Thanh Phương – RFI
Đăng
ngày 23-02-2018
Nhật Bản dự định dùng
viện trợ phát triển để phục vụ cho chiến lược xây dựng một vùng “ Ấn Độ - Thái
Bình Dương tự do và rộng mở”. Đó là nội dung chính của bản báo cáo thường niên
2017 về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mà chính phủ Tokyo công bố hôm
nay, 23/02/2018.
Tổng thống Philippines
Rodrigo Duterte trên một chiếc tàu tuần duyên do Nhật Bản cung cấp, Manila,
ngày 12/10/2016REUTERS/Damir Sagolj
Theo
sách trắng về ODA nói trên, Nhật sẽ trợ giúp các nước đang phát triển trong việc
bảo đảm an toàn vận chuyển hàng hải và thực thi pháp luật trên biển, nhằm củng
cố trật tự pháp quyền trong khu vực này. Để đạt được mục tiêu đó, Tokyo sẽ cung
cấp cho các nước Đông Nam Á tàu tuần tra và những thiết bị để giúp các nước này
tăng cường khả năng thực thi pháp luật trên biển. Sách trắng cũng cho biết là
Nhật Bản sẽ phối hợp viện trợ phát triển với viện trợ nhân đạo trong nỗ lực
ngăn ngừa xung đột trong khu vực.
Thông
qua việc sử dụng ODA, Tokyo nhắm đến việc cải thiện các cơ sở hạ tầng trong
vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời giúp cho con người và hàng hóa được lưu
thông dễ dàng hơn trong vùng này.
Nhật
Bản hiện vẫn là một trong những quốc gia cấp viện trợ phát triển hào phóng nhất,
đứng hàng thứ tư thế giới trong năm 2016 với tổng cộng 16,8 tỷ đôla, chỉ sau
Hoa Kỳ, Đức và Anh Quốc. Riêng đối với Việt Nam, Nhật Bản vẫn là một trong những
nhà tài trợ ODA lớn nhất.
Với
việc sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức nhằm thúc đẩy việc xây dựng một
vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, Nhật Bản rõ ràng là muốn giành ảnh
hưởng với Trung Quốc, quốc gia hiện cũng đang vung rất nhiều tiền để chiêu dụ
các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.
Ngoài
các khoản viện trợ hào phóng, Bắc Kinh còn đang đầu tư rất nhiều vào những công
trình cơ sở hạ tầng đồ sộ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là
trong khuôn khổ “Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường” do chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình khởi xướng. Đây là một dự án đầy tham vọng biến Trung Quốc thành
trọng tâm của một mạng lưới giao thương khổng lồ sẽ kết nối hơn 60 quốc gia.
Cũng
theo chiều hướng đối trọng với Trung Quốc, Nhật Bản đã tăng cường quan hệ với
ba quốc gia Hoa Kỳ, Ấn Độ và Úc. Theo một tạp chí của Úc, được hãng tin Reuters
trích dẫn ngày 19/02 vừa qua, bốn nước này đang thương lượng với nhau về một dự
án cạnh tranh với “Sáng kiến Một Vành đai và Một Con đường” của Trung Quốc.
Nói
chung, chiến lược thúc đẩy một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở,
do thủ tướng Shinzo Abe đề xướng, nay được chính quyền của tổng thống Mỹ Donald
Trump ủng hộ hoàn toàn, bởi vì Washington cũng chủ trương là phải bảo đảm quyền
tự do hàng hải ở khu vực này, đặc biệt là tại vùng Biển Đông, nơi mà Trung Quốc
đã xây nhiều đảo nhân tạo tại các khu vực đang tranh chấp chủ quyền.
Nhưng
liệu Tokyo có thể cạnh tranh được với Trung Quốc trong việc dùng viện trợ để
giành ảnh hưởng hay không? Hiện chưa thể trả lời câu hỏi này, nhưng một điều chắc
chắn, theo giáo sư Yoichi Shimada, Đại học Fukui, là viện trợ phát triển của
Trung Quốc không giống như của Nhật Bản. Khi viện trợ cho các nước, Bắc Kinh chỉ
nhắm đến một mục tiêu là tạo công ăn việc làm cho các công ty Trung Quốc và phục
vụ cho các tham vọng chiến lược của nước này. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không
công bố số liệu về viện trợ phát triển, nhưng theo các thẩm định thì Trung Quốc
chi tiêu hàng năm cho ODA nhiều hơn cả Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment