Thursday, December 29, 2022

PHÁP CHỌN SÁT CÁNH LÂU DÀI VỚI UKRAINA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGA (Thu Hằng | RFI)

 



Pháp chọn sát cánh lâu dài với Ukraina trong cuộc chiến chống Nga

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 29/12/2022 - 13:23

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221229-ph%C3%A1p-ch%E1%BB%8Dn-s%C3%A1t-c%C3%A1nh-l%C3%A2u-d%C3%A0i-v%E1%BB%9Bi-ukraina-trong-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-nga

 

Pháp khẳng định sẽ tiếp tục yểm trợ Ukraina trong cuộc chiến chống xâm lược Nga qua chuyến công du Kiev của bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu ngày 28/12/2022. Theo thông báo của bộ trưởng Lecornu, Paris sẽ lập « một quỹ sáng tạo 200 triệu euro » giúp Kiev trực tiếp mua vũ khí từ các nhà sản xuất Pháp tùy theo ưu tiên của Kiev để đối phó với quân đội Nga. Ngoài ra, Pháp và Ukraina sẽ cùng « xác định lại chương trình hỗ trợ quân sự Pháp » trong thời gian tới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6f43c020-876e-11ed-b94b-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP22362613824334.webp

Bộ trưởng Quốc Phòng Sebastien Lecornu và đồng nhiệm uk Oleksii Reznikov tại buổi họp báo ở Kiev, Ukraina, ngày 28/12/2022. AP - Efrem Lukatsky

 

Theo nhà bình luận Antoine Fenaux của đài truyền hình France 24, chuyến công du hôm qua, cùng với những phát biểu trên của bộ trưởng Quân Lực Pháp « mang ý nghĩa biểu tượng lớn để tái khẳng định Pháp đứng về phía Ukraina », đáp lại những chỉ trích rằng tổng thống Emmanuel Macron có lập trường « thiếu cứng rắn » đối với Nga, cũng như Paris « hà tiện » trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraina.

 

Pháp đứng thứ 10 về viện trợ vũ khí cho Ukraina

 

Thực vậy, Pháp hiện đứng hàng thứ 10 trong số các nước viện trợ quân sự cho Kiev (sau Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan…) kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina. Theo thông cáo của điện Elysée vào tháng 10, Paris đã gửi 18 khẩu pháo Caesar 155mm cùng với nhiều đạn pháo. Sản phẩm của nhà sản xuất vũ khí Nexter được chở trên xe tải nên rất cơ động, có tầm bắn 40 km, rất nhanh và chính xác, có thể bắn cùng lúc 6 quả pháo. Vào lúc bộ trưởng Quân Lực Pháp thăm Kiev, phóng viên của AFP đã chứng kiến hiệu quả của pháo Caesar ở chiến trường miền đông : Chỉ sau 53 giây khai hỏa nhắm một vị trí pháo binh Nga ở khoảng cách 29 km, một sĩ quan Ukraina cho biết : « Bớt được 7 quân Nga. Vị trí đã bị phá hủy ».

 

Ngoài pháo Caesar, được đánh giá là cam kết mang tính biểu tượng nhất của Paris đối với Kiev, quân đội Ukraina còn được cung cấp 15 khẩu pháo kéo TRF1 cỡ 155 mm (tiền thân của pháo Caesar), rất nhiều tên lửa chống tăng (như tên lửa Milan tương thích với xe thiết giáp), tên lửa phòng không Mistral, một số lượng lớn xe bọc thép (VAB), xe vận tải, trang bị cá nhân (mũ bảo hiểm, áo chống đạn), đạn dược và nhiên liệu. Quân nhân Ukraina được đài thọ huấn luyện sử dụng vũ khí ở miền nam Pháp.

 

Pháp viện trợ khiêm tốn vì thiếu kho dự trữ

 

Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, Paris « vẫn làm chưa đủ ». Vị trí « khiêm tốn » thứ 10 của Pháp được các nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel giải thích là do kho dự trữ vũ khí của Pháp « đã bị sụt giảm từ 2007 đến 2016 ». Từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc và trải qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, Pháp có xu hướng giảm kho dự trữ bằng cách loại bớt những vũ khí không dùng, để tiết kiệm chi phí bảo dưỡng.

 

Ông Léo Péria-Peigné, một trong những tác giả báo cáo của Viện Kiel, giải thích trên đài RFI rằng « một kho dự trữ cần cơ sở hạ tầng, nhân lực và nguồn tài chính, vì thế người ta ưu tiên những gì đang có : lực lượng hiện có, khí tài đã được triển khai hoặc triển khai được cho các nhiệm vụ tức thời ». Tuy nhiên, biện pháp này không hiệu quả trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến có cường độ cao.

 

Pháp đang phải trả giá cho chiến lược này. Trong khi nhiều nước trích kho dự trữ dài hạn để hỗ trợ Ukraina, Paris phải cắt giảm vũ khí, khí tài đang sử dụng. Mỗi lần giao vũ khí cho Kiev là năng lực quốc phòng của Pháp bị suy giảm. Ví dụ, khi giao 18 pháo Caesar, Pháp mất một phần tư lực lượng pháo binh cơ động. Một báo cáo nghị viện Pháp vừa mới được công bố nêu thực trạng bi quan về đạn dược : « Các hợp đồng hiện nay cho phép tài trợ 6.000 lượt bắn mỗi năm, tối đa là 9.000, chỉ tương đương khoảng 25 lần bắn mỗi ngày. Hiện nay, Ukraina bắn khoảng 6.000 lần mỗi ngày, còn Nga là 25.000 ».

 

Tuy nhiên, trả lời đài truyền hình France 24, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Guillaume Lasconjarias cho rằng số lượng là quan trọng, nhưng cũng cần chú ý đến chất lượng. Pháp đang hướng đến tính hữu dụng và hiệu quả các loại vũ khí giao cho Ukraina, dựa theo nhu cầu của quân đội Ukraina, thời hạn huấn luyện sử dụng những loại vũ khí đó và triển khai biện pháp bảo dưỡng. Những vấn đề này được bộ trưởng Quân Lực Sébastien Lecornu thảo luận với phía Ukraina trong chuyến công du Kiev.

 

Nhà bình luận Antoine Fenaux cho rằng « Pháp đang thể hiện thay đổi quan điểm quân sự về chiến tranh ở Ukraina ». Trong thời gian dài, Paris giữ lập trường mơ hồ, kêu gọi không « sỉ nhục Nga » hoặc « đàm phán hòa bình với Matxcơva ». Chuyến công du cũng như những phát biểu của bộ trưởng Quân Lực Pháp tại Kiev « đã cho thấy Paris đứng về phe nào ».

 

------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

CHIẾN TRANH UKRAINA

Nga lại ồ ạt oanh kích Ukraina với hàng trăm tên lửa

 

IRAN - HỒI GIÁO

Hơn 100 ngày phản kháng : Phong trào chống chế độ Hồi Giáo Iran không lùi bước

 

NGA - TÀI PHIỆT

2022 - Năm đại hạn cho giới tài phiệt Nga : 14 triệu phú chết đầy bí ẩn

 





No comments: