Sunday, November 25, 2018

VIỆT NAM ĐƯỢC GÌ TRONG CHIẾN TRANH MẬU DỊCH TRUNG - MỸ (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
November 23, 2018

Việt Nam sẽ được hay mất gì khi Mỹ và Trung Cộng leo thang chiến tranh mậu dịch? Muốn biết phải tìm ra những món hàng Mỹ đang mua của Trung Quốc và có thể mua của Việt Nam. Cần nhìn vào tất cả mạng lưới cung cấp nguyên liệu, vật liệu và phụ tùng để tạo ra những món hàng đó. Người ta gọi mạng lưới này là “Dây chuyền tiếp liệu toàn cầu” (global supply chain).

Trong gần 40 năm qua, các công ty Trung Quốc đã trở thành “trung tâm sản xuất của thế giới,” cung cấp hàng hóa cho Mỹ và các nước khác, nhờ tạo nên dây chuyền tiếp liệu này. Các nước Châu Á đóng vai hỗ trợ trong đủ các ngành, từ may mặc, điện tử, xe hơi, đến tin học. Họ trao đổi với nhau và hầu hết đều đưa về các nhà máy Trung Quốc.

Cuộc chiến tranh mậu dịch Tổng Thống Donald Trump phát động sẽ làm đảo lộn cả mạng lưới này. Không riêng gì ở Trung Quốc mà tất cả các nước Châu Á khác.

Mỗi nước bị ảnh hưởng nhiều hay ít tùy thuộc tỷ trọng của số tiền nhờ xuất cảng qua nước Mỹ. Kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tương đối nặng hơn cả Trung Quốc. Tỷ lệ ngoại thương trong Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Trung Quốc là 38%. Tỷ lệ đó, tính cho Việt Nam hiện nay lên tới 200%.

Trung Quốc đã bớt xuất cảng qua Mỹ trong mươi năm gần đây. Số hàng Mỹ mua của Trung Quốc chiếm 30% tổng số xuất cảng của nước Tàu vào năm 2002. Đến năm 2011, tỷ lệ đó xuống chỉ còn 20% và còn xuống nữa. Nếu “chiến tranh” xảy ra vào thời 2002, khi Trung Quốc mới gia nhập WTO, thì Bắc Kinh đã bị đòn nặng. Nói chung, kinh tế Trung Quốc vẫn lệ thuộc vào xuất cảng, nhưng lệ bớt thuộc hơn trước. Nhưng trong cuộc chiến tranh mậu dịch, những nước trong mạng lưới tiếp liệu cũng “ăn đạn,” trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ.

Các nước Châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nếu kinh tế Trung Quốc đi xuống vì chiến tranh mậu dịch. Hiện nay trong hoạt động thương mại quốc tế của Trung Quốc với 24 nước vùng Châu Á và Ấn Độ lên tới khoảng $2,500 tỷ, cao hơn số thương mại giữa Mỹ và vùng này, khoảng $1.4 ngàn tỷ. Số hàng bán của nước này sang Trung Quốc lên tới 23% tổng số hàng xuất cảng; còn hàng bán sang Mỹ chỉ chiếm 12%. Nói cách khác, Mỹ không thể tạo áp lực kinh tế trên các nước trong vùng mạnh bằng Trung Cộng.

Nhưng cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung có thể đem cho các nước Châu Á những mối lợi. Đầu tiên là Mỹ sẽ nhập cảng từ các nước Châu Á những món sắp bị đánh thuế vì họ đang mua từ Trung Quốc. Nếu những nước đó cũng có thể cung cấp cùng một thứ hàng.

Massimiliano Calì, một kinh tế gia của Ngân Hàng Thế Giới, đã tính ra rằng những nước có triển vọng bán hàng cho Mỹ thay cho Trung Quốc nhiều nhất là Việt Nam, Philippines, Cambodia. Hiện nay các công ty Việt Nam bán cho Mỹ trên $10 triệu một năm đã đóng góp gần 11% vào Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) – giảm xuống 4.4% nếu trừ bớt những thứ nhập từ ngoài vào nước ta để sản xuất các món hàng đó.

Để chiếm được thị trường Mỹ của các nhà sản xuất bên Trung Quốc, các xí nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn nhất là các thứ trong những ngành đang bán hàng qua Mỹ rồi, như các thứ tôm, chất cách nhiệt, túi xách tay và đi du lịch, những bộ phận cho camera quay phim, bàn ghế bằng gỗ và các phụ tùng. Đó cũng là những thứ hàng Trung Quốc sắp bị ông Trump đánh thuế, qua tới Mỹ sẽ tăng giá.

Các nước Đài Loan, Singapore, Malaysia, và Thái Lan cũng được cơ hội nhảy vào chiếm chỗ của Trung Quốc trong thị trường Mỹ. Indonesia và Myanmar được lợi ít nhất; còn Nhật Bản và Nam Hàn có thể bị thiệt hại khi Mỹ và Trung Quốc đụng độ vì kinh tế các nước này đang tùy thuộc nền ngoại thương với Trung Quốc. Kinh tế nước Tàu xuống sẽ khiến hai nước mất nhiều khách hàng và cơ hội đầu tư.

Nhưng các nước Châu Á có thể hưởng lợi nếu thu hút được vốn đầu tư đáng lẽ có thể đưa vô lục địa Trung Hoa. Các công ty quốc tế đang nhắm đổ tiền vào Trung Quốc sẽ nghĩ lại, đưa qua nước khác nếu chính phủ các nước này biết tìm cách thu hút.

Hiện nay, theo ông Massimiliano Calì, các công ty này sẽ đem tiền qua Đài Loan nhiều nhất, rồi đến Thái Lan, Malaysia, ít nhất là Việt Nam và Philippines. Không những thế, các công ty Trung Quốc cũng đem vốn qua đầu tư sang nước khác để hàng hóa tránh thuế quan cao khi bán qua Mỹ. Nhiều xí nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu chuyển vốn vì biết “chiến tranh” khó tránh khỏi.

Một ảnh hưởng tai hại cho các nước Châu Á này là khi các xí nghiệp Trung Quốc không thể xuất cảng nhiều qua Mỹ như trước thì họ cũng bớt mua những nguyên liệu, vật liệu, phụ tùng trong dây chuyền tiếp liệu từ các nước khác. Đài Loan và Malaysia sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, có thể giảm bớt trên 0.20% GDP. Những nước nghèo như Việt Nam, Inodnesia bị ảnh hưởng thấp vì chỉ mới gia nhập dây chuyền tiếp liệu của Trung Quốc, Singapore, Nam Hàn và Thái Lan cung cấp nhiều cho dây chuyền này sẽ bị mất tới 0.1% trong GDP.

Các nước Châu Á còn bị thiệt thòi khi kinh tế Trung Quốc trì trệ vì chiến tranh mậu dịch khiến người dân phải giảm bớt tiêu thụ. Họ sẽ bớt mua hàng nhập cảng từ các nước chung quanh. Hiện nay, số hàng mua vào Trung Quốc để tiêu thụ đã lên cao, cao hơn số hàng trong dây chuyền tiếp liệu, theo ông Louis Kuijs, phụ trách về kinh tế Châu Á trong cơ quan nghiên cứu Oxford Economics. Chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách kích thích tiêu thụ của dân chúng để giảm bớt ảnh hưởng khi xuất cảng xuống vì chiến tranh mậu dịch. Nhưng họ sẽ ưu tiên nâng đỡ các thứ hàng nội địa chứ không phải hàng nhập cảng.

Đứng trước thực tế những ảnh hưởng không tránh khỏi khi chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung tiếp tục, chính quyền những nước như Việt Nam phải có kế hoạch làm sao mình được lợi ích nhất và giảm bớt những ảnh hưởng xấu.

Đối với các xí nghiệp trong nước, phải giúp đỡ họ có thể phát triển sản xuất, nhắm vào các món hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao. Muốn vậy, phải làm sao các xí nghiệp này có thể mua nguyên liệu, vật liệu nhanh chóng từ bên ngoài vào, xóa bỏ bớt những rào cản đang gây trì trệ cho các nhà sản xuất. Chính quyền cũng phải hỗ trợ các nhà sản xuất các món hàng trên trên mặt tài chánh, cấp vốn. Ngoài việc mở rộng cửa ngân hàng cho họ được vay vốn đầu tư, một biện pháp hữu hiệu nhất là giúp bảo đảm những món nợ trong việc giao dịch, khi một xí nghiệp cần mua tiếp liệu phải mua chịu, hoặc bán được hàng những chưa thâu được tiền. Thiếu những thứ vốn luân chuyển ngắn hạn này thì các xí nghiệp cũng bó tay.

Quan trọng hơn nữa, chính quyền phải tìm cách thu hút vốn đầu tư ngoại quốc, để các công ty quốc tế có thể chuyển cơ sở sản xuất qua nước mình. Một mối rủi ro mà họ lo ngại nhất là tình trạng luật pháp mập mờ gây ra tham nhũng!

Cuộc chiến tranh mậu dịch giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình có thể là một cơ hội kinh tế cho Việt Nam, nhưng cũng có thể kích thích cả việc thay đổi luật lệ, bài trừ tham nhũng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bỏ qua cơ hội này thì mang tội với lịch sử. (Ngô Nhân Dụng)





No comments: