Doisong&phapluat
Thứ hai, 27/02/2017 | 20:48 GMT+7
Tổng
thống Donald Trump sẽ “đạo diễn” quan hệ Nga – Mỹ theo hướng nào khi mà những
tuyên bố của chính quyền mới về quan hệ này thay đổi như chong chóng?
Trong tuyên bố mới nhất của chính quyền Trump, Thư
ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định, tân Tổng thống Donald Trump sẽ bắt tay với Tổng thống Nga
Putin hoặc “bất cứ quốc gia nào khác” cùng nước Mỹ đánh bại chủ nghĩa khủng bố
bao gồm tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
“Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ hợp tác với bất
cứ quốc gia nào chia sẻ mối bận tâm trong việc đánh bại IS, không chỉ trong
lĩnh vực an ninh quốc gia mà còn cả mặt trận kinh tế. Nếu có sự hợp tác nào
giúp Mỹ chống lại IS, với Nga hay bất cứ quốc gia nào khác thì chắc chắn Mỹ sẽ
nắm lấy cơ hội đó”, ông Sean Spicer cho hay.
Theo The Guardian (Anh), tiêu diệt được IS là chủ đề,
điểm nhấn từng chiếm phần lớn thời lượng trong các bài hùng biện của Tổng thống
Trump. Và ai cũng phải công nhận rằng, không thể làm điều này nếu thiếu vai trò
của Nga. Đối với ông Trump, hợp tác với Moscow trong việc chống khủng bố thực sự
là một trong những yếu tố chính trị quan trọng.
Tiến sĩ Constantin Sivkov, chuyên gia phân tích
chính trị thuộc Đại học Moscow nhận định: “Nhà Trắng từng khẳng định, nếu vì lợi
ích nước Mỹ, ông Trump sẽ sẵn sàng hợp tác với Nga, song liệu ông Trump có thuyết
phục được các thành viên trong nội các đồng ý với hướng đi của mình. Đây là
“bài toán” cực kỳ khó khăn bởi đối đầu là quan điểm truyền thống trong quan hệ
Nga – Mỹ”.
Ông Sivkov còn chỉ rõ, quan điểm của Nga luôn mở cửa
cho đối thoại và hợp tác đặc biệt trong các hoạt động chung nhằm chống khủng bố.
Nhưng cả hai nước đều không nhượng bộ thì rất khó tìm được tiếng nói chung.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã sẵn sàng
khôi phục hợp tác với Lầu Năm Góc nhưng nếu đối thoại với Moscow từ vị thế kẻ mạnh
hơn sẽ không mang lại hiệu quả. Vị Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra tuyên bố trên
khi bình luận về phát biểu của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, rằng Mỹ
muốn “mở cửa cho những cơ hội để khôi phục hợp tác với Moscow nhưng trên tư thế
của kẻ mạnh”.
Cũng theo hãng tin này, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống
Mỹ cũng tỏ ra thận trọng khi phát ngôn về chủ đề sáp nhập bán đảo Crimea vào
Nga, trái ngược hẳn với những tuyên bố ở giai đoạn tranh cử. Thêm vào đó, đội
ngũ của chính quyền hiện tại thì như đang “đổ thêm dầu vào lửa” khi đưa ra những
tuyên bố cứng rắn về mối quan hệ với Nga.
Tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Michael
Pence nhấn mạnh rằng Nga có trách nhiệm phải thực hiện thỏa thuận Minsk. Trong
khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson lại bỏ qua những câu hỏi về vấn đề
bãi bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Thậm chí việc cố vấn An ninh quốc
gia Michael Flynn từ chức gần đây cũng được cho là có liên quan đến việc ông
này tiếp xúc với Đại sứ quán Nga tại Washington.
Giới quan sát cho rằng, thật khó để đưa ra dự đoán về
tương lai mối quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Dường
như đội ngũ của ông Trump vẫn đang nỗ lực tìm ra một giải pháp trọn vẹn. Thêm
vào đó, ông Trump cũng sẽ vấp phải những “hòn đá” cản trở “tan băng” quan hệ
Nga – Mỹ đó chính là những nghị sĩ không có cảm tình với Nga.
Quan trọng nhất lúc này, Tổng thống đời thứ 45 của
nước Mỹ cần phải nhanh chóng củng cố nội bộ chính quyền của mình, một chính quyền
mà nhiều người tin rằng còn đang “bối rối do thiếu kinh nghiệm chính trị” rồi
sau đó mới định hình phương hướng đối ngoại.
No comments:
Post a Comment