24/07/2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn cho
rằng việc Trung Quốc đang là công xưởng lắp ráp iPhone khổng lồ
của tập đoàn công nghệ Mỹ Apple là một tổn thất lớn cho nước Mỹ. Thật vậy, dưới
con mắt của ông chủ Nhà Trắng, việc lắp ráp iPhone ở nước ngoài có vẻ là một “mất
mát lớn” với nền kinh tế số một thế giới như Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chính Apple mới đây đã gia
nhập nhóm các công ty hối thúc chính quyền Trump từ bỏ kế hoạch
áp thuế nhiều hơn đối với hàng hóa Trung Quốc dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp
và người tiêu dùng của họ. Cổ phiếu của Apple mới đây đã giảm 6.9% trong
phiên giao dịch hồi tháng 5/2019, dẫn đến việc “Táo khuyết” đánh mất vị trí
công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.
Việc chính quyền Trump mới đây đe dọa sẽ tiếp tục áp
thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu không đạt được thỏa
thuận thương mại, trong đó bao gồm các mặt hàng điện tử tiêu dùng, trong đó có
smartphone, khiến sản phẩm có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là iPhone.
Smartphone này được lắp ráp tại Trung Quốc với chi phí khoảng
240 USD mỗi máy.
Theo các học giả Jason Dedrick (Đại học Syracuse),
Greg Linden (Đại học California, Berkeley) và Kenneth L. Kraemer (Đại học
California, Irvine), mọi thứ phức
tạp hơn Tổng thống Trump nghĩ sau khi nghiên cứu quá trình sản
xuất một chiếc iPhone. Trên thực tế, Trung Quốc hưởng lợi rất ít trong con số
240 USD. Bởi vì, để sản xuất thành công một chiếc iPhone, Apple cần đến chuỗi
cung ứng với rất nhiều công ty trải từ châu Á tới châu Âu.
Một người đàn ông đang sử dụng chiếc điện thoại
thông minh của mình trước một cửa hàng Apple ở Thượng Hải. Doanh số bán iPhone
giảm tại Trung Quốc đang làm tổn thương gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Ảnh:
Bloomberg.
Ai đang thực sự tạo nên iPhone
Để tạo nên một chiếc iPhone, cần có các linh kiện
như màn hình hiển thị, vi xử lý, RAM, bộ nhớ… Những linh kiện này chủ yếu đến từ các
tập đoàn Intel, Sony, Samsung và Foxconn. Điều đó có nghĩa là chuỗi cung ứng của
Apple trải dài từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đến Đài Loan. Trung Quốc gần như
không sản xuất nhiều mà chỉ là nơi “tập kết” linh kiện để lắp ráp.
Theo thống kê của IHS Market, chi phí sản
xuất một chiếc iPhone 7 là 237,45 USD. Tuy nhiên, chỉ có 8,46 USD là “ở lại”
Trung Quốc, tương đương 3,6% chi phí trên. Số tiền này bao gồm chi phí pin được
sản xuất bởi một công ty trong nước và lực lượng lao động bản địa.
Còn 228,99 USD sẽ phân bố rộng rãi đến những nơi
khác, như Mỹ (68 USD), Nhật Bản (67 USD), Đài Loan (48 USD) và Hàn Quốc (khoảng
17 USD). Với giá bán lẻ 649 USD mỗi chiếc iPhone 7 bộ nhớ 32GB, Apple sẽ “bỏ
túi” 283 USD.
Như vậy, Apple nói riêng và Mỹ nói chung, trên thực
tế, nhận được nhiều tiền hơn, trong khi Trung Quốc chỉ hưởng lợi một ít thông
qua lượng nhân công giá rẻ.
Theo một chuyên gia kinh tế của Mỹ, cách tốt nhất để
đánh giá thâm hụt thương mại là nhìn vào con số 8,5 USD thay vì 240 USD – số tiền
iPhone nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Không chỉ iPhone, chuyên gia này cũng
nhận thấy có nhiều tương đồng từ các mặt hàng khác, tác động đến cán cân thương
mại Mỹ – Trung. Trong thâm hụt thương mại năm 2017 là 375 tỷ USD, các
chuyên gia nói 1/3 số tiền này liên quan đến các đầu vào đến từ nơi khác, bao gồm
cả Hoa Kỳ.
Việc sử dụng Trung Quốc như công xưởng lắp ráp khổng
lồ, theo các nhà quan sát, là tốt cho kinh tế Mỹ. Như Apple, bằng cách tận dụng
chuỗi cung ứng toàn cầu rộng lớn, hiệu quả cao, công ty có thể bán sản phẩm mới
ra thị trường với giá cạnh tranh.
Khi đó, người dùng được hưởng lợi từ các sản phẩm
sáng tạo. Hàng nghìn công ty khác cũng phát triển dịch vụ liên quan để bán trên
App Store. Lợi nhuận có được được Apple sử dụng để chi trả cho các lập trình
viên, kỹ sư phần cứng và phần mềm, giám đốc điều hành, nhân viên tiếp thị, luật
sư, nhân viên Apple Store… Trừ lắp ráp, hầu hết công việc này đều ở Mỹ.
Trong khi đó, nếu không còn sản xuất tại Trung Quốc,
iPhone sẽ đắt hơn. Đối thủ lớn nhất của hãng – Samsung – không bị ảnh hưởng nhiều
do đặt nhà máy tại Việt Nam và Hàn Quốc, vì thế sẽ không bị tác động bởi thuế
quan áp dụng lên các mặt hàng từ Trung Quốc. Từ đó, họ có thể chiếm thị phần từ
Apple, thậm chí dịch chuyển lợi nhuận và các công việc lương cao từ Mỹ sang Hàn
Quốc.
Vì sao Apple không sản xuất iPhone ở Mỹ?
Trong những năm từ 1980 đến 1990, ngành công nghiệp
điện tử dần dịch chuyển sang châu Á và các công ty Mỹ như Apple phải đối mặt với
thực tế này. Chính xu thế mới đã biến những nước như Trung Quốc thành công xưởng
lắp ráp, trong khi châu Âu hay châu Mỹ phát triển những thứ cao cấp hơn.
Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images.
Nếu dời ngược nhà máy trở về Mỹ, các công ty sẽ mất
ít nhất vài năm để xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời chi phí nhân
công ở Mỹ cũng gấp nhiều lần so với Trung Quốc. Đó là chưa kể phải thu hút đầu
tư kiểu “cây gậy và củ cà rốt”, như chính quyền bang Wisconsin khuyến
khích Foxconn bằng khoản trợ cấp ba tỷ USD để công ty này xây dựng nhà máy lắp
ráp màn hình LCD tại Mỹ cách đây ít lâu.
Phản ứng không chính xác từ phía chính quyền Trump
Mỹ phản ứng với Trung Quốc vì ngành công nghiệp công
nghệ cao nước này chưa có đủ các chính sách để bảo vệ sở hữu trí tuệ, hoặc đặt
hàng rào thuế quan cùng nhiều điều luật ngăn chặn các công ty phương Tây như
Google hay Facebook. Tuy nhiên, khi nói về mặt thương mại, các nhà lập
pháp cần phải hiểu rằng, sản xuất giờ đây là cả một mạng lưới toàn cầu. Ngay cả
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đặt hẳn một thước đo mới nhằm chỉ
rõ giá trị gia tăng mà mỗi quốc gia thu về được trong các kết giao thương mại.
Tuy nhiên, có vẻ như phía Mỹ đã bỏ lỡ sự kiện này.
Các tác giả cho rằng, cuộc thương chiến do chính quyền Trump phát động dường
như dựa trên sự hiểu biết quá đơn giản về cán cân thương mại. Việc áp thuế trên
nhiều hàng có thể khiến người dùng, công nhân và doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng nặng
nề nhất. Cuối cùng, không có gì đảm bảo rằng kết quả tranh chấp sẽ là một thắng
lợi cho nước Mỹ. Các tác giả cho rằng, thương chiến Mỹ – Trung là một cuộc
chiến không bao giờ nên được bắt đầu.
No comments:
Post a Comment