Thứ Sáu, 07/26/2019 - 11:48 — nguyenanhtuan
Trong bối cảnh hội nhập hôm nay, bất luận tình hình
chính trị có biến chuyển thế nào thì hướng phát triển của Việt Nam vẫn là hướng
biển, tức hướng Đông. Ngay cả Chiến lược Kinh tế Biển của Đảng Cộng sản Việt
Nam cũng đã xác định tới năm 2020 kinh tế biển sẽ góp hơn 50% GDP cả nước, và
con số này còn tăng lên nữa theo thời gian.
Trong khi đó, hướng bành trướng chính của Trung Quốc,
ngày nào nó còn là một đế chế như hiện nay, vẫn luôn là hướng Nam, nhằm khống
chế tuyến giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất đi qua nơi đây.
Biển Đông, như góc ngã ba đường, trở thành điểm đụng
nhau giữa "hướng phát triển của Việt Nam" và "hướng bành trướng
của Trung Quốc", nên xung đột là không thể tránh khỏi, chỉ chưa biết khi
nào và mức độ ra sao.
Những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc và Việt Nam ý
thức rõ điều này, nhưng đều cố tình trì hoãn xung đột vì những toan tính của mỗi
bên.
Lãnh đạo Trung Cộng hiểu rõ xung đột sẽ đẩy Việt Nam
gần với phương Tây hơn - một điều mà họ không hề mong muốn, vì:
(1) Sẽ khiến họ mất đi một đàn em ý thức hệ và làm họ
trở nên cô độc hơn trong mô hình phát triển của mình;
(2) Tạo ra một đồng minh của Mỹ và Tây phương ngay
vùng phên giậu.
Họ thích kịch bản một Việt Nam thần phục không tiếng
súng hơn. Nhưng vấn đề là Bắc Kinh không tin Hà Nội, vì nếu như trong thời chiến
trước đây họ là nhà tài trợ chính cho Hà Nội thì nay Hà Nội có thể tự sống bằng
nguồn thu nội địa, không còn quá nhiều lý do để thần phục họ nữa. Bởi vậy,
trong ngắn hạn có thể họ chấp nhận tình trạng quy phục giả hiện nay, nhưng
trong dài hạn, để nắm phần chắc trong tay, họ phải xuống tay. Đó là còn chưa kể
đến nhu cầu của Bắc Kinh đưa xung đột ra ngoài biên giới mỗi khi nội trị rối
ren, kèm thúc bách của Giải phóng Quân Trung Quốc phải nâng cao kinh nghiệm tác
chiến của không quân và hải quân hòng chuẩn bị cho những cuộc đụng độ lớn hơn với
những đối thủ mạnh hơn sau này - tất cả sẽ còn đặt toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam
vào thế chỉ mành treo chuông trong một thời gian dài nữa.
*
*
Thứ Sáu, 07/26/2019 - 11:48 — nguyenanhtuan
Phía lãnh đạo cộng sản Việt Nam, vốn dĩ xây dựng tính
chính danh dựa trên thành tích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phái sinh của nó là
một thứ chủ nghĩa dân tộc bài Tàu thường xuyên được mài dũa, lại đang rơi vào
thế tiến thoái lưỡng nan nguy ngập hơn. Vừa phải tỏ vẻ thần phục Trung Cộng để
mua thời gian, vừa phải tìm mọi cách chứng tỏ với quốc dân rằng sự thần phục đấy
chỉ là hình thức, là chiến thuật ngoại giao khôn khéo để cho thấy là họ vẫn xứng
đáng nắm quyền. Họ kỳ thực rất sợ kịch bản mất đảo, bởi nó sẽ khiến:
(1) Quét sạch tính chính danh cầm quyền của họ chính
trên nền tảng mà họ xây dựng; con dao chủ nghĩa dân tộc bài Tàu mà họ mài dũa
lâu nay rất có thể sẽ "cắt" họ bằng cái lưỡi thứ hai của nó;
(2) Không để cho họ lựa chọn nào ngoài việc phải sát
lại với Mỹ và Tây phương và chịu mọi áp lực cải cách chính trị từ đó - đồng
nghĩa với việc quyền lực độc tôn của họ sẽ bị đe dọa;
Tình thế lưỡng nan này giải thích cho thái độ bất nhất
thể hiện qua cả phát ngôn lẫn hành động của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam:
Khi thì cho phép biểu tình, khi thì ngăn cấm, lúc thì phê phán tình "hữu
nghị viển vông", lúc thì ca ngợi "4 tốt, 16 chữ vàng". Tất cả những
sự bất nhất này thể hiện sự lúng túng của những người lãnh đạo mang tư duy nhiệm
kỳ, chỉ nhằm mục đích mua thêm thời gian, trì hoãn một cuộc xung đột không sớm
thì muộn sẽ đến. Họ chỉ mong cuộc xung đột ấy không đến trong nhiệm kỳ của
mình, để trốn tránh trách nhiệm với quốc gia, với lịch sử.
Việt Nam cần một thái độ khác. Một thái độ dám nhìn
thấy "cơ" (cơ hội) trong "nguy cơ" hiển hiện ở Biển Đông. Một
thái độ của Minh Trị và quốc dân Nhật Bản bừng tỉnh trước loạt đại bác từ tàu Mỹ;
hay của Tưởng Kinh Quốc, Lý Đăng Huy và quốc dân Đài Loan trước dàn tên lửa Đại
lục ngay bờ bên kia eo biển, nhất quyết tận dụng tình thế cạnh tranh giữa các
siêu cường để thu nhận hỗ trợ từ các bên nhằm cải cách sâu rộng quốc gia, đứng
về phía văn minh, phía hiện đại nhất của nhân loại. Khe cửa tuy hẹp nhưng là
duy nhất, cần những nhà lãnh đạo dám sống dám chết đi đến cùng nhằm tìm lối
thoát cho quốc gia trong một tình thế nguy ngập.
Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội
nhiều năm qua, khi Mỹ lãnh đạo Tây phương xoay trục về châu Á, chỉ vì luyến tiếc
thứ quyền lực độc tôn cho cá nhân họ và gia đình. Nếu tiếp tục những giải pháp
tình thế nhằm kéo dài thời gian như lâu nay, mà không có bất kỳ ý hướng cải
cách sâu rộng quốc gia nào, họ chỉ có thể chuốc lấy thất bại nhục nhã và ghi
tên mình trên những dòng ô danh của lịch sử nước nhà.
No comments:
Post a Comment