Ngô Nhân Dụng
November 27, 2018
Trong mùa tranh cử vừa qua, các ứng cử viên Dân Chủ hầu như không đả động gì tới chuyện đàn hặc Tổng Thống Donald Trump.
Ngoại trừ ông Beto O’Rourke, ứng cử nghị sĩ ở Texas. Ông Rourke gãi đúng chỗ ngứa những cử tri không chịu được ông Trump. Họ đi bỏ phiếu đông giúp ông O’Rourke chỉ thua sát nút mà đáng lẽ phải thua lớn. Nhờ O’Rourke hô hào, đảng Dân Chủ thắng thêm nhiều ghế ở Texas. Nhiều người đề nghị ông nên ra tranh cử tổng thống năm 2020.
Năm ngoái, Al Green (Texas) và Brad Sherman (California), hai dân biểu đảng Dân Chủ, nói phải đàn hặc Tổng Thống Donald Trump. Họ làm được vì đảng Cộng Hòa đang kiểm soát Hạ Viện. Giờ, cả hai ông Green và Sherman đều được tái cử và đảng Dân Chủ sẽ chiếm đa số. Liệu họ có thể đàn hặc ông Trump không?
Dân Biểu Nancy Pelosi, người sẽ trở lại ngồi ghế chủ tịch Hạ Viện, đã nói rằng không nên.
Bà Pelosi có kinh nghiệm. Mười năm sau khi vào Quốc Hội Mỹ, bà đã chứng kiến Hạ Viện đàn hặc Tổng Thống Bill Clinton, sau khi đảng Cộng Hòa chiếm Hạ Viện năm 1998.
Khi hai vị tổng thống trước đây bị đàn hặc (Bill Clinton), hoặc bị đe dọa đàn hặc phải từ chức (Richard Nixon), Quốc Hội đều do đảng đối nghịch kiểm soát. Khi một đảng đề nghị đàn hặc tổng thống, tấn tuồng chắc chắn nhuốm màu chính trị, ngay từ khi mở cuộc điều tra. Ngôn ngữ bình dân gọi là “vạch lá tìm sâu.”
Đảng Dân Chủ bây giờ có thể thấy Tổng Thống Donald Trump cũng nói và làm những điều giống như Tổng Thống Richard Nixon hồi 1973.
Tháng trước, Văn Khố Quốc Gia (National Archives) mới công bố hồ sơ các sự kiện liệt kê trong bản hồ sơ đàn hặc Tổng Thống Nixon; do Công Tố Viên Đặc Biệt Leon Jaworski nộp cho Quốc Hội. Ông Leon Jaworski rất độc lập, đã từng làm luật sư cho Tổng Thống Lyndon Baines Johnson, Dân Chủ, nhưng cũng bỏ phiếu bầu ông Nixon hai lần. Năm 1980, ông đi vận động cho Tổng Thống Reagan sau khi đã ủng hộ cho ông George H.W. Bush chống ông Reagan! Bản phúc trình của ông chỉ gồm những sự kiện lạnh lùng, nhưng đủ để Hạ Viện kết tội ông tổng thống.
Theo hồ sơ Jaworski, Tổng Thống Nixon đã nhiều lần yêu cầu Thứ Trưởng Tư Pháp Henry Petersen, người giám sát cuộc điều tra của Jaworski, cho biết chính Nixon có bị điều tra hay không. Ông Petersen cho biết chỉ có một số người thân cận với Nixon đang bị điều tra về các hành động có thể phạm pháp. Ông Nixon bèn ngỏ ý khen ngợi tư cách chính trực của những người đó. Sau đó, dựa trên các sự kiện trên, một trong ba điều “vi phạm” được đưa ra khi Hạ Viện đàn hặc ông Nixon, là ông đã “bất chấp tinh thần trọng pháp” (disregard of the rule of law).
Tổng Thống Trump khi mới nhậm chức – lúc đó FBI đã bắt đầu điều tra vụ gián điệp Nga gây ảnh hưởng trên cuộc bầu cử 2016 ở Mỹ – cũng hỏi Giám Đốc FBI James Comey chính mình có đang bị điều tra hay không. Khi biết Tướng Mike Flynn, mà ông Trump đề cử làm giám đốc an ninh quốc gia, đang bị điều tra vì không khai báo những cuộc tiếp xúc với người Nga, ông Trump cũng lên tiếng khen ngợi ông Flynn và yêu cầu Comey nhẹ tay với Flynn. Comey không làm và bị cách chức – sau này ông Flynn đã nhận tội và từ chức.
Nhưng đảng Dân Chủ có muốn khai thác những sự kiện trên để chứng minh ông Trump cũng “bất chấp tinh thần trọng pháp” như ông Nixon hay không?
Họ sẽ phải suy tính dựa trên lợi ích chính trị hơn là trên tinh thần luật pháp. Vì đàn hặc đã trở thành một hành động chính trị.
Ông Nixon đã từ chức vì biết các đại biểu Cộng Hòa bỏ rơi mình. Khi có 404 dân biểu bỏ phiếu cho mở hồ sơ đàn hặc, chỉ có bốn người không đồng ý và trên Thượng Viện cũng không đủ một phần ba nghị sĩ ủng hộ ông, thì ông biết chỉ còn cách từ chức, mặc dù hơn một nửa các cử tri Cộng Hòa vẫn nghĩ ông không đáng tội. Ông Clinton bị Hạ Viện đàn hặc nhưng qua Thượng Viện thì được tha vì không đủ 2 phần 3 số nghị sĩ kết án.
Vụ đàn hặc ông Nixon được đa số dân Mỹ ủng hộ, vì phát xuất từ việc điều tra một hành động phạm pháp rõ ràng, do người thân cận ông Nixon làm. Nhưng ông Nixon tìm cách che đậy cho đàn em, tự lôi mình vào những lỗi lầm khác.
Vụ đàn hặc Bill Clinton bắt nguồn từ một chuyện nhỏ hơn, nhưng Clinton tìm cách chối quanh nên sau cùng bị hặc tội nói dối trước pháp luật.
Điều số 2, Khoản 4 trong Hiến Pháp Mỹ viết: “Tổng thống, phó tổng thống, và các quan chức dân sự trong chính phủ Mỹ có thể bị cách chức vì bị đàn hặc và kết tội bởi những lý do phản bội, ăn hối lộ, hoặc các tội lớn, tội nhỏ khác” (Treason, Bribery, or other high Crimes and Misdemeanors).
Vậy, cứ theo Hiến Pháp, khi nào thì một viên chức bị coi là phạm các tội trên đây? Quốc Hội căn cứ vào những gì để nói một vị tổng thống phạm một trong các tội trên?
Tổng Thống Gerald Ford nói sự thật: “Một vụ vi phạm có thể coi là ‘đáng đàn hặc’ khi nào đa số dân biểu trong Hạ Viện nghĩ như thế.” Các dân biểu “nghĩ” thế nào là do đa số cử tri Mỹ nghĩ như vậy! Khi bỏ phiếu đàn hặc hay không, họ nghĩ tới tương lai chính trị của chính mình!
Ông Ford đã sống trong “hoạt cảnh chính trị” đó. Ông làm dân biểu, từng điều khiển Hạ Viện nhiều năm. Vì ông được tiếng là người tư cách đứng đắn, trái ngược với ông Nixon, đảng Cộng Hòa muốn đưa ông lên cầm cờ để cứu vãn uy tín đang xuống thấp. Bước đầu tiên là soạn một đạo luật quy định rằng khi nào chức phó tổng thống bị khuyết thì Hạ Viện sẽ bầu người lên tạm thay. Sau đó, họ vận động cho Phó Tổng Thống Spiro Agnew từ chức, vì nhiều cuộc điều tra đang khui ra các vụ tham nhũng cũ thời ông làm việc ở tiểu bang Maryland. Ông Agnew đi rồi, ông Ford được các dân biểu bầu làm phó tổng thống, để sau đó lên kế nhiệm ông Nixon.
Sau hai vụ đàn hặc ông Nixon và ông Clinton, người dân Mỹ cảm thấy đàn hặc là một hành động chính trị, pháp lý là thứ yếu. Đảng đối lập dùng thủ tục này để tấn công ông tổng thống, nhằm ảnh hưởng vào lá phiếu của người dân.
Cho nên bây giờ nếu bà Pelosi muốn đàn hặc ông Trump thì sẽ phải tính toán coi việc đàn hặc có lợi hay hại cho đảng Dân Chủ vào mùa bầu cử 2020. Bà Pelosi từng nói rằng lúc bà làm chủ tịch Hạ Viện, nếu bà tính chuyện đàn hặc Tổng Thống George W. Bush, thì chắc năm 2008 ông Barack Obama sẽ khó đắc cử (chính ông Trump đã khuyến cáo Quốc Hội đàn hặc ông Bush con, vì nói dối Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt).
Đảng Dân Chủ chỉ thấy có lợi nếu đàn hặc ông Trump khiến cho thêm nhiều cử tri ghét đảng Cộng Hòa. Nhưng điều này không chắc. Sau khi đảng Cộng Hòa đàn hặc ông Clinton, trong cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ sau đó, đảng Dân Chủ thắng lớn – một phần vì sau đó nhiều cử tri cảm thấy ông Clinton không đáng bị đàn hặc. Bây giờ, số dân Mỹ nghĩ ông Trump đáng bị đàn hặc là bao nhiêu có thể thăm dò được. Nhưng tới năm 2020, còn bao nhiêu người nghĩ như vậy? Không ai có thể trả lời câu hỏi này.
Trong vụ này ông Trump có một lợi thế, là người dân không ai nghĩ ông hoàn hảo! Ngày xưa ông Nixon tranh cử với khẩu hiệu: Luật pháp và Trật tự. Ông tự giới thiệu là con người thượng tôn luật pháp. Cho nên khi thấy chính ông bất chấp luật lệ thì những người tin ông cũng bỏ ông.
Donald Trump khác hẳn. Không ai nghĩ ông là một người tôn thờ luật pháp và kính trọng dư luận. Trái lại, ông tỏ ra khinh thường từ Bộ Tư Pháp, FBI cho đến cả tòa án. Cứ một người Mỹ tin ông Trump là người chân thật thì có hai người nghĩ ông chuyên nói dối. Thước đo của dân Mỹ trước đây để thẩm lượng ông Nixon và ông Clinton, nay đã thay đổi. Nếu ông Trump bị đàn hặc, vì bất cứ chuyện gì, nhiều người sẽ thấy là ông không đáng tội!
Hơn thế nữa, tinh thần phe đảng ngày nay khác hẳn thời ông Nixon. Năm 1973 không có nhiều đảng viên Cộng Hòa thề sống chết với ông Nixon. Nhưng trong hai năm nay số người “thờ phượng” ông Trump lên rất cao. Đảng Cộng Hòa thời trước có thể thấy gạt được ông Nixon ra ngoài sân khấu chính trị là cứu đảng. Bây giờ, ngược lại, đảng Cộng Hòa với ông Trump đã như ván đóng thuyền, không thể thiếu nhau được.
Cho nên chắc bà Nancy Pelosi sẽ không dại dột lôi Trump ra đàn hặc!
Trừ khi cuộc điều tra của ông Mueller đưa tới những kết luận động trời và không ai chối cãi được. Nhưng điều này khó xảy ra. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment