Trần Phong Vũ
Posted on August 24, 2016 by editor — 1
Comment
Một người bạn ở trong nước vừa gửi cho chúng tôi bài
viết ngắn của tác giả Trương Nhân Tuấn post trên mạng anh Ba Sàm hôm 11-8 vừa
qua. Bài viết có tiêu đề Không
thấy “Phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc”
Anh bạn gợi ý chúng tôi lên tiếng về vấn đề này.
Theo anh, nó đang trở thành một câu hỏi lớn cho nhiều bà con trong nước, trong
số không thiếu những Phật tử thuần thành như chính tác giả bài viết.
Tôi chỉ trả lời vắn tắt trong hồi âm cho anh bạn. Đại
ý, nếu là một Phật tử như anh, tôi sẽ viết. Nhưng ngặt vì là người Công Giáo, nếu
tôi lên tiếng, không những không giúp ích gì cho đại cuộc mà còn có thể gậy
thêm những ngộ nhận nguy hiểm.
Nhưng hôm nay tôi quyết định viết về vấn đề này. Lý
do: vì đã tìm được chứng tá với hy vọng lý giải được một phần câu hỏi của tác
giả Trương Nhân Tuấn.
Chứng cớ thứ nhất: “Bản lên tiếng của Tăng
Đoàn GHPGVNTN về thảm họa do Formosa Hà Tĩnh gây ra” do HT Thích Viên
Định ký tên với tư cách Tổng Thư Ký Tăng Đoàn. Văn kiện này công bố ngày
27-4-2016, được post trên mạng Ba Sàm cùng ngày. Thứ đến là tiếng nói dõng dạc
của Đại Đức Thích Viên Pháp trong cuộc hội thảo về đề tài “Vai Trò Tôn
Giáo đối với tình hình hiện nay của đất nước”(1) do CĐ Bắc California tổ chức
hôm Chúa Nhật 07-8-16. Tiếp theo là nội dung cuộc phỏng vấn Đại Đức Thích Viên
Pháp do chương trình Văn Hóa Nhân Bản Lạc Việt, do nhà báo Ngô Đình Vận thực hiện
gần đây.
Bản Lên Tiếng có những đòi hỏi:
“Xử phạt nghiêm khắc những người lãnh đạo có trách
nhiệm liên quan trong việc dung dưỡng, bao che cho tập đoàn Fomosa gây tội ác.
Buộc tập đoàn Formosa phải chịu trách nhiệm khắc phục khủng hoảng, bồi thường
thiệt hại cho người dân. Trả lại môi trường biển trong sạch cho người dân ở
đây.”
Trong bài nói chuyện tại cuộc hội thảo hôm 07-8, ĐĐ
Thích Viên Pháp đã minh nhiên xác định lập trường và thế đứng của ông. Theo đó,
“Trước khi là Phật tử, là chức sắc trong GHPG, ông
đã là một công dân Việt Nam, có trách nhiệm trực tiếp đối với sự tồn vong của đất
nước và dân tộc Việt…”
Ông xác tín, dù là người theo đạo Chúa hay đạo Phật,
các tín đồ thường nghe theo lời chỉ dạy của giới lãnh đạo. Cũng vì thế, ngày
nay ông tự thấy có bổn phận phải làm gương cho mọi người bằng cách dấn thân đấu
tranh chống lại sự ác, góp phần kiến tạo một Việt Nam không cộng sản. Mấy thập
niên trước, khi còn là một thanh niên 19, 20 tuổi, trước khi trở thành một sĩ
quan trong Không lực Hoa Kỳ, ông đã nhận ra Hồ Chí Minh là căn nguyên dẫn tới tình
cảnh đau thương cho đất nước. Do đó, ông đã phát động phong trào triệt hạ cái gọi
là “thần tượng Hồ Chí Minh”…
Theo tôi, đấy là những chỉ dấu tích cực tiềm tàng
trong nội bộ Giáo hội Phật Giáo. Bản lên tiếng của Tăng đoàn GHPGVNTN được công
bố ba tuần sau khi thảm họa môi trường nổ ra ở Vũng Áng và được post lên mạng
Ba Sàm cùng ngày với bài viết của ông Trương Nhân Tuấn. Như thế, chắc chắn ông
đã đọc qua. Cuộc hội thảo hôm 07-8 cũng không phải lần đầu ĐĐ Viên Pháp lên tiếng
xác định lập trường. Được biết trong thời gian qua, ông đã nhiều lần bày tỏ
quan điểm tích cực đối với hiện tình đất nước qua các phương tiện truyền thông
trong cộng đồng.
Như thế, câu hỏi đặt ra là phải chăng sự kỳ vọng của
ông Trương đối với phản ứng cần phải có trong giai đoạn mất còn này của Phật
Giáo ở nơi nào khác hơn là một vài sự lên tiếng lẻ tẻ. Và chính vì thế, mở đầu
bài viết ông mới cất tiếng than: “Tôi đi tìm mãi cả mấy tháng nay mà
không thấy ‘Phật giáo ở đâu trong lòng dân tộc’”?
Ông viết tiếp:
“Vụ ô nhiễm biển ở miền Trung là một vấn đề trọng đại,
gây hại không chỉ cho vài triệu dân miền Trung, mà còn gây hệ lụy cho cả dân tộc
này, bây giờ và cho các thế hệ tương lai. Đây là một “vấn đề của dân tộc”. Ta
thường nghe nói “Phật giáo sống trong lòng dân tộc“. Vậy thì người Phật giáo ở
đâu, trí thức Phật giáo ở đâu, không lên tiếng khi luân thường đạo đức xã hội đảo
lộn, khi dân tộc này bị đe dọa diệt vong?”
Bây giờ thì tôi hiểu tâm sự của tác giả Trương Nhân
Tuấn, một trí thức đã công khai cho biết nhân thân, giòng họ của mình
“là những người Phật giáo thuần hành. Cha, mẹ, ông cố
tổ… đều là người Phật giáo. Anh em tôi ở VN hiện nay là những người thường
xuyên đi chùa, cúng dường… chăm chỉ nhứt VN. Giòng họ nhà tôi không chỉ cúng Phật
ở nhà, mà còn lập chùa, để mọi người có thể đến cúng bái Phật.”
Ông nhấn mạnh:
“Vòng vo như vậy chỉ muốn nói một điều: tôi không phải
là người kỳ thị đạo Phật. Tôi lên tiếng vì sự tồn vong của đạo Phật. Vấn đề là,
khi nói người Phật tử “sống trong lòng dân tộc”, thì người Phật tử phải biết
trăn trở, biết chia sẻ nỗi đau, nhục vinh của dân tộc.”
Đọc đến đây, tôi càng cảm thông nỗi băn khoăn và niềm
thao thức của ông. Cách hiểu của ông về cụm từ “người Phật tử sống
trong lòng dân tộc” không khác gì cách hiểu của tôi và những đồng đạo
của tôi về cụm từ “Người Công giáo sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”,
một cụm từ do tờ Công Giáo & Dân Tộc của nhóm LM quốc doanh đẻ ra. Sau này
đã được long trọng đưa vào Lá Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt
Nam sau khóa họp đầu tiên ở Hà Nội năm 1980. Nó hàm ẩn trong DVD trường ca cải
lương mang danh “Phật giáo trong lòng Dân tộc” ghi tên Thiền sư Thích Thanh Từ
và Nghệ sĩ Bạch Tuyết được tác giả post lên đầu bài viết. Dĩ nhiên, cũng như
HĐGMVN, hẳn tác giả họ Trương có chung một cách hiểu chính trực về cụm từ này.
Cũng như người viết, chắc chắn tác giả thừa hiểu mưu
toan “đánh tráo khái niệm” vốn là nghề ruột của những người cộng sản. Ở đây là
“đánh tráo khái niệm trong phạm vi ngôn từ”. Đối với họ, đại danh từ “dân tộc”
trong trường hợp này bị đồng hóa với đảng cộng sản và chế độ Hà Nội. Vì thế khi
nói “người Phật tử sống trong lòng dân tộc” hay “Người Công Giáo sống Phúc âm
giữa lòng dân tộc” họ muốn các tín đồ hai tôn giáo này hiểu là “sống trong lòng
đảng và chế độ độc tài, độc tôn cộng sản”!
Một khi đã bị dụ hoặc, để hiểu (hay miễn cưỡng phải
hiểu!?) tình tự quốc gia, dân tộc sai lạc như thế thì mong gì quảng đại giáo
chúng có được những phản ứng tích cực trước những thảm họa đang đẩy dân tộc tới
nguy cơ mất nước hiện nay?
May mắn riêng cho Giáo hội Công giáo. Tuy chỉ là thiểu
số (khoảng 7%), nhưng nhờ tổ chức chặt chẽ, thêm vào mối liên hệ toàn cầu trong
Giáo hội hoàn vũ, nhất là lòng tin vững chắc của tập thể tín đồ, cho dù đã tìm
hết cách để lũng đoạn nhưng đến nay những người cộng sản vẫn chưa thành công
như ý muốn. Trong khi với hầu hết các Giáo hội khác, họ đã thiết lập được những
“Giáo hội Quốc doanh” nhằm khuynh loát ảnh hưởng của những Giáo hội nguyên thủy,
thì với Công giáo, họ mới chỉ mua chuộc được một số nhỏ giáo sĩ Công giáo gọi
là nhóm “linh mục quốc doanh” trong cái gọi là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo (hậu
thân của Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo ở miền Bắc trước tháng tư năm 1975). Từ nhóm
này họ đã đưa được một số Giáo sĩ tham gia các cơ chế mệnh danh lập pháp của chế
độ Hànội, đồng thời tạo được đôi chút ảnh hưởng nhằm lèo lái một thiểu số lãnh
đạo trong Giáo hội.
Chính Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã nhận ra sức đề
kháng của người Công giáo rất sớm. Trong đoạn mở đầu“Bản Nhận Định về những
sai lầm của Đảng Cộng Sản Việt Nam đối với Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam”(2)
công bố tháng 01 băm 1992, nhằm ngày 14-12 năm Tân Mùi, đánh dấu 10 năm ngài bị
quản thúc, với tư cách Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo trong cơ chế GHPGVNTN thời ấy,
ngài viết nguyên văn như sau:
“Tại Việt Nam có hai tôn giáo chính là Thiên Chúa
giáo và Phật giáo. Cộng sản gọi Thiên Chúa giáo là Công giáo mà tiếng lóng của
họ là ‘cứt gà’, còn Phật giáo thì tiếng lóng của họ là ‘phân gà’. Tại sao họ lại
gọi là cứt gà và phân gà? Tức họ cho Công giáo khó tiêu diệt hơn Phật giáo. Họ
phân tích rất kỹ và vì nhiều lý do, nhưng quá dài giòng không thể kể hết ra ở
đây, tôi chỉ tóm tắt sự phân tích của họ như sau. Cộng sản đánh giá Công giáo
tuy là số ít, nhưng là những con sư tử, khó tiêu diệt, cũng như cứt gà sáp (cứt
gà ướt sền sệt) đã dính vào quấn áo thì chỉ có cách cắt bỏ chỗ ấy đi thôi, chứ
giặt khó sạch lắm; còn Phật giáo tuy là số nhiều, nhưng chỉ là những (…)(3), dễ
tiêu diệt, cũng như phân gà khô, chỉ cần gạt một cái là sạch.”
Hòa Thượng Tích Quảng Độ nhấn mạnh, “Nhưng
dù khó hay dễ, cuối cùng cũng phải tiêu diệt!”
Trở lại với bài viết của người Phật tử thuần thành họ
Trương, ở một đoạn khác ông còn mạnh dạn nêu lên câu hỏi nhức nhối sau đây:
“Ông Hồ không biết khi nào được phong thành “bồ
tát”, tượng được đưa vào chùa, ngự chỉ ở dưới Phật. Đây là gì nếu không phải là
một sự phỉ báng vào giáo lý nhà Phật, một nỗi nhục lớn lao của những người Phật
tử VN?
Từ nhận định không vui ấy, ông nêu lên những câu hỏi
tiếp:
“Phật tử VN có ai nói điều này chưa? Trí thức Phật
giáo có ai nói chưa?
Báo chí trong nước, không đăng tin về chùa chiền, tu
sĩ thì thôi, mà hễ đăng thì toàn nói những chuyện bê tha, thế tục… của tu sĩ.
Nhà chùa khi lên báo thì tình hình không khác……”(4)
Như trong chú thích 3, vì tôn trọng các tín đồ thuộc
tôn giáo bạn, chúng tôi không thể trích dẫn thêm những suy tư tiếp của tác giả
Trương Nhân Tuấn liên quan tới những hệ lụy mà Phật giáo phải gánh chịu do những
hành vi thâm độc, đê tiện của tập đoàn cộng sản gây nên lâu nay. Theo thiển kiến,
nếu so sánh với điều người Phật tử coi là “Pháp Nạn” trong biến cố 1963, thì
“Pháp Nạn” Giáo hội Phật giáo phải đối diện sau ngày Cộng sản miền Bắc xâm lăng
miền Nam trầm trọng và lớn hơn thập bội… đến nỗi người Phật tử thuần thành như
tác giả họ Trương bất đắc dĩ phải dùng tới những lời lẽ nặng nề trong bài viết
của ông.
Trước khi chấm dứt bài viết này, chúng tôi xin có
đôi điều chia sẻ với ông Trương Nhân Tuấn, và với quý độc giả.
Như đã viết trong đoạn trên, tôi cảm thông với nỗi
niềm băn khoăn, thao thức của ông Trương. Tôi cũng không giấu lòng cảm phục
dành cho ông trước thái độ cương trực và lòng can đảm nơi một Phật tử như ông.
Vì lòng yêu mến muốn bảo vệ tôn giáo của mình, ông đã mạnh dạn vạch trần những
khía cạnh tiêu cực đang là căn nguyên làm băng hoại giáo lý nhà Phật. Và điều
này có thể sẽ là căn cớ khiến ông phải chịu những búa rìu dư luận từ những
thành phần thiếu hiểu biết.
Có điều tôi thành tâm muốn chia sẻ với ông là trong
khi bi quan nhìn vào sự im tiếng của tập thể chức sắc và tín độ Phật Giáo trước
hiểm họa môi trường và nguy cơ mất nước hiện nay, chúng ta đừng quên cái căn
nguyên đã tạo nên tình trạng đáng buồn ấy. Tôi muốn nói tới đảng và nhà nước cộng
sản Việt Nam. Chính Bộ Chính Trị cộng đảng và những tay đầu sỏ như Nguyễn Phú
Trọng, Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc là những nhân tố
chủ yếu làm tê liệt tinh thần yêu đạo, yêu nước của 95 triệu đồng bào ta.
Đến như các tín đồ Công giáo là những người luôn xác
tín vào lời chúc phúc của Đấng Cứu Thế hơn 2000 năm trước khi đặt để Thánh
Phêrô làm Giáo hoàng tiên khởi cai quản Giáo hội là “Cho dù thế lực Satan cũng
không thể hủy diệt Giáo hội”, vậy mà đôi khi vẫn không khỏi lạc lòng khi chứng
kiến những hiện tượng thiếu vắng tình liên đới, hiệp thông trong các chi thể
Giáo Hội. Cụ thể như thái độ im lặng khó hiểu của hai Tổng Giáo Phận Sàigòn và
Huế trong cuộc đấu tranh bất bạo động của hàng chục ngàn giáo sĩ, giáo dân Thái
Hà, Vinh thuộc Tổng Giáo Phận Hànội dẫn tới hiện tượng thay bậc đổi ngôi đáng
buồn ở TGP này cuối thập niên trước! Cho tới nay, câu hỏi lớn đặt ra cho nhiều
người là nếu vào thời điểm ấy, cả ba TGP trong GHCG cùng với tín đồ các Giáo hội
bạn đều một lòng một ý tạo nên một phong trào bất tuân dân sự trên cả nước thì
liệu chế độ vô thần cộng sản có còn tồn tại đến ngày nay không?
Tuy vậy, là những người đặt hết niềm tin vào sức mạnh
của tôn giáo, chúng ta không nản lòng. Biến cố cá chết khiến môi trường sinh
thái bị đe dọa đang là một cơ may mới cho dân tộc ta. Những tiếng kêu gào thảm
thiết của đồng bào miền Trung qua những cuộc xuống đường bất bạo động gần đây
đang tạo nên những tác động giây chuyền, thúc đẩy 95 triệu đồng bào lương giáo
nhất tề đứng lên lật đổ chế độ bạo tàn hèn với giặc ác với dân để cứu nguy đất
nước, dân tộc thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù phương bắc.
Hạ tuần tháng 8-2016
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ
DCVOnline.net”
Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh họa.
(1) Tối Thứ Năm 28-4-16, một cuộc gặp gỡ giữa Giám Mục
Vincent Nguyễn Văn Long (Úc) và HĐ Liên Tôn Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Vai trò
Tôn giáo trước Hiện tình Đất nước” đã được tổ chức tại nhà hàng Seafood Palace
Restaurant ở miền nam California với sự tham dự của 750 bà con đồng hương.
(2) Trích trong Hồ sơ “Phật giáo Thống nhất” gồm những
bài của HT Thích Quảng Độ và ông Đỗ Trung Hiếu do nhà xuất bản Tin Paris địa chỉ
54 Avenue Léon-Blum, 92160 Antony, France ấn hành năm 1994.
(3) Người viết tạm bỏ hai từ vì xét thấy hơi nặng,
có thể khiến Phật tử phiền lòng.
(4) Cũng như chú thích 3, người viết phải bỏ vài từ
và những đoạn kế vì lý do trên. Nếu quý độc giả muốn đọc trọn bài viết của ông
Trương Nhân Tuấn xin tìm vào mạng Ba Sàm.
No comments:
Post a Comment