Nguyễn Đình Cống
28/02/2018
Ngày
27/2 Báo Tiếng Dân đăng bài của Thạch Đạt Lang (TĐL): Giao thông và văn hóa ứng xử. Sau khi kể ra nhiều hiện
tượng phản cảm và tai nạn trong giao thông, TĐL viết: “Tình trạng này thật
ra đã có từ lâu dưới chế độ CSVN chứ không phải mới đây nhưng càng ngày càng
gia tăng, nhanh hơn tăng trưởng kinh tế hàng năm… Lỗi chính tất nhiên do chế độ
CS gây ra, bộ Giao Thông-Vận Tải, CSGT, giáo dục học đường, giáo dục xã hội
không làm tròn trách nhiệm, nhưng chính người dân cũng góp phần không ít vào tệ
nạn cư xử kém văn hóa lúc đi đường…. Nguyên nhân chính tiềm ẩn trong bản chất của
đa số người Việt Nam cần phải nói đến, đó là lòng ích kỷ, muốn vượt lên hơn người
khác”. Tôi hoan nghênh ý kiến của TĐL và xin viết tiếp vài điều.
Sự
hỗn loạn và tai nạn giao thông đã được nhiều người bàn đến, đa số quy trách nhiệm
cho ý thức của người dân. Quy như vậy không sai, nhưng chưa đúng. TĐL đã mạnh dạn
chỉ ra: Lỗi chính do chế độ CS gây ra và nguyên nhân chính tiềm ẩn trong bản chất
đa số người Việt. Lòng ích kỷ, muốn vượt lên hơn người khác, bất chấp hoàn cảnh
có cho phép hay không, có làm được hay không là một thói xấu thâm căn cố đế của
người Việt, nó rõ ràng và phổ biến đến mức mọi người đều công nhận.
Lỗi
chính do chế độ CS gây ra nhiều người thấy, nhưng vì sợ mà không dám nói đến.
TĐL đã viết ra, trong lúc được nhiều người tán thành thì cũng sẽ bị một số người
phản đối. Đó là các cán bộ tuyên giáo của chế độ, là những người cuồng tín vào
CS, là những dư luận viên. Họ viện dẫn rằng Đảng và Nhà nước luôn luôn và tích
cực trong việc giáo dục nhân dân và ra hết nghị quyết này đến chỉ thị khác về
việc bảo đảm trật tự và an toàn giao thông. Họ chửi rủa TĐL và những người cùng
quan điểm, cho là vu khống, là vi phạm các điều luật hình sự về lợi dụng tự do
để chống phá Đảng và chế độ, cần phải bắt bỏ tù hoặc trừ khử.
Đúng
là có nhiều chỉ thị, nghị quyết, không những về trật tự và an toàn giao thông
mà còn đủ mọi thứ về nâng cao đạo đức, tăng cường an ninh, xây dựng văn hóa
lành mạnh. Thế nhưng càng ra nhiều văn bản, càng hô hào thì tình hình càng xấu
thêm. Tại sao vậy? Tại vì người ta chỉ chủ yếu ra văn bản và hô hào cho có hình
thức, cho qua chuyện chứ không mấy ai để tâm vào việc thực hiện. Đó là vì không
muốn và không biết cách thực hiện ở cả tầm tổ chức và cá nhân.
Không
muốn thực hiện ở tầm tổ chức là vì phải thực hiện việc quan trọng và cấp thiết
hơn rất nhiều. Đó là bảo vệ Đảng và chế độ, là theo dõi, ngăn chặn các hoạt động
vì tự do dân chủ, là hạn chế việc đòi nhân quyền, là triệt phá các hoạt động chống
lại nguy cơ hoặc làm mất lòng Tàu cộng, là chống lại sự tự diễn biến, tự chuyển
hóa, là do thám và chống đối nhau giữa các phe nhóm v.v… Những việc như thế
tiêu hao khá nhiều vốn liếng và sức lực rất có hạn của chế độ, còn sức đâu mà
lo đến an toàn giao thông, đạo đức và an ninh. Khi không làm được việc cụ thể
càng phải nói nhiều, nói mạnh để tạo chứng cứ cho tuyên truyền, cho những người
cuồng tín và dư luận viên.
Không
muốn thực hiện ở tầm cá nhân vì phần đông người có trách nhiệm đã phải chi ra một
khoản tiền khá lớn để chạy chức vụ, bây giờ phải tìm mọi cách thu hồi vốn và
lãi, lấy đâu ra thời gian và trí tuệ để tự nguyện tự giác lo đến việc hoàn
thành tốt nhiệm vụ. Có lúc nào đó, người nào đó tỏ ra hăng hái làm nhiệm vụ thì
phần lớn là do sự thúc ép từ cấp trên, từ dư luận xã hội.
Không
biết thực hiện như thế nào là vì kém trí tuệ, thiếu năng lực. Về tổ chức, kém
trí tuệ là căn bệnh cố hữu của cộng sản, mọi việc dựa vào ý kiến tập thể để rồi
“cha chung không ai khóc”. Về cá nhân, kém trí tuệ vì trong việc lo và chạy để
có được chức vụ thì nó không được xét đến hoặc chỉ được xét ở hàng cuối cùng,
sau hậu duệ, quan hệ, tiền tệ.
Ích
kỷ là một thói xấu. Trong một hoàn cảnh và điều kiện như nhau, một số người vẫn
muốn tranh phần hơn mặc dầu gây hại cho người khác. Tuy vậy trong các xã hội có
đạo đức, dưới chế độ liêm chính và có chính quyền vững mạnh thì thói ích kỷ bị
hạn chế nhiều. Ngược lại chế độ CS ở VN, với đường lối đấu tranh giai cấp, với
đề cao quyền lợi vật chất cho vô sản, với chủ nghĩa vô thần và bài xích tôn
giáo, với chuyên chính vô sản và độc tài đảng trị, với sự không tôn trọng nhân
quyền một cách đúng mức v.v… là môi trường quá tốt cho thói ích kỷ phát sinh,
phát triển. Dù cho Đảng và Nhà nước có ra bao nhiêu nghị quyết và chỉ thị mà
không cải cách thể chế, để từ đó làm trong sạch và vững mạnh chính quyền thì mọi
chỉ thị, nghị quyết chỉ là hình thức suông.
Về
nguyên nhân chính của tệ nạn, Thạch Đạt Lang đã nêu ra 2 điều là chế độ CS và
thói ích kỷ của người dân. Tôi chỉ muốn bổ sung, đó là sự kết hợp và cộng hưởng
của hai điều ấy. Nếu không có sự kết hợp và cộng hưởng đó thì tệ nạn có thể vẫn
xẩy ra nhưng sẽ ít hơn nhiều.
Trong
bài viết TĐL chỉ mới nêu ra nhận xét mà chưa phân tích, chắc là vì bài đã quá
dài do phải kể nhiều sự kiện. Riêng có một chút nhỏ tôi chưa được hoàn toàn tán
thành với TĐL khi trong kết luận ông viết: “Nên xử sự như thế nào khi giao
thông trên đường phố, khi tai nạn xẩy ra cho đúng với văn hóa mà chúng ta thường
tự hào? Độc giả hãy tự tìm câu trả lời cho chính mình bởi vì biểu lộ văn hóa
giao thông cũng chính là biểu lộ văn hóa mà chúng ta hấp thụ được từ trong gia
đình, giáo dục học đường, xã hội”.
Viết
như vậy ông chỉ mới tác động đến thói ích kỷ trong mỗi con người, mà chưa đả động
gì đến chế độ CS. Chỉ có thay đổi thể chế độc tài
toàn trị của ĐCS theo Chủ nghĩa Mác-Lê để xây dựng thể chế dân chủ, đồng thời với việc nâng cao nhận
thức và đạo đức của người dân, mới có điều kiện xóa bỏ sự kết hợp viết ở trên,
tạo điều kiện xây dựng xã hội lành mạnh.
No comments:
Post a Comment