Thursday, July 25, 2019

TRANH CÃI TƯ BẢN & XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở MỸ LÀ VÔ ÍCH THÔI (Noah Smith - Bloomberg)




Jackhammer Nguyễn dịch
25/07/2019

Lời dịch giả: Trong các cuộc tranh luận chính trị ở Mỹ suốt hai năm qua, người ta lại nghe nói đến chủ nghĩa xã hội, và đó thường là cái nhãn mà các chính trị gia đảng Cộng hòa dán cho đối thủ của mình thuộc đảng Dân chủ, nhất là đối với các nghị sĩ trẻ tuổi, có những ý tưởng cấp tiến.

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Phó Giáo sư Noah Smith, một cây bút của báo Bloomberg, chuyên về kinh tế, tài chính của Mỹ. Phân tích của Noah Smith cho thấy rằng, thực tế không đơn giản như các chính trị gia dán nhãn cho nhau. Ông Noah cho rằng, tất cả các quốc gia đều pha trộn hai mô hình tư bản và xã hội với nhau và nước Mỹ cũng không phải là kẻ dẫn đầu những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường tự do như nhiều người lầm tưởng.

Ảnh: Tượng Karl Marx – Không còn sử dụng nữa rồi. Nguồn: Uwe Meinhold / DDP / Getty Images

                                                        ***

Lại một lần nữa người Mỹ cãi nhau về mô hình kinh tế của mình. Hồi kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016, ông Bernie Sanders làm dấy lên cuộc tranh luận về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Ông Bernie là người tự nhận mình là người mang khuynh hướng chính trị kiểu xã hội. Còn Xã hội chủ nghĩa thì người ta tưởng đâu nó đã chết cùng với mồ ma Liên Xô cũ rồi. Thế mà giới trẻ Mỹ đang chia rẽ nhau về những cái từ ngữ rối rắm chủ nghĩa tư bản với lại chủ nghĩa xã hội.

Cuộc tranh luận về ý nghĩa của những từ ngữ đó đang dẫn người ta vô một sự rắc rối, không biết đường đâu mà lần.

Nhà nước Liên Xô, mô hình đối lập một cách chính thức với chủ nghĩa tư bản lại không còn nữa, thành ra hai phe cứ lấy những cái mô hình nào giúp cho lý lẽ của mình thì đưa ra.

Phe xiển dương chủ nghĩa tư bản thì nói, đó Liên Xô, Trung Quốc (trước 1979), Bắc Hàn, rồi Venezuela, toàn xã hội chủ nghĩa đó, có ra cái gì đâu.

Phe bên kia thì thường hay lấy sự thành công của các quốc gia Bắc Âu để chứng minh cho quan điểm của mình.

Ông Bernie Sanders hay lấy trường hợp Đan Mạch, đôi khi Thụy Điển, đưa ra làm mô hình mà ông muốn xây dựng ở Mỹ. Một số người khác thì đưa ra trường hợp Na Uy. Trớ trêu là những người Mỹ xã hội này đôi khi lại bị chính người của các quốc gia Bắc Âu phản bác lại.
Hồi năm 2015, ông Lars Rasmussen, Thủ tướng Đan Mạch tuyên bố rất rõ ràng rằng, Đan Mạch là một quốc gia có nền kinh tế thị trường chứ không phải xã hội chủ nghĩa.

Vậy ông Bernie hay ông Lars đúng? Các quốc gia Bắc Âu là tư bản hay xã hội chủ nghĩa?

Sự thật là thế này: Chúng ta chưa bao giờ có những định nghĩa rõ ràng, đơn giản về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Thực tế là một mớ phức tạp hơn nhiều. Các chính phủ có muôn vàn cách khác nhau để can thiệp vào thị trường (tự do).

Thị trường không bao giờ hoàn hảo, sản phẩm của thị trường thường bất bình đẳng, chúng là kết quả của muôn vàn việc vận hành không có hiệu quả. Chính phủ có thể điều chỉnh bằng nhiều cách khác nhau.

Chính phủ có thể cung cấp trực tiếp các dịch vụ, chẳng hạn như Sở Y tế Quốc gia của nước Anh. Chính phủ có thể làm chủ các công ty, ví dụ như các công ty nhà nước bên Trung Quốc. Chính phủ có thể đưa ra luật lệ để hạn chế, hoặc là thúc đẩy những dạng nào đó, hoạt động nào đó của thị trường. Chính phủ có thể cấm hay là thúc đẩy các định chế như là nghiệp đoàn, mà các nghiệp đoàn là đối nghịch của giới chủ. Chính phủ có thể dùng thuế hay sự chi tiêu để điều chỉnh thu nhập và của cải trong xã hội.

Nhưng không phải các chính phủ làm tất cả những điều đó. Bên Bắc Âu người ta thấy nhiều chính phủ cung cấp các dịch vụ, điều phối của cải, công đoàn ở những nước này rất mạnh. Nhưng ngược lại, họ lại có ít luật và qui định.

Theo báo cáo gần đây của công ty quản lý tài sản J.P. Morgan, cho thấy, ở Bắc Âu (bao gồm cả Hà Lan) họ có ít sự kiểm soát vốn cũng như là rào cản thương mại hơn là bên Mỹ. Các chỉ số về quyền tài sản và tự do kinh doanh của họ đều cao hơn Mỹ.

Vấn đề lao động lại khác. Bên Bắc Âu người chủ khó đuổi việc công nhân như bên Mỹ. Nghiệp đoàn và các khế ước tập thể ở Bắc Âu cũng mạnh hơn. Và điều thú vị là báo cáo của J.P. Morgan cho thấy, người lao động ở Bắc Âu chia phần ít hơn lao động ở Mỹ trong khối của cải quốc gia. Điều đó có nghĩa là chính sách thân thiện với doanh nghiệp của những nước này lấn át đi chính sách nghiệp đoàn mạnh cũng của chính những nước này, nhất là khi chỉ tính bằng tiền thôi.

Nhưng những nước Bắc Âu này lại đánh thuế cao, và chi tiêu nhiều hơn cho những dịch vụ xã hội.

Một số nhà kinh tế cho rằng, sự khác biệt nhau như vậy là những mô hình khác nhau của chủ nghĩa tư bản mà thôi. Sự thể càng phức tạp hơn nữa khi mà các chính phủ thay đổi chính sách của họ.

Ví dụ như hồi thập niên 1970, Thụy Điển có chính sách điều phối một lượng của cải lớn, nhưng đến những năm 1990, thì ít hơn. Có thể là ông Bernie Sanders đã nêu ra mô hình nhà nước can thiệp ở Bắc Âu, chính là mô hình Thụy Điển của thập niên 1970 này. Nhưng Thụy Điển ngày nay đã thay đổi lắm rồi.

Cho nên tôi thấy việc tranh cãi hăng hái hiện nay về những cái như là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội chỉ là vô ích thôi. Người ta quên rằng chính sách nhà nước có nhiều chiều kích khác nhau, rồi lại thay đổi nữa. Tranh luận như vậy thì khó lòng đưa ra một cách giải quyết những khiếm khuyết của hệ thống Mỹ hiện nay, một cách ra ngô ra khoai.

Cách tốt hơn là tìm cách dung hòa về mặt từ ngữ, những mô hình kinh tế mà các quốc gia công nghiệp đã phát triển trong ba chục năm qua: Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Bắc Âu,… Nhưng có một chuyện chắc chắn là việc tranh cãi về sự đối nghịch của hai mô hình suốt hai thế kỷ qua chưa chấm dứt.

---------------------------

Nguồn :

All countries practice a mix of both, and the U.S. isn’t the free-market leader some might think. 
July 23, 2019, 8:00 AM EDT







No comments: