Monday, February 27, 2017

VÌ SAO AN-NAM MÊ TÍN DỊ ĐOAN ? (Baron Trịnh)




22 February 2017

1.
An-nam là một dân tộc tin vào thần thánh.
Trong 2 cuộc Nam tiến và Tây tiến vĩ đại để hình thành nên An-nam-quốc-gia cong cong hình chữ S của ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng được duy trì ở cả tầm quốc gia, dân gian và gia đình.
Ở tầm quốc gia, người ta thờ cúng các thần linh là những người có công hay các anh hùng dân tộc, chẳng hạn như đức Thánh Trần hay bà chúa Liễu Hạnh. Ở mức độ dân gian, người ta thờ cúng Thành hoàng của làng/xã. Thành hoàng có thể là người sáng lập ra làng, có thể là người làng có công với quốc gia, có thể là người khởi tạo nên nghề nghiệp cho làng,… và được triều đình phong kiến sắc phong. Ở mức độ gia đình, người ta thờ cúng tổ tiên và các vị thần theo truyền thuyết như tôn thần, thổ địa, thần tài, táo quân,…
Đây là một nét văn hóa đặc sắc, duy trì được đức tin và tín ngưỡng của cần-lao trước khi những tôn giáo chính thống như Phật giáo được giới thống trị truyền bá đan xen thờ cúng cùng tín ngưỡng truyền thống nói trên.

2.
Có những hiện tượng huyền bí, tâm linh vẫn hiển hiện trong đời sống con người từ xa xưa đến tận ngày nay. Mặc dù khoa học đã và đang dần dần giải mã những hiện tượng đó nhưng đã xác định được những trường sinh học kết nối giữa người đã chết với người sống, hay việc một số người có khả năng ngoại cảm, khả năng nhìn thấy trước tương lai,…
Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới không bài xích những vấn đề duy tâm, đặc biệt là những bí ẩn trong các nền văn hóa lớn như Trung hoa, Ấn Độ, Ai cập,…
Có nghĩa, vẫn tồn tại những sự huyền bí của tự nhiên, được con người tìm đến như một đức tin trong cuộc sống, tạo ra sự tâm linh trong tâm trí của họ.

3.
Hơn nghìn năm Bắc thuộc, An-nam là một bản sao cả về văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng, tâm linh,… của nước láng giềng Trung hoa. Đến tận ngày nay, sự lệ thuộc đó vẫn không suy giảm.
Trung hoa cổ đại có một nền văn hóa rực rỡ, từ vài nghìn năm trước đã phát kiến ra những công trình nghiên cứu đồ sộ về con người và vận mệnh con người. An-nam-cần-lao vẫn quen thuộc với những Hà đồ - Lạc thư, Kinh dịch, tướng pháp,… Dĩ nhiên, để có kiến thức sơ đẳng về những điều nói trên, cần phải biết chút chữ nghĩa và có một chút trí tuệ. Và điều đó không dành cho cần-lao thối tai khai bẹn thủa thời chưa có chữ quốc ngữ.
Và thế là, những điều huyền bí về số mệnh con người được đám học chữ “thánh hiền” độc quyền. Đám này kết hợp với đặc tính tín ngưỡng của cần-lao để tạo ra niềm tin vào các thế lực siêu nhiên và cho rằng số phận cuộc đời đã được định sẵn. Điều này được các chế độ phong kiến áp dụng triệt để trong việc quản trị tư tưởng của cần-lao trong quá trình cai trị từ trung ương đến địa phương.

4.
Khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Những người cộng sản với kim chỉ nam là chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành những kẻ vô thần. Và họ cho rằng những tín ngưỡng, tâm linh của cần-lao là sự mê tín dị đoan cần phải loại trừ trong con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa.
Và thế là một cuộc “cách mạng” loại trừ mê tín dị đoan được hình thành. Những người cộng sản phá đền, phá chùa, bài trừ sự cúng bái, bói toán, tế lễ thần thánh,… Thay việc thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần phật bằng việc treo ảnh lãnh tụ. Chúng ta có thể tìm thấy những hình ảnh các lãnh tụ cộng sản được treo trang trọng giữa nhà thay cho các bát hương và bài vị tổ tiên vào các thập niên 60-70 của thế kỷ trước ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, một cuộc “cách mạng” nhỏ không thể tẩy não được tín ngưỡng của cần-lao. Và họ bắt đầu dấm dúi thờ cúng lại tổ tiên, thần phật. Đặc biệt đối với những người gặp những điều bất trắc trong cuộc sống mà không được chính quyền giải quyết. Họ quay lại tin vào số phận, tin vào sự trừng phạt do tâm linh bởi lẽ chính họ là những thành phần nhiệt tình nhất trong việc phá đền, phá chùa và bỏ bát hương tổ tiên.
Một vài nơi, một số kẻ tham gia phá đền, phá chùa gặp những rủi ro trong cuộc sống đã được cần-lao thêu dệt lên những câu chuyện rùng rợn về việc “quả báo” do đã quay lưng lại với thần thánh, tổ tiên. Và công cuộc bài trừ mê tín dị đoan, hướng tới chủ nghĩa vô thần của cộng sản đã thất bại hoàn toàn ở An-nam, bắt đầu mạnh mẽ từ khi mở cửa về kinh tế.

5.
Phú quý sinh lễ nghĩa” là một đặc tính của cần-lao An-nam. Những kẻ thành đạt trong cuộc sống thường cho rằng đó là do phúc đức của tổ tiên, sự phù hộ của thánh thần và số mệnh của họ. Điều này có một phần đúng đắn vì theo tử vi, số phận của mỗi người là khác nhau. Một số trường hợp đặc biệt như một vài kẻ nghèo hèn bỗng trở thành đại phú hay vài quan lại bị thất sủng về quê cày ruộng khiến tâm lý tin vào số mệnh được áp đặt trong não trạng của cần-lao An-nam.
Từ thời Lý, phật giáo đã được truyền bá sâu rộng vào trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của cần-lao An-nam. Và cần-lao dễ dàng kết hợp sự tín ngưỡng dân gian với tín ngưỡng tôn giáo làm một. Câu nói “thờ thần phật” trở nên quen thuộc với cần-lao khi chủ thuyết luân hồi và hướng con người đến điều thiện của giáo lý nhà phật được cần-lao đón nhận nhiệt tình bởi đã có sẵn trong não trạng quan niệm về lễ giáo của Khổng Khâu xứ Tàu.
Thế nên, khi An-nam vượt qua thời đói khổ của bao cấp, và chính sách mở cửa đã vực dậy nền kinh tế từ quốc gia đến gia đình thì sự tín ngưỡng về tâm linh trỗi dậy. Những kẻ có tiền bắt đầu xây mộ, xây từ đường để tri ân tổ tiên đến tu bổ, sửa sang đền miếu của làng xã. Lớn hơn, họ bắt đầu kêu gọi sửa sang chùa chiền, và nghiễm nhiên tự coi phật giáo như một quốc đạo của An-nam.
Dĩ nhiên, những đối tượng này phần lớn là quan chức của chính quyền, từ thượng tầng trung ương ủy viên đến hạ tầng quan chức lìu tìu địa phương. Và dĩ nhiên, phần lớn họ không có tôn giáo. Một yếu tố quan trọng trong sơ yếu lý lịch của một xã hội bổ nhiệm quan chức theo chủ nghĩa lý lịch.

6.
Có cung ắt có cầu. Những dịch vụ đáp ứng nhu cầu tâm linh và tín ngưỡng nở rộ như nấm mọc sau mưa, thượng vàng hạ cám đủ cả.
Chưa bao giờ xứ An-nam thịnh vượng về các dịch vụ tín ngưỡng như hiện nay. Ở đâu cũng có thể có thầy bói toán, từ lấy lá số tử vi, bói bài, bói chỉ tay, bói lá trầu,… Ở đâu cũng có thầy cúng, thầy phong thủy. Sách về bói toán, tử vi, cúng bái, phong thủy có thể tìm bất cứ nơi đâu, từ nhà sách cao cấp đến bán dạo vỉa hè, bến xe.
Tiền nào của ấy” là câu nói quen thuộc của An-nam, và tất nhiên bao gồm cả dịch vụ tín ngưỡng. Bởi tại nhà nhà đi mời thầy cúng, người người đi xem bói,… nên hình thành một đội ngũ buôn thần bán thánh rất đông đảo. Từ đám thầy chùa đầu trọc thích tu hú hơn tu thân đến đám bần nông bần lâm thất học được “ăn lộc thánh”. Vài chục nghìn đồng cũng bói, vài trăm nghìn đồng cũng cúng. Đám này không những truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi cần-lao, mà còn nhẫn tâm trục lợi trên cả xương cốt của những người đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.
Nói đi cũng phải nói lại. Có những người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, họ thấu hiểu sâu sắc chiêm tinh, kinh dịch, có thể suy đoán được số phận con người trên góc độ khoa học của tử vi. Có những người có những khả năng đặc biệt có thể nhìn thấy người âm mà chúng ta thường gọi là ngoại cảm (khoa học đã xác nhận điều này). Có những người tu hành chân chính, lấy giáo lý phật môn để cầu an giúp người.
Tuy nhiên, những người này rất ít, và năng lực của họ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Đặc biệt là những người có khả năng ngoại cảm. Trong vài triệu người có một người có khả năng ngoại cảm đã là hiếm. Và trong trăm lần ngoại cảm mới có một vài trường hợp chính xác đã là quý.
Ấy thế nhưng cần-lao ai cũng tham lam. Ai cũng muốn thỏa mãn cái họ mong muốn. Họ sẵn sàng bỏ tiền bỏ bạc để đổi lại sự tò mò lẫn “bí ẩn” về số phận của họ. Nghe nói có thầy bói nào hay là đổ xô đến. Nghe nói có đền, có điện nào thiêng là đỗ xô đến. Thật giả lẫn lộn, bát nháo tứ tung.

7.
Đáng ra, sự mê tín dị đoan, những tà đạo, tà giáo cần phải loại trừ triệt để. Nhưng có thể thấy trong thời gian qua, chính quyền đã buông lỏng quản lý điều này. Không những thế, lãnh đạo từ to đến nhỏ thể hiện rõ sự cuồng tín về thần phật của họ. Có thể thấy lãnh đạo cao cấp của chính quyền ở các lễ chùa, lễ phật hì hụp cúng bái. Có thể thấy bát hương được hiện diện ở từng phòng trong công sở. Những ngày cuối năm, đầu năm thì xe công lẫn quan chức đi đền đi chùa nườm nượp.
Đình chùa miếu mạo được ồ ạt xây dựng. Thầy bói, thầy cúng, bà đồng, ông cốt được hoạt động tự do, thỏa sức truyền bá mê tín dị đoan, miễn không truyền bá cần-lao chống chính quyền là được.
Không những để tự phát trong xã hội, mà có hẳn 3 tổ chức nghiên cứu về tâm linh với tên gọi mỹ miều là: “Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng”; “Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người”; “Viện Nghiên cứu tiềm năng con người” được chính quyền công nhận và bảo hộ. Không biết họ nghiên cứu được cái gì? Nhưng cấp phép tràn lan cho đám bà đồng ông cốt, thậm chí cả đám tâm thần phân liệt tự xưng là dị nhân quái nhân có khả năng hô mưa gọi gió.
Những vụ việc liên quan đến đám giả thần giả quỷ trục lợi trên sự cuồng tín của cần-lao đến mức nghiêm trọng như tên Thủy giả danh ngoại cảm trục lợi trên xương cốt của các liệt sỹ đã được phản ánh, truy tố. Nhưng vẫn còn đó nhan nhãn những kẻ nhân danh khoa học như nhà ma học” Giác Hải, hay nhân danh ngoại cảm” như đám Thị Hòa, và những đám bà đồng ông cốt, cô cậu ngoại cảm khác.

8.
Khi nói về những điềm mất nước (Vong trưng), Hàn Phi đã cho rằng: “Dùng bọn coi ngày, thờ quỷ thần, tin bói toán, thích cúng tế thì (nước) có thể mất” (thiên XV, quyển V).
Phan Chu Trinh đã từng viết trong “Việt quốc bệnh phu” một trong mười điều bi ai của An-nam là “chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật”.
Có thể thấy, mê tín dị đoan đã bị lên án và bài trừ từ thời xa xưa, khi mà những vấn đề duy tâm lẫn các sự vật, hiện tượng thần bí của tự nhiên chưa được khoa học giải thích một cách thấu đáo.
Vậy mà, ở tận thế kỷ 21, khi mà khoa học đã đạt tới sự vi diệu trong tiếp cận nghiên cứu theo hình thức lượng tử đối với các vật chất siêu vi trong một chuyển biến siêu hình học. Cũng như các kết quả ngoại cảm có thể xác định một cách cực kỳ đơn giản qua xét nghiệm AND. Thế nhưng, không hề có một động thái quyết liệt nào của chính quyền đối với đám buôn thần bán thánh này, trừ những trường hợp đã bị cần-lao phát giác là lừa đảo.
Không lẽ chính quyền không hiểu những điều đơn giản mà Hàn Phi đã cảnh báo từ hơn 2.000 năm trước, hay “bệnh” của An-nam mà Phan Chu Trinh đã chỉ ra gần 100 năm trước? Không lẽ chính quyền không biết bọn “ma học” đang hoành hành, đang đẩy cần-lao An-nam trở nên mê tín dị đoan đến mức cuồng tín (điều mà hơn nửa thế kỷ trước họ đã cố gắng bài trừ), đang khiến cần-lao An-nam lệch lạc về nhận thức tín ngưỡng và triết lý tôn giáo chính thống? Không lẽ chính quyền không biết mê tín dị đoan đã làm cho cần-lao An-nam trở nên mông muội, u mê từ não trạng đến thể chất, và điều này là kẻ thù của sự phát triển lên một xã hội văn minh?
Họ không biết? Hay họ cố tình không biết?

© 2014 Baron Trịnh (Viết cho tháng cô hồn)
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên Internet.

Đọc thêm:
Café sáng thứ 7 (#37): Tháng bảy cô hồn
Khi "ma học" nhân danh khoa học
Lý thuyết siêu thực

--------------------------------

















No comments: