Wednesday, November 28, 2018

TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN QUA VIỆC ĐI BẦU (Phạm Phú Khải)




28/11/2018

Đến Úc đã lâu, tuy nhiên hôm thứ Bảy 24 tháng 11 vừa qua là lần bầu cử đầu tiên mà tôi đến dành hơn nửa ngày ở hai địa điểm bỏ phiếu khác nhau. Nếu tôi không quan sát kỹ như kỳ này thì có lẽ tôi đã không nhìn thấy được các khía cạnh khác về bầu cử [1].

Trước hết là tinh thần tham gia bầu cử của người dân Úc. Mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi, mọi sắc tộc và mọi tôn giáo, miễn sao họ là công dân của quốc gia này và 18 tuổi trở lên, là phải đi bầu. Nhưng điều ấn tượng nhất đối với tôi là tỷ lệ tham gia bầu cử của các vị cao niên tại vùng này rất cao, và các vùng khác có lẽ cũng thế. Trong những vị cao niên mà tôi quan sát thì có khoảng vài chục người có khó khăn về di chuyển mà phải cần đến phương tiện hỗ trợ. Có người dùng “xe lăn ngồi” bằng máy, có người dùng “xe lăn đứng”, loại khung có bánh và phanh, để điều khiển từng bước đi. Phần lớn họ được người thân trong gia đình chở đến, đưa vào, bỏ phiếu, đưa ra, rồi chở về.

Có một trường hợp mà tôi khó thể nào quên được. Một bà, tạm gọi là bà Bella, đi xe taxi đến phòng phiếu. Vất vả lắm mới ra được khỏi taxi. Khoảng cách đi vào bên trong phòng phiếu chỉ có khoảng 40 mét. Nhưng bà Bella phải đi từng nhích chứ không phải từng bước. Tôi liền xin phép bà cho tôi phụ đưa vào bên trong. Vậy mà bà Bella và tôi mất đến 10 phút. Tốn thêm 10 phút để bỏ phiếu, và thêm 10 phút để ra lại bên ngoài. Nói chung thì mọi hành động bình thường đều là một sự vất vả bất thường cho bà. Lúc bầu xong, bà Bella định gọi taxi nhưng thấy vậy tôi nói bà để tôi chở về vì nhà không xa lắm. Trên đường về bà Bella cho tôi hay bà người gốc Yugoslavia, qua đây được 50 năm, có chồng và ba con gái. Mỗi kỳ bầu cử bà đi bầu đều đặn. Những lần trước đều có người giúp, lần này không có ai. Tôi đưa bà về đến nhà, đưa vào bên trong, rồi cáo từ bà. Bà còn có nhã ý muốn trả tiền cho tôi. Mặc dầu không quen biết nhưng thấy những người lớn tuổi sống cô đơn như thế, lại không còn khả năng điều khiển cơ thể của mình như ý muốn, tôi cảm thấy thương và xót xa cho họ.
Nỗ lực của những người như bà Bella cũng như bao nhiêu vị cao niên khác đến phòng phiếu với bao khó nhọc để lại nhiều tâm tư trong tôi. Tinh thần trách nhiệm và tham gia công dân thể hiện như thế là hết ý rồi.

Điều kế đến là sự tôn trọng nhau giữa những người ủng hộ các ứng viên hay đảng phái ra tranh cử. Họ đến đó để phát phiếu hướng dẫn cách bầu cho ứng viên hay đảng phái họ ủng hộ, nhưng đây cũng là cơ hội để trao đổi nhau, mặc dầu đối tượng ủng hộ là đối thủ của nhau. Họ thuộc mọi sắc tộc và tôn giáo, và các ứng cử viên kỳ này cũng đa văn hóa như vậy. Tôi nhận thấy có những lúc mưa ào xuống thì mọi người cũng hỏi han xem người kia có sao không! Gió thổi bay các tấm hình ứng viên làm cho người khác cũng tìm cách giúp chấn lại. Cũng có người chia sẻ nhau đồ ăn nước uống. Tôi nhớ lúc một cử tri ngồi trên xe lăn máy từ từ chạy đến, năm sáu ủng hộ viên bước đến đưa phiếu hướng dẫn cách bầu cho ông, thì ông liền nói “Tôi chỉ muốn bầu cho đảng khôn ngoan thôi”, và ông chọn một trong các phiếu hướng dẫn. Những người còn lại không cảm thấy bị xúc phạm mà còn thấy thú vị nên cười ào lên. Nói chung là hầu hết đến đó đều vì chuyện công, cái lớn hơn mỗi người, để cùng tìm giải pháp cho lợi ích chung của cả một tập thể, cộng đồng hay đất nước.

Sự tương tác giữa con người với nhau là cần thiết và quan trọng. Trong nền dân chủ, các hoạt động mang tính xã hội như thế là nền tảng thiết yếu. Ngày xưa, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, các cuộc bầu cử thường đi kèm với các cuộc gặp gỡ, thảo luận và tranh luận giữa các ứng cử viên tại các vùng, các tiểu bang và toàn quốc. Người dân gặp mặt tại các toà thị chính, nghe và đặt câu hỏi với các ứng viên để họ trình bày mọi quan điểm, kể các các quan điểm về chính sách đối ngoại (nếu là bầu cử cấp liên bang). Nhưng từ ngày có TiVi, rồi đến Internet, hầu như các kỹ thuật hiện đại này tiêu diệt gần hết sự tham gia tích cực và trực tiếp này đối với nhiều công dân trong xã hội. Những gì còn lại chỉ là một số cuộc tranh luận mang tính tượng trưng giữa các lãnh đạo chính trị, mà phần lớn người dân dự kiến qua màn hình TiVi hay qua Internet. Mạng xã hội, như chúng ta đã thấy trong một hai thập niên qua, làm cho người ta lắm khi ảo tưởng về thực tế. Ngồi ở nhà nhưng qua một số tin tức, hình ảnh, phim ảnh, bình luận, ngay cả khi nó dựa vào thông tin trung thực đi nữa chứ không phải là tin giả, làm cho người ta có cảm tưởng là họ biết hết cả. Nhưng xã hội bên ngoài đâu có phải như vậy. Nhãn quan về thế giới bị thu hẹp lại qua màn hình TiVi, điện toán, điện thoại thông minh, làm cho chúng ta mất dần đi sự đối chiếu và tự chiếu cần thiết hầu có cái nhìn cân bằng hơn. Không chỉ Hoa Kỳ thôi mà hầu như toàn cầu hiện nay đều gặp phải hiện tượng chung như thế.

Những năm về trước tôi thắc mắc tại sao thời đại này mà vẫn còn đến tận nơi để bầu? Bầu kiểu cổ điển thì quá tốn kém, bất tiện, và lâu kết quả. Chẳng hạn như bầu cử liên bang Úc năm 2016 ước đoán tốn công quỹ 227 triệu đô la, tức 15 đô la đầu người. Nếu chuyển sang bầu điện tử thì tốn kém sẽ giảm đáng kể. Nếu các cuộc bầu cử liên bang, tiểu bang và địa phương được sắp xếp lại để trùng thời điểm, nhất là đổi luật để nhiệm kỳ liên bang trở thành bốn năm, thì sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu mỗi năm cho toàn quốc gia. Để tiền đó cho các khoản chi chính đáng hơn. Nhưng chứng kiến cuộc bầu cử vừa rồi, nó đã thay đổi cách nhìn của tôi rất nhiều về vấn đề bầu điện tử [2].

Nếu chuyển sang dạng bầu điện tử thì nó làm giảm đi những cơ hội để gặp gỡ nhau.
Qua thời gian, tư duy dựa quá nhiều vào máy móc, bớt đi mặt đối mặt, sẽ đưa đến tình trạng người ta khó nhìn ra được người mình đang nói chuyện phía bên kia là người bằng xương bằng thịt, với cảm xúc vui buồn giống mình. Chúng ta dễ đánh mất chính mình.

Tôi không rõ hai ba thập niên nữa nền văn minh nhân loại và nền chính trị quốc tế sẽ như thế nào khi trí tuệ nhân tạo và tự động sẽ áp đảo mọi hoạt động đời sống? Con người sẽ làm chủ máy móc, hay làm nô lệ của nó?

Sự cách biệt về không gian và tinh thần qua đà gia tăng máy móc điện tử sẽ càng làm cho con người càng xa cách, càng khó cảm thông chia sẻ nhau. Điều này đã và đang diễn ra một cách sâu sắc trên bình diện toàn cầu. Tôi suy nghiệm rằng khi có bất cứ vấn đề nào, dù là chuyện công hay tư, lớn hay nhỏ, nếu gặp mặt được thì giải quyết gần hết rắc rối; nếu không gặp mặt thì bằng điện thoại vẫn tốt hơn; sau cùng thì mới đến điện thư hay tin nhắn. Ánh mắt, nụ cười, cặp môi, giọng nói, và cử chỉ, dù không bằng lời, vẫn là cái gì gần gũi với chúng ta hơn là qua máy móc hay những hàng chữ trên màn ảnh.

Tôi sẽ thật sự có nhiều thiếu sót nếu không dành thời gian để tham gia cuộc bầu cử như vừa rồi. Tôi sẽ không nhìn thấy hay cảm nhận được các khía cạnh tích cực về sinh hoạt chính trị, và không biết hoặc không hiểu những hoàn cảnh của các vị cao nhiên như bà Bella. Và rất có thể tôi đã không nhìn ra được rằng cái gì là tiện lợi, là thoải mái, sẽ trở thành thói quen, sẽ khó thay đổi, ngay cả khi nó từ từ làm soi mòn ý chí phấn đấu và tinh thần hướng thượng của mình.

------------------
Ghi chú:

1. Trước tiên là về các ứng cử viên gốc Việt. Trong sáu người Việt tham gia ứng cử kỳ này chỉ có tiến sĩ Kiều Tiến Dũng là thắng cử vào thượng viện tiểu bang. Rất tiếc cô Trương Hương thuộc đảng Xanh không được tái đắc cử. Còn Lưu Trung thuộc khu vực St Albans thì về thứ nhì. Đây là vùng có nhiều người Việt sinh sống, vùng an toàn của Lao động, lại được một người trẻ ra tranh cử cho đảng Cấp tiến, sau khi dồn phiếu thì được 8472 phiếu, tức 28.66 phần trăm, cũng là điều tích cực.

2. Trong bầu điện tử, vấn đề lớn nhất là an ninh mạng, điều mà hiện nay không ai có thể bảo đảm 100 phần trăm. Sự can thiệp của các thế lực ngoại bang cũng như các thành phần bất chính vào các cuộc bầu cử tại Mỹ hay mọi nơi khác là không còn nghi ngờ gì cả. Do đó những nơi mà sự ủng hộ là ngang ngửa, có khi chênh lệch nhau chỉ vài chục hay vài trăm lá phiếu thôi, thì chỉ cần một phần ngàn của một phần trăm sự sai sót hay điều chỉnh bất chính từ bọn tin tặc cũng đủ để thay đổi toàn bộ kết quả bầu cử. Khi chưa có sự bảo đảm an ninh thì không ai dám sử dụng nó cả. Chẳng hạn, vào năm 2014 thượng viện Úc đã nhận được đề nghị nghiên cứu tiến hành bầu cử điện tử trong tương lai gần, nhưng sau khi mạng Cục Thống kê Úc năm 2016 bị tấn công thì các dự tính này hiện bị trì hoãn vô hạn định.







No comments: