Nguyên Ngọc
3 THÁNG SÁU, 2016
Bài liên quan :
--------------
Những ngày qua, trên các báo và các trang mạng, nhiều
người đã lên tiếng tranh cãi về việc cựu chiến binh Mỹ Bob Kerrey được bổ nhiệm
làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) mà
chúng ta đều mong đợi với rất nhiều hy vọng, mới được thành lập tại Thành phố Hồ
Chí Minh. Tranh cãi đến nay chưa xong. Quả thật Bob Kerrey là một nhân vật
không hề đơn giản. Và cũng có thể, trong một chừng mực nhất định, trường hợp của
ông là rất tiêu biểu cho việc, dù muốn hay không, thì ta vẫn còn phải nghĩ rất
nhiều và cố mà thấu hiểu hơn nữa về cuộc chiến tranh đã qua. Về những con người,
từng con người, đã đi qua cái lò lửa địa ngục ấy, bị nó đốt cháy và trui rèn. Số
phận của họ, nỗi đau và trằn trọc không dễ nguôi của họ. Nhất là những người
còn sống sót và đang đối mặt với cuộc sống hôm nay. Tôi, tôi cũng từng đi qua
đó, và nay còn sống sót. Nên tôi cũng muốn hiểu. Tôi quan tâm đến Bob Kerrey,
trường hợp kinh hoàng của ông ngày ấy, và cuộc đối mặt của ông hôm nay với
thách thức ông đang đảm nhận. Và cũng muốn tự nghĩ cả về chính mình.
Nhiều người đã nói các chi tiết rồi, tôi chỉ xin nhắc
lại vắn tắt: Đầu năm 1969, Bob Kerrey là đại úy, chỉ huy một trung đội SEALs,
kiểu đơn vị biệt kích tinh nhuệ nhất hải quân Mỹ. Phân đội của ông được báo có
lãnh đạo cao cấp của Việt cộng sẽ họp cùng bí thư chi bộ địa phương ở Thạnh
Phong, một ấp nhỏ ven biển thuộc tỉnh Bến Tre. Ông cho đơn vị của mình tập kích
vào Thạnh Phong. Ông nói rằng ông không tự tay giết người, điều ấy có thể tin,
một người chỉ huy không nhất thiết phải tự mình bắn. Nhưng ông thừa nhận ông chịu
trách nhiệm toàn bộ: họ đã giết chết 24 người, trong đó có 14 phụ nữ và trẻ em
cùng một ông già. Bob nói: “Cuối cùng vẫn là những người phụ nữ đã chết, những
đứa trẻ đã chết… vẫn là cái chết.” Và là tội ác. “Tội lỗi đối với tôi là cảm
giác đầy hủy diệt…”. Suốt 32 năm nay. Suốt đời…
Sau chiến tranh, Bob Kerrey từng là thượng nghị sĩ,
là thống đốc bang, là ứng viên tổng thống Hoa Kỳ, và trên tất cả các cương vị
đó, ông đã có đóng góp quan trọng và lâu dài cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi
giáo dục giữa hai nước, ông cũng là một trong những nhân vật hàng đầu thiết kế
chương trình kiên trì suốt nhiều năm cho sự ra đời của FUV hôm nay. Có thể nói
không quá, ông đã làm tất cả cho Việt Nam, cho giáo dục Việt Nam… Nhưng chưa
bao giờ ông coi là có thể bù đắp tội lỗi đã gây ra.
Tôi chưa từng gặp Bob Kerrey, nhưng tôi may mắn có một
người bạn thân, Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học
Harvard, Chủ tịch Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (the Trust for University
Innovation in Vietnam – TUIV), đơn vị chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư
cho FUV, cũng là người đã trực tiếp chọn Bob Kerry cho vị trí Chủ tịch Hội đồng
Tín thác FUV. Thomas Vallely kể với tôi rằng, khi những người bạn cựu chiến
binh chiến tranh Việt Nam của Bob Kerrey là thượng nghị sĩ McCain và ngoại trưởng
John Kerry đến gặp Bob để giúp ông trước nỗi ám ánh tội lỗi đeo đẳng, thì Bob
đưa ra cho các bạn một yêu cầu buộc họ phải cam đoan: tuyệt đối không
được bào chữa cho ông! Tôi nói với Thomas Vallely: “Vậy thì ông đã chọn rất
đúng người lãnh đạo FUV!”.
Tôi cũng nói với Vallely rằng, nhưng phần tôi, là một
người cũng từng có mặt trong suốt cuộc chiến tranh ấy, tôi thấy tôi cũng có bổn
phận nói điều này khi tôi đọc được câu Bob Kerrey trả lời phóng viên
Vietnamnet. Ông nói: “Hành động của tôi ở Việt Nam là kinh khủng và tôi tin đã
được điều tra kĩ càng. Đó không phải là Mỹ Lai. Tuy nhiên, như bộ phim tài liệu
sẽ sớm được phát của Ken Burns cho thấy: Chiến thuật của chúng tôi đã khiến
ít nhất một triệu người vô tội thiệt mạng.” Bob Kerrey không để cho ai bào
chữa cũng quyết không tự bào chữa cho mình, ông biết ông là một tội phạm không
cầu mong được tha thứ, nhưng đồng thời bằng trải nghiệm đau đớn nhất của mình,
ông cũng chỉ ra mâu thuẫn chết người trong cái mà ông gọi là “chiến thuật của
chúng tôi”, tức của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam: để tiêu diệt Việt Cộng phải
đánh bật họ ra khỏi dân thường, ra khỏi “phụ nữ và trẻ con” (còn được gọi là
chiến thuật “tát nước để bắt cá”). Mà điều ấy là vô phương, bởi vì, đặc biệt ở
nông thôn, thời ấy, hai thực thể đó về căn bản là một. Không thể đánh trúng cái
này mà không đánh trúng cái kia! Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân,
đàn bà và trẻ con! Cho nên, cho phép tôi nói điều này: Bob Kerrey là tội phạm,
điều ấy ông đã đau đớn nhận, nhưng ông cũng là nạn nhân. Nạn nhân bi thảm của
cái “chiến thuật” nghe rất hay ho kia. Bob Kerrey nhận ra mâu thuẫn chết người ở
chiến thuật ấy, nhưng không dùng nó để bào chữa cho mình. Điều đó là vĩ đại.
FUV có được một người đứng đầu như vậy là tuyệt đẹp. Và tôi cho lựa chọn của
FUV là thật nhân văn.
Còn riêng đối với chúng tôi thì sao, chúng tôi, những
người từng là lính Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp”
trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy,
như chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn
sàng chết để che cho chúng tôi?
Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…
2-6-2016
*
Bình luận :
Nguyên
Ngọc không dám nói sự thật : “Chiến
thuật dùng dân làm bia đở đạn của Việt Cộng”
----------------------
Hồng Thủy
13:30 03/06/16
(GDVN)
- Có thể ông Bob Kerrey sẽ vẫn tiếp tục im lặng chịu trận từ những cú đòn của
dư luận như bao lâu nay ông vẫn làm, tiếp tục cắn răng âm thầm đóng góp.
Tranh cãi xung quanh việc cựu Thượng nghị sĩ Bob
Kerrey đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright tiếp tục
là chủ đề nóng được dư luận quan tâm, với những tiếng nói trái chiều nhau cả
trên mặt báo cũng như mạng xã hội.
Phần lớn các ý kiến phản đối ông Bob Kerrey đảm nhận
vị trí này vì "lý lịch có vấn đề", liên quan đến vai trò của cựu Thượng
nghị sĩ này trong một cuộc thảm sát năm 1969 ở Bến Tre. Còn lại một số ít quan
điểm đưa ra thêm nghi vấn về năng lực của ông Bob Kerrey.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin chia sẻ
một số suy nghĩ của cá nhân mình xoay quanh bản chất vấn đề cựu Thượng nghị sĩ
Bob Kerrey có xứng đáng với vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright
Việt Nam hay không, bởi dường như vẫn có ai đó muốn ép ông Bob Kerrey rời vị trí
này bằng được nhưng lại không đưa ra lý do thuyết phục.
Ông
Bob Kerrey là người nuôi dưỡng ý tưởng từ trứng nước, trực tiếp gây dựng Đại học
Fulbright
Phần Giới thiệu trên website Đại học Fulbright Việt
Nam cho biết: "Thành lập từ năm 1994, Trường Fulbright là kết quả
hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Harvard
Kennedy.
Ngân sách hoạt động chính của chương trình do Vụ Văn
hóa và Giáo dục, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. Đây là một tổ chức giáo dục của
Việt Nam với sự tham gia của các đối tác quốc tế.
Trường hoạt động theo những nguyên tắc quản trị làm
tiền đề cho sự ưu việt, đó là tính tự chủ, chân giá trị, trách nhiệm giải trình
và chuẩn mực cao."
Còn theo chia sẻ của cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey với
Báo Vietnamnet ngày 1/6, để đi đến quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt
Nam là cả một quá trình dài, bản thân ông tham gia từ khi mới hình thành ý tưởng.
Năm 1991, ông Bob Kerrey tham gia dự án phân bổ ngân
sách Quỹ Fulbright để thành lập một trường đào tạo cao học ở thành phố Hồ Chính
Minh. Tên gọi dự án này là Chương trình Việt Nam Đại học Havard, do ông Thomas
Vallely làm Giám đốc.
Cũng chính Bob Kerrey và các cộng sự đã nâng cấp
chương trình cao học này trong Đạo luật Bình thường hóa quan hệ với Việt Nam
năm 1995, tiếp tục nâng cấp nó vào năm 2000 bằng một dự luật ông là đồng bảo trợ.
Đại học Havrad và New School lúc đó Bob Kerrey làm
Chủ tịch đã thực hiện hai nghiên cứu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về vấn
đề, Việt Nam cần làm gì để có một đại học độc lập ưu việt. Tầm nhìn Đại học
Fulbright Việt Nam hình thành từ những nghiên cứu này.
Lộ trình thành lập Đại học Fulbright Việt Nam được
thảo luận, thống nhất trong một cuộc họp năm 2013 có sự tham dự của nguyên Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.
Như vậy việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam
cùng cơ chế hoạt động, bộ máy tổ chức, phương châm đào tạo...đã được các cơ
quan chức năng hai nước bàn bạc rất chặt chẽ, cẩn thận và có sự tham dự của các
nhà lãnh đạo cấp cao.
Bob
Kerrey - người vác tù và hàng tổng: Xin tiền, gây quỹ nuôi Đại học Fulbright
Cũng trên Báo Vietnamnet ngày 1/6, ông Thomas
Vallely - Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV) chịu trách
nhiệm huy động ngân sách cho Đại học Fulbright Việt Nam hoạt động đã chia sẻ,
TUIV mời ông Bob Kerrey làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác vì 4 lý do.
Thứ nhất, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính
là đóng góp lâu dài và lòng nhiệt thành của cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerry cho
quan hệ Mỹ - Việt, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Chính Bob Kerrey là nhà bảo trợ chính cho đạo luật thành
lập Quỹ Giáo dục Việt Nam, giúp hàng trăm người Việt sang Mỹ học cao học và tiến
sĩ các ngành khoa học tự nhiên.
Thứ hai, Bob Kerrey có kinh nghiệm quản lý và lãnh đạo
giáo dục với 10 năm làm Chủ tịch Đại học New School, mặc dù có nhiều quyết định
táo bạo và gây tranh cãi. "Táo bạo" là tố chất TUIV đang tìm kiếm cho
vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright.
Thứ ba, Bob Kerrey có kinh nghiệm và mạng lưới quan
hệ để huy động tài chính cho hoạt động của Đại học Fulbright mà TUIV đánh giá
là "tài sản vô giá" đối với cơ sở đào tạo này.
Thứ tư, Bob Kerrey là người có truyền thống, tư duy
đổi mới giáo dục, phù hợp với tầm nhìn của Đại học Fulbright Việt Nam.
Trong số 4 lý do TUIV lựa chọn Bob Kerry, người viết
cho rằng nhân tố thứ 3 đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khó có thể kiếm được người
thay thế ông trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt
Nam, bởi nói gì thì nói, có thực mới vực được đạo.
Bản thân ngài Thomas Vallely cũng thừa nhận: "Ở
một trường đại học tư không vì lợi nhuận, điều có ý nghĩa sống còn là hội đồng
tín thác phải có kinh nghiệm gây quỹ.
Bob là một nhân vật nổi tiếng trong chính giới và
công chúng Mỹ suốt 40 năm qua. Ông ấy có thể sử dụng các mối liên kết và quan hệ
của mình để huy động các nguồn lực cho FUV.
Hơn nữa, chúng tôi hẳn đã không thể vận động thành
công khoản tài trợ 20 triệu USD từ Chính phủ Mỹ nếu không nhờ những mối quan hệ
của Bob với những lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hoà trong Thượng viện."
Còn bản thân Bob Kerrey nói gì về vai trò của mình?
Không thể phủ nhận vai trò của Bob Kerrey trong việc hình thành và phát triển của
Chương trình Giáo dục Kinh tế Fulbright và nay là Đại học Fulbright Việt Nam,
nhưng ông ấy không nhận công lao đó thuộc về mình.
Bob Kerry được Vietnamnet dẫn lời cho hay: "Trường
Đại học Fulbright Việt Nam là một dự án do chính người Việt Nam xây dựng và
phát triển. Hiệu trưởng của trường và hội đồng trường chủ yếu là người Việt Nam
sẽ cùng nhau vun đắp và phát triển những truyền thống của trường mang bản sắc của
Việt Nam.
Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Tín thác, tất cả những
gì tôi có thể làm được là ủng hộ hết mình ban lãnh đạo người Việt Nam để cùng
xây dựng một cơ sở đào tạo xuất sắc, trước hết là hỗ trợ vận động gây quỹ.
Chúng tôi sẽ cần xây trường, cung cấp học bổng hỗ trợ
cho sinh viên và giúp cho FUV bền vững về mặt tài chính."
Nói cách khác thì Bob Kerry đang chủ yếu làm công việc
xin tiền, gây quỹ để nuôi Đại học Fulbright, một việc người viết cho là vô cùng
khó khăn và phức tạp.
Một phần vì tính chất phi lợi nhuận của dự án, một
phần vì tầm nhìn đòi hỏi yêu cầu rất cao đối với chương trình đào tạo, làm sao
chi phí thấp mà chất lượng cao, và một phần nữa vì chính những rào cản tâm lý
và dư luận xã hội từ cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ.
Ông ấy đang làm công việc "vác tù và hàng tổng",
chứ chẳng có "màu mỡ" gì ở đây. Nếu không vì tình yêu và mong muốn
chuộc lỗi với Việt Nam, có lẽ ông đã nghỉ ngơi vui thú điền viên cho thoải mái,
việc gì phải đi ngửa tay xin tiền cho Đại học Fulbright Việt Nam.
Bob
Kerrey là người xứng đáng nhất
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối
ngoại của Quốc hội được báo điện tử Zing và Thanh Niên dẫn lời nhận định:
“Ông Bob Kerrey là người đã trực tiếp tham gia vào
cuộc thảm sát thường dân vô tội, phụ nữ, trẻ em, người già tại thôn Thạnh Phong
(Bến Tre) vào tháng 2.1969, điều này không thể chối cãi và chính ông Kerrey
cũng thừa nhận”.
Do đó theo bà, nói theo cách nhẹ nhất, ông Bob
Kerrey hoàn toàn không nên giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học
Fulbright Việt Nam.
“Tôi tin chắc là phía Mỹ có thể tìm được người phù hợp
về mặt chuyên môn và kinh nghiệm và tên tuổi không bị tai tiếng. Những người bạn
Mỹ mà tôi có trao đổi hai hôm nay cùng chia sẻ quan điểm như thế...
Tôi tin rằng, việc thay đổi người vào chức danh này
không những không ảnh hưởng đến quan hệ hai nước đang tiến triển tốt đẹp, ngược
lại việc này sẽ đặt hợp tác Việt - Mỹ trong khuôn khổ FUV trên một nền tảng, khởi
điểm bình đẳng, lành mạnh và vững bền”, bà Ninh cho
biết.
Người viết tôn trọng quan điểm của bà Tôn Nữ Thị
Ninh về lý lịch của ông Bob Kerrey trong chiến tranh.
Nhưng cho rằng "nói theo cách nhẹ nhất, ông Bob
Kerry hoàn toàn không nên giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác FUV", hay
"phía Mỹ có thể tìm được người phù hợp về mặt chuyên môn và kinh nghiệm và
tên tuổi không bị tai tiếng" thì e rằng không phù hợp.
Nói về lý, hai sự việc này không liên quan gì đến
nhau. Bởi lẽ vị trí Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright là nhằm kiếm
tiền cho trường duy trì hoạt động, phát triển đúng định hướng, tầm nhìn đặt ra
mà cả Hoa Kỳ và Việt Nam đã bàn bạc, thỏa thuận.
Nó căn cứ trên nhu cầu của Đại học Fulbright Việt
Nam cũng như khả năng đáp ứng của cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey chứ không phải
lý lịch của ông ấy.
Hai là việc điều hành hoạt động và nội dung giảng dạy
của Đại học Fulbright Việt Nam không phải do ông Bob Kerrey, mà do chính Việt
Nam xây dựng, như ông khẳng định:
"Đại học Fulbright Việt Nam là một dự án do
chính người Việt Nam xây dựng và phát triển. Hiệu trưởng của trường và hội đồng
trường chủ yếu là người Việt Nam sẽ cùng nhau vun đắp và phát triển những truyền
thống của trường mang bản sắc của Việt Nam."
Gắn lý lịch của ông vào chức vụ này quả thật khiên
cưỡng và không thuyết phục.
Ba là dự án xây dựng Đại học Fulbright là thành quả
nỗ lực của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có sự tham gia của cả một
trong những nhà lãnh đạo cao nhất, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Vì thế các chi tiết liên quan đến mọi hoạt động và bộ
máy nhân sự của trường là thành quả nỗ lực từ hai phía. Nói về pháp lý thì người
viết tin rằng chẳng có lý do gì để yêu cầu ông Bob Kerrey khỏi vị trí này, còn
về tâm lý tình cảm, ai ủng hộ hay phản đối ông là câu chuyện khác.
Bốn là, nếu ai đó cho rằng xin tiền tài trợ cho một
trường đại học phi lợi nhuận tiêu chuẩn cao như Fubright Việt Nam đặt ra là một
việc dễ dàng và nhiều người có thể thay thế ông Bob Kerry, vậy xin quý vị hãy
đưa ra một vài nhân sự có thể lo liệu việc này và sẵn sàng gánh vác công việc ấy!
Còn nếu như chỉ tìm cách đẩy ông Bob Kerry rời khỏi
vị trí này, sau đó ai sẽ thay thế ông để làm cái việc vác tù và hàng tổng ấy
thì "đã có Mỹ lo" thì người viết e rằng hơi khiên cưỡng và có phần
thiếu trách nhiệm.
Hoặc phải chăng ở đây vẫn có sự nhầm lẫn nào đó về
vai trò, vị trí, chức năng ông Bob Kerrey đảm nhiệm tại Đại học Fulbright Việt
Nam.
Nuôi
thù hận sẽ chẳng ích gì
Nói về tình, những tiếng nói phản đối ông Bob Kerry
đều lấy lý do những hành động của ông trong quá khứ, cụ thể là cuộc thảm sát tại
Thạnh Phong, Bến Tre tháng 2 năm 1969, thì chính những gì ông Bob Kerrey đã,
đang và sẽ tiếp tục làm là một cách sám hối, chuộc lỗi của cá nhân ông ấy với
các nạn nhân.
Người có quyền tha thứ cho Bob Kerrey phần lớn đã ở
cõi vĩnh hằng. Thiết nghĩ, chỉ có một số nạn nhân may mắn sống sót trong trận
càn năm ấy và thân nhân của những người đã khuất vì những trận càn do Bob Kerrey
chỉ huy, ra lệnh hay trực tiếp tham gia mới có quyền tha thứ hay không tha thứ
cho ông, đành rằng lên án chiến tranh, những hành vi tội ác và những kẻ gây tội
ác là quyền không của riêng ai.
Người Việt Nam ngày nay có thể có nhiều quan điểm
khác nhau, nhưng chúng ta chỉ có thể ủng hộ hay phản đối, không thể nhân danh
những nạn nhân ấy, không thể nhân danh dân tộc này để đưa ra phán xét, hơn nữa
lại còn lấy đó làm công cụ để gạt Bob Kerrey khỏi cương vị có thể đóng góp tốt
nhất cho quan hệ Việt - Mỹ, và cũng là cách tốt nhất để ông sám hối về những gì
đã qua.
Dù các nạn nhân và gia đình nạn nhân có tha thứ cho
Bob Kerrey hoàn toàn trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai đi nữa,
thì người viết tin rằng chính bản thân ông, tòa án lương tâm trong ông vẫn
không buông tha cho Bob Kerrey.
Nếu lương tâm Bob Kerrey tự "xóa án" cho
mình, có lẽ ông đã vui vẻ sống nốt phần đời còn lại của mình trong an nhàn ở
Hoa Kỳ, hà tất phải vất vả bao năm nay, giờ qua Việt Nam giơ đầu chịu báng trước
dư luận?
Chọn cách né tránh thì quá dễ. Chọn cách đối diện với
sự thật và vượt qua mặc cảm mới khó.
Người viết cho rằng Bob Kerrey là tấm gương dũng cảm,
tiến bộ và nhân văn cho tất cả những ai đã từng cất quân xâm lược Việt Nam hay
gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu cho nhân loại.
Trong khi thế giới vẫn không ngày nào im tiếng súng,
chủ nghĩa bành trướng vẫn từng ngày tác oai tác quái trên Biển Đông, thiết nghĩ
những người như Bob Kerrey quý lắm.
Một tấm lòng chí thành như thế mà nỡ dội lên những
gáo nước lạnh, đặc biệt lại không phải từ chính các nạn nhân trong cuộc sẽ khiến
thế giới nghĩ gì về chúng ta, những người Việt Nam vẫn xem mình là vị tha, độ
lượng, là không ác cảm với Mỹ, không ghét Mỹ vì chiến tranh?
Có thể ông Bob Kerrey sẽ vẫn tiếp tục im lặng chịu
trận từ những cú đòn của dư luận như bao lâu nay ông vẫn làm, tiếp tục cắn răng
âm thầm đóng góp cho quan hệ Việt - Mỹ trên bất cứ lĩnh vực nào trong khả năng
có thể, bởi nó đã trở thành tình cảm và lựa chọn của ông.
Nhưng bạn bè chúng ta sẽ nghĩ khác về chúng ta, và
những kẻ lâu nay vẫn lăm le dòm ngó lãnh thổ, độc lập chủ quyền của dân tộc này
chắc hẳn mừng rỡ lắm.
Nhiều người đứng ngồi không yên khi hai dân tộc Việt
- Mỹ hòa giải, hợp tác phát triển cùng phồn vinh, cùng bảo vệ hòa bình và ổn định
cho khu vực, luật pháp và trật tự quốc tế. Họ đang tìm cách chống lại điều này
còn chẳng được.
Bởi vậy, người viết mới có mấy lời này, dù ít dù nhiều
cũng để tỏ tấm lòng trân trọng, tri ân những ai đã vì tương lai tốt đẹp cho dân
tộc Việt Nam và quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các dân tộc khác.
Chính họ đã cố gắng, đã nỗ lực không ngừng nghỉ, bất
chấp mọi rào cản và định kiến, bất chấp những búa rìu dư luận để góp những viên
gạch thiết thực chung tay xây dựng tương lai cho Việt Nam và vun bồi tình hữu
nghị, hiểu biết, hòa giải và yêu thương.
Đúng hay sai xin mỗi người hãy bình tâm đứng trên
quan điểm lợi ích quốc gia dân tộc để xem xét, bởi thỏa mãn cảm xúc cá nhân thì
dễ, vượt lên mặc cảm chiến tranh và thù hận để gây dựng tương lai mới khó.
Đặc biệt là trong bối cảnh đất nước này, dân tộc này
đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, cũng như thời cơ vận hội bứt phá
vươn lên, muốn vươn lên không thể thiếu những cánh tay thân thiện của bạn bè. Xin
đừng ngoảnh mặt với những tấm lòng như Bob Kerrey.
Chừng nào chủ nghĩa lý lịch vẫn còn là rào cản
trong tư duy chúng ta, chừng đó nói đến hòa giải, lòng tin chiến lược để phát
triển cường thịnh còn xa xôi lắm!
Hồng
Thủy
------------------------------
Nguyễn
Quang Thiều - Vietnamnet - 03/06/2016 08:13
GMT+7
Tôn
Nữ Thị Ninh (FB Nguyễn Phạm Thu
Uyên 1-5-2016)
VietNamNet -
01/06/2016 09:53 GMT+7
No comments:
Post a Comment