Wednesday, July 31, 2019

TRUMP DÙNG CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC ĐỂ TÁI CỬ (Jackhammer Nguyễn)




Jackhammer Nguyễn
Gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco
30/07/2019

Sau khi tấn công bốn nữ dân biểu người thiểu số bằng phát biểu phân biệt chủng tộc, nói rằng bốn vị này nếu không yêu nước Mỹ thì hãy trở về xứ sở của họ, tổng thống Trump lại kích động đám đông tại tiểu bang North Carolina, hò hét đòi gửi bà Omar, dân biểu Mỹ, về Somali, nơi bà sinh ra.

Donald Trump tại buổi nói chuyện trước đám đông ở North Carolina ngày 17/7/2019, kích động đám đông hô khẩu hiệu kỳ thị, đuổi dân biểu Omar về nước. Ảnh: Nicholas Kamm/ AFP/ Getty Images

Tuy rằng, ngày hôm sau ông có nói dối rằng ông cố gắng ngăn cản đám đông hò hét, nhưng không có câu xin lỗi nào cho phát biểu được định nghĩa rất rõ ràng là phân biệt chủng tộc đó. (Tại Mỹ, ai đó nói với anh rằng, hãy trở về xứ của ông/bà đi, là một câu nói phân biệt chủng tộc).

Trong một phóng sự của tờ Washington Post, các cố vấn của ông Trump nói rằng, việc đưa ra các lời lẽ phân biệt chủng tộc có thể giúp ông tái đắc cử vào năm 2020.

Lý lẽ của những người này đưa ra là khi Tổng thống tuyên bố những lời lẽ phân biệt chủng tộc, dĩ nhiên sẽ bị mắng là phân biệt chủng tộc. Và đây chính là cơ hội của những người cố vấn cho ông Trump, họ sẽ la làng lên là chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc. Khi la làng như vậy họ là cho những cử tri da trắng theo đảng Cộng hòa thấy đồng cảm với ông Trump, vì đã rất lâu rồi họ bị dán nhãn là phân biệt chủng tộc, họ rất tức tối, nay thấy người đồng cảm như vậy, họ sẽ đi bầu cho ông Trump.

Bà Kelly Sadler, phát ngôn nhân một tổ chức ủng hộ ông Trump, nói rõ như thế.

Một số viên chức của đảng Cộng hòa cũng có ý nghĩ tương tự.

Một số các cố vấn vận động bầu cử cho ông Trump hiện nay và một số viên chức đảng Cộng hòa khi nói lên những lập luận và chiến thuật dùng phân biệt chủng tộc để chiến thắng cuộc bầu cử sắp tới, họ không muốn nêu danh tánh.

Ông Trump thắng cử vào năm 2016 nhờ vào hệ thống đại cử tri của Mỹ chứ ông không thắng phiếu phổ thông. Tổng số người Mỹ bầu cho bà Hillary nhiều hơn số người bầu cho ông ta tới gần ba triệu người.

Tuy nhiên, ông lại thắng tại ba tiểu bang: Wisconsin, Michigan, và Pennsylvania (vùng này cũng được gọi là Rust Belt, khu công nghiệp nặng lâu đời nhất của Mỹ), với qui định là người thắng lấy tất (the winner takes all), tức là khi số người bầu cho ông ở ba tiểu bang này cao, ông được tất tần tật số đại cử tri của ba bang này. Và số phiếu đại cử tri của ba bang này làm lệch cán cân về cho ông Trump hồi năm 2016.

Phần đông dân chúng ở ba tiểu bang này là thợ thuyền, bị ảnh hưởng của toàn cầu hóa, do các ngành công nghiệp mỏ than, luyện thép, cơ khí, vốn sử dụng nhiều nhân công ở vùng này không có lời nữa nên đã chuyển sang nước ngoài, do thế ba tiểu bang này có nhiều người thất nghiệp. Đa số những người ở đây là người da trắng, họ vốn trước kia bầu cho đảng Dân chủ theo truyền thống, nay thấy ông Trump hứa hẹn việc làm, nên bầu cho ông ta hồi năm 2016.

Đây không phải là cử tri nòng cốt của ông Trump. Nhóm nòng cốt của ông Trump thì dù ông nói ngã nói nghiêng ra sao thì họ cũng vẫn ủng hộ ông. Phần đông họ cũng là người da trắng. Theo một số nhà phân tích, những lời lẽ phân biệt chủng tộc có thể kích thích họ hăng hái đi bầu vào sang năm.

Cả hai đám cử tri vừa kể, thợ thuyền da trắng vùng Rust Belt và đám nòng cốt của ông Trump có một mẫu số chung là bực bội vì cảm thấy bị bỏ rơi đằng sau. Từ đó họ sẽ tin rằng, những cộng đồng nhập cư, cộng đồng thiểu số lấy mất công việc của họ, vì thế những tuyên bố phân biệt chủng tộc của ông Trump không hẳn là không có tác dụng.

Chuyện hăng hái đi bầu đóng vai trò rất lớn ở Mỹ.

Nước Mỹ không phạt vạ những người không đi bầu, mà cử tri thường có hai khuynh hướng, hoặc Dân chủ, hoặc Cộng hòa, thành ra phe nào hăng hái ra phòng phiếu thì cơ may người của phe đó thắng cử sẽ lớn.

Thế cho nên, từ một góc nào đó, kết quả bầu cử lại tùy thuộc vào những người chán nản ở nhà không thèm đi bầu, hoặc chỉ đơn giản là lười biếng, vì không thấy quan trọng. Người ta cho rằng, hồi 2016, có rất nhiều cử tri đảng Dân chủ không đi bầu, vì không thích bà Clinton.

Cũng có những phân tích nói rằng, chiến thuật dùng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc coi chừng sẽ có tác dụng ngược, có hại cho ông Trump.

Các phân tích này nói rằng, những lời lẽ kỳ thị chủng tộc của ông Trump sẽ kích thích cử tri đảng Dân chủ, những người ghét ông, sẽ hăng hái đi bầu. Ngay cả thượng nghị sĩ Ted Cruz của đảng Cộng hòa cũng nhận định như thế. Hồi bầu giữa kỳ năm ngoái, ông Cruz xém thua ông Beto tại bang Texas, một bang vốn có truyền thống bảo thủ Cộng hòa. Lý do là vì các cử tri Dân chủ đi bầu đông hơn mọi khi, vì ghét ông Trump.

Hai giáo sư tại đại học Cornell phân tích các số liệu thống kê gần đây về những cử tri độc lập, không thuộc đảng nào, thì thấy rằng những lời lẽ phân biệt chủng tộc của ông Trump sẽ làm cho họ không ủng hộ ông ta nữa, mặc dù nền kinh tế vẫn đang mạnh.

Một ông giáo khác ở đại học Tuft thì nói: những lời nói phân biệt chủng tộc của ông Trump có thể làm nhóm cử tri ruột của ông hứng chí đi bầu, nhưng nó cũng có thể thúc đẩy những người ghét ông đi bầu còn đông hơn nữa.

Kết quả bầu cử 2020 có phần chắc sẽ vẫn là:

Các tiểu bang hai bờ biển bầu cho đảng Dân chủ.

Các tiểu bang ở giữa và Texas bầu cho đảng Cộng hòa.

Số đại cử tri hai vùng này ngang ngửa nhau, thành ra ba tiểu bang vùng Rust Belt gồm Wisconsin, Pennsylvania, Michigan sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng, tại đây phe nào đi bầu đông thì phe đó thắng.






No comments: