Monday, February 26, 2018

TRẦN ĐẠI QUANG THẢ CHIM PHÓNG SINH, NHƯNG CẦM TÙ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM (tin tổng hợp)





Mùng 9 Tết Mậu Tuất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương tại sân rồng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội). Tại đây, ông phóng sinh một lồng chim. Vài chục con chim được nhốt sẵn trong một cái lồng, nắp lồng buộc bẳng những dải lụa điều, đậy một tấm lụa vàng. Tấm lụa vàng được nhấc ra, những dải lụa điều được gỡ, Chủ tịch Trần Đại Quang trịnh trọng nhấc nắp lồng và lập tức những con chim đang khao khát tự do bay ra. Và… vỗ tay.

Ông Trần Đại Quang phóng sinh chim. Ảnh cắt từ clip

Bẫy chim rồi phóng sinh

Phóng sinh là một nghi lễ truyền thống của nhà Phật, được duy trì có lẽ từ nhiều nghìn năm nay. Phóng sinh không chỉ là chim mà tất cả động vật, từ những con côn trùng đến những con vật lớn hơn, tạo cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Phóng sinh không chỉ ở nghi lễ mà ở bất cứ lúc nào, trong hoàn cảnh nào. Ví dụ người ta đi đường gặp thì mua cả chậu cá còn sống, thả tại chỗ, không cần ai biết đến.

Trong nghi lễ, người ta thường chọn chim để phóng sinh vì hình ảnh những con chim đang trong cảnh tù túng, giam cầm được tung bay lên trời là biểu tượng đẹp nhất của tự do.

Phóng sinh là hành vi từ tâm, nhân đạo. Vì vậy, Đức Phật khuyên con người không sát sinh, các nhà tu hành không ăn mặn. Tuy nhiên, việc phóng sinh cũng có những mặt trái của nó. Để có được lồng chim cho Chủ tịch nước thả ra, người ta phải tìm mua chim. Có cầu ắt có cung. Vậy ắt có kẻ bẫy chim để bán cho ông thả. Những con chim mà ông Quang thả ra, trước sau nó cũng ở trên trời. Có chăng, thả được 100 con thì những con bị bắt phải bắt nhiều hơn số đó vì sẽ có thêm những con bị què, bị chết hay chui vào các nhà hàng đặc sản. Nếu không có nhu cầu phóng sinh vào các dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy…, động vật bị săn bắt vào những dịp này sẽ ít đi

Mặt khác, là nghi lễ của đạo Phật, việc phóng sinh chủ yếu nằm trong phạm vi các nhà chùa, các nhà tu hành. Nhưng khi Chủ tịch nước chủ trì việc phóng sinh, nó trở thành một thông điệp, thành sự khuyến khích trong toàn xã hội. E rằng rồi đây, người người bẫy chim, nhà nhà bẫy chim để bán phóng sinh. Cứ mỗi chu kỳ bắt - thả, chim sẽ hao đi một số.

Trồng cây... hình thức!

Việc đầu xuân Chủ tịch nước thả chim phóng sinh cũng hình thức như các lãnh đạo khác trồng cây. Thường là họ trồng cây đã trưởng thành. Cây cao gấp mấy thân người trồng, lại đã sinh ra các rễ phụ sum xuê. Lồng chim của ông Quang phủ lụa vàng, buộc lụa điều thì cán xẻng trồng cây của các lãnh đạo khác cũng xanh xanh đỏ đỏ. Lại có khi còn trải bạt để các lãnh đạo trồng cây cho khỏi bẩn giầy nữa. Gợt vài xẻng đất, tưới một tí nước được chuẩn bị sẵn là xong việc và… cũng vỗ tay. Nếu chim phóng sinh được bắt ở chỗ này, thả ở chỗ khác, thì cái cây các lãnh đạo trồng cũng đang sống yên ổn ở chỗ này bứng ra chỗ khác. Nó là di chuyển vị trí của cây chứ không phải là trồng. Mỗi lần như thế, cây thêm một lần đau đớn.


Trồng cây là phải thêm cây cho xã hội, là những cây giống được ươm ở vườn được nhân ra. Đồng ý rằng các vườn cây cũng có những cây to để bán cho các nhà giàu, các cơ quan nhưng đấy chỉ là di chuyển cây đáp ứng nhu cầu trang trí, làm đẹp, thỏa mãn nhu cầu thể hiện chứ không phải trồng thêm cây cho xã hội.

Cứ nhìn cảnh trồng cây hay thả chim phóng sinh, người ta thấy rõ tính hình thức và nó cứ giả giả thế nào.

Phóng sinh sao không phóng thích?

Nói đến chuyện thả chim phóng sinh chim tức là trả tự do cho chim, lại nghĩ đến những tù nhân lương tâm nhiều năm bị giam cầm với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đông lạnh, hè nóng, tình cảm bị chia cắt. Nhất là dịp tết đến xuân về, sự đau đớn về tình cảm lại càng nhức nhối. Chẳng thế mà Đinh La Thăng còn xin được về ăn tết với gia đình rồi mới thi hành án.

Một danh sách của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm cho thấy có 91 người đang bị giam giữ. Danh sách có thể còn sót và chưa tính những người bị bắt từ đầu năm 2018. Như vậy hiện nay có khoảng 100 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở các trại giam trên toàn quốc. Họ là những người không có tội. Họ chỉ phản ánh hiện thực xã hội, nói lên sự thật, dám biểu đạt chính kiến của mình và cất lên lên tiếng nói tự do. Đó là những con người cần được trả tự do nhất. Nếu họ có tâm từ bi thật khi phóng sinh chim thì họ cũng có đủ từ bi để trả tự do cho những tù nhân lương tâm. So với con chim, ai cũng biết là con người cần và đáng được tự do hơn cả. Phóng thích tù nhân lương tâm cũng có nghĩa là phóng thích những điều cay cú, hơn thua, cố chấp và thù hận ra khỏi con người mình để mình cũng được tự do.

-----------------------------------


Báo chí đưa tin, chiều hôm 24/2/2018, mừng xuân Mậu Tuất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dâng hương tại sân rồng Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội), và nghi lễ thả chim phóng sanh để cầu mong quốc thái, dân an.

Tạm gác qua chuyện ông Trần Đại Quang cùng gia đình rất mến mộ Phật giáo, qua việc gia đình ông đã tiến cúng chùa Vĩnh Nghiêm (ảnh), quận 3, Sài Gòn bộ lư và cặp chân đèn nghe nói có giá lên tới gần 20 tỷ bạc, thì việc hôm chiều mùng 9 Tết Mậu Tuất, nhân danh Chủ tịch nước, ông đã “thả chim phóng sinh” với lý do “cầu mong quốc thái, dân an”, là hành động được cho là vụ lợi cá nhân. Bởi nếu vì “quốc thái, dân an”, ông chủ tịch nước bằng thẩm quyền của mình, có thể bằng lệnh “ân xá” để thả hết tất cả tù nhân lương tâm ngay dịp Tết Mậu Tuất vừa qua.

Theo Thượng tọa Thích Chân Pháp Lộ - chùa Pháp Vân (quận Tân Phú, Sài Gòn): “Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi, tìm cách cứu chuộc mạng sống cho chúng. Việc phóng sinh là phải xuất phát từ lòng từ bi, lòng thương xót khi thấy con vật bị nạn, sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Đây là một việc làm tốt nhưng nếu thực hiện không đúng cách thì không đem lại hiệu quả, dẫn đến mê tín, thậm chí còn bị tội báo”.

Thượng tọa lưu ý, để việc phóng sinh có ý nghĩa và đúng pháp cần lưu ý những điều sau: Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh, cầu siêu…). Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng công đức và phước báu chỉ là hữu lậu nhân thiên. Phóng sinh bằng cái tâm, chẳng cần được ai biết đến, chứ đừng theo phong trào, chạy theo chữ danh, muốn cho mọi người thấy để khen ngợi, để được tiếng tăm. Phóng sinh là tự do, không phân biệt số lượng ít nhiều, lớn nhỏ, mắc rẻ, không chọn mua con này hay con kia để phóng sinh, vì chúng sanh đều bình đẳng.

Sau khi mua con vật để phóng sinh thì thả ngay, càng nhanh càng tốt - để chúng trở về môi trường sống tự nhiên, tự do thoải mái, tránh cho chúng phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.

Trong một bài thuyết giảng về ý nghĩa phóng sinh tại chùa Hưng Thiền, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Sư cô Thích nữ Như Lan cho rằng người phóng sinh phải hiểu những đạo lý sau đây: Thứ nhất, phóng sinh để gieo nhân lành. Trong kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật dạy rằng: Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh thì oan oan tương báo đời đời kiếp kiếp không dứt. Khi phóng sinh là ta đã cứu mạng chúng sinh tức là đã gieo trồng thiện nhân. Một khi đã gieo trồng thiện nhân thì nhất định sẽ được thiện quả. Ngược lại, nếu ai phê bình, cản trở người phóng sinh là trồng ác nhân ắt sẽ bị quả ác báo. Đạo lý của việc phóng sinh là nhắc nhở chúng ta cố gắng gieo trồng thiện nhân để gặt hái thiện quả.

Thứ hai, phóng sinh là tôn trọng quyền sống của muôn loài. Vạn vật, chúng sinh đều có tánh linh, ai cũng đều muốn hướng tới cái lành và tránh xa điều hung ác. Người nào cũng muốn được sống, cũng sợ chết và người nào cũng biết buồn vui thương giận. Cho nên chúng ta phóng sinh là tôn trọng quyền sống của muôn loài, chúng sẽ biết ơn chúng ta, phước báu này thật vô lượng vô biên.

Thứ ba, giải cứu chúng sinh là giải cứu một vị Phật tương lai. Chúng sinh đều vốn đủ Phật tánh, tức là có tánh giác ngộ, thanh tịnh, trong sáng. Chúng sinh vì túc nghiệp nên phải mang thân hình dị loại, bị đọa làm thân súc sanh. Một ngày nào đó túc nghiệp của chúng sinh đó hết, nó phát tâm tu hành thì cũng chứng thành đạo quả y như Phật.

Thứ tư, chúng sinh là người thân chúng ta từ bao kiếp. Chúng sinh trong vòng luân hồi đều là quyến thuộc của chúng ta từ bao kiếp. Giải cứu chúng sinh là giải cứu cha mẹ, anh em chúng ta từ kiếp trước.

Thứ năm, phóng sinh là giải oán thù. Chúng sinh là oan gia trái chủ, là kẻ thù nghịch đối với chúng ta trong kiếp quá khứ. Kiếp này chúng sinh rơi vào tay chúng ta là để trả món nợ cho ta, nhưng ta không sát hại chúng mà đem chúng đi phóng sinh, giải thoát cho chúng là đã giải oán thù với chúng để không còn oan oan tương báo với chúng nữa.

Như vậy, tạm gác qua ý nghĩa thuần Phật pháp, dễ dàng thấy rằng các tù nhân lương tâm đang chịu cảnh giam cầm chính là mối nguy của “quốc thái, dân an”. Bởi vì cầm tù các tiếng nói phản biện, “trung ngôn nghịch nhỉ” là khiến cho lòng dân luôn nơm nớp bất an. Đất nước cũng không thể thịnh vượng khi nhà chức trách chỉ thích nghe những lời ngon ngọt.









No comments: