Wednesday, July 31, 2019

NHUỘM ĐỎ NĂM CHÂU (Y Chan - Luật Khoa)




27/07/2019

Vào đầu thế kỷ 20, thuật ngữ “phòng lab cho dân chủ” (laboratories of democracy) bắt đầu trở nên thịnh hành ở Mỹ. 
Khái niệm này được Louis Brandeis, thẩm phán Tòa án Tối cao vào thời điểm đó, đưa ra trong một phán quyết để bảo vệ quyền của mỗi bang được tự do thử nghiệm các chính sách, phương pháp điều hành quản lý riêng, ngay cả khi chính phủ liên bang chưa chấp thuận (như việc công nhận hôn nhân đồng tính), hay thậm chí những thử nghiệm đó trái với luật của liên bang (như việc hợp pháp hóa cần sa/ marijuana).
Việc xem các bang là những “phòng thí nghiệm” là một minh chứng cho tinh thần tự do, khoáng đạt và cả đầu óc thực tế của người Mỹ.
Họ biết dân chủ không phải là một thứ chỉ nằm ì trong sách vở, và đặc biệt, nó không phải là thứ mà bất kỳ cá nhân thần thánh hay tổ chức vĩ đại nào có thể độc quyền định đoạt.
Có điều không phải ai thích thí nghiệm cũng tôn trọng dân chủ như vậy.
Ngược lại, có những người tìm mọi cách thí nghiệm để phá hoại nó.
Đài Loan là một trường hợp điển hình. Hay nói chính xác hơn, những chiếc móng tay dài ngoằng của chính quyền cộng sản Trung Quốc (TQ) đã và đang cố sức biến đảo quốc này thành một phòng lab, thử nghiệm những chiêu thức phá hoại hệ thống và cả tinh thần dân chủ của người dân nơi đây.
Mà phòng lab tất nhiên không phải là đích đến cuối cùng. 
Từ những thí nghiệm (phần nào thành công) ở Đài Loan, móng vuốt của Bắc Kinh đã và đang cào cấu lên gần như khắp các thực thể dân chủ trên thế giới.


*
*
28/07/2019

Đài Loan cho dù là “lợi ích cốt lõi nhất”, nhưng trong chiến dịch tuyên truyền gây ảnh hưởng của mình, đối với Trung Quốc (TQ), đảo quốc nhỏ bé này chỉ là một phòng thí nghiệm.
Từ những bài học kinh nghiệm có được ở Đài Loan, Bắc Kinh không ngừng vươn vòi ra những thực thể dân chủ khác, tìm cách khuấy đảo và dựng bàn đạp chiến lược.
Úc là mảnh đất rộng lớn màu mỡ cho mục đích đó.
Với hơn một triệu công dân gốc Hoa, đây là một trong những quốc gia phương Tây có số lượng người gốc Hoa đông nhất.
TQ lại là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Khoảng 1/3 lượng hàng xuất khẩu của Úc được đưa đến TQ. Trong năm 2017-18, tổng giá trị xuất nhập khẩu hai chiều của hai nước đạt gần 200 tỷ USD, nhiều hơn cả giá trị giao thương giữa Úc và Nhật Bản cùng Mỹ cộng lại (gần 150 tỷ USD). 
Giống như Đài Loan, Úc cũng ở vào tình trạng mà mức độ phụ thuộc kinh tế vào TQ khiến nhiều người lo lắng, và lác đác luôn có những thông tin cảnh báo về các ảnh hưởng tiêu cực này.
Các tờ báo tiếng Trung phục vụ cho cộng đồng dân cư gốc Hoa ở đây, theo như đánh giá của nhà nghiên cứu He Qinglian (Hà Thanh Liên), hầu hết đều phụ thuộc vào nguồn tài trợ của chính quyền Bắc Kinh, tương tự với “số phận” của rất nhiều kênh truyền thông Đài Loan.


*
*
29/07/2019

Vào năm 2011, khi Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency) thuê một slot quảng cáo lớn ở Quảng trường Thời đại (Times Square) tại New York, một trong những khu vực đặt quảng cáo đắt nhất hành tinh, và ký hợp đồng thuê 20 năm cho tầng trên cùng của một tòa nhà chọc trời ở Broadway để làm trụ sở mới của họ tại Mỹ, nhiều người đã nghĩ, “cuối cùng người Trung Quốc cũng xuất hiện”.
Nếu chỉ nhìn trên bề mặt, đúng là thời điểm đó bộ máy truyền thông khổng lồ, hay “đại ngoại tuyên” (大外宣) như cách gọi của chính quyền TQ, mới xuất hiện ở nơi được xem là trung tâm, biểu tượng của thế giới tự do.
Giống như một trận đấu cờ tướng, cuối cùng họ cũng kéo quân sang bên kia sông.
Nhưng chính quyền Bắc Kinh không chơi cờ tướng. Họ chơi cờ vây.
Đa phần các học giả nghiên cứu đều khẳng định cờ tướng, dù có tên gọi là “Chinese chess” (cờ Trung Quốc), giống như cờ vua, đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. 
Cờ vây (Go) mới được xem là có nguồn gốc từ TQ.
Trong cờ tướng (và cờ vua), việc bày binh bố trận khá trực diện, chỉ sau vài nước là có thể bắt đầu tấn công quân tướng (vua) để định thắng thua. Trên bàn cờ vây, chỉ có một loại quân cờ, và mục đích cuối cùng không phải là tấn công tiêu diệt đối thủ. 
Các quân cờ vây được đặt để thâm nhập và chiếm giữ.
Chỉ nhìn vào một góc trên bàn cờ vây, người ta sẽ không biết được dụng ý của quân cờ. Chỉ khi nhìn toàn bộ bàn cờ rộng lớn mới thấy được các bước đi, từng quân cờ tại từng vị trí với ý nghĩa của nó. Và một khi các quân cờ đã được bố trí đúng lúc đúng chỗ, trận chiến thực sự mới bắt đầu.
Các ván cờ vây vì vậy thường dài hơn nhiều những ván cờ tướng, cờ vua.
Ván cờ thâm nhập của TQ cũng là câu chuyện (sẽ còn) trường kỳ.
Vào cuối tháng 10/2018, một báo cáo dày công từ các chuyên gia hàng đầu của Mỹ về TQ tại Viện Hoover đã vẽ ra một bức tranh, vừa chi tiết vừa tổng thể, về các hoạt động thâm nhập và gây ảnh hưởng của TQ tại Mỹ trong suốt nhiều thập niên qua.
Các dấu chân, hay quân cờ, của TQ xuất hiện ở khắp ngóc ngách tại đất nước (được nhiều người xem là) tự do nhất thế giới. 
Họ có các mối quan hệ mật thiết và kín đáo với những quan chức liên bang, với các nghị sĩ quốc hội. Họ thiết lập quan hệ và thỏa thuận riêng với nhiều bang, nhiều thành phố. Họ dùng các tổ chức “mặt trận” tìm cách kiểm soát cộng đồng người gốc Hoa. Họ giám sát nhất cử nhất động của các sinh viên TQ. Họ dùng tiền thu phục những nhóm nghiên cứu (think tank) để tạo ảnh hưởng đến cộng đồng. Họ bước vào trận chiến thông tin từ khắp ngả, vỗ thẳng mặt, đánh từ bên hông, và âm thầm úp từ phía sau. Họ gây áp lực, biến các doanh nghiệp thành đồng minh, thậm chí là công cụ. Và họ đánh cắp tất cả những phát minh sáng tạo nào mà không thể mua được bằng tiền.


*
*
30/07/2019
Nếu sức mạnh mềm phiên bản làm mòn của Trung Quốc (TQ) không nhận được bao nhiêu phản ứng tích cực từ các nước phương Tây, thì ở nhiều “mặt trận” khác trên thế giới, từ châu Phi, châu Á đến Mỹ Latin, và đối với nhiều tổ chức cá nhân, sức hút của nó là không thể xem thường.
Có thể thấy điều này qua khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew với người dân tại 38 quốc gia trên thế giới. Trong gần 10 năm kể từ 2009 đến 2017, ấn tượng chung của họ đối với TQ không mấy thay đổi, khoảng 50% có cái nhìn tích cực. 
Nhưng bức tranh lại khác nếu chỉ xem xét riêng số liệu tại những nước đang phát triển. Khảo sát vào năm 2016 nhắm vào giới trẻ ở 18 nước châu Phi chỉ ra rằng, trong số những người đã xem kênh CGTN của Trung Quốc, 63% thích các nội dung của kênh này, chỉ 13% có ấn tượng xấu với nó.
Chiến lược đặt quân trên khắp bàn cờ này của TQ rõ ràng không phải chỉ là trò ném tiền qua cửa sổ.








No comments: