Tuệ
Minh (tổng hợp)
10:08 - 16/02/2017
Tổng
thống Donald Trump đã phải đón nhận một tin không vui khi ông đang cố gắng hoàn
thiện nội các của mình, đó là ứng viên Bộ trưởng Lao động, Andrew Puzder đã xin
rút lui giữa những lo ngại cho rằng ông Puzder sẽ khó được Thượng viện thông
qua.
Theo Reuters, quyết định rút lui của ông Puzder lại
là một cú sốc khác mà chính quyền ông Trump phải chịu đựng chỉ chưa đầy một tuần,
sau vụ từ chức bất ngờ của cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vì bê bối liên
quan đến Nga.
Andrew Puzder, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng đồ
ăn nhanh CKE, thời gian qua đã trở thành trung tâm của những tranh cãi, phàn
nàn và xung đột. Đầu tháng này, ông thừa nhận vợ chồng ông đã thuê một người
giúp việc không có lý lịch. Ông cũng phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích và những
vụ kiện tụng bởi các công nhân làm việc trong những doanh nghiệp do ông quản
lý.
Gần đây nhất, một cuộn băng từ chục năm trước trong
chương trình Oprah Winfrey đã ghi lại những cáo buộc của vợ cũ ông Puzder về việc
bà đã bị ông bạo hành. Tuy nhiên, lời buộc tội này sau đó đã được gỡ bỏ.
Tổng thống Donald Trump và ứng viên Bộ trưởng Lao động, Andrew
Puzder. Nguồn: Reuters
Trong tuyên bố rút lui ngày hôm qua (15/2), ông
Puzder cho biết: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và thảo luận với gia đình, tôi xin
được rút khỏi vị trí ứng viên Bộ trưởng Lao động”.
Tuyên bố rút lui của ông được đưa ra chỉ một ngày
trước khi ông phải tham gia phiên điều trần của Quốc hội để các nghị sĩ Mỹ
chính thức bỏ phiếu thông qua chức danh này. Phiên điều trần tại thượng viện của
ông Puzder từng bị trì hoãn 5 lần vì ông không nộp được các giấy tờ tài chính
và đạo đức phù hợp.
Sau những cáo buộc ngược đãi nhân viên và lập trường
ủng hộ chính sách tăng cường nhập cư, ông Puzder nhanh chóng mất đi sự ủng hộ của
thành viên đảng Cộng hòa. Để được phê chuẩn vị trí Bộ trưởng Lao động, ông
Puzder cần tới 50 trong số 52 phiếu của các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong
thượng viện. Tuy nhiên, ít nhất 7 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã từ chối ủng hộ
ông trước phiên điều trần.
Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ tỏ ra vui mừng
trước sự rút lui của Puzder. “Ngay từ đầu, đã quá rõ ràng rằng Puzder không phù
hợp với vị trí Bộ trưởng Lao động”, Patty Murray, thành viên Ủy ban Thượng viện
về Y tế, giáo dục, lao động và lương hưu, cho biết.
Quốc
hội điều tra quan hệ giữa ông Trump và Nga?
Trả lời kênh Fox News ngày 15/2, thượng nghị sĩ đảng
Cộng hòa Lindsey Graham cho rằng Quốc hội Mỹ cần mở cuộc điều tra lưỡng đảng nếu
có bất cứ sự liên hệ không phù hợp nào giữa đội tranh cử của Tổng thống Donald
Trump và giới chức Nga.
Ông Graham nêu rõ: “Nếu có bất cứ sự liên hệ không đúng đắn nào giữa giới chức Nga và các
quan chức thuộc đội ngũ tranh cử của ông Trump, thì đã đến lúc Quốc hội thành lập
một ủy ban chung để điều tra kỹ lưỡng mọi thứ về mối quan hệ này”.
Nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu Quốc hội mở cuộc điều tra lưỡng viện về mối quan
hệ của ông Trump với Nga. Nguồn: Reuters
Tờ New York Times đưa tin các thành viên đội tranh cử
của ông Trump đã nhiều lần liên lạc với giới chức tình báo cấp cao Nga trước cuộc
bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái.
Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn đã từ chức khi có cáo buộc ông không trung thực với Phó Tổng thống Mike
Pence và giới chức Nhà Trắng
về việc liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ, Sergey Kislyak của mình.
Ông
Trump chỉ trích tình báo Mỹ
Trước những cáo buộc dồn dập về mối quan hệ với Nga,
Tổng thống Donald Trump ngày hôm qua (15/2) lại chỉ trích cộng đồng tình báo Mỹ
vì có thể đã cung cấp các thông tin mật cho truyền thông.
Ông Trump đã liên tiếp đưa ra các dòng trạng thái
trên Twitter, trong đó chỉ trích việc các thông tin mật đang được cộng đồng
tình báo tiết lộ trái phép cho New York Times hay Washington Post, đồng thời tỏ
ý nghi ngờ cả các cơ quan hàng đầu như Cục Điều tra liên bang Mỹ hay Cơ quan An
ninh Quốc gia (NSA).
Ông cho rằng, đây là hành động không mang phong cách
Mỹ, khi những thông tin bảo mật lại được mang ra cho các cơ quan truyền thông
như “phát kẹo”.
Tuyên bố này đến sau khi New York Times, CNN và
Washington Post đăng những bài báo từ nguồn tin riêng cho biết, một vài cố vấn
của ông Trump đã có mối liên hệ với giới tình báo Nga trong chiến dịch tranh cử
của ông hồi năm 2016.
Tổng thống Trump đã lên tiếng phủ nhận hoàn toàn việc
này, đồng thời khẳng định rằng, đây chỉ là nỗ lực nhằm che đậy sự thất bại của
bà Hillary Clinton trong bầu cử. Moscow cũng đã đưa ra phản hồi khi người phát
ngôn Điện Kremlin cho rằng những câu chuyện về giới chức Mỹ liên hệ với Nga là
hoàn toàn nực cười và thiếu chứng cứ rõ ràng.
----------------------
Anh Tuấn (lược dịch)
16:16 - 16/02/2017
Theo
trang tin Business Insider, các cơ quan tình báo Mỹ được cho là đang giữ những
thông tin nhạy cảm và không tiết lộ chúng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump do lo
sợ rò rỉ.
Cụ thể, một số quan chức tiết lộ với báo The Journal
(Mỹ) họ cảm thấy do dự khi tiết lộ cho ông Trump “những nguồn thông tin và cách
thức” mà các cơ quan tình báo sử dụng để thu thập thông tin.
Đây được cho là hành động thường thấy, bởi các quan
chức tình báo đôi lúc làm vậy để bảo vệ nguồn tin của mình. Tuy nhiên, những
quan chức này cho biết một phần lý do họ không muốn tiết lộ thông tin nhạy cảm
cho Tổng thống Trump bởi những nghi ngờ về mối quan hệ của ông với Nga vẫn còn,
và điều này có thể xâm hại đến an ninh quốc gia.
Một phát ngôn viên của Văn phòng Giám đốc Tình báo
Quốc gia đã phủ nhận những thông tin trên, nói rằng “bất kỳ bài viết nào nói rằng các cơ quan tình báo Mỹ đang giấu thông
tin và không cung cấp đầy đủ nhất những gì họ biết cho Tổng thống Mỹ và đội ngũ
cố vấn an ninh quốc gia của ông là không chính xác”.
Kể từ khi cuộc bầu cử Tổng thống được tổ chức, ông
Trump đã có quan hệ không tốt đối với các cơ quan tình báo Mỹ. Đây cũng được
coi là một lý do khác khiến các quan chức tình báo Mỹ vẫn còn do dự tiết lộ
cách thức thu thập những dữ liệu nhạy cảm.
Ông Trump đã nhiều lần vừa chỉ trích rồi sau đó khen
ngợi các cơ quan tình báo Mỹ. Cụ thể, vào tháng 1 ông đã xuất hiện tại tổng
hành dinh của CIA để bày tỏ sự biết ơn đối với cơ quan này sau khi nhậm chức.
Nhưng trước đó ông đã cáo buộc cơ quan này thực hiện những hoạt động điều tra
“vì lý do chính trị” khi họ cho rằng Nga can thiệp vào quá trình bầu cử Tổng thống
Mỹ.
Thượng nghị sĩ Adam Schiff của bang California mới
đây đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng việc các cơ quan tình báo bảo vệ
nguồn tin và người thu thập thông tin là “nghĩa vụ thiêng liêng nhất của họ”.
Nói về ông Trump, ông Schiff cho biết: “Tôi
chắc rằng trong tất cả các quan chức tình báo có rất nhiều đang phân vân ông ta
nghĩ như thế nào về Nga”.
Sự thiếu tin tưởng các cơ quan tình báo của ông Trump
đã nhiều lần xuất hiện trong các bài phát biểu. Mới đây vào ngày 15/2, ông nói
rằng các cơ quan này để thông tin mật rò rỉ “như cho kẹo” và “bất thường”.
Trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Israel Benjamin
Netanyahu vào ngày 15/2, ông Trump tiếp tục chỉ trích việc thông tin mật bị lộ
và gọi đây là một “hành động bất hợp pháp”, đồng thời lên tiếng biện hộ cho cựu
cố vấn Michael Flynn, người vừa từ chức do ông này bị phát hiện có một loạt cuộc
gọi tới đại sứ Nga tại Mỹ.
Ông Mark Lowenthal, một cựu quan chức tình báo Mỹ
cho biết: “Việc quan hệ giữa Tổng thống Mỹ
và các cơ quan tình báo xấu như hiện nay là điều chưa từng xảy ra trước đây.
Tôi chưa bao giờ thấy mức độ căng thẳng giữa hai bên lại lớn như bây giờ và nó
không có lợi cho đất nước”.
No comments:
Post a Comment