Thursday, July 18, 2019

THƯƠNG CHIẾN MỸ - HOA : KỶ NGUYÊN MỚI TRONG CUỘC CẠNH TRANH QUYỀN LỰC LỚN HƠN, NHƯNG KHÔNG CÓ NHỮNG LẰN RANH RÕ RỆT (Edward Wong - The New York Times)




Mai Hưng dịch
18/07/2019

Khi Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong tuần này để thảo luận về các vấn đề thương mại gây tranh cãi, họ sẽ đối mặt với nhau ở một quốc gia khác vốn từng là đối thủ thương mại chính của Hoa Kỳ và được coi là mối đe dọa đối với sự thống trị của Mỹ.

Nhưng cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, quốc gia lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20, đã dàn xếp một cuộc tranh đua bình thường giữa các doanh nghiệp sau khi có các làn sóng lo ngại của Mỹ vào những năm 1980. Nhật Bản đã trải qua một thập kỷ trì trệ, và năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đạt đến trạng thái cân bằng tương tự. Bởi một lý do, Nhật Bản là một nền dân chủ có liên minh quân sự với Hoa Kỳ, trong khi đó Trung Quốc lại là một quốc gia độc tài, toàn trị, một quốc gia rất có thể là đang tìm cách thay thế sự thống trị của quân đội Mỹ tại tây Thái Bình Dương. Trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, cuộc chiến thương mại khốc liệt đã kéo dài một năm, và cứ mỗi tuần lễ trôi qua, các vấn đề về an ninh quốc gia lại hòa nhập và trở thành các vấn đề kinh tế. Một số quan chức cấp cao của Mỹ đang nhất mực đòi “tách biệt” hai nền kinh tế.

Các yếu tố chính trong các quan hệ (của 2 đại cường này) - quan hệ kinh tế và thương mại - đã trở nên không ổn định, và rất ít người đồng ý về các khung khổ tương lai của các mối quan hệ này hoặc tầm mức của các cuộc xung đột.

Đối với các quan chức Mỹ, các kỳ vọng dường như cao hơn nhiều so với các kỳ vọng trong cuộc tranh đua với Nhật Bản. Hầu hết các nhà kinh tế đều ước tính rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong 10 đến 15 năm sắp tới. Và một số quan chức cấp cao ở Washington hiện đang nhìn nhận Trung Quốc là đối thủ ý thức hệ sắt máu, nơi mà đảng cộng sản không chỉ nhắm tới việc khuất phục các công dân mà còn reo rắc, truyền bá các công cụ kiểm soát độc đoán trên toàn cầu - đặc biệt là công nghệ giám sát, thông tin liên lạc và trí tuệ nhân tạo - và thiết lập các chân đứng quân sự trên khắp các đại dương và các lục địa.

Mặc dù ông Trump không ngớt ca ngợi ông Tập - ông nói họ “sẽ luôn là bạn bè” – nhưng ý niệm về một Trung Quốc như một kẻ lừa đảo nguy hiểm, gớm ghiếc hơn cả Liên Xô ngày trước, ngày càng trở nên phổ biến trong chính quyền Trump. Ý niệm này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo nói rõ trong chuyến thăm Hà Lan, một phần của chuyến công tác kéo dài một tuần trên khắp châu  u trong tháng này, trong đó, tại mỗi chặng dừng chân, ông đều đề cập đến Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo tại The Hague, ông Pompeo đã nói rằng “Trung Quốc đã xâm nhập vào lục địa này và điều đó đòi hỏi chúng ta phải lưu ý. Trung Quốc muốn trở thành cường quốc kinh tế và quân sự thống trị thế giới, reo rắc bóng ma độc đoán toàn trị đối với xã hội và reo rắc các tập tính tham nhũng của họ trên toàn thế giới”.

Chiến lược An ninh Quốc gia do Nhà Trắng ban hành vào tháng 12 năm 2017 đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo: Hoa Kỳ đang tái bước vào kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn, trong đó Trung Quốc và Nga”đều muốn định hình một thế giới đối chọi với các giá trị và lợi ích của Mỹ”. Nhưng kể từ đó, ông Trump và các quan chức nội các, vốn bị phân tâm bởi Iran và các vấn đề chính sách đối ngoại khác, đã thất bại trong việc vạch ra một chiến lược mạch lạc, toàn diện.

Điều đó đã khiến các quan chức chính quyền Trump phải hết sức cố gắng để có được một cách tiếp cận đối phó thống nhất với Trung Quốc, trong cách tiếp cận đó đã có các yếu tố cạnh tranh, ngăn chặn và can dự một cách xây dựng, nhưng tất cả những điều trên đây đều chưa được hội tụ một cách rõ ràng, sắc nét.

Các cố vấn thân cận của ông Trump về Trung Quốc hiện vẫn đang chia rẽ về các chiến lược áp dụng. Các quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Trump là John R. Bolton và Pompeo, nhất mực muốn theo đuổi các chính sách cứng rắn, và Peter Navarro, cố vấn thương mại và tác giả của một cuốn sách đầy tính tranh luận và một bộ phim tài liệu có tựa đề “Chết dưới tay TQ”, cũng có quan điểm tương tự . Trong khi đó, phía đối lập gồm có các ông trùm - trong số đó có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Stephen A. Schwarzman và Steve Wynn.

Các quan chức cấp trung đang hình thành các ý tưởng riêng của họ. Quan điểm về một cuộc xung đột ý thức hệ đã được Kiron Skinner, người đứng đầu việc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao, trình bày phác thảo trong một cuộc thảo luận tại Washington vào ngày 29 tháng Tư.

Bà nói “Đây là một cuộc chiến với một nền văn minh thực sự khác biệt và với một ý thức hệ khác biệt, và Hoa Kỳ chưa từng đối mặt với một cuộc chiến như vậy trước đó. Liên Xô và cuộc cạnh tranh với Liên xô trước đây, theo một cách nào đó, là một cuộc chiến trong một gia đình phương Tây”.

Bà nói “Giờ đây, lần đầu tiên chúng ta sẽ có một đối thủ cạnh tranh quyền lực ghê gớm chứ không phải là một đối thủ cạnh tranh người da trắng nữa”.

Nhiều nhà phân tích đã cố gắng phân định xem liệu các nhận xét nổi bật trên đây có chỉ ra một đường hướng chính sách mới hay không. Các quan chức trong chỗ riêng tư nói rằng không hoàn toàn như vậy.

Mặc dù đã có những lời khen ngợi của lưỡng đảng tại Washington đối với đường hướng cứng rắn hơn của chính quyền Trump - với các biện pháp từ thuế quan cho đến trừng phạt các công ty công nghệ Trung Quốc – nhưng các nhà chỉ trích nói rằng họ nhận thấy có một sự mơ hồ chiến lược mà chưa có một chiến lược.

Jessica Chen Weiss, giáo sư về chính quyền tại Đại học Cornell, chuyên nghiên cứu về chính trị và chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, cho biết rằng “Các cấu phần kinh tế, an ninh và công nghệ và thậm chí cả khoa học của mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc hiện đang được phối kết, tích hợp”.

“Điều khiến nhiều người lo ngại là chúng ta không thể giải mã được các mức độ rủi ro khác nhau, cũng như không thể giải mã được việc các nỗ lực tách biệt Hoa Kỳ và Trung Quốc một cách hỗn độn sẽ diễn ra một cách nhanh chóng và sâu rộng đến mức nào”.

Ý tưởng phân ly này dựa trên tiền đề rằng hai nền kinh tế đã tích hợp, đan quyện vào nhau (sâu rộng) tới mức gây ra rủi ro an ninh đáng kể cho Hoa Kỳ. Sự liên kết vốn được tăng tốc kể khi TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 và trong những năm gần đây sự liên kết ấy dường như không thể đảo ngược. Nhưng các cố vấn thương mại theo chủ trương cứng rắn của ông Trump lại muốn hai quốc gia này nới lỏng chuỗi cung ứng của họ, điều đó có nghĩa là một số doanh nghiệp Mỹ sẽ rời khỏi TQ và một số doanh nghiệp khác sẽ ngừng bán linh kiện cho các công ty Trung Quốc.

Ông Trump đang tập trung một cách kỹ lưỡng vào việc cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, điều mà nhiều nhà kinh tế cho rằng không có ý nghĩa. Nhưng việc ông áp thuế và sự bất định nói chung xung quanh mối quan hệ kinh tế đang buộc một số công ty Mỹ phải suy nghĩ lại về việc duy trì hoạt động tại Trung Quốc. Và đưa các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, nhà sản xuất công nghệ truyền thông khổng lồ vào cái mà các quan chức Mỹ gọi là danh sách thực thể bị cắt nguồn cung cấp linh kiện của Mỹ đang có hiệu lực.
Daniel M. Kliman, giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới cho biết rằng “Sau một thời gian dài toàn cầu hóa và gặt hái được những hiệu quả kinh tế, quý vị sẽ thấy vấn đề an ninh quốc gia nổi lên hàng đầu”.

Điều này không phải không được nhận thấy tại TQ. Mùa xuân năm nay, với việc căng thẳng thương mại gia tăng, truyền hình quốc doanh TQ bắt đầu chiếu lại những bộ phim về cuộc Chiến tranh Triều Tiên cũ kỹ mô tả sự xâm lược của Mỹ. Báo chí chạy các bài xã luận về cuộc chiến tranh này.

Wang Wen, trưởng khoa điều hành của Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn, cho biết rằng mô hình mới cho các quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc là “giao chiến nhưng không đứt vỡ”.

Hệ quả lan tỏa của cuộc giao đấu này đang mở rộng. Các nhân viên an ninh Trung Quốc đã bắt giữ hai người đàn ông Canada với tội danh hoạt động gián điệp trong một hành động trả thù rõ ràng cho vụ bắt giữ bà Mạnh Wan Châu, một giám đốc điều hành hàng đầu của Huawei, tại Canada, theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. F.B.I. đã hủy thị thực đối với các học giả Trung Quốc – những người bị nghi ngờ là có những quan hệ với giới tình báo Trung cộng.

Một số nhà quan sát nói rằng họ lo ngại một Làn sóng Đỏ mới.

Bà Weiss nói rằng “Thay vì tuyên bố rằng có một mối đe dọa đối với ‘toàn xã hội’ từ một nền văn minh ‘thù địch’, các quan chức Mỹ sẽ khôn ngoan nhấn mạnh giá trị mà những người nhập cư từ Trung Quốc và các quốc gia khác đã mang lại cho nước Mỹ, trong khi thiết lập các chính sách để bảo vệ chống lại nạn trộm cắp tài sản trí tuệ”. 

Trường hợp của Huawei nằm ở trung tâm của những quan ngại của Washington về cả sự thống trị kinh tế lẫn các mối đe dọa an ninh của Trung Quốc. Chính quyền Trump đã thúc giục các quốc gia cấm Huawei phát triển mạng truyền thông 5G của thế hệ tiếp theo, cho rằng nó tạo ra nguy cơ về an ninh quốc gia. Huawei, một công ty tư nhân, phủ nhận các cáo buộc này.

Nhưng sự miễn cưỡng của các đồng minh thậm chí là gần gũi của Mỹ khi áp dụng lệnh cấm này, ngoại trừ Úc, cho thấy các quốc gia không sẵn sàng gây nguy hiểm cho các quan hệ kinh tế của họ với Trung Quốc. Điều đó bao gồm cả Nhật Bản, nơi chính quyền Tokyo chưa ban hành lệnh cấm và đang cố gắng tăng cường quan hệ với Trung Quốc theo những cách thức khác - tại G20 ở Osaka, Thủ tướng Shinzo Abe dự định tổ chức một bữa tối cho ông Tập.

Chính quyền Trump cũng đang thúc giục các quốc gia khác từ chối các dự án cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc và những gì mà các quan chức Mỹ gọi là “ngoại giao bẫy nợ”, với những kết quả lẫn lộn.

Một số công ty Mỹ đang cố gắng vượt qua các giới hạn do chính quyền Trump đặt ra trong các giao dịch với Trung Quốc. Chẳng hạn, các công ty sản xuất các con chíp bán dẫn đã tìm thấy một cơ sở pháp lý để vượt qua sự cấm đoán của Bộ Thương mại đối với việc bán các linh kiện cho Huawei.

Nhưng chính quyền Mỹ tự nó đôi khi lại giáng những cú đấm vào Trung Quốc nhân danh các quan hệ kinh tế - một dấu hiệu cho thấy rằng nền tảng truyền thống của mối quan hệ đó vẫn được duy trì ở một mức độ nhất định.

Kể từ hồi năm ngoái, chính quyền đã tranh luận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo tại khu vực Tân Cương. Mặc dù ông Pompeo và các quan chức khác đã thúc giục áp đặt các lệnh trừng phạt, nhưng Bộ Tài chính, do ông Mnuchin đứng đầu, đã phản đối họ vì sợ làm hỏng các cuộc đàm phán thương mại. Vì vậy, chính quyền Trump hiện vẫn chưa hành động.

Những lạm dụng nhân quyền bất thường của Trung Quốc tại Tân Cương là một lý do chính yếu khiến nhiều quan chức Mỹ từ bỏ bất kỳ khái niệm nào về một sự chuyển hướng trong tương lai sang chủ nghĩa tự do trong lòng đảng cộng sản TQ.

Về phần mình, các quan chức Trung Quốc đã bám lấy các hành động của chính quyền Trump để lập luận rằng Hoa Kỳ đang cố gắng ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hôm thứ Ba, tờ Nhân dân nhật báo, tờ báo chính thức của đảng cộng sản TQ, đã có một bài xã luận kêu gọi các công dân đấu tranh cho phẩm giá của đất nước.

Trong bài xã luận của tờ báo này có đoạn viết “Nhân dân Trung Quốc hiểu sâu sắc rằng sự đàn áp và ngăn chặn Trung Quốc của chính phủ Mỹ là một thách thức bên ngoài mà Trung Quốc phải gánh chịu trong quá trình phát triển và tăng trưởng của mình. Đó là một chướng ngại vật mà chúng ta phải vượt qua để phục hưng dân tộc Trung Hoa”.

--------------------
Nguồn: 
By Edward Wong 
June 26, 2019





No comments: