30/07/2019
Hiện không có nhiều kỳ vọng vào các cơ chế cũng như
biện pháp kiểm soát hành vi của những bên tranh chấp để đảm bảo hòa bình và ổn
định cho Biển Đông, các chuyên gia quốc tế nhận định.
Đường chín đoạn của Trung Quốc xâm lấn sâu vào vùng
đặc quyền của các nước ven Biển Đông
Chỉ trong thời gian ngắn vùng biển này đã liên tục xảy
ra các sự cố: tàu hải giám Trung Quốc quấy rối hoạt động thăm dò của tàu
Malaysia ở cụm bãi cạn Luconia ở cực nam quần đảo Trường Sa hồi tháng 5; tàu cá
Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong hồi tháng 6; và mới đây nhất,
kể từ đầu tháng 7 đến nay, tàu thăm dò của Trung Quốc với sự hộ tống của các
tàu hải giám đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam quanh Bãi Tư
Chính.
Trong khi đó, các cơ chế kiểm soát xung đột như Bộ
Quy tắc Ứng xử (COC), các phương pháp xây dựng lòng tin (CBM), cơ chế tham vấn
song phương (BCM) cũng như sự phân xử của tòa trọng tài thường trực (PCA) đều
có những trở ngại nhất định, các chuyên gia nhận định tại Hội nghị Biển Đông
thường niên lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức
ở thủ đô Washington, Mỹ, hôm 24/7.
Hội thảo đã dành hẳn một phiên thảo luận với chủ đề
‘Các con đường quản lý bất đồng’ để nhìn lại những cơ chế và biện pháp này.
Đàm phán COC phức tạp
Trước hết đối với Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), vốn đang
được đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN từ năm 2014 và được hy vọng sẽ ổn
định tình hình Biển Đông khi hoàn tất, con đường đàm phán vẫn còn rất chông gai
do lập trường quá khác biệt giữa các bên.
Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên viên cao cấp
của Viện Nghiên cứu đông nam Á (ISEAS) ở Singapore thì Trung Quốc có ý đồ riêng
khi tham gia đàm phán COC dù trước năm 2014 họ không hứng thú với COC bất chấp
lời kêu gọi của các nước.
“Mãi cho đến năm 2016 Trung Quốc mới có thái độ
nghiêm túc hơn với các cuộc đàm phán COC mà lý do mặc định là họ muốn đánh lạc
hướng sự chỉ trích ra khỏi việc họ bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài vốn được
công bố vào tháng 7 năm đó,” ông Storey phân tích.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, một động cơ khác để Bắc
Kinh đàm phán COC là để chứng minh ‘luận điệu giả trá’ của họ rằng ‘Biển Đông
yên tĩnh và ổn định’ và rằng ‘Trung Quốc và ASEAN đang cùng nhau giải quyết vấn
đề vì thế không cần các nước bên ngoài, nhất là Mỹ, can thiệp vào’.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
đã tuyên bố rằng nước ông muốn có được COC trong vòng ba năm (tức là đến năm
2021). Tuy nhiên, ông Storey cho rằng điều này trái ngược với mong muốn của một
số nước tranh chấp là họ ưu tiên vào kết quả đàm phán hơn là thời hạn cứng.
Do những nội dung đàm phán COC hiện vẫn đang trong
vòng bí mật, nhà nghiên cứu này đã tiết lộ những bất đồng lớn giữa Trung Quốc
và các nước ASEAN, nhất là Việt Nam.
Hà Nội, theo lời ông Storey, đã nên ra ‘một danh
sách dài các hoạt động mà họ muốn COC cấm và không có gì trùng hợp khi danh
sách này cũng chính là những gì mà Trung Quốc đã làm trong vòng vài năm qua’,
chẳng hạn như chấm dứt xây đảo nhân tạo, không được quân sự hóa các đảo, từ bỏ
vũ lực và không được đe dọa dùng vũ lực, chấm dứt tình trạng chặn tàu tiếp tế,
không được tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu các bên làm rõ đòi hỏi
chủ quyền và đòi hỏi này phải phù hợp với UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển).
Bắc Kinh cho đến nay vẫn giữ cho yêu sách đường chín đoạn của họ mơ hồ (chẳng hạn
như không rõ họ đòi chủ quyền với đảo hay biển hay cả hai) để tự do hơn trong
diễn giải. Bản thân đường chín đoạn này trái với UNCLOS và đã bị tòa án quốc tế
bác bỏ.
“Việt Nam cùng với Indonesia đã kêu gọi các bên tôn
trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của các nước ven biển –
thách thức trực tiếp đối với đường chín đoạn của Trung Quốc vốn xâm phạm vào
EEZ của tất cả các bên có tranh chấp,” ông cho biết và nói rằng Trung Quốc muốn
dỡ bỏ tất cả điều khoản này mà Việt Nam nêu ra trong dự thảo thứ nhất.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đưa vào những điều khoản
mà ông Storey cho rằng ‘gây ra những lo ngại trong phạm vi khu vực và các nước
bên ngoài’. Theo đó, Bắc Kinh muốn các dự án hợp tác cùng khai thác dầu khí ở
Biển Đông ‘chỉ diễn ra giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp’ – tức loại trừ
các tập đoàn dầu khí phương Tây, các cuộc tập trận giữa các nước ASEAN với các
nước bên ngoài cần phải có sự đồng ý trước của tất cả 11 nước (10 nước ASEAN và
Trung Quốc) – có nghĩa là Bắc Kinh có quyền chặn đứng bất kỳ hoạt động quân sự
nào giữa một nước ASEAN với Mỹ, Nhật hay Úc.
Không những thế, phạm vi địa lý (Việt Nam muốn COC
bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa nhưng Trung Quốc phản đối), tính ràng buộc về pháp
lý cũng là những vấn đề bất đồng trong đàm phán, cũng theo ông Storey.
Hiện tại các nước đang ở giai đoạn đọc dò (reading)
lần thứ nhất bản dự thảo và đặt trong ngoặc kép những điểm mà họ không đồng ý
cũng như ghi chú lập trường của mình ở mỗi điểm, ông nói và cho biết có ‘rất
nhiều chỗ bị đặt trong ngoặc kép’.
“Do mức độ phức tạp của nhiều vấn đề và tốc độ chậm
chạp của cuộc đàm phán cho nên mục tiêu có COC vào năm 2021 có lẽ không thể đạt
được,” ông Storey nói.
Ông cũng đặt nghi vấn vào thời điểm 2021 và 2021 mà
khi đó Brunei và Campuchia, những nước được cho là ‘tay trong’ của Bắc Kinh
trong khối Asean, sẽ nắm vai trò chủ tịch luân phiên và có khả năng lèo lái lập
trường của khối. Nếu cột mốc mà Bắc Kinh đặt ra là 2020, trùng với năm chủ tịch
Asean của Việt Nam, thì nhiều người sẽ ‘cảm thấy an tâm’, ông nói.
‘Ngoại giao hai mặt’
Về các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM), ông
Prashanth Parameswaran, biên tập viên cấp cao tạp chí ‘The Diplomat’ nêu bật điều
quan ngại mà ông gọi là ‘tiến trình hai mặt’ (two-track process) của Trung Quốc
khi một mặt có hành động thiện chí nhưng mặt khác lại có hành vi gây hấn. Những
hành động xây dựng lòng tin và làm xói mòn lòng tin đồng thời này ‘đã diễn ra
liên tục’ ở Biển Đông trong thời gian qua, ông nói.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện các Vấn đề Hải
dương và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, nêu ra trường hợp Cơ chế Tham vấn
Song phương (BCM) Philippines thiết lập cùng với Trung Quốc sau phán quyết của
Tòa trọng tài Thường trực hồi năm 2016 mà ông cho rằng ‘không hiệu quả’.
BCM được lập ra nhằm để tạo một kênh trao đổi và giải
quyết những vấn đề tranh chấp về chủ quyền ‘một cách thầm lặng’, ông cho biết.
“Giờ đây đã ba năm trôi qua nhưng BCM vẫn chưa chứng
minh được nó là một phương cách hiệu quả để thật sự giải quyết những vấn dề cốt
lõi của tranh chấp,” ông nói. “Trừ phi hai nước thay đổi cách ứng xử nếu không
cơ chế này sẽ không là gì khác hơn là kênh đàm phán thiếu thiện chí.”
Ông Batongbacal đưa ra dẫn chứng về việc ngư dân
Trung Quốc khai thác ồ ạt sò tai tượng ở bãi cạn Scarborough vốn gây hủy hoại
nghiêm trọng hệ sinh thái ở đây – vấn đề mà Manila đã nhiều lần nêu lên với
Trung Quốc trong khuôn khổ BCM nhưng Bắc Kinh không hề giải quyết.
Ông cho biết vấn đề đánh bắt sò tai tượng đã được
nêu ra trong lần tham vấn hồi năm 2017 vốn được mô tả là ‘sâu sắc, thân thiện,
hiệu quả’ nhưng cuối cùng vào tháng 8 năm 2017 hành vi khai thách sò tai tượng
của ngư dân Trung Quốc lại tái diễn.
“Cho đến nay chính phủ Trung Quốc chưa có hành động
nào để giải quyết tình trạnh đánh bắt trộm sò tai tượng ở Bãi cạn Scarborough
và tác động của nó đối với môi trường biển,” ông cho biết và nói thêm hành động
của ngư dân Trung Quốc diễn ra trước sự có mặt của các tàu hải giám Trung Quốc.
“Hành động của Trung Quốc trong vấn đề này hoàn toàn
rõ ràng và là sự đo lường trực tiếp cam kết của họ để giành được lòng tin trong
việc xử lý tranh chấp,” ông nói.
“Cho nên không có gì là không công bằng khi nói rằng
vào lúc này BCM không làm được chức năng là cơ chế chủ động giải quyết bất đồng
mà lại trở thành cơ chế gây xao nhãng và làm phức tạp thêm bất đồng,” ông nói.
“Nó hoạt động một chiều với lợi thế cho một phía (Trung Quốc) và thay vì quản
lý tranh chấp nó càng làm cho tranh chấp mở rộng và khó mà giải quyết công bằng
trong tương lai.”
Đưa ra Liên Hiệp Quốc?
Về phán quyết của Tòa án Quốc tế, cụ thể là phán quyết
của PCA trao thắng lợi cho Manila trước Bắc Kinh đối với các tranh chấp trên Biển
Đông hồi năm 2016, cơ chế thực thi phán quyết là lý do chính khiến nó không có
tác dụng như mong đợi khi các nước thua kiện không tuân thủ phán quyết.
Bà Lan Nguyen, phó giáo sư thuộc Khoa Luật, Đại học
Utrecht, Hà Lan, nhấn mạnh đến các trường hợp tương tự mà các nước nguyên đơn
đã đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc.
Hơn 3 năm kể từ ngày PCA ra phán quyết, Bắc Kinh chỉ
tuân thủ có 2 trong tổng số 11 điểm phán quyết, theo phân tích mới đây của Sáng
kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS.
Bà Lan nêu ra ví dụ về vụ kiện hồi năm 1986 của
Nicaragua đối với Mỹ đã ủng hộ thành phần nổi loạn chống chính phủ nước này. Mỹ
khi đó cũng từ chối tham gia vào vụ kiện cũng như Trung Quốc đối với vụ kiện của
Philippines. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) khi đó đã ra phán quyết Nicaragua thắng
kiện nhưng phán quyết này đã bị Washington bác bỏ.
Khi đó, Nicaragua đã viện đến Điều 94 trong Hiến
chương Liên Hiệp Quốc để đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an để buộc Mỹ phải thực
thi phán quyết. Tuy nhiên, do Mỹ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an
nên họ đã phủ quyết. Sau đó, Nicaragua đã tìm đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
nơi họ đã thuyết phục được cơ quan này thông qua bốn nghị quyết lên án Mỹ và
yêu cầu Washington phải tuân thủ phán quyết của ICJ.
“Mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
không mang tính ràng buộc và không thay đổi nhiều giọng điệu của phía Mỹ nhưng
nó thật sự đưa Mỹ vào tầm ngắm của quốc tế và thật sự gây sức ép lên Mỹ để có một
số điều chỉnh nhất định trong chính sách đối ngoại của họ,” bà Lan phân tích.
Trở lại với phán quyết của PCA đối với Trung Quốc, mặc
dù nó chỉ có tác dụng ràng buộc đối với hai bên nguyên đơn và bị đơn, nhưng bà
Lan cho rằng các nước có tranh chấp trên Biển Đông có mối liên hệ chặt chẽ và
do tính chất mở của vùng biển này mà tất cả các nước tranh chấp, không chỉ
Philippines, đều có ‘quyền và nghĩa vụ thực thi phán quyết’.
Từ kinh nghiệm của Nicaragua, bà Lan nói các nước nhỏ
có thể sử dụng diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để gây sức ép lên hành vi
sai trái của các nước lớn – điều mà Việt Nam đã từng thực hiện hồi năm 2014 khi
họ liên tục gửi thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án hành việc Bắc Kinh
đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội và yêu cầu
phổ biến những lá thư này trong khuôn khổ các phiên họp của Đại hội đồng.
Một cách khác mà bà Lan đề xuất để cho phán quyết của
tòa quốc tế không trở thành một tờ giấy lộn là các nước tranh chấp khi đàm phán
phân định biên giới trên biển hay quản lý vùng đánh bắt là ‘dựa trên những luật
lệ mà phán quyết của Tòa trọng tài đã vận dụng’.
“Thỏa thuận phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và
Trung Quốc trong những năm 2000 cho thấy các bên không phải là không sẵn sàng từ
bỏ quyền lịch sử của mình để đàm phán một thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế,”
bà Lan cho biết.
Trung Quốc cũng dựa trên chủ quyền lịch sử để đòi hỏi
chủ quyền với hầu hết Biển Đông mặc dù ‘quyền lịch sử’ này đi ngược luật pháp
quốc tế. Bắc Kinh lập luận rằng ‘quyền lịch sử’ của họ có từ trước khi Luật Biển
quốc tế ra đời.
“Mặc dù những hành động này có thể vô vọng trước sự
hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, chúng vẫn quan trọng nhìn từ góc độ luật
pháp quốc tế vì bởi vì theo luật quốc tế không có cái gọi là cảnh sát quốc tế
mà từng quốc gia phải là cơ quan thực thi pháp luật,” bà nói.
Tuy nhiên, trên vấn đề này, ông Ian Storey lưu ý rằng
ASEAN ‘chưa từng nói một lời nào về phán quyết của PCA’ kể từ khi nó được công
bố.
“Ngay cả Philippines cũng không nắm bóng trong chân
thì tại sao các nước khác phải làm thế chứ,” ông nói.
No comments:
Post a Comment