Đăng ngày 28-02-2017 S
« Paris
không còn là Paris nữa » : Trích lời « một ông bạn » tên Jim, một cái
tên khá phổ biến tại Mỹ, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 24/02/2017 đã lại
quay sang công kích Pháp, Thụy Điển và châu Âu nói chung về chính sách nhập cư
bị ông cho là quá lỏng lẻo, mở cửa cho khủng bố vào hoành hành, khiến cho du
khách chạy mất.
Đề tài những vụ khủng bố gần đây tại Pháp vẫn thường
được ông Trump sử dụng để biện minh cho chính sách thắt chặt nhập cư mà ông chủ
trương, nhưng lần này tổng thống Mỹ lại nói dông dài khác thường về Paris, thủ
đô nước Pháp.
Tại hội nghị thường niên của giới bảo thủ Mỹ CPAC
(Conservative Political Action Conference) gần Washington, khi nói về tầm quan
trọng của an ninh biên giới Mỹ, ông Trump đã không ngần ngại nêu bật Pháp và
châu Âu thành những ví dụ phản diện, chỉ trích cách thức các quốc gia châu Âu đối
phó với những vụ khủng bố của Hồi Giáo cực đoan.
Ông Trump lặp đi lặp lại : « Hãy nhìn những
gì đang xảy ra ở châu Âu đi... Hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Pháp đi ! Hãy nhìn
Nice và Paris đi ».
Và ông Trump đã kể với đám đông một câu chuyện về một
người bạn tên Jim của ông, rất mê Paris, và trong nhiều năm trời, mùa hè nào
ông ta cũng ghé Paris cùng với vợ con.
Ông Trump kể tiếp : « Lâu rồi tôi mới gặp
ông ấy và tôi hỏi « Này Jim, Paris lúc này thế nào ? Và ông ấy trả lời « Paris
ư ? Tôi không còn đến đó nữa. Paris không còn là Paris nữa ».
Đạo lý của câu chuyện, theo ông Trump, là không nên
được phép để xảy ra tại Hoa Kỳ những gì đang diễn ra ở Paris. Dù không nêu đích
danh, nhưng ông Trump ngụ ý rằng các vụ khủng bố ở Nice và Paris trong nhiều
năm qua có lẽ đã làm cho các thành phố này không còn an toàn.
Và ông trở lại với nhân vật tên Jim : « Từ bốn,
năm, năm nay ông ấy đã không đến Paris, điều mà trước đây ông ấy không bỏ lỡ dù
phải trả bất cứ giá nào. Thế mà ngày nay, ông ấy thậm chí không còn nghĩ đên việc
qua đó nữa ».
'Không
nên xem thường đồng minh !'
Phản ứng của Pháp rất tức thời trước những lời lẽ
thiếu thiện cảm đó.
Trước lời đả kích đích danh của vị tổng thống mang
tên Donald, trùng tên với chú vịt Donald, một nhân vật trong truyện tranh Walt
Disney, Paris đã phản pháo một cách mạnh mẽ, nhưng rất ý nhị và lịch sự, dùng đến
một nhân vật tiêu biểu cũng của Disney : Chú chuột Mickey !
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau phát biểu của tổng thống Mỹ,
thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, đã sử dụng ngay « vũ khí »
quen thuộc của ông Trump là twitter để phản pháo.
Bà đã gởi ngay cho ông Trump và « người bạn
Jim » của ông, một tấm ảnh bà chụp chung tại tháp Eiffel với hai người
hóa trang thành chú chuột Mickey và nàng chuột Minnie, 2 nhân vật nổi tiếng của
Walt Disney, kèm theo lời nhắn : « Ở tháp Eiffel chúng tôi đang kỷ niệm
sự năng động và tinh thần cởi mở của Paris cùng với Mickey và Minnie ».
Và như để chứng minh rằng tổng thống Mỹ đã nói năng
vô căn cứ, một tin nhắn thứ hai của bà Hidalgo trên mạng Twitter nêu bật :
« Lượng khách du lịch Mỹ đặt chỗ để đến Paris đã tăng 30% so với năm
2016 ».
Sau bà thị trưởng Paris, đến lượt tổng thống Pháp nhập
cuộc : Hôm 25/02, ông François Hollande đã nhân dịp ghé thăm Hội Chợ Triển Lãm
Nông Nghiệp Paris để cho rằng lẽ ra tổng thống Mỹ nên thể hiện thái đô ủng hộ
các đồng minh, hơn là chê bai.
Đối với ông Hollande « Việc biểu lộ thái độ
coi thường, dù là nhỏ nhất, đối với một quốc gia đồng minh không hay chút nào cả ».
Ông khẳng định : «Tôi sẽ không làm thế với Mỹ và tôi yêu cầu tổng thống Mỹ
cũng không làm thế với Pháp ».
Tổng thống Pháp mỉa mai : « Tôi không muốn
đưa ra so sánh nhưng ở đây – tức là ở Pháp – vũ khí không được phép lưu hành,
không có những người lấy súng bắn vào đám đông... »
François Hollande cũng không quên nhắc lại rằng gần
đây, khi tiếp xúc với ông qua điện thoại, ông Donald Trump từng nói lên « tất
cả tình yêu của mình đối với Paris và Pháp, ông yêu nước Pháp, và không có đất
nước xinh đẹp hơn Pháp ».
Dĩ nhiên là câu chuyện của Donald Trump và người bạn
tên Jim đã được cư dân trên mạng khai thác triệt để với những lời bình luận mỉa
mai, thậm chí dữ dội. Ấn bản Pháp của tờ báo Mỹ Huffington Post ngày 24/02 đã
ghi nhận một số phản ứng trên Twitter.
« Trump kể một câu chuyện buồn về người bạn
giàu có tên Jim của ông, đã không thể qua Paris chơi vì ông ấy sợ những người
rám nắng ».
« Khó mà tin được Jim, người bạn của Trump,
tôi mới đây đã đến Paris và chuyến đi tuyệt diệu ».
Có người còn công bố thông báo của đại sứ quán Mỹ tại
Pháp cho biết là Paris rất an toàn để tự hỏi « Chà, tôi đoán rằng Jim,
người bạn của Trump phải có nhiều thông tin hơn cả sứ quán Mỹ tại Pháp ».
Cách tổng thống Mỹ mượn danh « người bạn tên
Jim » cũng đã bị châm biếm. Một người đã nêu bật mâu thuẫn trong hai
câu nói của ông Donald Trump : « Đừng tin vào các nguồn tin nặc danh »
và « Người bạn tên Jim của tôi nói rằng Paris là một địa ngục khủng khiếp ».
Việc nói mơ hồ đến « người bạn tên Jim »,
một cái tên phổ biến chẳng khác gì với việc trích dẫn một nguồn tin nặc danh. Một
tin nhắn Twitter đã tự hỏi « Liệu có một phóng viên dũng cảm nào dám lần
lượt gọi cho tất cả những người mang tên Jim cho đến khi tìm ra được « người bạn
» tên Jim của ông Trump hay không ? »
Thụy Điển
bực dọc
Đây không phải là lần đầu tiên tân chủ nhân Nhà Trắng
bị tố cáo là có những tuyên bố vô căn cứ và tiêu cực về một nước châu Âu. Trước
Paris và nước Pháp, Thụy Điển cũng từng là nạn nhân của Donald Trump.
Ngày 18/02, cũng trước một đám đông tại bang
Florida, tổng thống Mỹ đã không ngần ngại nêu ví dụ Thụy Điển như là một nơi
thường bị khủng bố : « Hãy nhìn vào những gì ... đã xảy ra ở Thụy Điển
đêm qua đi ! Là Thụy Điển đấy, các bạn có tin không! Họ tiếp nhận số lượng lớn
(người nhập cư) nên đang gặp những vấn đề mà họ không bao giờ nghĩ có thể xảy
ra ».
Có điều là khi kiểm chứng lại, thì không hề có một vụ
tấn công khủng bố nào xảy ra tại Thụy Điển trong thời điểm ông Trump nêu lên,
và tuyên bố của tổng thống Mỹ đã lập tức bị chỉ trích là thất thiệt, điều mà một
hôm sau ông buộc phải thừa nhận, giải thích rằng ông chỉ dựa theo một phóng sự
về Thụy Điển trên kênh truyền hình Fox News, nổi tiếng là bênh vực ông Trump.
Thế nhưng trong hồ sơ Thụy Điển, đạo đức nghề nghiệp
của đài Fox News đang có vấn đề. Trong một chương trình nói về tình trạng người
nhập cư ở Thụy Điển, đài này đã phỏng vấn một người được giới thiệu là « Cố
vấn về quốc phòng và an ninh quốc gia Thụy Điển » tên là Nils Bildt,
đã bênh vực các tuyên bố của ông Trump theo đó số lượng các vụ tội phạm mà hung
thủ là người nhập cư ở Thụy Điển đã tăng lên đáng kể.
Vấn đề là người mang tên Nils Bildt đó không hề là cố
vấn cho chính quyền Thụy Điển, thậm chí chức vụ « Cố vấn về quốc phòng
và an ninh quốc gia Thụy Điển » cũng không hề có thực, tên Nils Bildt
cũng là tên giả.
Báo chí Mỹ và Thụy Điển đã điều tra phát hiện ra người
này hiện là một nhà phân tích an ninh đang làm việc tại Mỹ, đã đổi tên thành
Bildt vào năm 2003, năm 2014 từng bị kết án một năm tù tại Mỹ về tội bạo hành.
Điểm quan trọng tuy nhiên là chính nhân vật này đã cho biết rằng cái chức thật
kêu mà đài Fox News gán cho ông không phải là do ông nói ra mà do đài này tự chọn.
No comments:
Post a Comment