25.08.2016
Trước đây, nhiều nhà bình luận thường than vãn rằng
nền chính trị Việt Nam thiếu nét văn hóa "xin lỗi" và nét văn hóa
"từ chức", rất phổ biến ở các nước dân chủ thuần thục. Tin Reuters
(14/8) cho biết bà Aide Hadzialic, bộ trưởng giáo dục Thụy Điển, vừa xin từ chức
sau khi bị phạt rất nhẹ vì có nồng độ rượu bia hơi cao trong máu khi lái xe. Một
quyết định cá nhân đầy nhân cách.
Dân Việt Nam ta cũng vừa có niềm vui hiếm thấy khi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngỏ lời "xin lỗi dân" khi cả một đoàn 40
xe biển xanh của ông độc chiếm con đường dành riêng cho người đi bộ giữa Phố cổ
Hội An đông khách du lịch, dù rằng lời xin lỗi có phần chậm, sau 9 ngày đêm suy
tính, lại mang tính thanh minh, rằng "tôi không biết chuyện đó vì tôi đi bộ
trước đoàn xe". Thế là hòa cả làng, xin lỗi cũng bằng không!
Lẽ ra Thủ tướng Phúc cần xem kỹ lại chuyện vì sao đi
thăm Phố cổ Hội An mà phải tiền hộ hậu ủng đến hàng trăm người, trong một đoàn
xe rồng rắn hơn 40 chiếc, tốn kém bao nhiêu là nhân lực: lái xe, đón tiếp, hầu
hạ, ăn uống, rượu chè, cờ quạt, xăng dầu. Lại nhớ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt,
có quyết định cải cách hành chính, quy định khi thủ tướng đi thăm thú hội họp,
xe môtô đi mở đường và hộ tống không quá 2 chiếc và ô tô con không quá 5 chiếc,
chỉ gồm có thư ký, bảo vệ và bác sĩ, tránh phiền hà và tốn kém (trừ các lễ hội
mang yếu tố ngoại giao). Ai đã hủy bỏ quyết định hay ho ấy? Nếu như ông Phúc
nhân dịp này nhìn lại cái đoàn xe rồng rắn của mình để mạnh dạn từ nay cắt cái
đuôi ấy thì còn quý giá gấp bội một lời xin lỗi miễn cưỡng. Sẽ đỡ lãng phí cho
dân cho nước biết bao nhiêu!
VIDEO : Đoàn xe của Thủ tướng VN gây ‘sốt’ mạng
xã hội
Ông Phúc đưa ra lời "xin lỗi" trong một cuộc
họp về cải cách hành chính. Giá như ông cho biết cuộc họp đó đã có những quyết
định gì quan trọng, bổ ích nhất về hành chính mà người dân mong chờ - như vấn đề
biên chế cồng kềnh, nặng nề, quan liêu - thì hay hơn nhiều. Từ hồi sau chiến
tranh, ông Phạm Văn Đồng đã phải than rằng "biên chế riêng tỉnh Thanh Hóa
đã nhiều hơn viên chức của cả Phủ toàn quyền toàn Đông Dương thời Pháp",
và "mỗi lần kêu gọi giảm biên chế thì lại tăng ghế nhà ăn"... Và mới
đây đã có lời cảnh báo rằng với 20 triệu người ăn lương, Việt Nam đã vượt cả
Hoa Kỳ và Trung Quốc về tỷ lệ viên chức nhà nước trên dân số. Trong thời chiến,
Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn không mang quân hàm gì, rồi đến Bộ trưởng Công
an Phạm Hùng chỉ mang quân hàm Đại tá, sau đó chỉ phong có 3 tướng Công an. Thế
mà nay thời bình lại có đến hơn 300 tướng Công an. Rồi có bộ có 10, 12 thứ trưởng,
có vụ có 10 vụ phó. Nếu như thủ tướng kiên quyết tinh giản biên chế thì sẽ có lợi
cho bộ máy, cho ngân sách bao nhiêu. Sẽ thực tế, có lợi cho dân cho nước gấp
ngàn lần một lời xin lỗi.
Hoặc là trong cuộc họp hành chính vừa qua, nếu như
thủ tướng đưa ra mổ xẻ phân tích và kết luận về Tòa nhà Hành chính Đà Nẵng (quê
hương ông), nơi làm việc của 1.600 nhân viên công chức, được gọi là "Cao ốc
trái bắp" (bắp ngô) do hình dáng ngộ nghĩnh của nó, cao 37 tầng, gần như
toàn bọc kính và nhôm, chi phí 2 nghìn tỷ đồng, khánh thành ngày 20/4/2016. Vậy
mà mùa hè này ngôi nhà "thông minh" đầy máy móc điện tử ấy đã trở
thành nghẹt thở không sống nổi vì kín mít tuy ở bên bờ biển. Lãnh đạo thành phố
đang tính chuyện rời bỏ tòa nhà thiếu ô-xy này để xây một dinh thự mới ở nơi
khác. Sao ông Thủ tướng không lên tiếng về sự kiện cực kỳ lãng phí này để làm
bài học cho 63 tỉnh thành đang đua nhau xây công sở hiện đại nhất như kiểu
"Cao ốc trái bắp" kỳ dị này? Đây là một nét kiến trúc vô duyên tiêu
biểu của thời đổi mà không mới, tốn kém hàng trăm triệu đô la bỗng nhiên trở
thành vô dụng, chưa kịp dùng đã trở thành đồ phế thải, phá thì phí, mà để thì kỳ
dị.
Có bao nhiêu việc cần thiết, cấp bách mà chính phủ
và thủ tướng cần làm, hành động không chậm trễ. Chỉ xin kể ra vài việc làm như
trên, rất nên làm và phải làm rất sớm để có lợi cho quốc kế dân sinh. Đây là những
điều quý báu gấp triệu lần một lời xin lỗi nửa vời, đãi bôi, không xuất phát tự
lương tâm và từ đáy lòng của vị thủ tướng.
* Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài
viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment