21/07/2019
Nội dung hiệp định Genève đã được viết và nói
nhiều. Bài nầy xin trình bày những chuyện bên lề hiệp định Genève.
1) Đầu tiên, hội nghị tứ cường Hoa Kỳ,
Anh, Pháp, Liên Xô khai mạc tại Berlin ngày 25-1-1954. Đại diện Liên Xô
là ngoại trưởng Mikhailovich Molotov đề nghị mời thêm Cộng Hòa Nhân Dân Trung
Hoa (tức Trung Cộng) cùng họp. Ngày 26-4-1954, hội nghị gồm tứ cường và
có thêm Trung Cộng, khai mạc tại Dinh Quốc Liên (Palais des Nations) ở Genève,
một ngày bàn về Triều Tiên và một ngày về Đông Dương.
2) Phái đoàn Anh do ngoại trưởng Anthony
Eden lãnh đạo. Phái đoàn Hoa Kỳ do ngoại trưởng John Foster Dulles dẫn đầu.
Đứng đầu phái đoàn Pháp là ngoại trưởng Georges Bidault. Qua tháng
7-1954, thủ tướng kiêm ngoại trưởng Mendès-France thay thế. Phái đoàn
Liên Xô do ngoại trưởng Vyacheslav Mikhailovich Molotov lãnh đạo và phái đoàn
Trung Cộng do thủ tướng kiêm ngoại trưởng Châu Ân Lai dẫn đầu.
3) Khi gặp Châu Ân Lai ở phòng Giải
lao Dinh Quốc Liên, John Foster Dulles không bắt tay xã giao Châu Ân Lai và bỏ
ra khỏi phòng ngay tức khắc. (Ural Alexis Johnson và Jef Olivarius McAllister, The
Right Hand of Power, New Jersey, Nxb. Prentice Hall, 1984, tr. 204.)
Foster Dulles rời Genève, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Bedell Smith thay thế.
4) Trong phiên họp ngày 2-5-1954, Liên
Xô đề nghị mở rộng thành phần tham dự, mời thêm các nước trong hai phe lâm chiến
ở Đông Dương. Hội nghị chấp thuận. Như thế, về vấn đề Đông Dương,
ngoài ngũ cường, hội nghi Genève có thêm Quốc Gia Việt Nam (QGVN), Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Việt Minh, Lào và Cambodge (Cambodia hay Cao
Miên). Chín phái đoàn bắt đầu họp ngày 8-5-1954, một ngày sau khi kết
thúc trận Diện Biên Phủ (7-5-1954).
5) Phái đoàn QGVN do ngoại trưởng Nguyễn
Quốc Định làm trưởng phái đoàn. Một tuần sau, từ 14-5-1954, phó thủ tướng
Nguyễn Trung Vinh được cử qua làm trưởng phái đoàn thay Nguyễn Quốc Định, nhưng
ông Định vẫn ở lại trong phái đoàn. Khi Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo
Đại cử làm thủ tướng, chính thức cầm quyền từ ngày 7-7-1954 (Song thất), thủ tướng
Diệm cử tân ngoại trưởng Trần Văn Đỗ qua Genève thay thế Nguyễn Trung
Vinh. Phạm Văn Đồng, phó thủ tướng VNDCCH, thay Hoàng Minh Giám, giữ chức
bộ trưởng Ngoại giao từ ngày 29-4-1954, dẫn đầu phái đoàn VNDCCH. Phoui
Sananikone, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ, lãnh đạo phái
đoàn Lào; trong khi Tep Phan, bộ trưởng Ngoại giao, dẫn đầu phái đoàn Cao Miên.
(Trần Văn Tuyên, Hội nghị Genève, hồi ký, Sài Gòn: Nxb. Chim Đàn, 1964,
tt. 21-23.)
6) Trước hội nghị Genève, Châu Ân Lai
cùng với Hồ Chí Minh đến Moscow ngày 1-4-1954 để thảo luận lập trường của khối
CS. Ông còn đến Moscow thêm hai lần (6-4 và 20-4) để tìm hiểu và dung hợp
lập trường giữa hai nước CHNDTH và Liên Xô trước khi qua Genève. Trong các cuộc
thảo luận giữa Châu Ân Lai với giới lãnh đạo Liên Xô, đều có Hồ Chí Minh tham dự.
(Tiền Giang, Chu Ân Lai dữ Nhật-Nội-Ngõa hội nghị [Chu Ân Lai và hội
nghị Genève] Bắc Kinh: Trung Cộng đảng sử xuất bản xã, 2005, bản dịch của Dương
Danh Dy, tựa đề là Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954, chương 5
“Dốc sức lên kế hoạch”. (diendan@diendan.org.)
7) Từ khi hội nghị Genève khai mạc (8-5)
cho đến khi hội nghị chấm dứt (21-7), vào đầu mỗi phiên họp, các phái đoàn CS sắp
hàng một, đi vào hội trường. Đi đầu là phái đoàn Liên Xô do Molotov dẫn đầu;
sau đến phái đoàn Trung Cộng do Châu Ân Lai dẫn đầu và cuối cùng là phái đoàn
Việt Minh do Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Sau mỗi phiên họp, các phái đoàn CS
cũng sắp hàng đúng thứ tự trên, ra khỏi hội trường và dầu trễ, các phái đoàn CS
đều vào họp riêng rồi mới giải tán. (Trần Văn Tuyên, sđd. tt.
24. Lúc đó Trần Văn Tuyên là một thành viên trong phái đoàn QGVN, chứng
kiến việc nầy.) Kiểu họp nầy CS gọi là “họp giao ban”.
8) Sau hơn một tháng họp hành chưa có kết quả,
hội nghị tạm nghỉ ngày 20-6 và dự tính sẽ họp lại ngày 10-7. Các phái
đoàn về nước tham khảo ý kiến. Trong thời gian nầy, xảy ra ba sự kiện
quan trọng là:
a) Ngô Đình Diệm được quốc trưởng Bảo Đại
bổ nhiệm làm thủ tướng toàn quyền dân và quân sự Quốc Gia Việt Nam. Thủ
tướng Diệm đề cử tân ngoại trưởng Trần Văn Đỗ làm trưởng phái đoàn QGVN tại
Genève.
b) Mendès France lên làm thủ tướng ở Pháp. Điều
trần trước quốc hội Pháp, Mendès France tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Đông
Dương trong vòng bốn tuần lễ (khoảng một tháng.) Mendès France chính thức
nhận chức ngày 21-6-1954. Nếu tính thêm bốn tuần lễ thì vào 20-7-1954.
c) Châu Ân Lai mời Hồ Chí Minh qua Liễu Châu
(Liuzhou), tỉnh Quảng Tây (Kwangsi), hội đàm từ 3-7-1954. Châu Ân Lai báo
cho Hồ Chí Minh và phái đoàn CS biết rằng có ba cách để đối phó với tình hình mới:
1) Thượng sách là hòa. 2) Trung sách là đánh rồi hòa. 3) Hạ sách là
đánh tiếp. Châu Ân Lai khuyên Hồ Chí Minh chấp nhận thượng sách là hòa, để
tránh mở rộng chiến tranh, vì nếu tiếp tục mở rộng chiến tranh, Hoa Kỳ có thể sẽ
can thiệp. Châu Ân Lai còn bàn thêm rằng, sau khi chia hai Việt Nam, Việt
Minh rút quân về phía bắc, nhưng cài người và cất giấu võ khí ở lại. Hồ
Chí Minh và phái đoàn chấp nhận kế hoạch nầy của Châu Ân Lai.
9) Khi hội nghị tái nhóm, Mendès France đích
thân đến Genève, hội đàm với ngoại trưởng Liên Xô Molotov ngày 10-7, và ngoại
trưởng Trung Cộng Châu Ân Lai ngày 12-7. Ba nước Pháp, Liên Xô và Trung Cộng
thỏa thuận giải pháp chia hai nước Việt Nam. Pháp đòi chia hai Việt Nam ở
vĩ tuyến 18; Trung Cộng đề nghị vĩ tuyến 16, rồi đổi vĩ tuyến 17. Tối
12-7, Châu Ân Lai gặp Phạm Văn Đồng, áp đặt ý định của các cường quốc. Phạm
Văn Đồng tuy đòi chia ở vĩ tuyến 16, nhưng cuối cùng đành chấp nhận vĩ tuyến
17, dọc theo sông Bến Hải. Đại biểu QGVN là bác sĩ Trần Văn Đỗ phản đối
việc chia cắt đất nước bất cứ nơi đâu.
10) Cuối cùng, hiệp ước đình chỉ chiến
tranh được ký kết sau 12 giờ đêm 20-7, qua sáng 21-7-1954 trong lúc kim đồng hồ
tại dinh Quốc Liên (Palais des Nations), vẫn được giữ nguyên ở vị trí 12 giờ
đêm 20-7-1954, cho đúng với lời hứa của Mendès-France khi nhận chức thủ tướng
Pháp ngày 21-6-1954.
11) Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (Hiệp định đình chiến Genève)
ký kết ngày 20-7-1954 chỉ là một hiệp định thuần tuý quân sự, chia hai Việt Nam
ở vĩ tuyến 17, và nói về việc mỗi bên rút quân, tập trung quân, thời hạn chuyển
quân, mà hoàn toàn không đề cập đến một giải pháp chính trị nào cho tương lai
Việt Nam.
12) Ngày hôm sau (21-7), các phái đoàn họp tiếp
và "thông qua" bản "Tuyên bố cuối cùng ngày 21-7-1954 của Hội
nghị Genève về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương". (Déclaration
finale du 21 juillet 1954 de la conférence de Genève sur le problème du rétablissement
de la paix en Indochine). Đây chỉ là lời tuyên bố, không có phái đoàn nào
ký tên vào bản tuyên bố nầy. Khi chủ tịch phiên họp là Anthony Eden (ngoại
trưởng Anh) hỏi từng phái đoàn, thì bảy phái đoàn là Anh, Pháp, Liên Xô, Trung
Cộng, VNDCCH, Lào và Cambodge trả lời miệng rằng "đồng ý". Hai
phái đoàn QGVN và Hoa Kỳ không đồng ý, không ký tên vào bản tuyên bố, và đưa ra
tuyên bố riêng của mình.
13) Bản tuyên bố nầy gồm 13 điều, trong
đó điều 7 ghi rằng: " Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến
mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý nguyện, cuộc Tổng tuyển
cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956 dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu
những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định
đình chỉ chiến sự. Kể từ ngày 20-7-1955 những nhà đương cục có thẩm quyền
trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó."
Bản tuyên bố nầy không có chữ ký của các phái đoàn, chỉ có tính cách dự kiến
tương lai, thì về pháp lý, không có tính cách cưỡng hành nghĩa, là không bắt buộc
thi hành.
14) Chính phủ QGVN dưới quyền quốc trưởng
Bảo Đại và thủ tướng Ngô Đình Diệm lo thi hành hiệp định Genève, tập
trung và rút toàn bộ lực lượng của mình về miền Nam vĩ tuyền 17 đúng thời hạn
và đúng theo quy định của hiệp định Genève. Điều nầy chẳng những
báo chí lúc bấy giờ đã trình bày, mà cho đến nay, không có tài liệu sách vở nào
cho thấy là chính phủ QGVN vi phạm hiệp định Genève. Như thế,
trong việc thi hành hiệp định Genève, chính phủ QGVN đã thi hành đầy đủ
và đúng đắn hiệp định.
15) Trong khi đó, chủ tịch nhà nước VNDCCH là
Hồ Chí Minh (HCM) hội họp với thủ tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hay Trung Cộng
là Châu Ân Lai tại Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Cộng) từ 3 đến 5-7-1954, quyết định
bí mật lưu cài cán bộ đảng viên và chôn giấu võ khí ở lại NVN, trường kỳ mai phục,
để chuẩn bị tiếp tục chiến tranh. Trong số cán bộ được cài lại, có Lê Duẩn,
Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiến... Như thế, nhà nước
VNDCCH đã có kế hoạch vi phạm hiệp định, và quyết định tiếp tục chiến tranh trước
khi ký kết hiệp định.
16) Thế mà cộng sản Bắc Việt Nam tức Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa lấy điều 7 của bản “Tuyên bố cuối cùng…” ghép vào hiệp định Genève,
rồi khăng khăng buộc tội Nam Việt Nam tức Việt Nam Cộng Hòa không tôn trọng hiệp
định Genève. Đây là một vụ “đánh lận con đen”, bóp méo lịch
sử, vì hiệp định Genève hoàn toàn không quy định việc tổ chức tổng tuyển
cử. Như thế, việc Bắc Việt Nam đưa ra lý do Nam Việt Nam không tôn trọng
hiệp định Genève về việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước, hoàn
toàn không đúng với nội dung hiệp định Genève.
TRẦN GIA PHỤNG
(DALLAS, 20-7-2019)
No comments:
Post a Comment