Thẩm phán Kentanji Brown Jackson trong trò chơi quyền lực
Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ
26 tháng 3, 2022
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1239512481-1024x683.jpg
Ketanji Brown Jackson
trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện ngày 23 Tháng Ba 2022 (ảnh:
Jabin Botsford/The Washington Post via Getty Images)
Từ lâu, các phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng
viện đối với các đề cử vào Tối cao Pháp viện đã trở thành “nhà hát kịch” với
các màn diễn đôi khi vụn vặt, nặng đời tư cá nhân và mang tính đảng phái!
Tính đảng phái lấn
lướt năng lực
Hiếm khi có bất kỳ nỗ lực thực chất nào để chứng
tỏ những người được đề cử vào Tối cao Pháp viện không xứng đáng cho công việc của
mình hoặc nêu ra được điều gì đó có sức thuyết phục cao để khẳng định họ không
đủ tiêu chuẩn ngồi vào một trong những chiếc ghế quyền lực nhất nước Mỹ.
Kể từ khi Tổng thống George W. Bush phải rút lại
đề cử cố vấn Toà Bạch Ốc Harriet Miers để thay thế thẩm phán Sandra Day
O’Connor nghỉ hưu vào năm 2005, phần lớn tổng thống đã cẩn thận để chắc chắn
người được họ đề cử có đủ khả năng bào chữa và chống đỡ trước những cuộc tấn
công mà đôi khi chẳng ăn nhập gì đến công việc của họ. Theo dòng lịch sử, quá
trình chuẩn nhận thẩm phán mới thường biến thành cuộc đối đầu đôi khi khá gay gắt
giữa hai đảng.
Đảng có đủ phiếu bầu trong Thượng viện gần như
chắc chắn có được người đề cử của mình, bất kể những bất lợi tại các phiên điều
trần và những tiết lộ không có lợi cho ứng viên. Như trang web FiveThirtyEight đã
chỉ ra vào tháng trước:
“Kể từ khi thẩm phán Stephen Breyer được chuẩn
thuận, bốn trong số bảy thẩm phán Tối cao Pháp viện vượt qua được cuộc điều trần
có không quá 60% sự ủng hộ tại Thượng viện. Không ai nhận được trên 10% phiếu của
đảng đối lập. Trong ba lựa chọn của cựu Tổng thống Donald Trump, thẩm phán Neil
Gorsuch chỉ có hai phiếu của Đảng Dân chủ (Tháng Tư 2017), Brett Kavanaugh được
một phiếu (Tháng Mười 2018) và Amy Coney Barrett là số… không tròn trĩnh (Tháng
Mười 2020)”.
Tỉ lệ ủng hộ của đảng đối lập ngày càng ít dần.
Những người được đề cử có vẻ học được bài học “không nên nói nhiều về thành
tích”. Cách làm này khiến việc đánh giá về hiệu suất hùng biện và khả năng chịu
đựng thể chất của họ không được hoàn hảo, trong khi chính phong thái và thành
tích của người được đề cử là những chỉ dấu cho năng lực phục vụ.
Thậm chí ngay cả khi nói ít về mình, người được
đề cử cũng không thể biết chắc cuộc điều trần sẽ đi theo hướng nào. Trên thực tế,
loạt chất vấn ứng viên Brett Kavanaugh vào năm 2018 có thể xem là “hồi chuông
báo tử” cho sự công tâm của các cuộc điều trần. Kavanaugh bị tiến sĩ Christine
Blasey Ford tố cáo từng tấn công tình dục bà. Cuộc điều tra cáo buộc này diễn
ra quá gấp rút nên không đầy đủ. Đảng Cộng hòa phàn nàn “danh tiếng của một người
đàn ông công chính đang bị hủy hoại!”. Có lúc Kavanaugh cao giọng và nghẹn ngào
khóc khi tự bào chữa cho mình. Nhưng cuối cùng ông ta cũng được chuẩn thuận nhờ
thế đa số.
Những gì chúng ta đang thấy trong các phiên điều
trần dành cho thẩm phán đề cử Ketanji Brown Jackson cũng thế. Không ai nghi ngờ
là bà đủ tiêu chuẩn để vào Tối cao Pháp viện. Cũng không ai nghi ngờ, nếu các đảng
viên Dân chủ chỉ cần đoàn kết, không có người “xé rào”, bà sẽ được chuẩn thuận
một cách dễ dàng mà không cần bất kỳ sự ủng hộ nào từ các thượng nghị sĩ Cộng
hòa.
Show diễn và những
màn truy bức lạc đề
Vậy đâu còn cần thiết để người được đề cử phải
ngồi trên chiếc ghế chờ chất vấn trong một sân khấu lớn rực rỡ ánh đèn? Hiểu
theo nhiều cách, thẩm phán Ketanji Brown Jackson chỉ là một nhân vật trong buổi
biểu diễn với sự tham dự của tất cả 22 thành viên Ủy ban Tư pháp Thượng viện
thuộc hai đảng. Chỉ có thế. Đối với đảng Cộng hòa, cuộc điều trần lần này tạo
cơ hội để họ “phục hồi uy tín” của Kavanaugh, sửa đổi lịch sử, nhắc lại lý do
Kavanaugh có một phiên điều trần quá khó khăn chỉ vì các đảng viên Dân chủ thiếu
lịch sự.
Trong các phiên điều trần Ketanji Brown
Jackson, Đảng Cộng hòa liên tục nhắc đến tên Kavanaugh nhưng không nhắc đến
Christine Blasey Ford (với cáo buộc Kavanaugh quấy rối tình dục mình), dù chỉ
là “một tài liệu tham khảo”; làm như bà đã bị xóa hoàn toàn khỏi lịch sử! Thẩm
phán Jackson còn bị đảng Cộng hòa gán cho tư cách “đại diện cho đảng Dân chủ”
chứ không phải đại diện cho pháp luật công minh, thậm chí là một người “nhẹ tay
với tội phạm khiêu dâm”. Họ chỉ trích mạnh mẽ các hồ sơ tuyên án của bà.
Phụ nữ trong hệ thống tư pháp, từ các nữ cảnh
sát viên trên đường phố đến các thẩm phán tòa án, thường bị than phiền về “sự yếu
đuối” trước tội phạm. Hàm ý phân biệt giới tính ở đây là “phụ nữ nặng tình cảm
và lòng trắc ẩn hơn” mà Jackson là một điển hình. Dù khéo léo đến mấy khi tấn
công thẩm phán đề cử, các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện
cũng đang cung cấp “đạn dược” cho phong trào cực hữu QAnon bằng cách giải thích
méo mó hồ sơ tuyên án những tội phạm cất giữ hình ảnh khiêu dâm trẻ em của
Jackson.
Tại một phiên điều trần, thượng nghị sĩ Cộng
hoà bang Tennessee Marsha Blackburn nói với Jackson: “Bà có một ‘công thức bất
di bất dịch’ là tuyên mức án nhẹ hơn cho các tội phạm khiêu dâm trẻ em. Trung
bình thấp hơn mức án tối thiểu mà hướng dẫn mức án đề nghị. Bà cũng tuyên bố
công khai: Thật sai lầm khi xem những kẻ cất giữ các nội dung khiêu dâm trẻ em
là tội phạm ấu dâm” (Blackburn bị nhiều người tố cáo phân biệt chủng tộc vì tấn
công quá giới hạn vào người phụ nữ da đen đầu tiên được đề cử vào Tối cao Pháp
viện).
________
Ketanji Brown Jackson, sinh ngày 14 Tháng Chín
1970, là một luật sư và luật gia người Mỹ, từng là thẩm phán liên bang tại Tòa
phúc thẩm Hoa Kỳ khu vực District of Columbia Circuit từ năm
2021. Sinh ở Washington DC và trưởng thành ở Miami, Florida, bà Jackson học Đại
học Harvard, nơi bà từng là biên tập viên Harvard Law Review.
No comments:
Post a Comment