Monday, August 22, 2016

LÀO XÂY ĐẬP "GÂY HẠI CHO MEKONG" (BBC Tiếng Việt)





BBC Tiếng Việt
21 tháng 8 2016

Hình ảnh chụp tại Don Sahong tháng 7/2016 và con đập đang được xây .  INTERNATIONAL RIVERS

Dự án thủy điện Lào vừa khởi công "có khả năng cản đường cá đi", gây tác động xấu tới nguồn cá và hệ sinh thái dòng chảy sông Mekong, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về nghiên cứu biến đổi khí hậu nói với BBC Tiếng Việt.

Dự án Don Sahong chính thức khởi công tại tỉnh Champassak hôm 16/8, Thông tấn xã Lào KPL tường thuật.

Giới khoa học gia cho rằng đập thủy điện Lào đang xây trên một trong những nhánh chính của sông Mekong sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước và sinh thái các quốc gia ở hạ lưu như Campuchia và Việt Nam.

"Vị trí Don Sahong cách Campuchia chỉ 2km hoặc ít hơn một chút. Đó là tuyến đường cá đi và sinh sản hàng năm và điều đó khiến nhiều nhà môi trường và thủy học quan tâm. Cá đi ngược lên sông Mekong qua tuyến đó. Khi làm một cái đập chắn ngang như vậy, có khả năng nó sẽ cản đường cá đi," Phó Viện trường Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ bình luận.
"Các nhà làm môi trường ở Campuchia và Việt Nam cũng phản đối dự án này.”

Bản tin của KPL dẫn lời Phó Thủ tướng Lào Sonexay cho biết dự án sẽ đem lại tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế và góp phần vào công tác giảm nghèo của nước này.

KPL cũng khẳng định: "Trước buổi lễ, các nhà phát triển dự án xác nhận việc xây đập không ảnh hưởng tới sự di cư của cá thậm chí ngay cả khi đập được xây ở Housahong, vốn là nơi cho nguồn thủy sản di cư ở sông Mekong, vì có rất nhiều nhánh sông khác như Housadam, Housangpheuk cho cá”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia người Việt cho lập luận trên là không có căn cứ khoa học.

“Phía Lào nói dòng chảy từ tỉnh Champasak đổ xuống đi qua nhiều nhánh, cá không đi từ nhánh này sẽ đi qua nhánh khác,” Tiến sỹ Tuấn nói, “nhưng chúng tôi không tin là cá biết chọn lựa đường đi như vậy."
"Hiện cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được là cá không đi đường này sẽ tìm đường khác để đi.”
“Có một số nhà nghiên cứu nói đường đi qua Housahong rất thuận lợi cho đường đi của cá. Các dòng chảy khác không thuận lợi như vậy. Khi mà đường đi khó khăn hơn, thì chắc chắn cá sẽ không đi được như mọi năm chúng vẫn đi.”

Những nhà hoạt động môi trường phản đối công trình thủy điện này vì nó được xây ngay trên dòng chính sông Mekong, nơi dòng cá di cư qua.  GETTY IMAGES

Dự án gây tranh cãi

Don Sahong là công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong tại Lào, sau đập Xayaburi.
Dự án nằm ở khu vực Siphandone (gần thác Khone), miền Nam Lào, cách biên giới Lào – Campuchia 2km, với con đập nằm ở khu vực gần 4000 hòn đảo, xây trên dòng Hou Sahong.
Về mùa khô, nhánh sông này là dòng chảy duy nhất để hàng ngàn loài cá di cư và sinh sản.
Hiện có quan ngại là việc xây đập tại đây thậm chí có thể sẽ làm biến mất loài cá heo nước ngọt Irrawaddy tại hồ Kratíe bên dưới dòng chảy.

“Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã từng ra tuyên bố báo chí về con đập này. Các tờ báo trong nước cũng đề cập đến nó. Chúng tôi cũng tổ chức ra nhiều hội thảo cũng nêu vấn đề về Don Sahong,” ông Tuấn nêu quan điểm của các nhà hoạt động và nhà khoa học ở Việt Nam.

Tờ Bangkok Post hồi tháng 7/2016 đăng bài của tác giả Kate Ross chuyên trách chương trình Mekong của International Rivers, trong đó có đoạn viết: “Chính phủ Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều đã nêu những quan ngại chính thức về đập Don Sahong, bao gồm cả đề nghị có thêm nghiên cứu về đánh giá tác động xuyên biên giới và chứng cở ủng hộ cho biện pháp giảm thiểu tác động được đề xuất, đặc biệt với đường di cư của cá."

"Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ chỉ dấu nào cho thấy quan ngại mà chính phủ các quốc gia Mekong nêu lên được giải thích, hay liệu có bất cứ nghiên cứu nào được tiến hành theo yêu cầu kể trên,” bài báo này nói.

Hình ảnh từ Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers) cung cấp cho BBC cho thấy có vật liệu xây dựng được tập trung về khu vực sẽ thi công thủy điện.

Trên trang Fanpage Pathedlao của hãng tin KPL cũng đăng ảnh công trường xây dựng tại Don Sahong.

Đập thủy điện này đã được bắt đầu thi công vào tháng 10/2015. Hiện công trình đã được hoàn thành 8% và người ta trông đợi nó sẽ hoàn tất vào năm 2019.

Công ty đầu tư cho dự án thủy điện trị giá 500 triệu đô la Mỹ gây tranh cãi này là Mega First (từ Malaysia), nắm 80% cổ phần dự án.

---------------------
Tin liên quan




No comments: