Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017
Cuộc họp báo hàng tuần của Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu
24 tháng 2 năm 2017 đã không mời các ký giả thuộc một số báo và đài như The New
York Times, CNN, The Los Angeles Times, Politico và BuzzFeed.
Những cơ sở truyền thông lớn khác như The Wall Street Journal, Bloomberg,
Fox News, ABC News, và CBS News vẫn có mặt, nhưng nhiều
cơ sở khác đã từ chối. Hành động ngăn cấm một số nhà báo của chính quyền Donald
Trump bị chê là “dại dột và bất lợi” (and counterproductive), như lời phê phán
của ông Ari Fleischer, cựu phát ngôn viên báo chí Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống
George W. Bush. Ngày hôm trước, Tổng thống Donald Trump nhắc lại, một lần nữa,
lời đả kích các báo đài loan tin bất lợi cho ông trong một bài diễn văn tại cuộc
họp của Liên Đoàn Bảo Thủ Hoa Kỳ (American Conservative Union, viết tắt ACU).
Trong Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (Conservative
Political Action Conference, viết tắt CPAC), ông Trump tiếp tục kết án các
báo đài đối nghịch là “kẻ thù của nhân dân” vì “họ không có nguồn tin nào hết,
họ bịa đặt ra tin.”
Tổng thống Trump bắt đầu buộc tội các báo, đài New
York Times, CNN, vân vân, là “Tin Bịa đặt” sau khi họ loan tin về
những liên hệ giữa ông Trump và các cố vấn của ông với chính quyền Nga và giới
tình báo Nga. Sau đó, ông Trump tăng cường độ tấn công, gọi các cơ sở đó là “kẻ
thù của nhân dân.”
Một điều khác Tổng thống Trump trách cứ nhà báo là họ
mô tả cách làm việc của bộ tham mưu Tòa Bạch Ốc trong tháng qua là “hỗn loạn,”
trống đánh xuôi kèn thổi ngược, vì các cố vấn cao cấp bất đồng ý kiến. Ông
Trump cực lực bác bỏ cách diễn tả đó, ông nói rằng bộ tham mưu của ông hòa hợp
và nhất trí. Ông Trump còn tố cáo rằng các báo, đài trên đã dẫn chứng từ “nguồn
tin giấu tên” mà theo ông thì nhà báo không được giấu tên nguồn tin của mình.
Nhưng
sau cùng, các tin tức được các báo, đài trên loan báo đều là sự thật. Các cơ quan tình
báo Mỹ đang điều tra về những quan hệ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump
với giới tình báo của ông Vladimir Putin. Việc từ chức của ông cố vấn
an ninh vì nói dối phó tổng thống của ông và việc cách chức một phụ tá của ông
này cho thấy có lủng củng trong bộ tham mưu Tòa Bạch Ốc. Những tin tức trên được
tiết lộ, hoặc bởi những người làm trong giới tình báo, hoặc của một vài nhân
viên Tòa Bạch Ốc. Hiện tượng này không mới lạ, đời tổng thống Mỹ nào cũng có cảnh
các tin tức bên trong bị chính những người trong cuộc tiết lộ để tạo áp lực
nghiêng về phe mình.
Trong lịch sử báo chí ở Mỹ, nhiều vụ tai tiếng đã được
tung ra trước dư luận nhờ những “nguồn tin giấu tên.” Vụ Watergate khiến Tổng
thống Richard Nixon phải từ chức bắt nguồn từ một người giấu tên, được nhà báo
đặt cho biệt hiệu là “Deap Throat” mà hơn 30 năm sau danh tính thật mới được tiết
lộ, khi nhân vật đó qua đời. Nếu không có những nguồn tin giấu tên như vậy thì
nhiều việc nhơ bẩn của những người quyền thế không bao giờ được phanh phui để
trừng phạt và sửa đổi.
Sau khi Tổng thống Trump gọi một số báo đài là “kẻ
thù của nhân dân,” bây giờ đến hành động của phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc không
cho phóng viên các báo đài bị ông tố cáo dự các cuộc họp báo hàng tuần. Đây là
một bước leo thang của chính phủ Trump đối với những cơ quan truyền thông đã
loan tin bất lợi cho họ.
Hành
động này đi ngược với quy tắc của một xã hội tự do dân chủ. Giới truyền thông tự do đóng một vai trò trọng yếu trong cuộc sống dân
chủ, vẫn được gọi là “quyền thứ tư,” sau ba ngành hành pháp, lập pháp và tư
pháp. Truyền thông tự do bảo đảm sự thật sớm muộn sẽ được phơi bầy vì chính giới
truyền thông cũng cạnh tranh gắt gao với nhau để giành sự ủng hộ của độc giả,
khán giả. Cuộc cạnh tranh này bảo đảm nền tự do báo chí sẽ tạo ra các báo, đài
đứng đắn, trong sạch; cũng giống như sự cạnh tranh giữa các xí nghiệp bảo đảm
giới tiêu thụ sẽ có được những sản phẩm và dịch vụ tốt và rẻ. Nếu ngăn cản không cho những
báo, đài chống mình được nghe tin tức, chỉ loan tin riêng cho những báo đài có
cảm tình với mình thì chẳng khác gì các chế độ độc tài đảng trị.
Đài CNN đã phản đối Tòa Bạch Ốc, nói rằng “Hình như đây là cách họ trả đũa khi mình
loan báo các tin tức mà họ không ưa. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục loan báo tin tức.”
Báo The New York Times nhận xét rằng hành động cấm cản này
chưa bao giờ xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc, qua nhiều đời tổng thống thuộc cả hai đảng.
Hãng tin AP và tuần báo Time tuy không bị ngăn cấm nhưng đã quyết định không gửi
phóng viên dự cuộc họp báo vừa qua tại Tòa Bạch Ốc để phản đối. Nhật báo The
Wall Street Journal, có mặt trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu đã tuyên bố rằng
nếu họ biết trước một số đồng nghiệp bị cấm thì chính tờ báo này cũng không
tham dự cuộc họp báo. Ký giả Bret Baier thuộc đài Fox News, một đài được ông
Trump có thiện cảm, cũng phản đối, viết rằng “Tòa Bạch Ốc họp báo thì phải mở cửa
cho tất cả các cơ sở truyền thông.”
Một số thành viên hội đồng quản trị của Liên Đoàn Bảo
Thủ Hoa Kỳ (ACU) ngồi nghe Tổng thống Trump nói ngày Thứ Năm vừa qua cũng không
đồng ý với ông Trump khi gọi nhà báo là “kẻ thù của nhân dân.” Họ tỏ ý lo ngại
những thành phần có khuynh hướng phát xít, chống Do Thái và Da trắng Trên hết
xâm nhập vào đảng Cộng Hòa.
Một điều Tổng thống Donald Trump không dự tính khi tấn
công báo chí, là ông giúp cho công chúng Mỹ chú ý theo dõi những báo, đài bị
ông tấn công nhiều hơn. Ông Ari Fleischer, một người ủng hộ ông Trump nhận xét
rằng những lời công kích của ông Trump giúp cho các báo đài đó rất nhiều. “Làm báo tự nhiên thành hay ho thú vị vì các
nhà báo có biết bao nhiêu chuyện hay ho để kể!” Ngành truyền thông ở Mỹ
đang trên đà xuống dốc từ hàng chục năm qua. Thu nhập nhờ quảng cáo đã giảm
60%, mất khoảng 30 tỷ mỹ kim trong 10 năm từ 2006 đến 2015. Báo The New
York Times đã mất 16% tiền quảng cáo trong năm ngoái, báo The
Wall Street Journal thì mất đến 21%.
Nhờ ông Trump, một số báo đài đã được vực dậy! Theo
cơ sở nghiên cứu báo chí Nielsen thì các đài ti vi đã tăng thêm được 40% khán
giả trong sáu tuần lễ kể từ khi ông Trump đắc cử. Những người ủng hộ ông Trump
được đài Fox News thu hút, số khán giả thường xuyên của đài đã lên tới trên ba
triệu.
Từ khi ông Donald Trump tranh cử, các nhật báo như The
New York Times, Washington Post (đối nghịch, The Wall Street
Journal (thân Trump) đều tăng số độc giả mua báo dài hạn, báo giấy và
online. Các đài ti vi như CNN, Fox News đều tăng số khán giả. Báo The
New York Times đã tăng thêm nửa triệu người mua bán trên mạng online
trong năm qua, trong đó có 276,000 mới mua báo sau khi Tổng thống Trump đắc cử.
Hiện nay tờ báo bị ông Trump ghét nhất này có 3 triệu người mua, tăng một phần
ba so với năm ngoái, trong đó 1.7 triệu trả tiền để đọc báo trên mạng, online.
Tờ The Wall Street Journal thường phản ảnh quan điểm giới lãnh
đạo đảng Cộng Hòa cũng tăng thêm nhiều độc giả, trang mạng của họ có hơn một
triệu độc giả trả tiền mua, tăng thêm một phần tư triệu so với năm ngoái. Cả
báo The Wall Street Journal và đài Fox đều do công ty của tỷ
phú Rupert Murdoch làm chủ. Cả hai cơ sở này cũng không ngần ngại, nhiều lần đã
loan báo các tin không tốt về chính quyền Trump.
Khi Tổng thống Trump gọi một số báo đài là kẻ thù của
nhân dân vì họ loan tin bất lợi cho ông, ông cựu tùy viên báo chí của Tổng thống
George W. Bush, ông Ari Fleisher nhận xét, “Tu chính án số Một (về tự do báo
chí) đang bị đe dọa” vì những lời ông nói đó. Ai đã sống ở Việt Nam hay Trung
Quốc đều nhớ rằng chính quyền cộng sản vẫn gọi những người họ muốn giết là kẻ
thù của nhân dân!
Nhưng chế độ dân chủ ở nước Mỹ bảo đảm vị tổng thống
nào có thể chống lại báo chí tự do. Ông tổng thống muốn nói gì thì nói, các độc
giả và khán giả vẫn dành quyền chọn các báo, các đài mà họ thích. Các báo, đài
không những phải chạy đua loan tin nhanh, mà còn phải cạnh tranh giành lấy lòng
tín nhiệm của công chúng. Truyền thống dân chủ, tự do đã bám rễ ở nước Mỹ hơn
200 năm bảo đảm người dân biết sự thật, dù xấu hay tốt.
No comments:
Post a Comment