham chiến với niềm tin chiến thắng, và những người đáng ra đã có kết thúc tốt đẹp nếu lựa chọn hòa bình.

 

--------------------------

Stephen M. Walt là chuyên gia bình luận tại Foreign Policy và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard.

 

Nguồn: Stephen M. Walt, “The Realist Guide to World Peace,” Foreign Policy, 23/12/2022

 




No comments: