Monday, July 22, 2019

BẢN TIN NGÀY 22-07-2019 (Báo Tiếng Dân)




22/07/2019

Tin Biển Đông

Ông Ryan Martinson, trợ lý giáo sư của Trường Cao đẳng Hải Chiến Hoa Kỳ, một trong những người lên tiếng cảnh báo sớm nhất vụ Trung Quốc đưa tàu có vũ trang vào quấy phá Bãi Tư Chính, hiện vẫn đang cập nhật tình hình khu vực này trên trang Twitter của mình. Theo thông tin do ông Martinson cung cấp tối 21/7/2019 (giờ VN), có 2 chi tiết đáng lưu ý:

1. Dù phía Việt Nam đã phản đối công khai, phía Trung Quốc không những không rút các tàu có vũ trang trong khu vực Bãi Tư Chính, mà còn bổ sung thêm tàu tuần duyên số hiệu 3402, nặng 4000 tấn. Ông Martinson viết nguyên văn“Add the 4,000 ton China Coast Guard cutter 3402 to the list of ships threatening Vietnam’s drilling operations west of Vanguard Bank”. Tạm dịch: Thêm tàu tuần duyên 4.000 tấn, số hiệu 3402 vào danh sách các tàu đe dọa hoạt động khoan dầu của Việt Nam ở phía tây Bãi Tư Chính.

Ảnh chụp tàu tuần duyên Trung Quốc số hiệu 3402. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Mũi tên trắng là vị trí của tàu tuần duyên 3402, mũi tên xanh dương chỉ vị trí của tàu cảnh sát biển có vũ khí hạng nặng, số hiệu 35111 (được triển khai đến đây từ ngày 18/6/2019 để quấy phá giàn khoan Hakuryu-5 của liên doanh PVN-Rosneft). Còn Sea Meadow 29 đang phục vụ giàn khoan Hakuryu-5 tại lô 06-01, ở phía tây bắc Bãi Tư Chính. Nguồn: Twitter Ryan Martison

2. Tàu Hải Dương Địa Chất 8, con tàu thăm dò của Trung Quốc bắt đầu tiến vào khu vực Bãi Tư Chính từ ngày 3/7/2019 trên danh nghĩa “thăm dò địa chất”, hiện vẫn đang hoạt động tại khu vực này. Ông Martinson cung cấp hình ảnh cho thấy hoạt động của con tàu trong các ngày 20 và 21/7:

Đường đi của tàu Hải Dương Địa Chất 8 ngày 20, 21/7. Nguồn: Twitter Ryan Martinson

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy có bài: Việt Nam có thể làm gì tại Biển Đông? Bài báo cung cấp một số thông tin về tàu cảnh sát biển 35111 của Trung Quốc và Sea Meadow 29. Theo ông Dy, vụ căng thẳng kéo dài hơn một tháng qua ở khu vực Bãi Tư Chính chỉ là bước tiếp theo trong chuỗi quấy phá hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở phía nam Biển Đông, Trong năm 2018, Trung Quốc đã từng gây rối ở các lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ).

Về các giải pháp khả dĩ của Việt Nam, ông Dy cho rằng Việt Nam nên tranh thủ lúc này củng cố quan hệ với Mỹ, châu Âu và nhóm “tứ giác kim cương”, đồng thời loại trừ dần ảnh hưởng của Trung Quốc trong nội bộ Việt Nam, bắt đầu từ các doanh nghiệp lâu nay biến Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.

***
Hơn một tháng sau khi Trung Quốc huy động các tàu có vũ trang đến quấy phá khu vực Bãi Tư Chính, các báo “lề đảng” cuối cùng cũng được “cởi trói” để đồng loạt viết bài về tình hình Biển Đông. Đáng lưu ý, nhiều báo dẫn lời quan chức cấp cao hoặc chuyên gia Mỹ lên tiếng phê phán mạnh mẽ hành động vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc.

VTC dẫn lời Người phát ngôn Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ: Trung Quốc dừng ngay các hành động khiêu khích, bắt nạt ở Biển Đông. Trong tuyên bố ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt, kiềm chế các hành động khiêu khích và gây bất ổn khu vực”. Theo bà Ortagus, Mỹ “phản đối các hành vi ép buộc và đe dọa bởi bất cứ bên nào có dã tâm với các yêu sách lãnh thổ hoặc lãnh hải của mình”.

Báo Thanh Niên dẫn lời Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton: “Trung Quốc cưỡng ép láng giềng, đe dọa hòa bình và an ninh”. Ông Bolton bình luận: “Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nền tảng cho tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều được Mỹ và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chia sẻ. Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các láng giềng Đông Nam Á là không có tính xây dựng và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”.

Báo Tiền Phong có bài phỏng vấn Chuyên gia Carlyle Thayer: Trung Quốc không được tự ý khảo sát trong vùng biển Việt Nam. Về mục đích của Trung Quốc khi quấy phá Bãi Tư Chính, ông Thayer cho rằng, Trung Quốc muốn hoàn tất COC với những điều khoản có lợi cho họ, như loại bỏ “các nước bên ngoài” ra khỏi hoạt động thăm dò dầu khí, diễn tập quân sự ở biển Đông. “COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ đóng vai trò nền tảng pháp lý chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của các siêu cường bên ngoài khu vực”.

Zing dẫn lời GS James Kraska tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton Center thuộc trường Cao đẳng Hải chiến Mỹ: “Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là không thể chấp nhận được”. Vụ tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông, GS Kraska cho rằng: “Đây là sự vi phạm rõ ràng đối với điều 56 của UNCLOS”.

Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc AMTI thuộc Trung tâm CSIS của Mỹ, nhận định: “Trung Quốc không muốn các nước láng giềng tham gia vào các hoạt động dầu khí mới, nhưng cùng lúc lại sẵn sàng triển khai các hoạt động của riêng họ ở bất cứ nơi nào họ muốn”.

TS Trần Công Trục có bài: Vạch trần luận điệu ngụy biện của Trung Quốc. Bài viết lưu ý vụ phía Trung Quốc cho rằng tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của họ chỉ đang hoạt động trong phạm vi vùng biển “quần đảo Nam Sa” (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa). Theo ông Trục, kể cả khi ngụy biện như vậy thì Trung Quốc vẫn sai, vì:

“Khu vực phía nam Biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa VN công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, là phần nối dài của thềm lục địa VN… không thuộc quần đảo Trường Sa và càng không phải vùng tranh chấp”, nghĩa là Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải VN.

VietNamNet có bài: Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyên gia Nguyễn Trường Giang, cựu Đại sứ Việt Nam tại Brunei chỉ ra: Muốn thành bá chủ toàn cầu, Trung Quốc phải trở thành cường quốc trên biển. Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông, vùng biển mà xung quanh đó toàn các quốc gia nhỏ bé. Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trong cái nhìn đại chiến lược của người Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích sống còn”.

Facebooker Dương Quốc Chính thắc mắc, dù đã được mở miệng, nhưng vẫn chưa thấy các dư luận viên cùng đoàn kết với “phản động” chống Tàu. Ông Chính viết: “Đừng coi thường chuyện này, khả năng định hướng lòng dân là tối quan trọng với sự an nguy của chế độ. Chẳng hạn, lúc chế độ lung lay, thì ta chỉ việc nổ súng bắn bọn Tàu, hoặc 2 đảng bảo nhau diễn trò ngoài biển, cho phun nước, bắn chỉ thiên tán loạn lên. Thế là anh em trong nước lại 1 lòng theo đảng chống ngoại xâm, thành lập mặt trận Việt Minh cứu nước“.



Võ Văn Thưởng thăm Tàu trong lúc Tàu xâm phạm chủ quyền VN

Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc hội thảo lý luận lần thứ XV, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Sáng 21/7, tại thành phố Quý Dương, Tây Nam Trung Quốc, hội thảo này đã khai mạc với chủ đề “Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa XHCN”. Đoàn đại biểu Đảng CSVN do ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, làm Trưởng đoàn đã được ông Hoàng Khôn Minh, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương TQ, đón tiếp.

Trong tình hình diễn biến xung quanh khu vực Bãi Tư Chính ngày càng căng thẳng, VN đã lên tiếng phản đối công khai, lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nhưng Trung Quốc vẫn không ngừng các hoạt động quấy phá, ông Thưởng nghĩ gì về chủ quyền đất nước bị xâm phạm, khi đi dự cái hội nghị “lý luận” này?

Võ Văn Thưởng và Hoàng Khôn Minh (phải), Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ. Ảnh: TTXVN


“Cánh chim đầu đàn” của ngành thép VN nợ nần

Tình hình Công ty gang thép Thái Nguyên: Lợi nhuận, doanh thu cùng lao dốc, theo VTC. Cụ thể, Công ty TISCO vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với kết quả thiếu khả quan, lãi hợp nhất sau thuế của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 37,5 tỷ đồng, giảm 10,4% so cùng kỳ 2018. “Đây có thể coi là mức lợi nhuận khiêm tốn với doanh nghiệp từng là ‘cánh chim đầu đàn’ của ngành thép, hiện có tổng tài sản hơn 10.209 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 1.896 tỷ đồng”.

Bài báo lưu ý, TISCO “vốn là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam nhưng nay đang sa sút nghiêm trọng”. Lãnh đạo công ty này thừa nhận, “nợ phải trả quá nhiều, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu vốn của Tisco không an toàn. Ngoài ra, khả năng thanh toán của công ty hiện là 0,7 lần, doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ đến hạn”.

Tình thế ảm đạm như vậy nhưng Công ty Gang thép Thái Nguyên vẫn phải trả tiền cho tổng thầu TQ, báo Đất Việt đưa tin. Tính đến ngày 30/6/2019, số tiền mà “cánh chim đầu đàn” của ngành thép VN “phải trả cho Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) là gần 123 tỷ đồng; Công ty CP LILAMA 45.3 là 34,4 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và thương mại tổng hợp Quang Minh 23,8 tỷ đồng”.


Vụ xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch: Nhật bị cha con ông Chung phá?!

Vụ Nhật Bản tài trợ miễn phí, thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor, nhưng đã bị Hà Nội phá khi cho Công ty Thoát nước Hà Nội xả 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây vào, cuốn trôi toàn bộ công sức của các chuyên gia Nhật Bản bỏ ra suốt hai tháng trời.

Theo nhà báo Trương Châu Hữu Danh tiết lộ trong bài viết Con ông Chung “khởi nghiệp”, đăng trên báo Doanh nhân và Xã hội, hiện không thể truy cập được, rằng trước đó, Hà Nội đang làm sạch sông hồ bằng “công nghệ” hóa chất RedOxy-3C, hóa chất này được Hà Nội mua “độc quyền” ở Công ty TNHH Arktic, với giá khoảng 158 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty TNHH Arktic là Nguyễn Đức Hạnh, là con trai của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Theo bài báo, chuyện các chuyên gia Nhật tài trợ miễn phí để làm sạch sông Tô Lịch, đã “đập bể nồi cơm” của con trai ông Chung. Đó là lý do ông cho Công ty Thoát nước Hà Nội xả 1,5 triệu m3 nước Hồ Tây, phá hoại vụ xử lý miễn phí ô nhiễm sông Tô Lịch của các chuyên gia Nhật Bản.


Đám cưới xa hoa của con bà nghị Hồ Thị Cẩm Đào

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiệc cưới cho con 3 ngày liền, Zing đưa tin. Chiều 21/7, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tổ chức tiệc cưới cho con trai tại nhà hàng Hải Tượng. Đại diện nhà hàng này xác nhận, bà Đào đặt 80 bàn tiệc với giá trên 2 triệu  đồng mỗi bàn, vợ chồng bà Đào còn mở 3 tiệc rượu khác từ chiều ngày 19 đến trưa 21/7.

Bà nghị Hồ Thị Cẩm Đào. Ảnh trên mạng

Theo bài báo, chiều 20/7, “tại chốt đèn đỏ cách đường vào nhà bà Đào (khu dân cư Đại Thành) khoảng 200 m có 2 xe biển số xanh đậu chờ rước cán bộ dự tiệc cưới là 66A-0637 (tỉnh Đồng Tháp) và 94A-002.27 (Bạc Liêu)”. Lúc đó, tại bãi đậu xe đã có 2 xe biển số xanh của tỉnh Sóc Trăng là 83D-0484 và 83D-0366. Đến tối cùng ngày, có thêm một số xe biển số xanh như 65E-6868 (Cần Thơ), 71D-0748 (Bến Tre).


Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng đang xác minh xe biển xanh dự đám cưới con Trưởng đoàn ĐBQH Sóc Trăng, VietNamNet đưa tin. Tối 21/7, Trưởng ban Trần Ngọc Tuấn cho biết, sẽ yêu cầu các phòng chức năng nắm thông tin liên quan đến đám cưới con trai của bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, nhất là thông tin “phản ánh bà Đào tổ chức đám cưới cho con trai rình rang 3 ngày liền và xe biển xanh của tỉnh chở người đi đám cưới này”.


“Công bộc” của dân?

Báo Pháp Luật Plus đưa tin: Con trai nguyên cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bị tố có dấu hiệu lừa đảo hàng chục tỷ đồng. Bà Phạm Thu Ngân, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội phản ánh, khoảng tháng 2/2014, bà được giới thiệu quen biết với con trai một cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tên V. Người này nói rằng, hiện có một khu đất ở Nha Trang cần người hợp tác đầu tư, có thể giúp bà mua khu đất trên với giá khoảng 16 tỷ.

Theo hồ sơ bà ngân cung cấp và các biên lai ủy nhiệm chi từ ngân hàng, “từ năm 2014 đến năm 2016, bà Ngân đã thực hiện chuyển cho V tổng số tiền 14,2 tỷ đồng với nội dung để thực hiện làm dự án tại TP Nha Trang trên”, nhưng bà không nhận được đất.

Đại úy biên phòng quan hệ bất chính làm nữ giáo viên mang thai, theo báo Pháp Luật VN. Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo vừa ký quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo, cách hết chức vụ đối với Đại úy Nguyễn Sinh H, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo. Đồn biên phòng này thừa nhận, ông H quen cô giáo T.T.B và có quan hệ bất chính với cô B trong khi ông H đã có gia đình, vợ con.

Đại diện đồn biên phòng nói trên cho biết: “Sai phạm của đồng chí Nguyễn S.H. đã vi phạm Khoản 1, điều 19, Luật Hôn nhân gia đình; vi phạm điều 17, Quy định số 47/QĐ-TW, ngày 01/11/2011 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI, những điều đảng viên không được làm, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của lực lượng của đơn vị”.

Zing có bài: Nghi án cán bộ huyện ở Đồng Nai tiếp tay giang hồ chiếm đất dân. Ngày 20/7, Công an huyện Trảng Bom xác nhận đã khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Đình Ngọc, ngụ phường Tân Biên, TP Biên Hòa, về hành vi Hủy hoại tài sản. Trước đó, Ngọc đã gọi điện cho một nhóm giang hồ đến chặt phá và đốt cây tràm của một hộ dân trong vùng. Khi cơ quan chức năng xuất hiện thì Nguyễn Minh Đ, cán bộ huyện Trảng Bom “đến và có hành vi cản trở”.

Nguyễn Đình Ngọc khai nhận, có quan hệ quen biết với Nguyễn Minh Đ, cán bộ đất đai của huyện Trảng Bom. “Qua vị cán bộ này, Ngọc biết được đất của bà Dân chưa được cấp sổ nên nhờ hướng dẫn cách làm giấy tờ để đứng ra tranh chấp, khởi kiện bà Dân”.


“Dự án ma” của Alibaba

VOV đưa tin: Ngày mai, Vũng Tàu sẽ cưỡng chế tiếp công trình sai phạm của Alibaba. UBND thị xã Phú Mỹ sẽ tiếp tục cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả với công trình sai phạm trên đất nông nghiệp ở các “thửa đất số 10, 11, 12, 15, 17, 22, 23, 31, 32, 33, 43, 166, 173, 175, tờ bản đồ số 19 và thửa đất số 294 thuộc tờ bản đồ số 10 tọa lạc tại thôn Tân Tiến, xã Châu Pha”.

Thời gian thực hiện cưỡng chế từ lúc 7 giờ 30 phút ngày 22/7 cho đến khi thực hiện xong việc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Đây là khu đất do ông Nguyễn Ngọc Sự đứng tên sở hữu, đều là đất nông nghiệp “nhưng ông Sự đã tự ý chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan chức năng địa phương cho phép”.


***




No comments: