Ngô Nhân Dụng
August 26, 2016
Mươi ngày nữa, Thủ Tướng Đức Angela Merkel và Tổng
Thống Pháp Francois Hollande sẽ gặp Tổng Thống Nga Vladimir Putin tại Hàng
Châu, bên cạnh Hội Nghị G-20. Đề tài chính vẫn là chuyện xứ Ukraine. Ông Putin
vẫn yêu cầu các nước Châu Âu tách khỏi chính sách ngoại giao của Mỹ, đơn phương
ngưng cấm vận. Ông chắc đang hy vọng sẽ thuyết phục được bà Merkel. Ông có thể
đã đọc kết quả một cuộc thăm dò dư luận của hãng thông tấn Nga Interfax đầu năm
nay. Họ loan tin 88% các xí nghiệp Đức muốn bãi bỏ cấm vận Nga. Nhưng Interfax
chỉ phỏng vấn các nhà kinh doanh trong 152 xí nghiệp Đức đang hoạt động tại
Nga. Và trong số những người này có 94% tiên đoán là tương lai làm ăn ở Nga còn
rất kém!
Nhưng ông Putin không phải loại người thích thuyết
phục xuông. Ông chuyên đe dọa dùng vũ lực. Hai người Nga bị giết ở Crimea, bán
đảo mà ông Putin đã cướp của Ukraine năm 2014. Ông đổ tội cho chính phủ
Ukraine. Họ bác bỏ chuyện bày đặt, nhưng ông vẫn dọa sẽ có “hậu quả nghiêm trọng.”
Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu loan báo đã huy động quân tới biên giới
Nga – Ukraine, khiến chính phủ Kiev phải kêu gọi dân chúng sẵn sàng chờ một cuộc
xâm lăng toàn diện! Không ai hiểu được tại s ao chỉ vì hai công dân bị ám sát
trong vùng đất họ chiếm đóng mà một chính phủ Nga phải đưa cả hải quân từ Hắc Hải
và biển Caspian, cả lính nhảy dù, và bộ binh từ ba vùng chiến thuật ra biên giới.
Bà Angela Merkel có vẻ không sợ hãi trước cuộc diễu
võ dương oai đó. Trong lúc Nga đang động binh, ngày Thứ Năm vừa qua bà Merkel vẫn
lên tiếng “nói trắng sự thật!” Sự thật bà nói trắng ra là chính phủ Nga đã
vi phạm luật pháp quốc tế khi cưỡng chiếm Crimea trước đây, cũng như khi gửi
quân sang giúp những người Ukraine gốc Nga nổi lên chống chính phủ để đòi lập
các vùng tự trị. Cuộc nội chiến đã làm 10,000 người thiệt mạng và còn tiếp
diễn, vì ông Putin còn muốn bành trướng. Bà cho biết Liên Hiệp Châu Âu đã nhiều
lần đề nghị các giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhưng Nga
không chịu.
Một điều có ý nghĩa là bà Merkel đã tuyên bố những lời
trên tại thủ đô Estonia, một trong ba quốc gia nhỏ ở vùng Baltic, mới giành được
độc lập sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Tại Tallinn, bà Merkel nói rằng
các nước trong Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ bảo vệ các quốc gia hội
viên và sẽ cùng sát cánh với ba thành viên mới nếu họ bị tấn công. Mối đe dọa tấn
công duy nhất là do chính quyền Putin, vì, giống như Ukraine, trong mỗi nước
này đều có một số công dân là người Nga đã đến cư ngụ trong thời cộng sản.
Tháng trước, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Warsava, khối NATO đã quyết định
đưa bốn tiểu đoàn luân chuyển tới Ba Lan (Poland) và ba nước Estonia, Lithuania,
Latvia vùng Baltic (Họ không hỏi ý kiến ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống
Mỹ). Cả bốn nước quốc gia trên đã xin gia nhập minh ước NATO sau khi thoát chế
độ cộng sản; họ vẫn lo đề phòng bị Nga đe dọa. Chính vì muốn chặn trước không
cho Ukraine đi theo đường bốn nước trên mà ông Putin đã dùng vũ lực quậy phá
sau khi thất bại về chính trị vì dân Ukraine đồng lòng chống Nga.
Rời Estonia, bà Merkel tới ngay Praha, gặp Thủ Tướng
Cộng Hòa Tiệp Bohuslav Sobotka. Trong cuộc họp báo, hai người nhắc lại lập trường
của Liên Hiệp Châu Âu là không nói chuyện giảm bớt lệnh cấm vận kinh tế nước
Nga trước khi thỏa hiệp đình chiến năm 2015 ký tại Minsk, nước Belarus, được
quân nổi loạn ở miền Đông Ukraine thi hành nghiêm chỉnh.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang làm kinh tế Nga sa lầy
vì bị cấm vận trong lúc giá dầu lửa xuống thấp. Nhưng thái độ hung hãn của ông
Putin được đa số dân ủng hộ, vì họ vẫn nghĩ Ukraine là một phần của nước Nga vĩ
đại!
Từ thời các Sa hoàng (Tsar), đế quốc Nga thường vẫn
bao gồm Ukraine. Nhiều dân tộc cùng gốc Slavic như dân Ukraine, Ba Lan, Nga đã
sống chung trong miền đất này từ hai ngàn năm trước. Trung tâm của quốc gia mạnh
đầu tiên được gọi là “Nga – Kiev” (Kievan Rus), Kiev là thủ đô Ukraine bây giờ.
Nước Ukraine đã có thời độc lập mỗi khi đế quốc Nga thua trận, nhưng đã bị đảng
Cộng Sản nhập vào Liên Xô, cho tới khi khối Xô Viết tan rã. Vì vậy, đa số dân
Nga vẫn còn hoài vọng một thời vàng son cũ, khi Ukraine còn là một chư hầu.
Vladimir Putin đã đáp ứng hoài vọng đó, để củng cố
uy quyền cá nhân, và bây giờ còn thêm mục đích làm cho dân Nga quên cảnh kinh tế
suy thoái vì chính sách tập trung quyền lợi trong tay một số người thân cận.
Dân Nga chấp nhận, không cần bàn cãi, giấc mộng tái lập vùng ảnh hưởng của đế
quốc Xô Viết. Họ bị guồng máy tuyên truyền của nhà nước mê hoặc, nghĩ rằng các
nước Âu Mỹ muốn bao vây không cho Nga tiến lên – trong đó Ukraine là một quân cờ.
Khi đối phó với tham vọng bành trướng của ông Putin,
những người đứng đầu các quốc gia Tây phương vẫn giữ thái độ bên ngoài lịch sự
theo đúng cung cách ngoại giao. Kể cả bà Merkel, một người từng được coi là có
thể làm trung gian giữa Nga với Anh, Pháp, Mỹ. Nước Đức là quốc gia nhập cảng
khí đốt và dầu lửa của Nga nhiều nhất (hiện nay Trung Quốc đã thay thế trong
vai trò này), và các công ty Đức đầu tư vào Nga cũng nhiều nhất. Một cựu thủ tướng
Đức đã làm cố vấn cho công ty dầu lớn nhất của Nga sau khi mãn nhiệm. Bà Merkel
từng là một giáo sư đại học ở Đông Đức cũ, học thông thạo tiếng Nga từ nhỏ. Ông
Putin từng làm sĩ quan KGB trấn thủ tại Dresden, Đông Đức, cho nên cũng nói
trơn tru tiếng Đức. Họ có thể trò chuyện với nhau không cần người thông dịch.
Nhưng bà Angela Merkel cho thấy lòng kiên nhẫn của
bà có giới hạn. Bà biết rõ con người Vladimir Putin, một tay gián điệp KGB, và
một tổng thống độc tài.
Năm 2007 Vladimir Putin làm thủ tướng đã đón tiếp
Angela Merkel tại tòa biệt thự của ông tại thành phố du lịch Sochi, để bàn về
mua bán năng lượng. Nhờ bộ máy tình báo trong tay, Putin biết Merkel có tật rất
sợ chó. Đợi cho các phóng viên báo chí tề tựu đông đủ, Putin ra hiệu cho đệ tử
thả con chó Labrador to lớn màu đen của mình vào phòng khánh tiết. Khán giả
truyền hình cả thế giới được chứng kiến cảnh bà Merkel ngồi thu mình, chết cứng
trong ghế; trong khi ông Putin mỉm cười nhìn con chó của mình tới hà hít đánh
hơi vị quốc khách.
“Tại sao ông ta phải
làm như vậy?” Angela Merkel hỏi, rồi giải thích với các nhà báo. “Tôi biết tại sao; chỉ vì ông ấy muốn chứng
tỏ mình là ‘một thằng đàn ông!’ Ông ta biết chính mình rất yếu. Nước Nga không
có gì cả, kinh tế, chính trị đều yếu kém. Sức mạnh duy nhất mà ông ta biểu
dương là thi thố cái ‘trò khỉ’ này!”
Những lời bà Merkel cũng có thể giải thích những
hành động và lời tuyên bố dọa dẫm của ông Putin nhắm vào Ukraine hiện nay.
Trong năm 2015, kinh tế Nga đã tụt giảm 3.7%. Năm nay, 2016, vẫn tiếp tục giảm
từ 1.2 đến 1.5%. Tỉ lệ lạm phát đang lên tới 8%. Đồng rúp của Nga đã mất giá trị
50% so với đô la Mỹ, kể từ khi bị cấm vận. Sức tiêu thụ của dân Nga đã xuống thấp
vì hàng nhập cảng tăng giá. Khi chính phủ Nga ra lệnh cấm nhập cảng thực phẩm từ
Thổ Nhĩ Kỳ thì giá thức ăn tăng vọt. Ngân Hàng Thế Giới tiên đoán trong năm nay
số người nghèo sẽ tăng lên tới hơn 14%. Trong năm 2015, tiền thu nhờ bán dầu,
khí cung cấp 43% ngân sách chính phủ, và giá dầu lửa hiện không hy vọng tăng
lên trong khi kinh tế cả thế giới, trừ nước Mỹ, suy yếu hơn trước. Năm 2008, Tổng
Thống Dmitri A. Medvedev (nay đã trả lại chức đó cho ông Putin) công bố một
chương trình tái tạo sức mạnh quân sự, khi giá dầu lửa còn đang lên tới gần 100
đô la một thùng. Năm nay ngân sách quân sự đã giảm 5%.
Ở Hàng Châu, Vladimir Putin sẽ có dịp bắt tay chặt,
có thể sẽ “ôm hôn thắm thiết” Tập Cận Bình. Putin đã “hướng về Châu Á” sau khi
bị Châu Âu tẩy chay vì vụ Ukraine. Nhưng cuộc “chuyển trục” này cũng chưa mang
lại kết quả cụ thể nào. Giá dầu lửa xuống thấp khắp thế giới khiến cho miếng mồi
“dầu khí” của Putin bớt hấp dẫn. Các công ty Tàu hứa, nhưng vẫn chưa góp tiền đầu
tư. Công ty Nga Gazprom đã hết hy vọng được trả trước 25 tỷ đô la, cho ống dẫn
khí đốt xuyên Tây Bá Lợi Á (Siberia) qua nước Tàu, phí tổn 55 tỷ. Lời hứa cho
vay 20 tỷ mỹ kim vào năm 2014, nay vẫn chưa thi hành, dù đã được giảm xuống chỉ
còn 15 tỷ. Kinh tế Trung Quốc tụt xuống tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất trong 25
năm, và đang trải qua một giai đoạn nguội dần dần để cải tổ cơ cấu kéo dài
không biết tới bao giờ vì lâu lâu lại ngừng. Nhưng khả năng “đón khách” thì người
Trung Hoa vẫn nhất thế giới!
Thành phố Hàng Châu đang chuẩn bị Hội Nghị G-20 bằng
cách cho dân chúng “nghỉ Hè” một tuần, kể từ ngày Thứ Năm qua. Dân chúng đang
kéo nhau “về miền quê” nghỉ ngơi, mang theo thức ăn nguội và mì gói! Họ sẽ được
vào các thắng cảnh và khu giải trí không tốn tiền, miễn là ở xa, ngoài thành phố.
Dân còn trong thành phố sẽ bị hạn chế, hai ngày chỉ được lái xe một ngày, tùy
theo số xe chẵn hay lẻ. Nhưng tất cả chợ búa được lệnh phải mờ cửa, để chào đón
bà Angela Merkel, ông Vladimir Putin và 17 lãnh tụ quốc gia khác.
Bà Angela Merkel đã chẩn đoán đúng căn bệnh của
Vladimir Putin. Ông ta cảm thấy mình yếu, nước Nga còn yếu. Phải “lên gân” để
“tự động viên!” Đúng là phản ứng của một người yếu! Tâm trạng Putin cũng đúng với
tâm lý của đa số dân Nga, những người ủng hộ ông tổng thống vẫn chiếm 85% dân số.
Trong tình trạng nước Tàu còn bận lo cải tổ cơ cấu, nếu ông Vladimir Putin muốn
kinh tế Nga phục hồi, chờ đợi quá lâu chắc sẽ phải quay về làm ăn với các nước
Châu Âu, và với Mỹ. Trước hết, phải chinh phục bà Merkel, cho thấy hai bên có
thể nói chuyện thẳng thắn chứ không chỉ đe dọa và tuyên truyền.
Nhưng điều đáng khen nhất là bà Merkel đã dám nói thẳng,
“nói trắng sự thật” trong khi các nhà chính trị khác đều nói bóng gió. Bà nói:
Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế khi chiếm Crimea. Nga đang gây rối loạn ở
Ukraine. Ngầm trong thông điệp này là một sự thật đáng cho ông Putin lo: Bao
giờ Crimea còn bị cưỡng chiếm thì sẽ không có giao thương bình thường. Đây mới
là một mối lo lâu dài.
No comments:
Post a Comment