Sunday, July 28, 2019

BIỂN ĐÔNG : CHỦ TỊCH ỦY BAN ĐỐI NGOẠI HẠ VIỆN MỸ LÊN ÁN TRUNG QUỐC XÂM LẤN VIỆT NAM (tổng hợp)




Đăng ngày 27-07-2019

Vụ Trung Quốc cho tàu vào khảo sát và sách nhiễu giàn khoan dầu của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính, phía nam Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiếp tục bị tố cáo. Sau bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày hôm qua 26/07/2019, đến lượt Hạ Viện Mỹ lên tiếng. Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam và lên án hành vi “xâm lấn” của Trung Quốc.

Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ Eliot L. Engel. Copie écran

Trong một bản thông cáo về vụ “Trung Quốc can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát, dân biểu bang New York thuộc đảng Dân Chủ Eliot L. Engel, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ trước hết ghi nhận rằng: “Hành vị xâm lấn mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai chà đạp luật pháp quốc tế”.

Đối với vị dân biểu Mỹ, căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc “đã cấu thành tội vi phạm chủ quyền và các quyền chính đáng của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”. Theo nhân vật này, quan trong không kém là hành vi của Trung Quốc cũng đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động trong khu vực.

Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ nhắc lại rằng vào tuần trước, đã có nhiều thông tin về việc tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã liên tiếp đòi Trung Quốc rút đi nhưng bị Bắc Kinh làm ngơ.

Theo ông Engel: “Kiểu sách nhiễu mà Trung Quốc thực hiện là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Những sự cố như thế chứng tỏ Trung Quốc đã ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế.

Bản thông cáo kết luận: “Tôi sát cánh cùng Việt Nam và các đối tác khu vực của Mỹ để lên án hành vị xâm lược này. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế.”

Người phụ trách Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc “lập tức rút ngay mọi tàu thuyền ra khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp đó”.

*
*
27/07/2019

Dân biểu Eliot L. Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, hôm 26/7 ra tuyên bố về việc Trung Quốc “can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát”, trong đó ông “lên án Trung Quốc” và bày tỏ ủng hộ Việt Nam.

Mở đầu tuyên bố của mình, ông Engel cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông là “một minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai xem thường luật pháp quốc tế”.

Vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ khẳng định là chiểu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc “cấu thành sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”.

Bên cạnh đó, ông Engel cũng lưu ý rằng điều quan trọng không kém là hành vi của Trung Quốc “đe dọa lợi ích của các công ty Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực”.

Tin tức của các báo đài khác nhau trong tuần qua cho biết các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc hoạt động ở Bãi Tư Chính thuộc vùng EEZ của Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút các tàu đó ra, song Trung Quốc bỏ ngoài tai lời yêu cầu này.

Trước diễn biến như vậy, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L. Engel bình luận trong tuyên bố của mình rằng động thái quấy rối hiện nay của Trung Quốc là “mối đe dọa đối với Việt Nam”, đồng thời cũng là bằng chứng cho thấy Trung Quốc “sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng”.

Ông Engel nhấn mạnh thêm rằng những sự cố như thế này chứng tỏ Trung Quốc “ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế”.

Vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đưa ra thông điệp rõ ràng trong phần cuối tuyên bố: “Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác trong khu vực của chúng ta để lên án sự hung hăng này”. Vị dân biểu Mỹ đưa ra lời kêu gọi Trung Quốc “rút ngay lập tức tất cả các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này”.

Ông Engel cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên các quy định, và duy trì luật pháp quốc tế”.


---------------------------

VOA
29/07/2019

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới cáo buộc Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính kể từ tháng Năm”, theo South China Morning Post.

“Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam”, bà Hoa được tờ báo của Hong Kong trích lời nói tại một cuộc họp báo hôm 26/7. “Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc”.

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về sự việc bà nói là “nghiêm trọng” và cho biết rằng Hà Nội đã “trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam”.

“Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật”, bà Hằng nói trong tuyên bố mới nhất về cuộc “đối đầu” giữa tàu chấp pháp Việt Nam và Trung Quốc nhiều tuần qua.

Đây là lần thứ ba trong vòng 10 ngày Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ Bãi Tư Chính, gia tăng cuộc khẩu chiến với Trung Quốc.
Trong tuyên bố đầu tiên hôm 16/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ nói tới “hoạt động của nước ngoài” ở Biển Đông, không nhắc tới Trung Quốc, nhưng sau đó chỉ đích danh Bắc Kinh hôm 19/7 và tới lần mới nhất hôm 25/7, yêu cầu Trung Quốc “rút ngay”.

Cáo buộc của bà Hoa Xuân Oánh về việc Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền kể từ tháng Năm” lần đầu tiên xác nhận thời điểm “châm ngòi” cho cuộc “đối đầu” giữa tàu hải cảnh hai nước ở Bãi Tư chính.

Hai quốc gia láng giềng phương bắc chỉ lên tiếng sau khi ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, đầu tháng này đăng tải trên Twitter về việc tàu Việt Nam và Trung Quốc “vờn nhau” ở Bãi Tư Chính.

Ít ngày sau đó, hôm 12/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “đón tiếp” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Trong thông cáo mà tới ngày 28/7 vẫn là một trong các tin chính trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập được cho là đã nhờ bà Ngân “chuyển lời chào chân thành tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”.

“Ông Tập Cận Bình chỉ ra rằng Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí và anh em và cũng là một cộng đồng với tương lai chung có tầm quan trọng chiến lược”, nhà lãnh đạo Trung Quốc được trích lời nói.

------------------------------

Viễn Đông  -  VOA Tiếng Việt
25/07/2019

Chuyên gia về Biển Đông nói với VOA tiếng Việt rằng sự liên quan của công ty Nga và Nhật trong vụ “đối đầu” giữa tàu hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc ở Bãi Tư Chính đã “gây phức tạp” cho quyết sách của chính quyền Bắc Kinh.

Ông Ryan Martinson, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Trường Hải Chiến Hoa Kỳ, cho biết rằng tính tới ngày 23/7, các tàu hải cảnh của Trung Quốc “vẫn hoạt động gần giàn khoan dầu của Nhật ở phía tây Bãi Tư Chính”, trong khi tàu Haiyang Dizhi 8 “tiếp tục tiến hành khảo sát địa chấn tại Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa”.

Tin cho hay, công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC) để thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại Lô 06.1 của Việt Nam ở Biển Đông trong khu vực mà Hà Nội tuyên bố là Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình.



------------------------

Thiện Ý
27/07/2019

Chúng tôi lần lượt trình bày tóm lược diễn biến vụ việc Bãi Tư Chính và đưa ra nhận định về đối sách của nhà đương quyền Việt Nam, sẽ là nội dung bài viết này.

I - DIỄN BIẾN VỤ VIỆC BÃI TƯ CHÍNH
Vụ việc khởi sự khi vào ngày 3-7-2019 và trước đó, tàu thăm dò "Hải Dương Địa Chất 8" và các tàu hộ tống cảnh sát biển của Trung quốc đã xuất hiện gần Bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Sự thể này đã dẫn đến một cuộc đối đầu căng thẳng giữa các tàu của lực lượng hải cảnh Việt Nam và Trung Quốc trong mấy tuần qua vẫn đang tiếp diễn, ở nơi mà một công ty của Nga đang thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí tại Lô 06.1 của Việt Nam ở Biển Đông theo hợp đồng ký với Việt Nam. Đó là công ty Rosneft của Nga thuê giàn khoan Hakuryu-5 của Công ty Khoan thăm dò Nhật Bản (JDC). Điều này làm người ta nhớ lại một vụ đối đầu căng thẳng khác vào năm 2014 liên quan đến một giàn khoan của Trung Quốc (Hải Dương 981 ) xâm phạm chủ quyền lãnh hải phía tây bắc Hoàng Sa của Viêt Nam, gây nên biểu tình bạo động của dân chúng lan rộng khắp Việt Nam.

Thông tin về vụ “đối đầu” căng thẳng giữa các lực lượng hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu xuất hiện trên truyền thông quốc tế và mạng xã hội từ ngày 12/7, sau khi tờ the South China Morning Post dẫn nguồn tin từ nhà nghiên cứu về hải quân Trung Quốc của Mỹ, Ryan Martinson, dựa trên các dữ liệu theo dõi hàng hải. Theo nguồn tin này, 6 tàu hải cảnh, gồm 2 tàu của Trung Quốc và 4 tàu của Việt Nam, được trang bị kỹ càng đã “vờn nhau” trong suốt một tuần qua khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 vào khảo sát địa chất gần Bãi Tư Chính, thuộc đặc quyền kinh tế và do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông.








No comments: