Wednesday, February 28, 2018

NHỚ HỘI LIM, NƯƠNG VÀO CÂU CA QUAN HỌ (Nguyễn Xuân Diện)




Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Cho đến nay, đã từng có rất nhiều giả thuyết về sự ra đời và nguồn gốc của quan họ nhưng chưa có giả thuyết nào được chấp nhận một cách tuyệt đối. Ngay chữ Quan họ, chúng ta cũng chưa tìm được một văn bản Hán Nôm nào chép hai chữ này. Quan họ có từ bao giờ cũng chưa có câu trả lời xác quyết!

Không gian văn hóa quan họ trải dài khắp 49 làng quan họ cổ của trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Đó là vùng đất cổ xưa, với những ngôi chùa hàng ngàn năm tuổi, những hội hè đình đám, những phong tục tốt đẹp, những vị công hầu khanh tướng, những ông nghè ông trạng và những giai nhân tài sắc. Người Kinh Bắc có câu: Em đi khắp bốn phương trời/ Không đâu lịch sự bằng người ở đây.

Thời gian của Quan họ là suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Nhưng mùa Xuân mới thực sự là mùa của quan họ. Khi ấy “thong thả nhân gian nghỉ việc đồng”, các làng vào đám, nam thanh nữ tú đua nhau trẩy hội tưng bừng. Người Kinh Bắc hát quan họ trên thuyền, trên đồi, trong chùa, trong đình, và trong các tư gia...

Trai gái các làng quan họ lại thường tụ tập thành từng bọn (từ cổ, chỉ một nhóm người) để cùng nhau hát. Một bọn quan họ thường là những người trong một làng với nhau, với ý là để đối đáp với làng khác. Gặp nhau, người quan họ dùng những lời đôi câu. Những bọn quan họ gặp nhau, thường là hát với nhau thâu đêm suốt sáng ở nhà chứa (nhà ông trùm của một bọn quan họ), và nghỉ lại ở nhà quan họ bạn của mình. Đó là tục ngủ bọn, có từ thưở xa xưa lắm!

Về lề lối, theo học giả Toan Ánh thì quan họ có nhiều giọng, nhưng có ba giọng chính để hát xưng hô thật nhún nhường, lịch sự. Bên nào cũng vui vì gặp gỡ, cũng mong được học lấy đôi lối đối đáp trong những ngày hội. Đó là Giọng sổng (dùng để dạo giọng lúc bắt đầu hát), thường là những lời ướm hỏi như: Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà. Tiếp theo là Giọng vặt (những câu hát để đôi bên gắn bó với nhau). Giọng sổng chỉ có một giọng, còn giọng vặt thì là gồm nhiều giọng: giọng buồn, giọng vui, giọng cao, giọng thấp, giọng ngắn, giọng dài. Gặp nhau, người quan họ kể cho nhau rằng đêm đông lạnh giá, nhớ bạn, không dám, một mình đắp cả manh chiếu tấm chăn: Gió lạnh suốt đêm đông trường/ Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai… Sau Giọng vặt là Giọng bỉ (Giọng vỉ) để hát lúc chia tay. Giọng bỉ ngân dài, nói lên sự chua xót của phân ly và cả sự luyến tiếc của ngày mau tàn. Vì vậy, nội dung các câu hát giọng bỉ thường là căn dặn, nhắn nhủ nhau nhớ lấy những lời hẹn ước.

Dẫu rằng dân gian có câu: “Ăn Bắc, mặc Kinh” ý nói người Kinh Bắc sành ăn, người Kinh kỳ (Kẻ Chợ, Hà Nội) thì sành mặc, nhưng người quan họ ăn mặc rất đẹp. Trang phục của người quan họ nền nã, kín đáo, lịch sự, tinh tế. Chi tiết nào trong trang phục liền anh, liền chị quan họ cũng đẹp. Nhưng có hai chi tiết trên trang phục của liền chị quan họ đã trở thành vẻ đẹp được thi ca tán tụng, đó là chiếc khăn mỏ quạ hình bông sen hồng và nếp váy đã lạc vào câu thơ “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” của thi sĩ Hoàng Cầm.

Về chơi quan họ, chơi lối chơi của người quan họ ta cảm nhận được sự thanh lịch và nồng hậu của người Kinh Bắc. Một mâm cơm quan họ dọn ra, be rượu đã nghiêng bầu rót vào chén ngọc. Mâm cao cỗ đầy thịnh soạn, nhưng người quan họ lại vẫn khép nép thưa rằng: “Năm thì năm mới, tháng thì tháng xuân, các liền anh liền chị chẳng quản đường xá xa xôi đến thăm đất nước nhà chúng em, thăm thầy u chúng em. Nay đã thức thời, chúng em có sửa soạn mâm cơm nhạt, đầu mâm đĩa muối cuối mâm đĩa dưa, chúng em cũng mong các liền anh liền chị nâng chén dựng đũa để cho chúng em được thù tiếp đấy ạ!”. Và rồi người quan họ ca lên rằng: Tay tiên nâng chén rượu đào/ Sánh ra thì tiếc uống vào thời say. Mùa xuân, qua chơi quan họ, tình như thế, cảnh như thế, ai mà không say cho được!

Về với Kinh Bắc, cho dù bạn không phải là người con của quê hương ấy thì khi cất bước chân đi bạn cũng sẽ thấy đây là một quê hương của bạn rồi. Vì rằng Kinh Bắc có tất cả vẻ đẹp cổ truyền và vẹn nguyên của vùng quê văn hiến mà hồn của muôn xưa vẫn còn hiện diện đâu đây, trong giọng nói tiếng cười, trong nếp sinh hoạt của người dân hôm nay.

Khi câu hát “Người ơi người ở đừng về” vang lên lời giã bạn với lời hát rằng “đương vui như thế này, sao người bỏ ra về, có nhớ đến chúng em chăng?” thì bạn có cầm lòng được chăng?

N.X.D

-----------------------------
Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Vương quốc của lễ hội - Bắc Ninh, đã khai hội mở đầu bằng Hội Lim, từ nay suốt ba tháng xuân các làng lần lượt mở hội cùng ca Quan họ. Không đi hội được cũng sốt ruột lắm, nhân có mấy bạn hỏi về vài thuật ngữ Quan họ, xin chia sẻ chút xíu.


Quan họ là hát giao duyên nam nữ, là hát đối đáp nên bên nữ (liền chị) ca trước thì sau đó bên nam (liền anh) phải ca lại câu đối đáp phù hợp với bên nữ. Những bài thường thấy trên TV như Se chỉ luồn kim, Người ơi người ở đừng về, Tay tiên chuốc chén rượu đào… là những bài giọng vặt, dùng trong cuộc hát đối đáp đó.

Ngày xưa các cụ ca không có nhạc nên luôn hát đôi, một người hát chính, một người hát phụ họa gọi là hát luồn. Vì không có nhạc đệm nên giọng thật, mộc mạc, rõ lời.

Hát canh là hát ở một gia đình tổ chức đêm hát, gọi là nhà chứa. Hai bên nam nữ ngồi ở hai bên gian biên hát đối đáp với nhau, thường từ tối đến 3-4 giờ sáng. Các cụ gọi là “đi trăng về mờ”. Đi từ lúc trăng sáng, ra về lúc mờ sáng. Một canh có ba phần,đầu bằng những giọng Lề lối (Kinh điển) sau đó là những Giọng vặt như Ngồi tựa song đào, Gọi đò... Và cuối cùng là hát những bài Giã bạn, kiểu Người ơi người ở đừng về...

Khi một tốp chị em 14-15 đến 18 -19 đã biết hát (gọi là bọn Quan họ) muốn đi hát thì họ phải kết bạn với một nhóm nam ở xã khác, cũng chưa kết bạn với nhóm nào. Hai nhóm này thành cặp đôi, thường xuyên ca hát và gắn bó với nhau đến già. Họ mê nhau nhưng theo quy định, hai bên tuyệt không được yêu đương, vì mê mà không được yêu nên tiếng hát của họ càng da diết, vấn vít mãi mãi không quên. (Lý thuyết như vậy nhưng chắc hẳn khó tránh tuyệt đối).

Người quan họ đối với bạn hát trân trọng, yêu quý vô cùng nên có câu: Quan họ thịt gà, giỗ cha thịt ếch. Nhà nghèo, giỗ cha cũng có mấy con ếch thôi nhưng khách quan họ đến là thịt gà, cỗ mặn bưng ra, cỗ chay bưng vào.

Và họ nói với nhau trang nhã, lịch thiệp. Dù bên kia ít tuối hơn họ cũng vẫn thưa anh Ba, anh Tư, chị Ba chị Tư và xưng em. Khi bên nữ nhún nhường tỏ ra kém hơn các liền anh thì liền anh thưa: "Dạ thưa chị Hai, chị Ba... Chị Hai, chị Ba không đi chợ xa thì cũng đi bảy mươi ba cái chợ gần".

Họ luôn nói bóng bẩy, ý nhị: "Thực là anh Hai cứ đánh lửa cho đau lòng khói" hay "Anh Hai, anh Ba nói mà như sấm bên Đông, chớp động bên Tây, mưa tỉnh Hà Nội mà đây ướt đường đấy ạ". Hoặc cách nói khách khí: "Dạ thưa chị Hai, chị Ba đã có lòng sang đất nhà chúng em, thì cho anh em chúng em được thừa tiếp dăm ba lối nữa ạ"...

Khi gặp câu khó không đối được, người ta không nói chúng em xin thua như trên TV mà nói: "Anh Hai, anh Ba dắt chị em chúng em vào rừng, chúng em chả biết lối ra ạ"...

Quan họ mới có nhạc và diễn viên chuyên nghiệp góp phần quảng bá Quan họ nhưng Quan họ cổ, quan họ trong các làng vẫn tồn tại song hành, nên những ai ham thích Quan họ dân gian mộc mạc, mỗi mùa hội đến lại về Bắc Ninh dự những đêm hát canh càng khuya càng da diết.

---------------------------------

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018


'Say' trong hát Canh giao duyên 
ở “Quan họ du ca tại gia”

Yến Oanh
14:21 28/02/2018

Nếu đi hội Lim mà ta không ghé thăm và lắng nghe điệu hát Canh quan họ thì chuyến du xuân đã thiếu đi một nửa bởi hát Canh chính là thứ “vàng ròng”, hiếm khi có dịp được thưởng thức.

Nhớ nhau, nương vào câu ca quan họ
Hà Tĩnh: Lễ hội cầu sức khỏe thu hút đông đảo du khách thập phương
Về xứ kinh Bắc trẩy hội Lim cùng nghe liền anh, liền chị hát quan họ
Khuyến khích lối hát canh quan họ tại gia đình

Hát canh chính là hình thức “Quan họ du ca tại gia” nghĩa là “hát chơi” Quan họ trong nhà. Ngày nay, những canh hát quan họ không còn phổ biến như xưa, cả làng quan họ cũng chỉ có được 1 nhà bởi không phải ai cũng biết chơi quan họ và hát canh đúng luật.

Tham quan hội Lim xong sau đó đi bộ khoảng 500 mét tìm hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Chiến thuộc Thôn Lũng Giang, Thị Trấn Tiên Du, Bắc Ninh là mỗi người có thể đắm mình vào không gian một canh hát Canh thực sự.

Ông Chiến (ngồi giữa) trò chuyện với các khách đến thăm hỏi.

Ngay từ sớm, mặc dù chưa đến 19h tối nhưng gia đình ông Chiến đã đón nhiều đoàn khách đến thăm hỏi.

Có mặt tại nhà ông Chiến từ 14h chiều, nhưng trước sân nhà ông đã đón nhiều đoàn khách đến thăm hỏi, từng cánh trầu phượng đang được tiêm, gia đình ông cũng chuẩn bị cỗ chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Các chị hai đang têm trầu cánh phượng chuẩn bị cho buổi tối.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Chiến, để tham gia một canh hát đòi hỏi người tham gia phải có vốn bài bản kha khá và một quá trình khổ luyện. Không chỉ là học hành kỹ lưỡng từ lời ca, điệu nhạc, cách luyến láy, đưa hơi, nảy giọng cho đến những lề lối ca hát mà quan trọng hơn là những phép tắc ứng xử, nói năng lịch sự, cư xử tao nhã, sang trọng.

“Đấy là cái khó thứ nhất, cái khó thứ 2 là chọn bạn hát cùng. Để có một cặp hợp với nhau cả về giọng ca lẫn tính cách, sự ăn nhập, sẻ chia với nhau trong từng câu hát nào phải dễ!”- Ông chiến chia sẻ.

Canh hát bắt đầu vào lúc 19h30 phút.

Đúng 19h30 phút, buổi hát canh bắt đầu. Mở đầu canh hát là lời mời trầu của quan họ chủ làng với các quan họ khách làng “Dạ, nhất niên, nhất lệ, năm mới, tháng xuân, đương Quan họ liền anh xuống làng nước chúng em chơi. Xin mời đương quan họ người xơi khẩu giầu, rồi cùng chúng em ca canh hát cho mãn võ, tàn canh ạ” vô cùng ý tứ, nhã nhặn.

2 liền anh mở đầu hát trước.

Tiếp đến 2 liền chị, vừa hát ánh mắt nhìn nhau, đôi bàn tay giữ chặt nhau để cùng hòa hợp với câu hát.

Rồi tiếp đến lại một cặp liền anh khác hát, cứ như vậy đến hết buổi hát Canh.

Các cặp liền anh và liền chị hát đối nhau liên tục như vậy cho đến kết canh hát. Được biết, gia đình ông Nguyễn Văn Chiến tại thôn là gia đình duy nhất của làng này còn giữ được trọn vẹn truyền thống hát canh. Cứ mỗi mùa hội Lim ông lại mời các cặp hát canh ở các vùng xung quanh sang giao lưu.

Điều đặc biệt trong một cách hát mà bất kể ai cũng cảm nhận được đó là những người chơi quan họ cổ này đều là những người có chung hoàn cảnh nông dân chất phác, những người có tình cảm chân thật, trong sáng, lịch thiệp, sống có thủy có chung trong cộng đồng, gia đình.

Nụ cười rạng rỡ thân thiện của một chị hai với khách xem hát canh.

Hai đĩa trầu têm cánh phượng cùng trà để phục vụ canh hát.

Một canh hát kéo dài từ 7-8 giờ tối cho đến 2-3 giờ sáng, trình tự được chia thành 3 chặng. Đầu tiên là hát giọng cổ hay giọng lề lối như La rằng, Đường bạn, Kim Lan, Tình tang, Cây gạo, Cái ả cái hời… Những giọng này thường mang âm điệu cổ kính, có nhiều tiếng đệm lót, ca thật chậm rãi, nhả cho hết âm mới ra đúng chất “vang-rền-nền-nảy”.

11h đêm khách đã ngồi xem chật cứng trong nhà và ngoài sân.

Chặng giữa là hát những bài thuộc hệ thống giọng lẻ giọng vặt. Ở chặng này, người ca không phải tuân theo trình tự các giọng bắt buộc như chặng đầu nên càng ca càng say, càng về khuya thì giọng càng trầm bổng, thiết tha gắn bó, kể về nỗi nhớ, niềm thương, đôi khi cả nỗi lòng trăn trở về cuộc đời, số phận con người… khiến canh hát đẩy được nhiều cảm xúc. Trong chặng ca hát này, các anh Hai, chị Hai như say đắm trong tình bạn, tình yêu, tình người.

Anh Nguyễn Hữu Duy (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tình yêu quan họ, đặc biệt là về hát Canh với khách đến thăm.

Một trong những người có mặt tại gia đình ông Chiến là anh Nguyễn Hữu Duy (SN 1986) tại Hoàn Sơn – Tiên Du Bắc Ninh. Anh là cựu sinh viên trường Văn hóa Nghệ thuật Bắc Ninh, hiện là nghệ sĩ của Nhà hát Quan họ Bắc Ninh. Anh là đại diện cho lớp trẻ nối gót cha ông trong việc giữ ghìn tình yêu quan họ và từng là thày giáo của nhiều lớp học quan họ.

Với cương vị là một lớp trẻ, anh chia sẻ rằng: “Ngày xưa thời tôi đi học thì số bạn yêu quan họ cũng ít thôi, đến thời điểm hiện tại thì ngày càng nhiều bạn trẻ học và yêu quan họ hơn, đây cũng là một tín hiệu đáng mừng. Theo tôi, lớp trẻ cần nghe nhiều hơn các làn điệu dân gian để từ đó cảm nhận, và yêu thích nó dần. Từ đó có trách nhiệm gìn giữ phát huy những gì cha ông để lại”.

TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện cho rằng bảo tồn Hát canh là bảo tồn phần tinh túy nhất của quan họ

Theo TS Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện - người đã nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu các thể loại nhạc dân gian của dân tộc cho biết: “Hát Canh thực sự đặc sắc vì: Người hát là các nghệ nhân am hiểu về lối chơi, một trong các môi trường diễn xướng của quan họ, ở tư gia có không gian ấm áp, ấm cúng, gần gũi và rất phù hợp cho hình thức hát giao duyên vì vậy, bảo tồn Hát canh là bảo tồn phần tinh túy nhất của quan họ”.

Càng về đêm, lời hát như càng ngân xa hơn cũng là lúc đến kết thúc chặng cuối lúc 2-3 giờ sáng, quan họ chủ mời, quan họ khách nghỉ xơi cơm. Ở chặng cuối, quan họ khách thường hát những câu giã bạn để xin phép chủ ra về, còn quan họ chủ thì hát đối những lời ca giữ khách. Cả khách và chủ đều trong tâm trạng quyến luyến, bịn rịn, không muốn rời…

Phùng quan tế hội
Phùng quan tế hội đối í i lâm I ì í ly
Mã a giao truyền, là phận í i tương liền
Vô phận tương lai
Phúc í i đáo truyền vô nhị i đáo lai, vô nhị i đáo ì í lai í i…. 








No comments: