Thời đương chức, Ferdinand Marcos (Tổng thống
Philippines suốt 21 năm, từ 1965-1986) cùng vợ (Imelda) có 77 ngôi nhà (trong
đó, 45 căn ở nước ngoài), 32 dinh thự nghỉ mát khắp Philippines, hai nông trại
và nhiều hòn đảo riêng. Em trai Imelda - Bejo - chiếm độc quyền công nghiệp cờ
bạc mà lợi nhuận (thời điểm 1982) đạt 250.000 USD/ngày. Em rể Imelda - Herminio
Disini - chiếm độc quyền ngành sản xuất đầu lọc thuốc lá. Một người em khác của
Imelda - Kokoy - làm chủ công ty điện lực Manila, nắm tập đoàn báo chí Manila
Chronicle và cai quản Benguet (mỏ vàng lớn nhất Philippines). Bản thân
Ferdinand làm chủ công ty điện thoại PLDT, công ty viễn thông Philcomsat và hệ
thống hàng không quốc gia (theo Frank Vogl trong Waging War on Corruption,
Marcos đã bỏ túi từ 5-10 tỉ USD trong những năm cầm quyền).
Trường hợp thứ hai là Suharto (nắm quyền Indonesia
31 năm, từ 1967-1998). Khả năng “thu vén” của gia đình Suharto phải nói là thật
sự kinh khủng. Dẫn theo Cơ quan đất đai quốc gia (Indonesia) và tạp chí
Properti Indonesia, báo Time cho biết Suharto và gia đình ông sở hữu khoảng 3,6
triệu hecta bất động sản tại Indonesia (lớn hơn nước Bỉ), trong đó có 100.000
m2 khu vực văn phòng tại Jakarta và gần 40% tỉnh Đông Timor. Sáu người con của
ông giữ cổ phần trong ít nhất 564 công ty nội địa, chưa kể nhiều công ty nước
ngoài rải rác từ Mỹ, Uzbekistan, Hà Lan, Nigeria đến Vanuatu. Ngoài khu săn bắn
trị giá bốn triệu USD ở New Zealand và chiếc du thuyền trị giá bốn triệu USD cắm
ngoài khơi Darwin (Úc), cậu con trai Hutomo Mandala Putra “Tommy” còn giữ 75%
trong một sân golf 18 lỗ cùng 22 căn hộ sang trọng tại Ascot (Anh).
Bambang Trihatmodjo, cậu con thứ ba, có một căn nhà
tám triệu USD tại Singapore và một căn nữa trị giá 12 triệu USD tại Los
Angeles, cách không xa căn chín triệu USD của người anh Sigit Harjoyuanto. Cô
con gái đầu lòng Siti Hardiyanti Rukmana “Tutut” sở hữu một chiếc Boeing
747-200, cạnh những chiếc khác của gia đình (gồm một DC-10, một Boeing 737, một
Challenger 601 và một BAC-111 – chiếc từng thuộc đội chuyên cơ của Nữ hoàng Anh
Elizabeth II). Tổng tài sản của “đệ nhất tiểu thư” Tutut ước chừng 700 triệu
USD, với một căn nhà tại Boston (Mỹ) và một căn nữa ở quảng trường Hyde Park
(Anh)…
Ngày nay, mô thức gia đình trị, hay dùng cụm từ “thời
thượng” hơn là “con ông cháu cha”, vẫn tiếp tục xảy ra. Foreign Policy
(4-9-2012) đã kể ra loạt quốc gia Trung Á đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Đầu tiên là “nhà” Islam Karimov tại Uzbekistan. Theo các bức điện rò rỉ từ Tòa
đại sứ Mỹ, “công chúa” Gulnara Karimova (con Tổng thống Karimov, nắm quyền từ
1989 đến nay) đang kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế quốc gia trong đó có tập
đoàn đa ngành Zeromax (nông nghiệp, dệt may, xây dựng, khoáng sản và năng lượng),
chưa kể nhà máy đóng chai Coca-Cola, nhà mạng điện thoại… Em gái của Karimova,
Lola Karimova-Tillyaeva, cũng là doanh nhân, với công ty Abu Sahiy Nur (chuyên
nhập hàng Trung Quốc). Cả hai chị em đều có mặt trong danh sách 300 người giàu
nhất Thụy Sĩ năm 2011 (do có nhiều bất động sản tại nước này). Giá trị tài sản
của họ là khoảng một tỉ USD (một số nguồn khác nói rằng chỉ riêng Karimova đã
có ba tỉ USD!)…
Tương tự, tại Azerbaijan, thời Heydar Aliyev ngồi ghế
tổng thống (1993-2003), con trai ông, Ilham, là phó chủ tịch tập đoàn dầu khí
quốc gia SOCAR. Trước khi chết năm 2003, Heydar đã kịp “sắp xếp nhân sự” để
Ilham thay mình tiếp tục đảm nhận “trọng trách” lãnh đạo đất nước. Dù luật
Azerbaijan cấm viên chức chính phủ, kể cả tổng thống, được sở hữu doanh nghiệp
nhưng loạt điều tra gần đây cho thấy một danh sách dài công ty và bất động sản ở
nước ngoài hiện được con cái Ilham đứng tên. Cụ thể, hai con gái, Leyla và Arzu
Aliyeva (27 và 23 tuổi, theo thứ tự), hiện “ngồi” trên một mỏ vàng.
Năm 2007, Chính phủ cho phép Tập đoàn khai thác
khoáng sản quốc tế Azerbaijan (AIMROC) giữ 70% cổ phần trong một mỏ vàng gần
làng Chovdar cũng như năm địa điểm khai thác khác. Chỉ riêng mỏ Chovdar đã có
trữ lượng 44 tấn vàng và 164 tấn bạc trị giá 2,5 tỉ USD. AIMROC là một liên
doanh trong đó có Globex International (trụ sở tại Anh) chiếm 11% cổ phần (trị
giá 200 triệu USD). Có một điều đáng chú ý: Globex được sở hữu bởi ba công ty cổ
đông nằm tại Panama mà cả ba đều do chị em Aliyeva ngồi ghế điều hành cấp cao!
Ngoài ra, con cái Tổng thống Ilham còn sở hữu loạt bất động sản ở Dubai trị giá
75 triệu USD, trong đó có chín biệt thự tại khu cực sang Palm Jumeirah trị giá
44 triệu USD mà người mua có cùng tên và ngày sinh với cậu con trai… 11 tuổi của
Tổng thống Ilham!
Còn tại Kazakhstan, nơi Nursultan Nazarbayev ngồi ghế
tổng thống từ năm 1990 đến nay, cô con gái đầu lòng, Dariga, đã trở thành một
“đại gia” khét tiếng. Cho đến năm 2010, cùng con trai mình (Nurali), Dariga chiếm
đa số cổ phần trong ngân hàng Nurbank. Năm 2012, tờ Forbes xếp Dariga thứ 13
trong danh sách những người giàu nhất Kazakhstan, với 585 triệu USD (Nurali thứ
25 với 190 triệu USD). Trong khi đó, em gái Dariga, Dinara, có mặt trong danh
sách tỉ phú của Forbes năm 2011, với 1,3 tỉ USD. Forbes cho biết nguồn tài sản
mà Dinara có được là từ hoạt động ngân hàng (vợ chồng Dinara chiếm đa số cổ phần
trong Halyk, ngân hàng lớn thứ hai Kazakhstan). Chồng Dinara, Timur Kulibayev,
hiện phủ bóng trên nhiều hoạt động kinh tế quốc gia, từ dầu khí đến hỏa xa. Điện
tín rò rỉ từ Tòa đại sứ Mỹ thậm chí đánh giá cậu con rể Timur Kulibayev nắm đến…
90% nền kinh tế Kazakhstan!
Điều
gì sẽ xảy ra khi những nhóm thiểu số như vậy cai trị đất nước? Từ nghèo đến mạt! Trong Waging War on Corruption, Frank Vogl cho biết, chỉ với vài năm cầm
quyền, Tổng thống Sani Abacha (1993-1998) đã có thể “gửi tiết kiệm” tại các
ngân hàng châu Âu với 3-5 tỉ USD. Theo thời giá 2006, số tiền đó tương đương với
2,6-4,3% GDP Nigeria, hay 20,6-34,4% ngân sách chính phủ. Trong bài viết cuối
năm 1998, J. Brian Atwood (giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID)
ghi nhận, “băng nhóm” Abacha đã biến Nigeria, đáng lẽ phải trở thành nước giàu
nhất nhì châu Phi nhờ tài nguyên dầu, từ một quốc gia với thu nhập bình quân đầu
người 800 USD vào thập niên 1980 xuống còn 300 USD.
Điều gì sẽ xảy ra khi những nhóm thiểu số như vậy
cai trị đất nước? Cần phải nói đến những vết sẹo hằn lại trong hệ thống chính
trị lẫn xã hội từ cái mà Frank Vogl gọi là “embedded network” (mạng gắn kết).
Theo Frank Vogl, một thể chế tham nhũng có thể được xem như một “mô hình lý tưởng”
là thể chế trong đó có một “mạng gắn kết”, khi “giới chóp bu sử dụng bọn thuộc
hạ để củng cố trật tự ở các cấp thấp hơn đồng thời giúp “giới tinh hoa” nắm giữ
quyền lực. Đám thuộc hạ hàng đầu, để đổi lại sự phục vụ của họ, sẽ có thể dễ
dàng tiếp cận ngân khố công, cũng như cơ hội đưa vợ con và bằng hữu lên những vị
trí cao trong cấu trúc chính phủ hoặc khu vực tập đoàn nhà nước. Các nhóm lãnh
đạo còn thiết lập những mạng tham nhũng trong các cấu trúc hành chính hình tháp
khắp cơ quan công quyền và quân đội. Trong cấu trúc kiểu này, những kẻ ở thượng
tầng sẽ bỏ túi những khoản tiền cao nhất trong khi bọn thấp hơn nhận những khoản
trả công tương xứng vị trí của chúng. Thông thường, hàng ngàn viên chức nhà nước,
cả dân sự lẫn quân đội, sẽ có tên trong những bảng lương mờ ám, và khi số lượng
tham gia ngày càng nhiều thì số tiền phải bị đánh cắp để trả cho họ càng tăng.
Tất nhiên chỉ những người tham gia trong cái tháp là có lợi trong khi những người
khác trong hầu hết trường hợp đều đối mặt với sự suy giảm dịch vụ công và nghèo
đói”.
Trong một hệ thống như vậy, “thượng tôn pháp luật”
chỉ là một khái niệm mang tính tượng trưng chủ yếu để mị dân, bởi công lý và luật
pháp đã nằm trong tay nhóm cầm quyền hủ hóa. Một cách dễ hiểu, “mạng gắn kết”
theo định nghĩa của Frank Vogl thật ra là một hệ thống “mafia chính trị”, thứ từng
làm nước Nga trở nên tan nát và sụp đổ toàn diện giai đoạn hậu Gorbachev.
Bất luận thế nào, lịch sử cũng cho thấy dù cái tháp
“tham nhũng có hệ thống” được “đổ bê tông” kiên cố như thế nào, không quyền lực
nào là vĩnh viễn, không điều ác nào là không trả giá, không sự ăn cướp của nhân
dân nào là được phép tồn tại. Hãy nhìn lại những trường hợp “quả báo nhãn tiền”
như Marcos hay Suharto. Hãy xem lại hình ảnh thê thảm một ông già “bát tuần”
như Hosni Mubarak, sau 30 năm quyền lực, phải nằm trong cái “chuồng sắt” để
nghe tòa gõ búa hạch tội, hay những giây phút cuối đời kinh hoàng với cái chết
bi thảm sau 42 năm “hét ra lửa” của Muammar Qaddafi…
----------------------------
Bài này tôi đã đăng trên Tuổi Trẻ (1-3-2013) dưới bút danh Nguyễn Cao Trí, trong loạt hồ sơ 5 kỳ về tham nhũng. Post lại để thấy bi kịch tương tự cũng đang xảy ra trên đất nước hoang tàn này.
Bài này tôi đã đăng trên Tuổi Trẻ (1-3-2013) dưới bút danh Nguyễn Cao Trí, trong loạt hồ sơ 5 kỳ về tham nhũng. Post lại để thấy bi kịch tương tự cũng đang xảy ra trên đất nước hoang tàn này.
No comments:
Post a Comment